Thứ Tư, 22/10/2008 14:56

Doanh nghiệp nhỏ và vừa: Chờ qua... bĩ cực

Chỉ còn hơn 2 tháng nữa là kết thúc năm 2008 – một năm đầy sóng gió đối với các DN, đặc biệt là các DN nhỏ và vừa (DNNVV). Đây là thời điểm quan trọng để các DN thực hiện kế hoạch sản xuất, kinh doanh của năm. Trên thực tế, nhiều DN đang đứng trước bờ vực phá sản vì thiếu vốn.

Chỉ 10% số DN được vay đủ vốn

Từ đầu tháng 3-2008 đến nay, Công ty Kinh doanh thủy hải sản TPHCM - APT (thành viên của Tổng Công ty Thương mại Sài Gòn - Satra) liên tục rơi vào tình trạng thiếu vốn trầm trọng. Theo kế hoạch, năm 2008, cùng với việc đẩy mạnh xuất khẩu, APT sẽ triển khai việc nuôi trồng nguyên liệu để chủ động sản xuất, đáp ứng các đơn hàng xuất khẩu. Công việc đang tiến triển bình thường thì đùng một cái, các ngân hàng đối tác xiết vốn.

Ông Đỗ Văn Vinh, Giám đốc APT cho biết, không có vốn, APT phải cắt giảm một nửa lượng thức ăn hàng ngày cho cá. Đến khi cá đủ tuổi lại không bán được vì nhiều DN thu mua cũng rơi vào tình trạng khủng hoảng tiền mặt.

Để duy trì hoạt động cho APT, Satra đã cho công ty này vay gần 100 tỷ đồng. Tuy nhiên, trong tình hình hiện nay, việc đổ vốn cho APT như “gió vào nhà trống”. Không dừng lại ở các DN thành viên, tình hình xuất khẩu của toàn Satra Group cũng không mấy sáng sủa.

Theo Hiệp hội DN TPHCM, hiện có tới 70% DNNVV đang trong tình trạng thiếu vốn. Trong số gần 30.000 DN hội viên, có đến 20% hội viên thông báo phải thu hẹp sản xuất hoặc ngừng hẳn hoạt động sản xuất, kinh doanh vì thiếu vốn.

Những con số này trùng hợp với kết quả điều tra của Phòng Thương mại và Công nghiệp VN (VCCI) vừa tiến hành đối với 300 DN. Theo đó, có tới 74% số DNNVV cho rằng đang gặp rất nhiều khó khăn về vốn; 30% DN chỉ vay được 25% nhu cầu vốn; hơn 33% vay được một nửa nhu cầu; 26% vay được 75% nhu cầu và chỉ có 10% vay được đủ vốn.

Tiếp xúc với PV Báo SGGP 12 Giờ, một số DN cho biết, trong vài tuần gần đây, nguồn vốn vay từ các ngân hàng đã dồi dào hơn trước. Thế nhưng, dù lãi suất đã giảm còn khoảng 18% -19% nhiều DN kinh doanh giỏi cũng chào thua. Theo tính toán, trung bình khoảng 70% vốn của các DN trong nền kinh tế là vốn vay, vì thế nếu ngân hàng cứ tăng 1% lãi suất, chi phí của DN tăng tương ứng 0,7%. Tính đến thời điểm này, riêng chi phí của các DN đã tăng lên đến gần 10%.

Ngoài gánh nặng lãi suất, hầu hết DN đang phải gồng mình để chịu hàng loạt chi phí đầu vào tăng vọt. Đại diện một DN trong ngành sản xuất dây và cáp điện chỉ ra rằng, chi phí kho bãi ở các cảng đã tăng hơn 40% so với năm 2007. Cụ thể, phí bốc dỡ tăng từ 60 USD lên 70 USD/container; chi phí đem container về nhà máy tăng hơn 60%; phí lưu hàng tại cảng tăng hơn 100%; các chi phí phát sinh khác tăng hơn 80%.

Chi phí tăng, vay vốn ngân hàng vẫn không thuận lợi, trong khi chênh lệch vật giá đã lên tới 50%-60%, vì vậy phương án an toàn nhất của nhiều DN là “án binh bất động” để chờ qua cơn bĩ cực. Tuy nhiên, theo dự báo của ông Lê Trọng Nhi, chuyên gia ngân hàng, đến hết năm 2009, may ra nhu cầu về vốn cho các DN mới có thể “dễ thở” hơn!

Lối thoát cuối cùng…

Trước tình hình trên, lãnh đạo nhiều DN đã tìm đủ mọi cách để chống đỡ như giảm chi phí và các chi tiêu không cần thiết, kể cả việc cấu trúc lại hoạt động của DN… Trên thực tế, những khoản tiết kiệm này chẳng thấm vào đâu so với chi phí đầu vào và lãi suất ngân hàng. Không thể đứng nhìn thành quả đã dày công vun đắp bị lụn bại, nhiều DN đã chấp nhận tìm đến các công ty môi giới để bán. Đây chính là lý do khiến cho hoạt động mua bán và sáp nhập DN (M&A) tại VN trong 2 năm 2006 và 2007 tăng khá cao, đặc biệt 9 tháng đầu năm 2009 số lượng DN đăng ký đã tăng vọt.

Đại diện một DN đầu tư tài chính cho biết, mỗi ngày có hàng chục DN đăng ký môi giới M&A. Nếu như năm 2007, DN này chỉ nhận được gần 300 DN thì trong 9 tháng đầu năm 2008 đã có gần 700 DN đăng ký. Một DN có trụ sở trên đường Trương Định, quận 3 cho rằng, cực chẳng đã ông mới đem DN đi “bán”. Nếu may mắn được các đối tác chọn mua thì coi như mọi thứ của công ty vẫn được bảo toàn, bằng không sẽ phải phá sản.

Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài Phan Hữu Thắng nhìn nhận, dự kiến có tới 35%-50% số DN của VN có thể sáp nhập hoặc bị sáp nhập trong những năm tới. Xu hướng M&A tăng nhanh, ngoài nguyên nhân khách quan là sự cạnh tranh thị trường, còn có nhiều nguyên nhân khác như nhu cầu mở rộng kinh doanh hoặc cần thiết phải thay đổi hướng đầu tư…

Điều này sẽ tác động khá toàn diện đến cách thức kinh doanh của các DN, góp phần vào việc tái cấu trúc nền kinh tế VN trong thời gian tới. Tuy vậy, có khá nhiều ý kiến lo ngại rằng, nếu chúng ta không kiểm soát được hoạt động này thì có thể khó tránh khỏi hệ lụy, đó là việc thâu tóm hàng loạt DN để cạnh tranh không lành mạnh trên thị trường.

sggp

Các tin tức khác

>   Xăng mua ngay bán ngay chỉ lãi rất ít? (22/10/2008)

>   Điều hành giá: Sửa sai vẫn chưa muộn (22/10/2008)

>   Hướng đầu tư mới cho bình gas (22/10/2008)

>   ĐBSCL: Đẩy mạnh chương trình khuyến công, thúc đẩy kinh tế công nghiệp phát triển (22/10/2008)

>   Quỹ Phát triển quản lý Châu Á hỗ trợ doanh nghiệp VN phát triển (22/10/2008)

>   Bước chuyển mới của công nghiệp Khánh Hòa (22/10/2008)

>   Ðể giúp các doanh nghiệp khai thác quặng ti-tan đi vào chế biến sâu (22/10/2008)

>   Thưởng - phạt phân minh (22/10/2008)

>   Tiền lệ xấu và "thói quen" đòi đặc quyền nhờ độc quyền (22/10/2008)

>   Thêm thương hiệu khách sạn Mercure vào Việt Nam (22/10/2008)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật