Ỳ ạch di dời cảng
Theo lộ trình di dời các cảng trong nội đô ra ngoại thành đã được Chính phủ thông qua, TPHCM có 11 cảng nằm trên sông Sài Gòn phải di dời, trong đó 5 cảng phải di dời trước năm 2010.
Nhưng đến nay, phần lớn tiến độ di dời, đầu tư xây dựng ở vị trí mới của các cảng đều ỳ ạch, khó hoàn tất đúng lộ trình đề ra.
Chậm ít nhất 1-2 năm
Các cảng được lệnh di dời ra ngoại thành trước 2010, gồm: Tân Cảng, cảng Nhà máy đóng tàu Ba Son, cảng Sài Gòn (Khánh Hội, Nhà Rồng), Tân Thuận Đông và cảng Rau Quả. Đến nay, duy nhất có Tân Cảng đã cơ bản hoàn tất việc di dời và hiện ổn định sản xuất tại vị trí mới (cảng Cát Lái - Q.2). 4 cảng còn lại vẫn đang trong giai đoạn làm các thủ tục về đất đai, thoả thuận xây dựng cảng, lập dự án đầu tư, lập hồ sơ mời thầu...
Theo đánh giá của đoàn kiểm tra do Bộ GTVT chủ trì khi kiểm tra hệ thống cảng biển tại TPHCM, tiến trình di dời cảng trên sông Sài Gòn thực hiện chậm, với tiến độ hiện nay sẽ không đáp ứng được thời gian di dời đã được Chính phủ phê duyệt. Điển hình như việc xây dựng cảng mới, nhà máy mới tại Hiệp Phước - Nhà Bè (TPHCM), Cái Mép - Thị Vải (Vũng Tàu) phục vụ di dời cảng Sài Gòn và Nhà máy đóng tàu Ba Son, chậm tiến độ nên dự kiến phải đến 2010-2012 mới có thể hoàn thành.
Nguyên nhân chậm chủ yếu do các đơn vị mất nhiều thời gian tìm kiếm đối tác nước ngoài hợp tác (cảng Sài Gòn) mới đủ vốn đầu tư xây dựng hoặc do mất thời gian xác định được nguồn vốn đầu tư (Nhà máy Ba Son). Đặc biệt, cơ sở hạ tầng tại những vị trí xây cảng mới như: Đường bộ, luồng lạch, hệ thống thông tin liên lạc, điện, nước... chưa được Nhà nước đầu tư xây dựng kịp thời để tạo điều kiện cho các chủ đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng trong cảng.
Tương tự, cảng Tân Thuận Đông đã có vị trí di dời dự kiến theo quy hoạch được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt (tại khu vực Cát Lái), song do TPHCM đã cấp đất cho chủ đầu tư khác nên buộc chủ đầu tư phải làm thủ tục xin cấp lại đất ở vị trí mới. Còn cảng Rau Quả, được bố trí địa điểm di dời ra Hiệp Phước thì đến nay vẫn chưa có kế hoạch di dời.
Càng chậm, thiệt hại càng lớn
Tân Cảng sau khi di dời ra khu vực Cát Lái đã hoạt động ổn định. Số lượng hàng hoá thông qua Tân Cảng tại Cát Lái năm 2006 đạt 1,47 triệu TEU, tương đương gần 20 triệu tấn hàng, không phải vận chuyển đi qua nội thành như trước khi di dời. Đến năm 2007, sản lượng tiếp tục tăng với trên 1,8 triệu TEU, chiếm đến 60% hàng hoá container của cả khu vực kinh tế trọng điểm phía nam.
Ngược lại, việc chậm trễ di dời và đầu tư xây dựng mới của những cảng khác không chỉ ảnh hưởng riêng đến đơn vị, mà nó còn cản trở sự phát triển chung kinh tế của thành phố. Do các cảng nằm trong khu vực nội đô, lưu lượng xe tải thường xuyên ra vào với mật độ cao khiến cho tình hình ùn tắc giao thông càng nghiêm trọng ở các trục đường: Nguyễn Hữu Cảnh, Tôn Đức Thắng, Nguyễn Tất Thành...
Cũng chính chậm di dời, đầu tư xây dựng cảng mới, nên cho dù Tân Cảng đã hoàn tất việc di dời ra khu vực cảng Cát Lái vẫn không thể gánh vác hết tất cả lượng hàng hoá vận chuyển bằng đường thuỷ đang có xu hướng tăng mạnh. Chính vì vậy, trong thời gian gần đây, chỉ một biến động về lượng hàng hoá tăng đột biến hoặc có sự điều chỉnh về chính sách thì các cảng lại đối mặt với ùn ứ hàng hoá.
Đơn cử mới đây, khi Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Sài Gòn khu vực 4 thông báo ngừng làm thủ tục hải quan đối với một số loại hàng tại các ICD (khu vực thông quan nội địa) từ 10.2008, lập tức các cảng lo ngại lặp lại tình trạng quá tải (vì khi đó hàng hoá chuyển trực tiếp về cảng thay vì tập kết về các ICD).
Ông Nguyễn Văn Minh - Phó TGĐ cảng Sài Gòn - cho rằng, nếu thực hiện đúng như thông báo của hải quan, chỉ trong vòng khoảng 10 ngày là cảng Sài Gòn xảy ra ùn ứ hàng hoá. Bởi vì, mỗi ngày có khoảng 1.000 container xuất - nhập khẩu qua cảng Sài Gòn, trong khi khả năng cảng chỉ chứa khoảng 10.000 container. Sau đó, Tổng cục Hải quan đành phải chỉ đạo tháo gỡ vướng mắc bằng cách cho phép tiếp tục thực hiện thủ tục hải quan một số mặt hàng tại các ICD trong thời gian báo cáo xin ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Dù vậy, đây cũng chỉ là giải pháp tạm thời.
lđ
|