Vụ trưởng Vụ Tài chính - Kế toán (Bộ Công Thương) Phạm Công Tham:
EVN phải tính lại phân phối lợi nhuận
Bộ Tài chính cũng chưa thực hiện đúng NĐ199 khi thẩm định. * Chủ nhiệm UB Kinh tế của Quốc hội Hà Văn Hiền: EVN nên tập trung nguồn lực cho sản xuất.
"Văn bản của Bộ Công Thương đã nêu rõ: EVN phải làm rõ cơ sở xác định và giá trị khoản chênh lệch giá điện năm 2007. Việc phân phối lợi nhuận theo đề xuất của EVN là cũng chưa đúng với NĐ199. Bởi vậy, để thống nhất kiến nghị trình Thủ tướng Chính phủ, tới đây chắc chắn các bộ: Tài chính, Công Thương phải ngồi lại với nhau, yêu cầu EVN giải trình rõ". Ông Phạm Công Tham - Vụ trưởng Vụ Tài chính - Kế toán (Bộ Công Thương) - đơn vị tham mưu cho Bộ Công Thương đưa ra ý kiến về khoản chênh lệch giá điện của EVN - khẳng định với PV Lao Động chiều 21.10.
Thưa ông, vì sao Bộ Công Thương nêu quan điểm không đồng tình với Bộ Tài chính khi cho rằng, việc xác định mức chênh lệch giá điện như báo cáo của EVN là chưa phù hợp?
- Căn cứ trên văn bản EVN gửi Bộ Công Thương về xử lý chênh lệch giá điện năm 2007 thì các số chênh lệch 2.763 tỉ đồng được EVN đưa ra, dù nêu nguyên tắc tính trên cơ sở chênh lệch giữa mức giá bán điện bình quân kế hoạch theo QĐ 276 và mức giá thực hiện thực tế năm 2006, nhưng cơ sở để xác định khoản chênh lệch không rõ. Việc xác định chênh lệch giá cũng không quy về một mặt bằng, mức giá điện thực hiện thực tế của năm 2006 so với giá bình quân kế hoạch theo QĐ 276 sẽ bị sai lệch khi quyền số thay đổi, do các thay đổi từ cơ cấu tiêu thụ điện đối với từng khu vực: Sản xuất, sinh hoạt, dịch vụ, giá bán điện bình quân cũng thay đổi.
Nếu tính đúng phương pháp (cùng quyền số) thì mức chênh lệch giá điện chắc chắn sẽ khác. Cái này Bộ Tài chính phải thẩm định, vì chức năng giám sát giá thuộc Bộ Tài chính, trường hợp Bộ Tài chính hỏi ý kiến Bộ Công Thương thì chúng tôi đã trả lời là không đồng tình, yêu cầu EVN phải làm rõ ý này.
QĐ 276 của Thủ tướng Chính phủ yêu cầu toàn bộ khoản chênh lệch do tăng giá điện EVN phải đưa vào đầu tư, song EVN cho rằng theo Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) quy định sau khi nộp thuế, DN được trích lập các quỹ; theo ông, EVN đề xuất như vậy có hợp lý không?
- Theo tôi, về nguyên tắc, Luật Thuế TNDN hiện hành và NĐ199 hướng dẫn quy chế quản lý tài chính của Cty nhà nước là văn bản pháp lý có hiệu lực cao nhất. Ơ đây, EVN kiến nghị các cơ quan nhà nước thực hiện theo Luật Thuế TNDN, đề nghị phần chênh lệch từ tăng giá điện tính vào lợi nhuận hết là đúng, nhưng cách phân phối lợi nhuận, theo tôi lại chưa phù hợp. NĐ199 yêu cầu tổng lợi nhuận thực hiện, sau khi nộp thuế thu nhập rồi DN phải phân phối theo các nguồn: Nguồn vốn ngân sách và nguồn tự huy động.
Ở đây, EVN chưa hề đả động đến việc trích lại phần lợi nhuận được chia theo vốn nhà nước trả vào quỹ đầu tư phát triển. Phần vốn huy động còn lại mới được phân phối để trích các quỹ, EVN đã không nói gì đến phần lợi nhuận được chia theo vốn nhà nước là không đúng. Nếu EVN phân chia đúng theo NĐ199 thì EVN sẽ không được hưởng nhiều như vậy, vì tỉ lệ vốn nhà nước sở hữu cũng nhiều, chứ không ít.
Trong khi đó, Bộ Tài chính khi thẩm định đề xuất phân phối này cũng chưa thực hiện đúng NĐ199 do chính bộ ban hành. Cho phép EVN phân chia lợi nhuận sau thuế để trích nộp các quỹ ngay là không đúng. Hiện nay, theo tôi biết, bản thân NĐ199 cũng đang vướng ở việc phân chia mức lợi nhuận này. Các DN cũng đã kiến nghị và Bộ Tài chính đã lên kế hoạch sửa hàng năm nay; nhưng trong khi NĐ mới chưa ban hành thì NĐ199 vẫn phải được chấp hành.
EVN luôn kêu lỗ, nhưng thực tế thì năm nào cũng lãi. Việc phải có lãi để được hưởng phúc lợi tối đa 3 tháng lương - theo đề xuất của EVN - theo ông có hợp lý không, khi thực tế thì EVN cần rất nhiều tiền để đầu tư?
- Ơ đây tôi không bình luận ở mức độ hợp lý hay không, mà là cứ đúng luật thì làm. Theo luật quy định, cứ có lợi nhuận năm sau cao hơn năm trước thì DN sẽ được trích quỹ khen thưởng phúc lợi tối đa là 3 tháng lương. Còn lợi nhuận năm sau thấp hơn năm trước thì được trích tối đa 2 tháng lương, với điều kiện lợi nhuận phải đủ. Ở đây, tính chung toàn tập đoàn thì EVN không lỗ, nhưng EVN lỗ là do có tỉ trọng điện mua ngoài giá cao. Tính ra, tổng lợi nhuận của EVN năm 2007 là 3.800 tỉ, nếu không bị chi phí nguyên liệu mua ngoài giá cao, thì lợi nhuận theo tính toán lên đến 6.000 tỉ.
Như vậy là do phải thực hiện việc lo điện cho nền kinh tế, nên EVN phải mua ngoài. Việc mua điện giá cao thực chất là làm giảm lợi nhuận của EVN, nếu tính sòng phẳng thì Chính phủ cần có đặc cách riêng cho EVN để được hưởng mức phân chia lợi nhuận khác. Còn bằng không, EVN vẫn phải thực hiện theo luật.
- Xin cảm ơn ông.
lđ
|