Giá cước vận tải: Nhiều lý do để... chưa giảm
Sau nhiều ngày xăng dầu giảm giá nhưng giá cước vận tải tại TPHCM vẫn nằm im. Giải thích với chúng tôi về vấn đề này, các doanh nghiệp (DN) vận tải đã đưa ra rất nhiều lý do.
Đến chiều 21-10, lãnh đạo Bến xe miền Đông và Bến xe miền Tây đều cho biết, chưa có DN nào thông báo điều chỉnh giảm giá vé xe đò. Tại Bến xe An Sương và Bến xe Ngã tư Ga, tình hình cũng tương tự.
Tuy nhiên, theo nhận định của ông Hoàng Hải Nam, Giám đốc Bến xe An Sương: Mặc dù các DN chưa chính thức thông báo việc điều chỉnh giảm giá vé xe đò nhưng việc giảm giá xăng dầu trong 2 đợt vừa qua đã có hiệu ứng, còn hiệu ứng ở mức độ nào thì bến chưa định lượng được và đang theo dõi.
Bằng chứng là một số nhà xe đã lấy tiền xe thấp hơn so với tiền ghi trên vé (đây cũng là “chiêu” mà các DN dùng để cạnh tranh với nhau - PV). Có nhà xe lấy đúng giá vé nhưng bổ sung thêm cho khách bằng các dịch vụ như: nước suối, khăn lạnh hoặc cơm trưa…
Ông Nam cho rằng, việc chưa giảm giá vé có thể là do các DN chưa thực hiện xong các thủ tục làm giá vé mới. Tuy nhiên, qua tìm hiểu chúng tôi được biết, có một số nhà xe ngại in vé mới vì lượng vé cũ còn nhiều, nếu hủy thì mất cả chục triệu đồng.
Ông Võ Ba, Giám đốc Hãng taxi Future, cho biết, hãng của ông đã tính toán sẽ giám giá cước từ 11.000 đồng/km xuống 10.500 đồng/km. Tuy nhiên, có thể phải đến đầu tháng mới thực hiện vì còn phải nghe ngóng tình hình giá xăng dầu thêm một thời gian nữa.
Trong khi đó, ông Tạ Long Hi, Phó Tổng Giám đốc Hãng taxi Vinasun, khẳng định: Giá xăng dầu giảm tổng cộng 2 lần có 1.000 đồng/lít thì chẳng ăn thua gì. Nếu giá cước có giảm thì cũng chỉ giảm được 300 đồng/km. Nhưng giảm mức 300 đồng/km thì việc lập trình đồng hồ rất khó. Còn nếu giảm giá cước đến 500 đồng/km thì DN sẽ lỗ. Vì vậy, vấn đề giảm giá cước sẽ hết sức cân nhắc.
Ông Trương Quang Mẫn, Phó Tổng Giám đốc Hãng taxi Mai Linh, cho rằng: “Trong thời buổi cạnh tranh gay gắt hiện nay nếu không giảm giá cước thì DN sẽ chết. Chúng tôi sẵn sàng giảm giá, nhưng việc xăng dầu cứ giảm nhỏ giọt như thế này cũng khiến DN gặp khó. Hãng taxi Mai Linh có khoảng 6.000 xe, muốn giảm giá cước phải lập trình giá cước lại mà thời gian để lập trình 6.000 xe trên mất ít nhất 1 tháng, với kinh phí khoảng 840 triệu đồng.
Theo ông Nguyễn Ngọc Lự, Phó Chủ tịch Hiệp hội Vận tải hàng hóa TPHCM, giá nhiên liệu chiếm từ 40% đến 45% trong cơ cấu giá thành vận tải. Sau 2 đợt giảm giá vừa qua thì giá dầu chỉ giảm có 800 đồng/lít, một con số quá nhỏ nên chưa đủ tác động đến việc giảm giá cước vận tải vì nếu giá cước có giảm thì mức giảm cũng không đáng kể.
Nhiều ý kiến đề nghị, hiện nay giá xăng dầu đã thả nổi theo thị trường thì giá cước vận tải cũng nên thả nổi để tự thị trường điều chỉnh.
Các hãng hàng không hứa sẽ giảm giá
Ngày 21-10, trao đổi với PV Báo SGGP về việc giá cước, phí phụ thu nhiên liệu vé máy bay vẫn chưa có dấu hiệu giảm trong khi giá xăng dầu đã giảm, đại diện các hãng hàng không Vietnam Airlines, JetStar Pacific cho biết, thời gian gần đây, giá xăng dầu thế giới biến động thất thường, các hãng hàng không đã họp bàn với Bộ Công thương và các ngành liên quan để điều tiết giá cước, phí phụ thu hợp lý nhất cho khách hàng. Từ khi quyết định thu phụ thu phí nhiên liệu, các hãng đã 2 lần điều chỉnh giảm giá phụ thu theo mức giảm giá xăng dầu của thế giới.
Hiện nay, các hãng hàng không phải mua xăng của nhà nhập khẩu theo giá cao của thời điểm trước đó, nên việc điều chỉnh giảm giá, giảm mức phụ thu không thể theo mức giảm của giá thị trường thế giới. Các hãng hàng không sẽ xem xét và chắc chắn sẽ có điều chỉnh giảm giá cước, giá phụ thu nhiên liệu trong thời gian tới.
sggp
|