Thưởng - phạt phân minh
Dư luận đang xôn xao trước việc Tập đoàn Điện lực VN (EVN) đề nghị trích 1.002 tỉ đồng trong số "chênh lệch giá điện 2007 là 2.763 tỉ đồng" để chia thưởng.
Số tiền này nếu đem chia cho 84.000 CBCNV của EVN, trung bình mỗi người được khoảng 12 triệu đồng - bằng gần 2 năm lương cơ bản trung bình. Lẽ thường, khi có công thì được thưởng. Còn khi có "tội", ắt đáng phải chịu phạt. Vì thế "công - tội" cần phân minh.
Vậy EVN có công gì? TCty Điện lực VN nay là EVN được thành lập từ năm 1995. Nhìn vào cái tên cũng đủ thấy EVN có nhiệm vụ đầu tư, sản xuất và cung cấp điện cho quốc gia. Bên cạnh đó, điều đặc biệt cần lưu tâm là EVN có vai trò của một DN chủ lực - từ năm 2005 trở thành tập đoàn kinh tế đầu tàu, đảm đương vai trò quan trọng trong chiến lược đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia.
Tuy nhiên, qua hơn chục năm "phấn đấu miệt mài", EVN chưa đáp ứng đủ điện cho đất nước. Mức độ thiếu điện trầm trọng đến nỗi không chỉ những vùng núi xa xôi, mà ngay cả thủ đô, những thành phố công nghiệp cũng thiếu điện và liên tục bị cắt điện... Thậm chí theo tính toán, dù đến hết thập kỷ này của thế kỷ 21, VN cũng vẫn thiếu cả tỉ kwh điện. Như vậy, trong "kỷ yếu" ngành điện sẽ cần có câu: EVN không hoàn thành và chưa biết đến bao giờ mới hoàn thành nhiệm vụ. Nhưng "kỷ yếu" của EVN còn có những trang khác.
Trong khi vai trò chủ lực không hoàn thành thì EVN lại ôm đồm những việc khác. DN này đã đầu tư không ít tiền vào lĩnh vực viễn thông, mở mang sang lĩnh vực chứng khoán, bất động sản và resort. Sự phân tán nguồn lực không chỉ khiến EVN bị suy yếu, mà còn đẩy DN này vấp phải những khó khăn ở lĩnh vực ngoài sở trường mà EVN cho là béo bở. Cực chẳng đã "anh con một" dằn dỗi cho rằng giá bán điện quá thấp, không đủ tái đầu tư. Vì thế, EVN liên tục đòi tăng giá điện. Thậm chí tháng 10.2008, EVN thẳng thừng từ chối 13 dự án điện...
Nhìn lại mới giật mình. Hoá ra đang xét công trạng của EVN thì lại... thấy "tội". Tuy nhiên, đã xét thì phải thấu tình đạt lý. EVN cho rằng: Cần xét đến quyền lợi của 84.000 CBCNV. Tuy vậy, Bộ Công Thương lại không nhất trí khi cho rằng việc làm đó chưa phù hợp, cần làm rõ cơ sở xác định và giá trị chênh lệch. Đến đây lại thấy có điều gì bất nhất. Cùng với sự khác nhau về quan điểm của hai bộ, mâu thuẫn nằm ở chỗ: Trong khi EVN kêu lỗ nặng khi bán điện giá thấp; vậy khoản lãi khổng lồ này ở đâu ra? Xét đoán thì thấy có 2 khả năng: Hoặc EVN xác định nhầm lỗ thành... lãi hoặc ngược lại.
Nhưng cho dù là như vậy thì EVN cũng không thể chia thưởng. Bởi lỗ thì chẳng lấy đâu mà thưởng. Còn nếu lãi to thì ấy chính là tiền của Nhà nước thu được từ nhân dân. Vì vậy cần phải được sử dụng để phục vụ nhân dân, chứ không thể đem tiền của dân ra để chia chác dưới danh nghĩa chia thưởng. Đồng thời, EVN chẳng thể kêu là bán điện giá thấp, càng không thể nào tăng giá điện bán. Đến đây việc xét đoán "công - tội" cũng đã phân minh. Vì thế thiết nghĩ sự thưởng - phạt cũng nên rõ ràng.
lđ
|