Thứ Ba, 21/10/2008 06:57

"Sốc" với đề xuất tăng giá điện của EVN 

Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã chính thức trình Bộ Công thương bản đề án giá điện "theo cơ chế thị trường".

Giá điện sinh hoạt tăng ít nhất 16%

Trong đề án trình Bộ Công thương, EVN đưa ra hai phương án tăng giá đối với điện sinh hoạt.

Phương án 1 gồm 6 nấc thang như hiện hành, dự kiến tăng bình quân của các nấc thang trong phương án này là 16% so với hiện nay, riêng nấc thang 100 kWh đầu tiên tăng 36% so với giá hiện hành.

Phương án 2 chia đôi nấc thang đầu tiên, mỗi nấc thang 50 kWh, thành 7 nấc thang, trong đó nấc thang 1 tăng 27% so với hiện hành, nấc thang 2 tăng 63% so với hiện hành, các nấc thang còn lại tăng 12% so với hiện hành.

Đối với điện sản xuất, giá bán dự kiến tăng 15,5% so với hiện hành. Giá bán điện cho đối tượng kinh doanh dịch vụ sẽ tăng 16% so với hiện hành.

Đối với người nghèo và đối tượng chính sách xã hội, EVN đưa ra phương án hỗ trợ mỗi hộ gia đình 50 kWh/tháng. Việc hỗ trợ chi trả theo tháng, nếu cứ trên 50 kWh/tháng sẽ không được hỗ trợ. Nếu căn cứ vào hóa đơn tiền điện của 3 tháng liên tiếp bình quân 1 tháng dưới 50 kWh, sẽ được hỗ trợ cả ba tháng. Theo thống kê của EVN, cả nước sẽ có khoảng trên 2,3 triệu hộ được hỗ trợ (sử dụng điện dưới 50 kWh điện/tháng).

Để thuyết phục tăng giá điện, EVN đã liệt kê ra một loạt các lý do: Chi phí sản xuất điện tăng cao do giá nhiều yếu tố đầu vào tăng (giá nhiên liệu, chi phí nhân công, giá thành xây dựng, chi phí điện mua từ bên ngoài, biến động tỷ giá giữa đồng nội tệ và các ngoại tệ); nhu cầu điện tăng nhanh, đòi hỏi lượng vốn đầu tư lớn cho phát triển điện, trong khi ngành điện đang gặp khó khăn trong việc huy động vốn cho phát triển điện; tham gia đầu tư sản xuất kinh doanh điện không chỉ các đơn vị của EVN mà còn cả các nhà đầu tư trong và ngoài nước, nếu cơ chế giá điện không rõ ràng, minh bạch thì rất khó thu hút các thành phần kinh tế tham gia đầu tư vốn vào ngành điện...

Gây "sốc" cho doanh nghiệp

Thực tế, ngoài việc tác động trực tiếp đến đời sống của người dân, giá điện chiếm một tỷ trọng lớn trong cơ cấu nhiều mặt hàng quan trọng như dệt may, sản xuất thép, xi măng... Nhưng trong đề án tăng giá điện, EVN đã không tính toán tới ảnh hưởng của ngành khác khi giá điện tăng.

Ông Lê Quốc Ân, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may VN cho biết: "Tăng giá điện để ngang bằng với các nước trong khu vực, thu hút đầu tư vào ngành này là đúng nhưng lợi nhuận của EVN phải do Nhà nước quản lý chặt chẽ vì đó là tập đoàn của Nhà nước. Nhà nước quản lý tiền lãi đó để đầu tư". Tuy nhiên, tăng ngay một lúc 15,5% thì ông Ân cho là đột biến, gây sốc. "Điện chiếm tới 15% giá thành chế biến của công nghiệp sợi. Giá điện tăng 15,5%, đồng nghĩa với việc giá thành của ngành sợi tăng thêm 3%. Chắc chắn là ngành sợi chịu không nổi, rất khó khăn. Muốn nội địa hóa sản phẩm thì phải đẩy mạnh sản xuất sợi, nhưng giá thành tăng, sức cạnh tranh kém thì quá trình nội địa hóa sẽ bị chậm lại" - Chủ tịch Ân lo lắng. Ông Ân đề nghị: "Có thể tăng lần đầu là 5 - 7%, tiếp theo là 10%".

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Nguyệt Hường, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Đầu tư Phát triển VN cho rằng: "Sức cạnh tranh của hàng hóa trong nước vốn đang kém, điện lại chiếm tỷ trọng lớn ở một số ngành nên một lúc tăng giá điện lên ngay 15,5% sẽ rất khó cho doanh nghiệp".

Đây mới chỉ là bản đề án do EVN trình, Cục Điều tiết điện lực sẽ thẩm tra, tính toán lại, báo cáo Bộ Công thương. Theo Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng: "Sau khi có ý kiến của Cục Điều tiết điện lực, Tổ liên ngành về giá điện, Bộ Công thương sẽ báo cáo Chính phủ. Chính phủ là người quyết định cuối cùng về việc tăng giá điện".

Quý 4 này, Bộ Công thương sẽ trình Chính phủ phương án tăng giá điện.

Nhìn vào các báo cáo tài chính của EVN, tập đoàn này hoạt động rất thuận buồm xuôi gió, làm ăn có lãi, kể cả trong lúc khó khăn nhất. Trong 4 năm qua, chi phí khâu phát điện của EVN tăng tới 44%. Nhưng với mức giá bán điện bình quân năm 2007 là 860,15 đồng/kWh, 6 tháng đầu năm 2008 tăng lên 868,73 đồng/kWh, EVN vẫn lãi lớn. Năm 2004, EVN đạt tổng doanh thu trên 33.656 tỉ đồng, lãi sau thuế là hơn 1.558 tỉ đồng. Năm 2007, tổng doanh thu của EVN là hơn 60.612 tỉ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt hơn 3.335 tỉ đồng, lợi nhuận còn lại của EVN năm 2007 là gần 3.000 tỉ đồng. Tỷ suất lợi nhuận trước thuế trên vốn nhà nước của EVN cũng liên tục tăng cao, năm 2004 là 5,59 lần, năm 2007 là 7,23 lần.

tn

Các tin tức khác

>   Doanh nghiệp thép bên bờ phá sản (21/10/2008)

>   Vẫn chưa giải được bài toán giá xăng (21/10/2008)

>   Các ĐBQH nói về việc EVN xin trích thưởng 1.002 tỷ đồng : Cần xem xét trách nhiệm xã hội của EVN (21/10/2008)

>   Quốc hội thảo luận: Dành 16% - 26% quỹ đất đô thị cho giao thông đường bộ (21/10/2008)

>   Việt Nam và Mỹ hợp tác về chứng nhận sản phẩm (21/10/2008)

>   Về vi phạm đo lường - chất lượng xăng dầu : Người dân còn bị “móc túi” dài dài! (21/10/2008)

>   Thiên Hòa giải quyết khiếu nại trong vòng 1 ngày (21/10/2008)

>   Gập ghềnh “tiêu hóa” vốn FDI (21/10/2008)

>   Nông sản rớt giá đồng loạt (21/10/2008)

>   Không tổ chức năm du lịch quốc gia 2009 (20/10/2008)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật