Thứ Hai, 20/10/2008 11:55

Ðáp ứng đủ vốn cho công trình thủy điện Sơn La

Thủy điện Sơn La, một công trình trọng điểm quốc gia về nguồn điện với tổng công suất 2.400 MW gồm sáu tổ máy, khởi công ngày 1-12-2005, đang được các nhà thầu tập trung lực lượng và phương tiện thi công bảo đảm tiến độ.

Với tinh thần lao động quên mình vì dòng điện ngày mai của Tổ quốc, các lực lượng thi công đang tập trung phương tiện, thiết bị tranh thủ mùa khô thi công đều ở các hạng mục, phấn đấu đưa tổ máy số một phát điện vào năm 2010, hoàn thành toàn bộ nhà máy vào năm 2012.

Bám sát tiến độ phê duyệt

Xã Ít Ong huyện Mường La, nơi có công trường xây dựng Thủy điện Sơn La là một vùng rừng núi khí hậu khắc nghiệt. Sau ngày khởi công công trình, đồng bào các dân tộc thiểu số huyện Mường La đã chứng kiến những thay đổi có tính bước ngoặt. Thủy điện Sơn La, công trình mang ý nghĩa kinh tế - xã hội to lớn với tổng mức đầu tư được phê duyệt là 36 nghìn tỷ đồng (năm 2002), trong đó phần đầu tư cho xây dựng nhà máy là 26 nghìn tỷ đồng.

Tham gia thi công xây dựng các hạng mục, các gói thầu đều do các doanh nghiệp chủ lực của ngành xây dựng nước ta đảm nhiệm gồm: Tổng công ty Sông Ðà, Tổng công ty lắp máy (Lilama), Tổng công ty xây dựng Trường Sơn và Tổng công ty xây dựng và phát triển hạ tầng (Licôgi), trong đó Tổng công ty Sông Ðà giữ vai trò tổng thầu. Với tinh thần khẩn trương bám sát tiến độ theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, hiện nay toàn công trường có khoảng 6 nghìn cán bộ, kỹ sư, công nhân làm việc ngày đêm, trong đó có 4.500 kỹ sư, công nhân của Tổng công ty Sông Ðà.

Lực lượng lao động của các nhà thầu trên công trường tổ chức lao động ba ca để chạy đua với thời gian, bảo đảm tiến độ xây dựng, chủ động đối phó những diễn biến bất thường của thời tiết, nhất là mùa mưa lũ ở Tây Bắc.

Phó Giám đốc Ban điều hành dự án Thủy điện Sơn La (Tổng công ty Sông Ðà), kỹ sư Ninh Duy Phóng cho biết: Trong năm 2008, mặc dù công trường gặp nhiều khó khăn do tình hình lạm phát, nhiều hạng mục vừa thiết kế, vừa thi công, cùng với thời gian khởi công chậm tiến độ ba tháng, nhưng với sự nỗ lực vượt bậc và sự phối hợp hỗ trợ giữa các nhà thầu, cho nên tiến độ thi công ở các hạng mục công trình vẫn bảo đảm theo kế hoạch. Một số công việc còn vượt tiến độ đề ra.

Ðến nay, các hạng mục chính như đập tràn, đập dâng, tuyến năng lượng đều bảo đảm tiến độ thi công. Song song với nhiệm vụ thi công ở công trường, Ban A đã cử hai đoàn công tác ra nước ngoài đàm phán với nhà thầu cung cấp thiết bị. Sự chủ động phối hợp thường xuyên trong chỉ đạo điều hành, cùng nhau tháo gỡ kịp thời những vướng mắc phát sinh của nhà thầu, chủ đầu tư và các đơn vị tư vấn thiết kế, giám sát là yếu tố quyết định để công việc chạy đều. Trong đó quan trọng nhất là hoàn thành tiến độ chống lũ, chống xói lở cho công trình.

Với tiến độ thi công như hiện nay, dự kiến đến tháng 7-2010, hồ thủy điện Sơn La sẽ bắt đầu tích nước, chuẩn bị phát điện tổ máy số 1, công suất 400 MW.

Tại công trường đổ bê-tông đầm lăn đập chính, một hạng mục quan trọng nhất hiện nay, Phó phòng kỹ thuật Công ty cổ phần Sông Ðà 5, kỹ sư Nguyễn Xuân Nam cho biết: Ðến nay công ty luôn bám sát tiến độ theo kế hoạch chỉ đạo. Tổ chức khai thác, sản xuất, điều phối các loại vật liệu xi-măng, cát, đá, phụ gia... phục vụ công tác đổ bê-tông liên tục.

Từ ngày 11-1 đến hết tháng 9 đã đổ được một triệu m3 bê-tông đầm lăn, một loại bê-tông ứng dụng công nghệ hiện đại nhất trong xây dựng đập hiện nay, trên tổng khối lượng hơn ba triệu m3 cho xây dựng con đập. Ðể bảo đảm khối lượng và chất lượng bê-tông theo quy trình kỹ thuật, Công ty cổ phần Sông Ðà 5 đã huy động lực lượng kỹ sư, công nhân lên công trường, tổ chức thi công liên tục 24/24 giờ. Với lực lượng lao động như hiện nay thì kế hoạch đổ bê-tông đập năm 2008 sẽ về đích trước thời gian.

Cần nói thêm rằng, công nghệ đổ bê-tông đầm lăn đòi hỏi phải tổ chức huy động lực lượng lao động liên tục, chịu sự giám sát rất khắt khe của tư vấn, không được phép có sai sót. Nhiệt độ của bê-tông trong trạm trộn phải bảo đảm độ lạnh 18 độ C, khi đổ nhiệt độ phải bảo đảm từ 21 đến 22 độ C, mỗi lớp đổ khoảng 30 cm, khi đổ xong mỗi lớp phải nghiệm thu bàn giao.

Ðể bảo đảm tiêu chuẩn kỹ thuật, công ty đã liên doanh với các nhà thầu đầu tư hơn 20 triệu USD xây dựng trạm trộn công suất 720 m3/giờ, bảo đảm mỗi ngày cung cấp từ 5.000 đến 7.000 m3 bê-tông cho công trình. Trên cơ sở tổ chức thi công, rút kinh nghiệm, trong năm 2009 khối lượng bê-tông thi công đập theo kế hoạch sẽ đạt một triệu m3.

Phối hợp nhịp nhàng với công việc đổ bê-tông tại công trường, Công ty cổ phần Sông Ðà 909, đơn vị được giao nhiệm vụ khai thác các loại vật liệu cát, đá cho công trình, đã có nhiều nỗ lực trong tổ chức khai thác, vận chuyển vật liệu lên công trường.

Giám đốc Công ty cổ phần Sông Ðà 909 Nguyễn Công Hùng cho biết: Ðể chủ động vật liệu thi công, công ty luôn tổ chức lực lượng, lao động ba ca, tranh thủ thời tiết mùa khô, tập trung phương tiện, thiết bị khai thác, vận chuyển, dự trữ đủ khối lượng, đáp ứng yêu cầu của các nhà thầu. Bình quân mỗi tháng khai thác 150 nghìn m3 đá.

Bảo đảm vốn cho công trình

Với quy mô của một công trình đầu tư lớn, vấn đề bảo đảm vốn cho thanh toán kịp tiến độ thi công là một yêu cầu cấp bách và liên quan chặt chẽ tới tiến độ xây dựng.

Từ ngày khởi công đến cuối tháng 9-2008, khối lượng xây lắp đã thanh toán đạt 3.800 tỷ đồng. Theo kế hoạch năm 2008 vốn cho Thuỷ điện Sơn La do Ngân hàng Phát triển Việt Nam đảm nhận giải ngân là 930 tỷ đồng, các ngân hàng thương mại khác 1.630 tỷ đồng. So với yêu cầu thanh toán cho các nhà thầu bảo đảm tiến độ thi công vẫn còn thiếu 300 tỷ đồng.

Ðể bổ sung nguồn vốn thiếu hụt cho công trình, chi nhánh ngân hàng phát triển Sơn La đã có tờ trình xin Ngân hàng Phát triển Trung ương bổ sung và đã được chấp nhận. Theo nhận xét của Ban Quản lý công trình và các nhà thầu, từ đầu năm đến nay, do diễn biến phức tạp của lạm phát, các ngân hàng thương mại gặp khó khăn trong huy động vốn và xử lý lãi suất vay với chủ đầu tư, cho nên tiến độ cấp vốn thanh toán cho công trình có thời kỳ gặp khó khăn. Riêng vấn để xử lý trượt giá theo Thông tư 09/2007/TT-BXD của Bộ Xây dựng do đòi hỏi phải đầy đủ thủ tục, cơ chế rườm rà dẫn tới phần thanh toán trượt giá chậm.

Ðến ngày 20-5-2008 mới duyệt xong bù giá năm 2006-2007. Sang năm 2008 tiến độ có nhanh hơn, đến nay đã duyệt xong trượt giá quý I, đang tiếp tục duyệt quý II. Trong bốn tháng từ tháng 4 đến tháng 7, các nhà thầu gặp khó khăn về vốn, có thời điểm khi vay vốn ngân hàng không duyệt. Riêng Công ty cổ phần Sông Ðà 5 thời điểm này còn hạn mức, nhưng ngân hàng từ chối giải ngân, đây là thời kỳ căng thẳng chung của các nhà thầu.

Kế toán trưởng Công ty cổ phần Sông Ðà 5 Tạ Quang Dũng phân tích: Với Thủy điện Sơn La, sau khi các nhà thầu đã vào việc thì vấn đề cấp vốn tín dụng liên quan rất chặt chẽ với tiến độ thi công. Ðể bảo đảm chất lượng và tiến độ công trình, từng nhà thầu phải đầu tư mua sắm thiết bị thi công hiện đại phục vụ công trình. Thí dụ như dây chuyền sản xuất bê-tông đầm lăn có tổng vốn đầu tư lên tới 414 tỷ đồng. Do vốn đi vay, mỗi quý doanh nghiệp phải trả gốc và lãi tới 2 triệu USD, đó là chưa kể vốn lưu động mua vật tư, nhiên liệu đầu vào mỗi tháng ngốn từ 40 đến 50 tỷ đồng.

Trong khi vốn thi công của doanh nghiệp chủ yếu dựa vào vốn vay ngân hàng, nếu không đủ vốn thanh toán cho khối lượng hoàn thành ở các hạng mục, nợ nần kéo dài sẽ ảnh hưởng đến tiến độ công trình trọng điểm. Hơn nữa tiến độ giải ngân thanh toán còn chậm, từ khi nghiệm thu làm thủ tục thanh toán đến khi tiền về tài khoản của nhà thầu phải mất từ một tháng đến một tháng rưỡi, cũng gây khó khăn cho doanh nghiệp.

Tiến độ xây dựng Thủy điện Sơn La, công trình trọng điểm quốc gia của ngành điện đang được nhân dân cả nước quan tâm, Chính phủ chỉ đạo rất quyết liệt. Quyết tâm của chủ đầu tư, Ban quản lý và các nhà thầu là tìm mọi giải pháp, tổ chức thi công quyết liệt để hoàn thành công trình trước thời gian hai năm, nhanh chóng bổ sung nguồn điện cho phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Ðể chia sẻ những khó khăn, cùng chung sức với các nhà thầu trên công trình, hệ thống ngân hàng thương mại nhà nước cần tìm mọi biện pháp, huy động đủ nguồn vốn giải ngân nhanh, đáp ứng yêu cầu thanh toán cho các doanh nghiệp.

nhân dân

Các tin tức khác

>   Đưa điện giá rẻ tới tận hộ nông dân (20/10/2008)

>   Khoảng 350.000 doanh nghiệp đã được thành lập (20/10/2008)

>   Nhà cao tầng “ngốn” quá nhiều năng lượng (20/10/2008)

>   Việt Nam tăng sáu bậc trong bảng xếp hạng môi trường kinh doanh toàn cầu giai đoạn 2009-2013 (20/10/2008)

>   Bán đấu giá tài sản sắp có cơ chế pháp lý mới (20/10/2008)

>   Thủy sản chật vật vì khủng hoảng tài chính (20/10/2008)

>   “Năng lượng là lĩnh vực Iran rất quan tâm ở Việt Nam" (20/10/2008)

>   Giá xăng: “Tăng nhanh thì đúng, tăng cao thì không phải” (20/10/2008)

>   Tình trạng tồn đọng sản phẩm của các DN sản xuất thép: Đâu là “nút thắt” cần gỡ ? (20/10/2008)

>   Nhiều vướng mắc trong việc cấp giấy phép nhập khẩu tự động đối với mặt hàng rau, củ, quả qua cửa khẩu quốc tế Lào Cai (20/10/2008)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật