Thứ Ba, 21/10/2008 06:33

Các ĐBQH nói về việc EVN xin trích thưởng 1.002 tỷ đồng : Cần xem xét trách nhiệm xã hội của EVN

Những bức xúc về ngành điện đã lên tới “đỉnh điểm” khi mới đây, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) xin trích lại 1.002 tỷ đồng để lập quỹ khen thưởng từ khoản lãi có được do chênh lệch giá điện năm 2007 (2.763 tỷ đồng).

EVN kêu lỗ vốn và đòi tăng giá điện, kêu thiếu vốn để “trả lại” Chính phủ 13 dự án điện… nhưng vẫn có lợi nhuận và đòi trích thưởng với số tiền bằng 1,5 tổng thu ngân sách của một tỉnh. Trao đổi với PV Báo SGGP bên lề kỳ họp, ngày 20-10, ý kiến của nhiều ĐBQH cho rằng, cần xem xét lại trách nhiệm xã hội của EVN.

ĐB Nguyễn Đình Xuân (Tây Ninh): Việc xin trích thưởng này rất phản cảm!

Trước khi đặt vấn đề khen thưởng phải xét xem EVN đã hoàn thành nhiệm vụ hay chưa; nếu khen thưởng cho một người không hoàn thành nhiệm vụ thì đó là hành vi phản tác dụng. EVN hoàn toàn có thể giảm bớt cắt điện trong thời gian qua bằng cách mua điện với giá cao hơn, ví dụ huy động công suất nhiều hơn từ các nhà máy nhiệt điện (hiện EVN chỉ mua với giá thấp để có lãi).

Vào mùa khô, mùa cao điểm, EVN càng cắt điện càng có lãi. Nếu lấy cái lãi đó thưởng thì hóa ra chúng ta lại khuyến khích cắt điện. Nhưng vấn đề cốt yếu là EVN không có lý do gì để được thưởng vì không hoàn thành nhiệm vụ đối với nhân dân.

EVN dùng tiền thuế của dân để đầu tư, được hưởng các ưu đãi, đặc quyền với mục tiêu phục vụ nhân dân nhưng họ đã không hoàn thành nhiệm vụ, chưa nói đến việc thu nhập của lao động trong ngành điện cao hơn rất nhiều mức bình quân của lao động trong các ngành khác. Tôi biết ở Nghệ An có những giáo viên lĩnh lương tháng 500.000 đồng.

Có thể Bộ Tài chính căn cứ vào những quy định của Luật Doanh nghiệp để chấp thuận đề nghị của EVN. Nhưng đấy là về lý thuyết, còn về thực tế thì một doanh nghiệp nếu muốn được thưởng phải có lãi thật chứ không phải lãi trên cơ sở cắt điện, giảm chi phí mua điện để phát lên lưới nên việc xin trích thưởng này là rất bất bình thường. Không những không thưởng mà còn có thể xem xét trách nhiệm và kỷ luật.

Về đề xuất tăng giá điện, tôi không hiểu vì sao có lãi như vậy rồi mà vẫn đòi tăng nữa. EVN bảo lỗ nhưng báo cáo thực tế năm 2007 là lãi. Con số lãi hơn 2.700 tỷ đồng là không ít. Chừng đó đã hơn 1,5 lần tổng thu ngân sách của tỉnh Tây Ninh chúng tôi rồi. Nếu để đầu tư thì họ có thể lấy từ nhiều nguồn khác, chứ không lấy từ giá bán điện vì nó chẳng đáng là bao. Ở đây, tôi đồng ý là phải sớm thực hiện thị trường điện cạnh tranh, và người dân phải trả tiền điện theo giá thị trường. Tôi nghĩ người dân có thể chấp nhận trả tiền điện đắt hơn 20%, 50%... còn hơn là bị cắt điện triền miên.

ĐB Nguyễn Tiến Quân (Quảng Nam): Ngành điện cần chia sẻ với dân trong lúc khó khăn

Hoạt động của các tổng công ty nói chung và EVN nói riêng là nhằm phục vụ nhân dân chứ không chỉ vì lợi ích riêng của tập đoàn. Thu nhập của cán bộ công nhân EVN được xem là cao hơn mặt bằng bình quân chung.

Một nghịch lý là trong thời gian qua ngành điện liên tục kêu lỗ, không có vốn để đầu tư và đòi “trả lại” 13 dự án điện, trong khi lại báo cáo lãi với Bộ Tài chính để xin trích thưởng. Mà số lãi này không phải là nhỏ, lên tới trên 2.700 tỷ đồng.

Tôi cho rằng ngành điện phải xem xét lại, cần phải xuất phát từ quyền lợi của đất nước và chia sẻ với người dân trong hoàn cảnh khó khăn hiện nay. Số lãi này nên dùng để tái đầu tư, phát triển thêm các cơ sở điện mới phục vụ nhu cầu sản xuất, dân sinh bởi hiện nay đời sống của hàng chục triệu người dân khu vực nông thôn đang rất khó khăn.

Theo “Đề án giá điện theo cơ chế thị trường” vừa hoàn thành ngày 6-10, EVN đề xuất điều chỉnh giá điện như sau:

– Giá bán điện cho sản xuất dự kiến tăng 15,5% so với hiện hành; có biểu riêng cho các ngành sản xuất bình thường (với 4 cấp điện áp và theo giờ cao điểm/thấp điểm); cho bơm nước tưới tiêu phục vụ nông nghiệp và cho khu công nghiệp với 2 cấp điện áp theo giờ cao điểm/thấp điểm.

– Giá bán điện cho các cơ quan hành chính sự nghiệp dự kiến tăng bình quân 16% so với hiện hành.

– Giá bán điện cho hộ kinh doanh dịch vụ: dự kiến tăng 16%.

– Giá bán điện cho sinh hoạt (bán lẻ bậc thang).

+ Phương án 1: bao gồm 6 nấc thang như hiện hành, mức tăng bình quân các nấc thang là 16%; riêng nấc thang đầu tiên với 100kWh đầu tiên tăng 36% so với hiện hành, ngang bằng 75% giá thành điện bình quân.

+ Phương án 2: chia đôi nấc thang đầu tiên, mỗi nấc 50kWh thành 7 nấc. Trong đó, nấc 1 tăng 27% so với hiện hành; nấc 2 tăng 63%, các nấc còn lại tăng 12% so với hiện hành.

– Giá bán buôn điện nông thôn và khu tập thể, cụm dân cư có quy định khác; có phân biệt giá bán buôn ở TP với thị xã, thị tứ, thị trấn, huyện lỵ.

Nội dung đề án giá điện này còn phải lấy ý kiến đóng góp của Tổ công tác liên ngành về giá điện do Bộ Công thương chủ trì. Đề án giá điện chính thức sẽ được tổ này trình Chính phủ vào quý 4 năm nay.

Phó Tổng Giám đốc EVN Đinh Quang Tri: EVN không bị lỗ

Chiều 20-10, trao đổi với báo chí, ông Đinh Quang Tri, Phó Tổng giám đốc EVN, khẳng định từ năm 1995 đến nay EVN không hề lỗ. Nếu chi phí năm 2007 không bị đội lên thì EVN phải lãi trên 6.000 tỷ đồng. Việc xin trích 1.002 tỷ đồng là để đảm bảo quyền lợi cho người lao động.

Ông Đinh Quang Tri cho biết trong cách tính doanh thu năm 2007 của EVN, do không tách phần chênh lệch giá điện cũ và mới nên tính ra số lãi của EVN thu từ các khoản đầu tư, tài chính là trên 3.800 tỷ đồng, trong đó có cả lãi do chênh lệch tăng giá điện là 2.763 tỷ đồng. Do giá dầu tăng làm đội chi phí lên hơn 3.000 tỷ đồng trong năm 2007 và EVN cũng phải gánh. Nhưng với nỗ lực của mình, EVN đã lãi hơn 3.842 tỷ đồng trước thuế. Đáng lẽ lợi nhuận của EVN phải trên 6.000 tỷ đồng nếu giá dầu không tăng, giá điện mua ngoài không tăng cao.

Về căn cứ để xin trích 1.002 tỷ đồng làm quỹ khen thưởng, ông Đinh Quang Tri giải thích: Căn cứ vào tổng lợi nhuận năm 2007 của EVN và các đơn vị thành viên do EVN giữ 100% vốn sau khi nộp thuế thu nhập doanh nghiệp 28%, trích quỹ dự phòng tài chính, và đơn vị xin trích 3 tháng lương bình quân thực hiện để làm quỹ khen thưởng phúc lợi. Mức tính trên cơ sở mức lương bình quân của các cán bộ, công nhân viên EVN là 3,9 triệu đồng/tháng của 84.000 cán bộ, công nhân viên ngành điện nhân với 3 tháng để làm quỹ chia thưởng. Đây là cách tính theo mục 5 Điều 27 Nghị định 199 của Chính phủ. Nếu không lo cho người lao động thì họ sẽ không yên tâm làm việc. “Số tiền 1.002 tỷ đồng cho quỹ phúc lợi này không là gì so với tổng số 600.000 tỷ đồng mà chúng tôi đang thiếu” – ông Tri nói.

Về chuyện lỗ lãi của tập đoàn, ông Tri khẳng định: từ năm 1995 đến nay EVN chưa lỗ. Cụ thể năm 2004, lợi nhuận sau thuế của EVN là 1.558 tỷ đồng. Năm 2005 lợi nhuận sau thuế là 2.327 tỷ đồng. Năm 2006 lợi nhuận 2.256 tỷ đồng. Năm 2007 lợi nhuận sau thuế 2.763 tỷ đồng.

Như EVN nhiều lần báo cáo là lỗ ở phần mua điện giá cao và bán giá thấp. Còn về tổng thể thì EVN không lỗ. EVN vẫn lãi vì nếu lỗ thì các tổ chức tài chính sẽ không cho vay đầu tư nữa. Nếu EVN không phải đầu tư tăng trưởng ở mức 15% – 17%/năm và chỉ làm theo năng lực của mình với mức tăng trưởng dùng điện ở mức 5% - 7% thì EVN không cần tăng giá điện. Như vậy EVN sẽ không phải đi mua 7 – 8 cent/kWh rồi bán 5 cent/kWh. Còn EVN phải mua giá cao từ các nhà máy mới là do họ chi phí như vậy, nếu không mua thì họ sẽ không phát triển nhà máy mới nữa và sẽ dẫn đến thiếu điện.

sggp

Các tin tức khác

>   Quốc hội thảo luận: Dành 16% - 26% quỹ đất đô thị cho giao thông đường bộ (21/10/2008)

>   Việt Nam và Mỹ hợp tác về chứng nhận sản phẩm (21/10/2008)

>   Về vi phạm đo lường - chất lượng xăng dầu : Người dân còn bị “móc túi” dài dài! (21/10/2008)

>   Thiên Hòa giải quyết khiếu nại trong vòng 1 ngày (21/10/2008)

>   Gập ghềnh “tiêu hóa” vốn FDI (21/10/2008)

>   Nông sản rớt giá đồng loạt (21/10/2008)

>   Không tổ chức năm du lịch quốc gia 2009 (20/10/2008)

>   Ký kết hợp tác, tạo điều kiện cho doanh nghiệp dễ dàng lưu thông hàng hóa (20/10/2008)

>   Khởi động dự án trung tâm điện lực Kiên Lương (20/10/2008)

>   Hơn 27.800 tỷ đồng giúp nông dân phát triển sản xuất (20/10/2008)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật