Thứ Hai, 20/10/2008 19:44

Xuất khẩu mạnh vào thị trường “ngách”

Trong khi nhiều mặt hàng xuất khẩu trong 3 tháng cuối năm và dự báo cả năm tới sẽ gặp nhiều khó khăn trước tình hình kinh tế thế giới ảm đạm thì có những mặt hàng nhắm vào phân khúc hẹp trên thị trường lại gặp thuận lợi, thậm chí còn tăng trưởng mạnh. 

Hai nhóm mặt hàng chuyên đi vào thị trường “ngách” (theo cách gọi của Bộ Công Thương) lâu nay là dây và cáp điện cùng túi xách, vali, mũ, ô dù, đang thể hiện những điều nói trên. 

Hơn 1 tỉ đô la Mỹ cho dây và cáp điện 

Với đà xuất khẩu dây và cáp điện như hiện nay, ông Phạm Thế Dũng, Vụ trưởng Vụ xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương, khá tự tin cho biết cả năm có khả năng nhóm mặt hàng này có thể đạt 1,05 tỉ đô la Mỹ, dù trong chín tháng đầu năm chỉ được 733 triệu đô la Mỹ, chỉ tăng 18% so với cùng kỳ. 

“Dù đây là nhóm mặt hàng có điểm xuất phát thấp nhưng trong ba năm qua đã tăng trưởng xuất khẩu ổn định và có khả năng năm nay lọt vào danh mục các mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu hơn 1 tỉ đô la Mỹ”, ông Dũng nhận xét. 

Cũng theo ông Dũng, tuy thị trường dây và cáp điện thế giới chỉ tăng trưởng 3-4%/năm, song lại không cản trở nhiều đến triển vọng xuất khẩu của Việt Nam do tỷ trọng hàng dây và cáp điện của Việt Nam trên thị trường thế giới còn rất nhỏ bé, lại mới tập trung vào một vài thị trường “ngách” với sản phẩm có chất lượng cao mà chưa mở rộng thêm. Với phân tích như vậy, Bộ Công Thương xây dựng kế hoạch năm tới cho kim ngạch xuất khẩu mặt hàng này lên đến 1,4 tỉ đô la Mỹ.  

Hơn 90% dây và cáp điện của Việt Nam hiện nay được xuất khẩu sang Nhật, còn lại một ít xuất khẩu sang Mỹ, Hàn Quốc, Úc, trong khi các thị trường có khả năng mở rộng thêm ngoài Nhật là Mỹ, Đức, Pháp hay Trung Quốc và các nước ASEAN.

Hiện tại, ở Việt Nam có trên 100 doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu dây và cáp điện. Nhiều doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đã đầu tư sản xuất và xuất khẩu mặt hàng này với quy mô lớn như Công ty cổ phần dây và cáp điện Taya Việt Nam, Furukawa Automotive Parts Việt Nam, Sumi - Hanel, LG - Vina...

Một số doanh nghiệp trong nước cũng sản xuất và xuất khẩu dây và cáp điện với quy mô lớn, đặc biệt là Công ty dây và cáp điện Việt Nam (Cadivi).

Sở dĩ xuất khẩu dây và cáp điện sang Nhật tăng mạnh trong thời gian qua, theo ông Dũng, là do có nhiều doanh nghiệp có vốn đầu tư của Nhật tại Việt Nam đã xuất ngược trở lại thị trường Nhật mặt hàng này. Trong thời gian qua, các thị trường “ngách” như Mỹ, Hàn Quốc đã chấp nhận mặt hàng dây và cáp điện Việt Nam nhờ sự tìm kiếm và làm đa dạng thị trường của các doanh nghiệp 100% vốn trong nước. 

Dù chỉ vào thị trường “ngách” và mặt hàng dây và cáp điện Việt Nam mới thâm nhập 1-2 năm qua, nhưng năm nay, xuất khẩu nhóm hàng này vào Mỹ có khả năng đạt hơn 100 triệu đô la Mỹ.

Công ty cổ phần dây và cáp điện Việt Nam (Cadivi), thương hiệu dây điện có uy tín trên thị trường trong nước, bắt đầu xuất khẩu từ năm 1998 và hiện nay công ty đang tập trung đẩy mạnh xuất khẩu vào thị trường Mỹ, một thị trường đầy tiềm năng với nhiều loại dây và cáp điện cao cấp như dây cáp ngầm trung và hạ thế, cáp vặn xoắn trung thế, cáp quang, dây nhôm hợp kim, cáp chống thấm trung và hạ thế. Gần đây, công ty còn mở rộng xuất khẩu sang thị trường Canada với nhiều hợp đồng dài hạn. 

“Ngách” của túi xách 

Ông Lưu Văn Thành, Giám đốc Công ty TNHH Hoàng Kim (quận Tân Phú, TPHCM) cho biết, trong lúc các đồng nghiệp của ông lo lắng cho việc xuất khẩu hàng dệt, may mặc vào Mỹ bị giám sát và có khả năng bị kiện chống bán phá giá bất kỳ lúc nào thì túi xách, ba lô, vali của công ty ông vẫn đang xuất đi thuận lợi.

Phần lớn các doanh nghiệp dệt may đang cố gắng tìm cách giảm gia công cho khách hàng nước ngoài, nâng dần xuất khẩu hàng FOB may mặc (tự tìm kiếm nguyên liệu, tự thiết kế và tìm kiếm khách hàng) để tránh phụ thuộc khách hàng nước ngoài. Trong khi đó, túi xách, ba lô của Hoàng Kim đã sản xuất 100% hàng FOB từ vài năm nay. 

“Đơn hàng xuất khẩu tăng, giá xuất cũng tăng 20 - 30% so với năm ngoái”, ông Thành nói.

Nhưng quan trọng hơn, theo lời ông là thị trường gần như không có giới hạn, nếu có chỉ là năng lực cung cấp có hạn của công ty. Ngoài khách hàng truyền thống như Mỹ, EU, Công ty Hoàng Kim hiện nay còn mở rộng sang thị trường Nhật, mà theo lời ông Thành, các khách hàng Nhật từng đặt hàng từ Trung Quốc nay chuyển sang Việt Nam dù rằng hiệp định tự do thương mại Việt-Nhật chưa được ký kết. 

Câu chuyện Công ty Hoàng Kim của ông Thành cũng phần nào nói lên xuất khẩu nhóm hàng túi xách, vali, ô dù của Việt Nam, dù còn khiêm tốn nhưng đã tăng khá nhanh.

Theo dự báo của Bộ Công Thương, nhóm hàng này trong năm nay có khả năng đạt kim ngạch 850 triệu đô la Mỹ và tính chung trong vài năm gần đây, đã có tốc độ tăng xuất khẩu tới 30 - 40%/năm. 

Không phải ngẫu nhiên mà ông Phạm Thế Dũng, Vụ trưởng Vụ xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương dự báo xuất khẩu nhóm hàng túi xách trong năm tới có thể tăng tới 53%, lên 1,3 tỉ đô la Mỹ. Ông cho biết khả năng tăng quy mô sản xuất cũng như xuất khẩu thuận lợi của nhóm hàng này có thể “nhìn khá rõ”. Sản xuất thì không phải làm gia công, không phụ thuộc vào nguyên liệu nước ngoài, nguyên liệu, phụ liệu có thể tìm kiếm trong nước khá dễ dàng như da bò, da cá sấu hay túi bằng nhựa, vải. Xuất khẩu các mặt hàng này dễ đi vào các thị trường “ngách”, lại không bị áp lực tranh chấp thương mại như trường hợp bị áp thuế chống bán phá giá. 

“Nhưng quan trọng nhất, theo tôi, nhóm mặt hàng này phù hợp với năng lực và tay nghề của công nhân Việt Nam, mà sản phẩm xuất khẩu lại có giá trị gia tăng cao và gần như “đi” thị trường nào cũng được”, ông Dũng nhận xét.

tbktsg

Các tin tức khác

>   Sụt giảm giá trị gia tăng hàng công nghiệp: Khó cho xuất khẩu (20/10/2008)

>   Doanh nghiệp Italia tìm kiếm cơ hội kinh doanh tại VN (20/10/2008)

>   Điều chuyển vốn thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia (21/10/2008)

>   Nhập siêu tháng 9 thấp nhất từ đầu năm (20/10/2008)

>   Nông sản rớt giá, nông dân khốn đốn (20/10/2008)

>   Liên kết giữa người nuôi cá với DN xuất khẩu (20/10/2008)

>   Nông dân bán mì cho Vedan không có hợp đồng (20/10/2008)

>   Bù lỗ xăng dầu liệu có đến 32 nghìn tỷ? (20/10/2008)

>   Chỉ số giá tiêu dùng tháng 10 giảm 0,24% so với tháng trước (20/10/2008)

>   Xây dựng thương hiệu - thách thức lớn đối với ngành dệt may (20/10/2008)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật