Bước chuyển mới của công nghiệp Khánh Hòa
Sau mấy năm phát triển cầm chừng và chững lại, đến nay công nghiệp (CN) Khánh Hòa đang từng bước lấy lại đà tăng trưởng, vươn lên đóng góp ngày càng cao cho phát triển kinh tế của tỉnh. NHiều dự án lớn đang được triển khai, đi vào hoạt động, trong đó ngành CN đóng tàu đang phát huy thế mạnh, hứa hẹn trở thành ngành CN chủ lực.
Tăng trưởng chưa bền vững
Ngành CN Khánh Hòa được đánh giá là có bước phát triển khá nhanh, cả về quy mô và tốc độ tăng trưởng. Trong thời kỳ khó khăn nhất vào những năm 1996-1998, CN Khánh Hòa có mức tăng trưởng khoảng 13%, sau đó là thời kỳ chững lại. Nhờ có các giải pháp tháo gỡ khó khăn, CN Khánh Hòa đã dần lấy lại mức tăng trưởng. Năm 2000 đạt tốc độ tăng trưởng 36%. Nhiều năm liền Khánh Hòa được xếp vào nhóm các tỉnh có mức tăng khá. Từ năm 2003 đến nay, mức tăng của ngành chậm lại. Năm 2006 tăng 16,8%, năm 2007 chỉ tăng 12,7%; và theo dự báo, mức tăng trưởng trong năm 2008 đạt khoảng 13%. Nếu tính trung bình từ năm 2006 đến nay, mức tăng chỉ đạt 14%. Thực tế trên cho thấy, CN Khánh Hòa phát triển chưa thật sự ổn định, vững chắc; việc hoàn thành mục tiêu tăng trưởng 20% trong kế hoạch năm năm 2005-2010 là hết sức khó khăn.
Có nhiều nguyên nhân khiến tăng trưởng của ngành CN Khánh Hoà bị chững lại, song, nguyên nhân cơ bản nhất là chưa được đầu tư tăng năng lực sản xuất; chưa có những dự án lớn được triển khai, đi vào hoạt động, tạo động lực thúc đẩy tăng trưởng. Trên địa bàn có một số dự án, doanh nghiệp mới đi vào sản xuất nhưng quy mô còn nhỏ, không đủ sức làm tăng giá trị sản xuất toàn ngành.
Một số doanh nghiệp lớn gặp nhiều khó khăn trong sản xuất, kinh doanh. Tổng công ty Khánh Việt (KHATOCO) là một thí dụ. Ðây là đơn vị chiếm tỷ trọng rất lớn trong tổng giá trị sản xuất của ngành. Năm 2007, giá trị sản xuất CN toàn ngành là 11.453 tỷ đồng, thì KHATOCO đã chiếm tới 2.630 tỷ đồng. Thời gian qua, việc sản xuất, xuất khẩu mặt hàng thuốc lá điếu gặp nhiều khó khăn do tỷ giá ngoại tệ biến động và khó khăn về nguyên liệu, nhất là nạn buôn bán, tiêu thụ thuốc lá lậu, thuốc lá giả diễn biến phức tạp. Trong chín tháng đầu năm 2008, giá trị sản xuất CN của KHATOCO giảm 7%, kéo CN nhà nước địa phương của tỉnh giảm 4,6%. Nhiều sản phẩm thế mạnh, chiếm tỷ trọng sản xuất lớn của ngành có mức tăng rất thấp hoặc giảm mạnh. Chín tháng đầu năm, xi-măng giảm 9,7%, bia các loại giảm 24,4%, muối hạt giảm 52%...
Trong khi đó, có một số sản phẩm có mức tăng cao như nước yến Sanest tăng 94%, cát xuất khẩu tăng 82%, vải tăng 36%, sản xuất thanh nhôm định hình tăng 26%..., nhưng xét về tỷ trọng trong cơ cấu của ngành lại không lớn, cho nên không đủ khả năng "kéo" giá trị sản xuất toàn ngành lên được.
Những chuyển động đáng mừng
Khi CN có dấu hiệu tăng trưởng chậm lại, tỉnh Khánh Hòa tập trung triển khai một số giải pháp nhằm tăng cường năng lực sản xuất; phát triển sản phẩm thế mạnh của địa phương, đầu tư công nghệ sản xuất một số sản phẩm mới. Tăng cường thu hút đầu tư, xây dựng cơ sở hạ tầng cho phát triển CN.
Bên cạnh những doanh nghiệp lớn như KHATOCO, Hyundai - Vinashin, Công ty công nghiệp Tàu thủy Nha Trang... trên địa bàn đã có nhiều dự án lớn đang được triển khai. Trong số các dự án đã đi vào hoạt động, Nhà máy đóng tàu Cam Ranh (thuộc Công ty CN Tàu thủy Nha Trang) có khả năng đóng mới tàu từ 30 đến 50 nghìn DWT, vốn đầu tư 3 nghìn tỷ đồng, đã đi vào hoạt động từ quý I-2008. Sau khi hạ thủy thành công con tàu đầu tiên trị giá 138 tỷ đồng, công ty đã ký hợp đồng đóng mới nhiều tàu sức chở lớn, với tổng giá trị gần 1 tỷ USD.
Một số dự án đã được cấp phép đang trong giai đoạn triển khai xây dựng gồm Cảng trung chuyển công-ten-nơ quốc tế Vân Phong, vốn đầu tư giai đoạn đầu 193,6 triệu USD, Nhà máy xi-măng Cam Ranh công suất 500 nghìn tấn/năm, Tổng kho xăng dầu ngoại quan Mỹ Giang, Trạm phân phối xi-măng của Công ty xi-măng Nghi Sơn... Những dự án này đang trở thành động lực mới, từng bước thúc đẩy CN Khánh Hòa tăng trưởng cao trong thời gian tới.
Trong bức tranh CN của tỉnh, bên cạnh các sản phẩm chủ yếu trong các lĩnh vực chế biến nông sản, thủy sản xuất khẩu, CN dệt, may, phụ liệu may, tiểu thủ công nghiệp... hiện đã có thêm một sản phẩm mới là CN đóng tàu và CN phụ trợ đóng tàu. Hiện nay, trên địa bàn có hai nhà máy lớn, là Công ty CN Tàu thủy Nha Trang và Công ty TNHH Nhà máy Tàu biển Hyundai - Vinashin. Riêng Nhà máy Hyundai - Vinashin, sau 12 năm chuyên sửa chữa, hoán cải tàu biển để lại hậu quả về môi trường, từ tháng 8-2008 đã chuyển sang đóng mới. Theo Sở Công thương Khánh Hòa, trong năm 2008, nhà máy này thực hiện giá trị sản xuất ước đạt khoảng 1.700 tỷ đồng, với những hợp đồng đã ký, giá trị sản xuất năm 2009 ước đạt hơn 3.200 tỷ đồng; đến năm 2010, doanh thu có thể lên tới hơn 6.600 tỷ đồng. Cùng với hai nhà máy này, trong tương lai gần, Khánh Hòa sẽ có thêm một nhà máy đóng tàu cỡ lớn khác là Nhà máy đóng tàu STX (Hàn Quốc), đủ năng lực đóng mới tàu từ 300 đến 500 nghìn DWT vừa được cấp phép, tổng vốn đầu tư 500 triệu USD, hiện đang được triển khai. Ngoài ra, còn có thêm các nhà máy phụ trợ CN đóng tàu của Tập đoàn CN Tàu thủy Việt Nam hiện đang làm thủ tục lập dự án đầu tư trên diện tích 1.400 ha ở cụm CN nam Cam Ranh.
Ngành CN đóng tàu ở Khánh Hòa đang có bước phát triển mạnh, chỉ trong năm 2008, tỷ trọng của CN đóng tàu trong giá trị sản xuất CN toàn tỉnh đã tăng lên đáng kể. Trong tương lai gần, CN đóng tàu sẽ trở thành ngành CN chủ lực của tỉnh Khánh Hòa.
Theo Giám đốc Sở Công thương Khánh Hòa Nguyễn Ngọc Minh, trên cơ sở thực lực hiện có, nếu không có yếu tố bất thường, dự báo trong năm 2009 giá trị sản xuất toàn ngành CN Khánh Hòa sẽ tăng cao trở lại, có thể đạt mức khoảng 20%.
Bí thư Tỉnh ủy Khánh Hòa Nguyễn Văn Tự, cho biết: Ðể thúc đẩy phát triển CN trên địa bàn, tỉnh đang phối hợp các bộ, ngành trung ương triển khai nhanh các thủ tục cấp giấy chứng nhận đầu tư cho một số dự án lớn. Ðẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi để các dự án đã được cấp phép triển khai nhanh chóng. Tỉnh tập trung huy động mọi nguồn vốn đầu tư đẩy nhanh tiến độ xây dựng cơ sở hạ tầng Khu kinh tế tổng hợp Vân Phong, KCN Ninh Thủy, các KCN Bắc, Nam Cam Ranh và các cụm CN Ðắc Lộc, Ninh Xuân, Diên Phú II. Trong đó, ưu tiên đầu tư phát triển hệ thống đường giao thông, điện, nước, thông tin liên lạc... đáp ứng nhu cầu của các dự án.
Ngoài ra, tỉnh còn triển khai nhiều biện pháp hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ, các làng nghề truyền thống hiện đang gặp rất nhiều khó khăn về vốn, công nghệ, diện tích mặt bằng.
nhân dân
|