Sụt giảm giá trị gia tăng hàng công nghiệp: Khó cho xuất khẩu
Một đánh giá sơ bộ gần đây của Bộ Công Thương cho thấy, tỷ lệ giá trị gia tăng trên giá trị sản xuất trong công nghiệp hiện đang giảm đáng kể. Nếu năm 1995 tỷ lệ này là 42% thì đến năm 2008 con số này ước chừng chỉ còn 23,5%, dự báo đến năm 2010 tiếp tục giảm còn 21,3%.
Từ trước đến nay trong bất cứ báo cáo nào về đẩy mạnh XK của Việt Nam, Bộ Thương mại (cũ), nay là Công Thương đều đề cập đến vấn đề đầu tiên và cốt lõi nhất là nâng cao giá trị gia tăng của hàng XK. Trong giá trị gia tăng của hàng XK thì giá trị gia tăng của hàng công nghiệp luôn chiếm một tỷ lệ lớn. Trong các báo cáo ấy, các biện pháp luôn được đề ra một cách rất "đầy đủ". Từ việc cơ cấu lại ngành hàng, tập trung phát triển công nghiệp phụ trợ, tăng cường sản xuất hàng chất lượng cao... đến việc thu hút đầu tư những lĩnh vực công nghệ cao và hàng hoá có hàm lượng trí tuệ lớn, rồi thay đổi hệ thống pháp luật, tăng cường công tác quản lý… Vậy nhưng những biện pháp luôn được đề cao và coi trọng ấy hầu như chưa mang lại hiệu quả thực tế mà nền kinh tế chú trọng XK của chúng ta đang cần.
Theo nhận định từ Bộ Công Thương, việc tỷ lệ giá trị gia tăng trên giá trị sản xuất của hàng công nghiệp đang giảm là do chi phí trung gian cho sản xuất tăng cao, công nghệ chế biến sâu còn yếu và thiếu. Trong bối cảnh thực tế những tháng gần đây, việc sụt giảm này còn có tác động khách quan là do giá nguyên vật liệu tăng cao, chi phí đầu vào của sản xuất ngày càng lớn trong khi những biện pháp thắt chặt tiền tệ cũng tác động nhất định đến hiệu quả sản xuất. Tuy nhiên, theo nhiều chuyên gia kinh tế, hoạt động thực tế của các tập đoàn kinh tế thời gian vừa qua mới là vấn đề vì các tập đoàn chiếm tỷ trọng rất lớn trong nền kinh tế. Hiện các tập đoàn chưa có chất lượng tăng trưởng tương xứng với nguồn lực và ưu đãi mà họ đang có. Một số tập đoàn đang mở rộng với tham vọng thành một hệ thống sản xuất khép kín. Mà trong đó, các DN trực thuộc tự cung cấp và phục vụ lẫn nhau không chú trọng quan hệ với DN phụ trợ bên ngoài. Đề cập vấn đề này, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan cho rằng, điều này đang tạo ra khoảng trống nguy hiểm trong mối quan hệ giữa các DN lớn với các DN nhỏ ngoài nó. Trong khi các DN lớn không thể có tự mình sản xuất khép kín để hoàn thành một sản phẩm mà công nghệ chuyên sâu của các DN phụ trợ nhỏ và vừa bên ngoài thì không được tận dụng. Bà Phạm Chi Lan lấy ví dụ: trong khi Nhật Bản có hàng chục nghìn DN phụ trợ thực hiện các công đoạn sản phẩm cho các tập đoàn kinh tế lớn (chiếm tỷ lệ rất nhỏ) thì các tập đoàn kinh tế VN lại tự mình lập lên các DN trực thuộc một cách khép kín.
Từ đầu năm 2008 đến nay, kim ngạch XK của Việt Nam mặc dù tăng trưởng khá nhưng chủ yếu dựa vào giá thế giới tăng (trong mức tăng trưởng XK 39% thì mức tăng giá là 18%). Giá trị gia tăng của hàng hoá hầu như chưa có bước tiến bộ rõ rệt. Trong khi đó, những khó khăn của nền kinh tế thế giới hiện nay và thời gian tới sẽ có tác động đáng kể đến hoạt động XK của chúng ta. Trong cuộc họp giao ban về đẩy mạnh XK tại TP.HCM ngày 15-10-2008 của Bộ Công Thương, các nhà quản lý và DN đều nhận định, nâng cao giá trị gia tăng cho hàng XK vẫn là yếu tố quan trọng để hàng Việt Nam giữ được bạn hàng và giữ đà tăng trưởng. Tuy nhiên, việc giảm sút giá trị gia tăng của hàng công nghiệp khiến các nhà XK không khỏi lo ngại sự yếu thế về cạnh tranh của hàng hoá. Do đó, những biện pháp nâng cao giá trị gia tăng cần được thực hiện mạnh mẽ hơn nữa.
mof, HQ
|