Đầu tư vào ngành điện: “Miệng” nói dễ, nhưng “tay” làm khó
Tập đoàn Điện lực VN (EVN) đang rất thiếu vốn để phát triển nguồn điện và EVN mong muốn các doanh nghiệp bên ngoài tham gia đầu tư để biết cái khó. Dù tuyên bố của EVN là vậy, nhưng trên thực tế đầu tư vào ngành điện không hề dễ dàng chút nào.
Nguyên nhân sâu xa là do cách hành xử của EVN, những… thủ tục hành chính, rào cản chính sách mà một số do chính EVN hoặc đơn vị thuộc EVN góp ý, soạn thảo.
Khó vì… thủ tục
Trao đổi với Tuổi Trẻ mới đây, bà Đặng Thị Hoàng Yến, chủ tịch HĐQT Tập đoàn Tân Tạo - đơn vị đang đầu tư một dự án điện, khẳng định: doanh nghiệp muốn đầu tư vào điện luôn phải đồng hành với các thủ tục hành chính rườm rà. Bên cạnh thủ tục đất đai phức tạp, mỗi khâu kéo dài từ sáu tháng đến một năm, các doanh nghiệp tư nhân thường “vướng” nhiều quy định liên quan đến EVN.
Bà Yến khẳng định: có dự án xây dựng nhà máy điện dù đã được Thủ tướng Chính phủ cho phép lập dự án đầu tư, nhưng đến khi triển khai lại bị vướng quy hoạch tổng sơ đồ 6 (quy hoạch phát triển ngành điện đã được Thủ tướng phê duyệt).
Ngoài ra, sau khi doanh nghiệp lập xong quy hoạch trình lên các bộ, doanh nghiệp ngoài quốc doanh vẫn phải làm đúng công thức: xin các bộ cho phép làm chủ đầu tư, sau đó mới được phép lập dự án dù Thủ tướng đã cho phép trước đó. Điều này khiến không ít dự án khi bắt đầu triển khai thì đầy tiềm năng, nhưng khi thực hiện thì cơ hội đã qua đi, hoặc tiềm lực của doanh nghiệp đã bị hao mòn đáng kể.
Theo một báo cáo mới đây của UNCTAD (cơ quan đầu mối của Ban thư ký Liên Hiệp Quốc phụ trách về đầu tư trực tiếp nước ngoài): trong những năm đổi mới, dù VN thu hút được rất nhiều dự án FDI (vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài) vào các ngành sản xuất nhưng lại nhận được rất ít vốn đầu tư vào ngành điện. UNCTAD cho rằng các nhà đầu tư nước ngoài sẽ chỉ tham gia ngành điện nếu họ thu được một khoản lợi nhuận tương ứng với độ rủi ro sẽ phải đối mặt.
Trong khi đó mức độ rủi ro tại VN, theo UNCTAD, bao gồm rất nhiều yếu tố khá “khác biệt” liên quan chặt chẽ đến EVN: cơ cấu pháp lý và thể chế của ngành điện; tính minh bạch và dễ dự đoán của các khuôn khổ pháp lý, cơ cấu đó; sự vững mạnh về tài chính của các bên đối tác trong ngành điện; các điều khoản hợp đồng với EVN... Vì vậy, trong điều kiện hiện tại khó có nhà đầu tư, ngân hàng nước ngoài nào sẵn sàng đón nhận những rủi ro khi có nhà máy điện tại VN, vì nhiều công ty sản xuất điện độc lập hiện chỉ bán được điện cho EVN với hợp đồng ngắn hạn.
Chờ EVN quyết giá mất... 6 năm
Theo ông Trần Viết Ngãi - chủ tịch Hiệp hội Năng lượng VN, vừa qua đã có 47 dự án làm nhà máy điện độc lập (IPP) và nhà máy theo hình thức BOT đã đăng ký ở VN. Dự kiến đến năm 2015 sẽ hoàn thành nhưng hiện mới có 17 dự án IPP, hai dự án BOT đi vào hoạt động, còn lại vẫn đang trong tình trạng… chờ đợi. Ông Ngãi cho biết các nhà đầu tư vào ngành điện vẫn phải qua cơ chế đấu thầu, và từ khi đấu thầu đến khi được làm có khi mất đến vài năm với vô kể thủ tục cần giải quyết.
Một lý do nữa khiến không ít nhà đầu tư ngán đầu tư vào ngành điện là làm nhà máy rồi nhưng điện có ai mua không, mua lúc nào đều do… EVN quyết.
Ông Đinh La Thăng, chủ tịch Tập đoàn Dầu khí VN, cho biết có dự án Nhà máy điện của Petro VN đã mất đến hai năm chỉ để đàm phán giá điện. Trong khi đó, có dự án nước ngoài thời gian dành cho việc này lên tới… sáu năm. Tuy vậy, đàm phán xong chưa hẳn đã hết lo. Còn nhớ tháng 8-2008, Tập đoàn Dầu khí VN đã kêu trời vì khi cao điểm EVN mua hết công suất, còn giờ thấp điểm EVN… không mua, nhà máy đối mặt nguy cơ lỗ vì ế điện. Giải thích, ông Phạm Lê Thanh, tổng giám đốc EVN lúc đó, cho rằng đây là hành động hợp lý của EVN. Theo ông Thanh, vì giá các nhà máy của Dầu khí cao hơn nên khi thấp điểm EVN phải huy động điện từ hệ thống của mình cho… tiết kiệm.
Có lẽ vì lý do này nên báo cáo của UNCTAD đã chỉ rõ: “một số nhà đầu tư đã quan tâm đến các dự án điện ở VN nhưng chưa dự án đáng kể nào được xúc tiến, và thời điểm hiện tại “khó có nhà đầu tư cấp 1 nào dám cam kết thực hiện hơn một dự án cùng lúc”. Tất nhiên, các dự án điện độc lập càng chậm, các nhà máy của EVN càng có cơ hội lấp đầy quy hoạch theo tổng sơ đồ 6 đã được Thủ tướng phê duyệt.
Nên tách nhỏ EVN
Để tạo lập khuôn khổ thị trường, UNCTAD đề xuất sáu khuyến nghị. Theo đó, việc đầu tiên là tách biệt khâu sản xuất, chuyển tải và phân phối điện. Tiếp đến là chia nhỏ EVN, tách đơn vị mua điện duy nhất ra khỏi EVN.
Để nâng cáo tính độc lập cho các thể chế, UNCTAD còn đề xuất chuyển quyền sở hữu các công ty nhà nước từ Bộ Công nghiệp (nay là Bộ Công thương) sang Tổng công ty Quản lý kinh doanh vốn nhà nước. Bên cạnh đó, nâng cao năng lực, tính độc lập của Cục Điều tiết điện lực. Và cuối cùng, UNCTAD yêu cầu tách Viện Năng lượng - với tư cách một cơ quan hoạch định chiến lược phát triển ngành điện - ra khỏi EVN.
Theo UNCTAD, nếu cơ chế hợp lý hơn, đầu tư vào ngành điện có thể lên đến 1 tỉ USD mỗi năm sau 2010, giúp VN có thêm 1.000MW mỗi năm. Như vậy, chỉ cần thay đổi cơ chế đầu tư, thúc đẩy nhanh quá trình hình thành thị trường điện cạnh tranh, VN sẽ không phải lo thiếu điện, Nhà nước không phải đi bảo lãnh vay vốn cho EVN và người dân càng không phải lo giá tăng.
Tính đến cuối năm 2005, theo UNCTAD, EVN đã có tổng tài sản lên tới 7,2 tỉ USD. Tổng doanh thu năm 2005 đến 2,4 tỉ USD, tương đương mức lợi nhuận trước thuế là 200 triệu USD.
Sớm cho thị trường điện cạnh tranh
Theo chiến lược phát triển ngành điện, phải đợi đến năm 2022-2025 VN mới có thị trường điện thật sự cạnh tranh. Một chuyên gia cho rằng hoàn toàn không nên khống chế thời gian này vì càng mở chính sách, thị trường điện cạnh tranh sớm chừng nào, sẽ có thêm nhiều thành phần kinh tế tham gia đầu tư xây dựng nhà máy. Khi đó, giá cả cũng không phải vấn đề quá gay gắt với các nhà đầu tư vì họ nhìn thấy ở VN tiềm năng về dài hạn, khi điện vận hành theo đúng cơ chế thị trường.
tt
|