Gập ghềnh “tiêu hóa” vốn FDI
Hơn 57,1 tỷ USD và 8,1 tỷ USD, đó là lượng vốn đầu tư nước ngoài (FDI) và số vốn FDI giải ngân được ở nước ta trong 9 tháng đầu năm nay. Hai con số đó đều rất lớn so với những giai đoạn trước đây nhưng tỷ lệ vốn giải ngân/vốn đăng ký lại khá thấp (chỉ hơn 14%) do còn vướng nhiều “lực cản”. Trong đó hai vấn đề nổi lên là nhân lực và công nghiệp phụ trợ.
Điệp khúc “thiếu nhân lực”!
Vào tháng 2-2008, Tập đoàn Berjaya Corporation Berhad (Malaysia) được UBND TPHCM trao giấy phép đầu tư dự án (DA) Trung tâm Tài chính Việt Nam (VFC). VFC là một phức hợp cao ốc văn phòng, khách sạn 5 sao, khu dịch vụ và trung tâm thương mại cao cấp... có tổng vốn đầu tư 930 triệu USD, tọa lạc tại khu đất rộng khoảng 25,4ha ở quận 10.
Tiếp đó, đầu tháng 7-2008, UBND TPHCM cũng trao giấy chứng nhận đầu tư DA Khu đô thị đại học quốc tế Việt Nam (VIUT) cho Berjaya. VIUT là dự án đầu tư lớn nhất tại TPHCM từ trước đến nay với tổng vốn lên đến 3,5 tỷ USD. Diện tích của DA lên đến 925ha, thuộc Khu đô thị Tây Bắc. Berjaya kỳ vọng đây sẽ là một khu đô thị đại học hiện đại nhất Đông Nam Á, gồm một trung tâm đào tạo đại học rộng 110ha, các tòa tháp căn hộ, trung tâm y khoa, trung tâm thương mại, công viên cây xanh... Đó là hai DA tiêu biểu trong gần chục DA của Berjaya tại VN.
Để triển khai những DA trên, tất nhiên yếu tố cần thiết đầu tiên là đội ngũ nhân sự. Ý thức được điều đó, trong quá trình chuẩn bị thủ tục, từ giữa năm 2007, Berjaya đã bắt đầu tuyển dụng nhân sự.
Dù cho rằng nguồn lao động VN rất dồi dào trên “giấy tờ” nhưng Tổng Giám đốc Berjaya VN Nguyễn Hoài Nam cũng thừa nhận là khá “đau đầu” để tìm được người ưng ý. Berjaya cần khoảng 10 người để quản lý mỗi dự án. Ngoài bộ phận cán bộ người nước ngoài, Berjaya cũng cần nhiều cán bộ người VN để tạo ra một đội ngũ làm việc hiệu quả, vì người VN hiểu rõ đặc điểm thị trường, văn hóa địa phương.
Theo ông Nam, nhân sự quản lý DA ở VN có đủ nhưng lại thiếu “chất”. Nếu qua sơ tuyển ở các công ty nhân sự thì tỷ lệ “làm được việc” cũng chỉ khoảng 50% do nhiều điểm yếu về ngoại ngữ, kinh nghiệm, thái độ và tác phong lao động… Còn nếu Berjaya trực tiếp tuyển thì số người lọt vô vòng hai chỉ từ 10%-20%! Nhân sự kém “thiện nghệ” là một trong những nguyên nhân khiến tốc độ triển khai các DA của Berjaya chậm lại so với kế hoạch ban đầu.
Tương tự là DA nhà máy sản xuất chip có tổng vốn đầu tư 1 tỷ USD tại Khu công nghệ cao TPHCM của Tập đoàn Intel. Đây là DA sẽ tạo ra cơ hội việc làm “thời thượng” lớn cho lao động VN. Bà Hồ Thị Thu Uyên, Giám đốc đối ngoại của Intel VN cho biết, nhà máy hiện đã tuyển được 200 nhân viên, trong đó có 40 chuyên gia nước ngoài và sẽ tiếp tục tuyển dụng thêm trong năm 2009, còn khi nhà máy đi vào hoạt động hết công suất sẽ cần đến 4.000 lao động.
Tuy nhiên, không những “đỏ mắt” mới tìm được người mà Intel còn phải đưa số nhân sự người VN ra nước ngoài tập huấn hoặc “bổ túc” một số kỹ năng để đạt “chuẩn Intel”. Theo bà Uyên, sở dĩ như vậy là do lao động VN thiếu kinh nghiệm thực tế trong lĩnh vực này dù yêu cầu về kỹ năng không quá cao, ngoài ra là yếu ngoại ngữ.
Công nghiệp phụ trợ: khoảng lặng!
Tại một cuộc hội thảo về phát triển các ngành công nghiệp phụ trợ (CNPT) do Phòng Thương mại và Công nghiệp VN tổ chức đầu tháng 9-2008, Tổng Thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp FDI Nguyễn Văn Toàn cho rằng, CNPT tạo ra giá trị gia tăng từ 80%-95% cho sản phẩm. Rõ ràng CNPT là yếu tố quyết định đến khả năng cạnh tranh trên thương trường của hàng hóa. Thế nhưng, hiện nay đóng góp của CNPT ở VN rất mờ nhạt.
Theo ông Toàn, hiện các doanh nghiệp sản xuất-lắp ráp ở VN phải nhập khẩu từ 70%-80% lượng sản phẩm phụ trợ! Với thực trạng trên, chuyện thu hút và “tiêu thụ” vốn FDI gặp khó khăn là điều dễ hiểu. Với DA nhà máy sản xuất lõi cáp quang của Công ty cổ phần Sợi Quang Việt (VFO) tại KCN Mỹ Phước (tỉnh Bình Dương), tình hình đầu tư cũng không “trọn vẹn”. DA trị giá 150 triệu USD này là nhà máy sản xuất lõi cáp quang đầu tiên ở Đông Nam Á, công nghệ được chuyển giao từ Israel.
Tổng Giám đốc VFO Nguyễn Thành Nhơn cho biết, ngoài nguyên liệu cát có sẵn ở VN, quy trình sản xuất cần phải có khí gas siêu sạch. Tuy nhiên, loại khí gas này VN chưa sản xuất được nên VFO đành phải nhập khẩu! Không cần phải “cao cấp” như khí gas siêu sạch mà ngay cả ở lĩnh vực xây dựng, tình cảnh cũng không mấy sáng sủa.
Theo Tổng Giám đốc Berjaya VN Nguyễn Hoài Nam, với các DA cao ốc của Berjaya ở VN, để phù hợp với thiết kế, phần vật liệu xây dựng, trang trí nội thất nhập khẩu chiếm 30% giá trị xây lắp; còn ở các DA resort, khu nghỉ dưỡng cao cấp, tỷ lệ này lên tới 40%! Do phải mất nhiều thời gian chọn lựa đối tác, vận chuyển, chi phí cao nên tốc độ triển khai DA cũng bị giảm đáng kể.
Về nguy cơ khi các ngành CNPT yếu kém, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp FDI Mai Thanh Hải ước tính, khoảng 2/3 giá trị nhập siêu của nước ta thuộc về những dây chuyền sản xuất, thiết bị máy móc, nguyên vật liệu phục vụ sản xuất. Trong đó, chiếm phân nửa là các nguyên vật liệu phụ trợ sản xuất. Ông Hải cho biết, vai trò của các ngành CNPT đã được nhìn nhận cách đây hơn 10 năm nhưng do hành động còn hời hợt nên tốc độ phát triển những ngành này quá chậm chạp.
Nguyên nhân chủ yếu là nhiều ban ngành, nhiều địa phương nhận thức vấn đề này chưa đúng tầm hoặc lúng túng trong khâu tổ chức triển khai. Không chỉ làm gia tăng nhập siêu mà sự “hụt hẫng” của CNPT đã và sẽ làm suy giảm sức hút và mức độ hấp thụ dòng vốn FDI đối với nước ta.
sggp
|