Lãnh đạo EVN nghĩ gì khi xin trích thưởng 1.002 tỉ đồng?
"Cho đến thời điểm này, chúng tôi chưa trích một đồng nào lập Quỹ khen thưởng năm 2007. Mọi đề xuất của EVN sau khi có ý kiến của các bộ Tài chính, Công Thương sẽ được Thủ tướng Chính phủ quyết định.Thủ tướng quyết như thế nào, chúng tôi sẽ theo như thế", ông Đinh Quang Tri - Phó TGĐ Tập đoàn Điện lực VN (EVN) trả lời phóng viên Lao Động chiều 20.10.
EVN: "Chúng tôi cứ đề xuất thế..."
Căn cứ vào Quyết định 276/2006/QĐ-TTg ngày 4.12.2006 của Thủ tướng Chính phủ về giá bán điện thì tiền chênh lệch từ tăng giá điện được sử dụng cho đầu tư phát triển điện. Vì vậy, khoản chênh lệch giá điện theo tính toán của EVN năm 2007 là 2.763 tỉ đồng lẽ ra phải được chuyển toàn bộ vào Quỹ đầu tư phát triển điện.
Tuy nhiên, theo EVN, trong năm 2007, thực hiện Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) và Nghị định 199 của Chính phủ về quản lý tài chính của Cty nhà nước và quản lý vốn nhà nước đầu tư vào DN khác, trong đó Điều 27 quy định: Mức phân phối lợi nhuận sau khi nộp thuế phải chia lãi cho các thành viên góp vốn theo hợp đồng, bù đắp các khoản nợ trước và trích l0% lập quỹ dự phòng tài chính. Sau đó, DN mới được trích lập các quỹ khen thưởng phúc lợi, lợi nhuận còn lại được chia theo vốn tự huy động.
Vì vậy, để xử lý vấn đề này, Phó Thủ tướng thường trực Nguyễn Sinh Hùng tại buổi làm việc với EVN đã yêu cầu sau khi kết thúc năm 2007, EVN phải báo cáo Bộ Tài chính phối hợp với Bộ Công Thương xem xét trình Chính phủ quyết định.
EVN giải thích rằng, với khoản chênh lệch giá điện (2.763 tỉ đồng) để đầu tư cho ngành điện chỉ như "muối bỏ bể" bởi trên thực tế năm 2007, EVN phải đầu tư tới 31.347 tỉ đồng, năm 2008: Đầu tư 43.000 tỉ đồng. Theo EVN : Đối với đặc thù ngành điện có số lượng CBCNV lớn (lên tới 84.000 người, EVN cho rằng việc ưu tiên tăng vốn đầu tư theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ là cần thiết, song cũng cần xem xét tới quyền lợi của 84.000 CBCNV ngành điện.
Đó là lý do tại sao tập đoàn này kiến nghị xử lý tổng lợi nhuận thực hiện năm 2007 của EVN và các DN thành viên do EVN giữ 100% vốn được trích 3 tháng lương (sau khi nộp thuế TNDN 28%, trích lập quỹ dự phòng tài chính), để lập Quỹ khen thưởng phúc lợi (tương ứng với 1.002 tỉ đồng). Phần còn lại mới được bổ sung vào Quỹ đầu tư phát triển (tương ứng với 1.490 tỉ đồng).
Cũng theo báo cáo của EVN, trong năm 2007, tập đoàn này đã lãi trước thuế 3.842 tỉ đồng (số tròn). Nếu chuyển toàn bộ chênh lệch giá điện để đầu tư theo chỉ đạo của Thủ tướng, lợi nhuận trước thuế của EVN chỉ còn khoảng 1.100 tỉ đồng. EVN cho rằng, mức lợi nhuận phân phối như vậy là không phù hợp với quy định của Luật Thuế TNDN.
Bộ Tài chính: EVN trích tối đa 2 tháng lương
Sau khi nhận được đề xuất trên của EVN, Bộ Tài chính đã có dự thảo trình Thủ tướng Chính phủ phương án xử lý lợi nhuận. Theo Bộ Tài chính, thì việc đề xuất trích lập Quỹ phúc lợi khen thưởng của EVN 1.002 tỉ đồng là chưa hợp lý. EVN chỉ có thể trích tối đa 2 quỹ phúc lợi và khen thưởng bằng 2 tháng lương thực hiện nhân với số người thì tổng Quỹ khen thưởng phúc lợi sẽ chỉ còn 668 tỉ đồng. EVN phải trích Quỹ dự phòng tài chính 250 tỉ đồng. Số còn lại (lợi nhuận sau thuế trừ đi các quỹ) 1.824 tỉ đồng sẽ được bổ sung Quỹ đầu tư phát triển theo đúng quyết định của Thủ tướng.
Tuy nhiên, trong công văn phúc đáp của Bộ Công Thương, Thứ trưởng Lê Danh Vĩnh cho rằng: "Việc xác định mức chênh lệch giá điện như báo cáo của EVN là chưa phù hợp". Theo EVN, số chênh lệch 2.763 tỉ đồng được tính trên cơ sở chênh lệch giữa mức giá điện bình quân kế hoạch theo QĐ 276 và mức giá thực tế của năm 2006, tuy nhiên, trong năm 2007, EVN có triển khai tiếp nhận bán điện đến hộ dân nông thôn tại các xã đã tiếp quản. Vì vậy, cần xác định rõ khoản chênh lệch doanh thu từ giá bán buôn so với giá bán lẻ đến hộ dân. Bộ yêu cầu EVN phải xác định, làm rõ cơ sở cho ra khoản chênh lệch giá điện này. Về phân phối lợi nhuận và xử lý chênh lệch giá điện 2007, Bộ yêu cầu EVN đảm bảo đúng quy định của Luật Thuế TNDN và NĐ 199.
Trong bối cảnh EVN đang ra sức thuyết phục Chính phủ và người tiêu dùng tăng giá điện là rất bức bách để có vốn đầu tư cho điện, nếu không có giá điện hợp lý thì không có sức hút nhà đầu tư vào ngành này, rồi hiểm hoạ thiếu điện luôn rình rập. Nhưng với cách hành xử giành cho mình phần lợi (trích Quỹ phúc lợi lớn cho CBNV ngành điện), trong khi mỗi năm để đầu tư đủ điện cho nền kinh tế, ngành này phải chắt chiu đầu tư lên tới trên 40.000 tỉ đồng, không hiểu lãnh đạo ngành điện nghĩ gì?
Về việc EVN đề nghị trích thưởng 1.002 tỉ đồng:Các đại biểu Quốc hội nói gì?
* ĐB Nguyễn Đình Xuân (Tây Ninh): Một DN độc quyền của Nhà nước, khi được giao nhiệm vụ, trước hết phải hoàn thành nhiệm vụ rồi mới tính đến việc có lãi và được thưởng. Còn nếu chưa hoàn thành nhiệm vụ mà được thưởng thì hơi phản cảm. Tôi cho rằng, cần đánh giá hoạt động của EVN trong năm vừa qua, đã thực sự hoàn thành nhiệm vụ chưa và họ đã thực sự có lãi chưa?
Nếu nói thực sự có lãi, nghĩa là họ phải phục vụ tốt và thu được lợi nhuận. Trong tình hình hiện nay, giả sử họ có lãi thật thì thử hỏi họ đã bù đắp lại cho các DN bị họ cắt điện gây thiệt hại chưa? Như cách kinh doanh trong năm vừa rồi của EVN, hàng trăm, hàng nghìn lần cắt điện, kể cả những lần cắt điện không báo trước, thì họ không thể có lãi, nếu có chỉ là lãi ảo.
Chưa kể trước khi nói đến chuyện khen thưởng, còn phải xét đến sự minh bạch trong hoạt động của EVN. Có lúc họ kêu lỗ và yêu cầu phải tăng giá điện; hay thu không đủ chi nên phải cắt điện; còn bây giờ họ lại bảo có lãi, câu hỏi đặt ra ở đây là thực sự họ lỗ hay lãi? Và nếu thực sự họ có lãi thì liệu năm sau có cần thiết phải tăng giá điện hay không?
Theo quan điểm của riêng tôi, trong năm qua, ít nhất là EVN đã không hoàn thành nhiệm vụ. Khi Chính phủ giao nhiệm vụ xây dựng nhà máy, họ cũng đã phải trả lại; nhiệm vụ cung cấp điện cho nhân dân thì mất điện triền miên, như thế thì họ đã không hoàn thành nhiệm vụ. Khi đã không hoàn thành nhiệm vụ mà lại đòi được thưởng, thì cần phải làm rõ vì sao?
* ĐB Nguyễn Thị Nguyệt Hường (Hà Nội): Dù làm bất cứ điều gì thì lợi ích cộng đồng, của người tiêu dùng, các hộ kinh doanh, sản xuất phải được đặt lên trên hết. EVN đem sử dụng số vốn của mình để đầu tư vào các lĩnh vực khác, trong khi đó vẫn thiếu điện, tình trạng cắt điện triền miên thì liệu chúng ta có nên giữ mãi một DN duy nhất đầu tư về ngành điện hay không. Nếu như có những thành phần kinh tế khác có thể đầu tư cùng với EVN, mang lại lợi ích cho cộng đồng thì tại sao chúng ta không lựa chọn?
Còn việc EVN xin trích lại trên 1.000 tỉ đồng để lập quỹ khen thưởng, theo tôi, trong lúc nền kinh tế đất nước đang khó khăn, các tập đoàn, tổng công ty, DN - kể cả EVN - cần có sự chia sẻ, sử dụng số tiền ấy để sử dụng cho mục đích kinh doanh của DN và lợi ích của cộng đồng thì sẽ tốt hơn.
lđ
|