Tăng giá nước sinh hoạt:
Người dân phải trả tiền cho sự quản lý yếu kém
Thất thoát lên tới trên 40% khiến người dân phải trả giá cao để mua nước sinh hoạt. Chưa hết, họ còn phải tự bơm nước từ bể chứa và lọc lại bằng máy thì mới dùng được nước.
Theo ông Nguyễn Tôn, Chủ tịch Hiệp hội Cấp thoát nước Việt Nam mức tăng giá bắt đầu từ năm 2009 được đề xuất sẽ là: Đối với giá nước sinh hoạt của hộ gia đình dưới 16m3 là 3.600 đồng (giá cũ là 2.800 đồng); 4 khối tiếp theo là 4.200 đồng (giá cũ là 3.500 đồng); 10 khối tiếp là 5.500 đồng (giá cũ là 5.000 đồng) và trên 35m3 là 8.000 đồng (giá cũ 7.500 đồng).
Như vậy, bình quân một hộ dân (4 khẩu) mỗi tháng dùng 25 khối nước thì họ phải bỏ thêm từ 22.000-25.000 đồng/tháng. Trước họ phải trả khoảng 73.000 - 75.000 đồng/tháng thì nay theo mức giá mới phải trả gần 100.000 đồng/tháng.
Tiền nhiều có mua được hàng tốt?
Theo ông Nguyễn Tôn, phải tăng giá nước thì mới có tích luỹ, tái đầu tư. Bởi hệ thống đường ống 30-40 năm không đầu tư lại thì làm sao có chất lượng tốt được. Hiện nay, thất thoát nước bình quân trên toàn quốc là 33%. Riêng ở thành phố Hồ Chí Minh lên tới 41%; Hà Nội trên 40% do đường ống quá cũ. Trong khi đó, lượng nước tiêu thụ của hai thành phố này chiếm đến 3/4 nước toàn quốc. Hiện nay, chúng ta phấn đấu giảm mức thất thoát mỗi năm xuống 2%. Nếu hạ được mức thất thoát thì sẽ tiết kiệm được rất nhiều tiền.
TS Vũ Đình Ánh – Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu khoa học thị trường giá cả (Bộ Tài chính) nêu rõ: Từ trước đến nay, điện, nước của Việt Nam thất thoát rất lớn. Vấn đề là thất thoát thì trách nhiệm thuộc về ai? Ngành nước cung cấp nước thì phải chịu trách nhiệm về việc thất thoát đó nhưng tại sao lại cộng vào giá thành, đánh vào những người tiêu dùng nghiêm túc, không ăn cắp. “Không lẽ, hai ngành này lại thực hiện theo nguyên tắc “thu tiền của người nghiêm túc bù cho kẻ ăn cắp” – ông Vũ Đình Ánh nói.
Phân tích rõ hơn điểm này, TS Hồ Ngọc Hải, Chủ tịch Hiệp hội nước sạch và môi trường Việt Nam nói: Giá thành cao bởi thất thoát 40% nếu doanh nghiệp quản lý tốt thì phải hạ thất thoát xuống (còn 20% chẳng hạn) thì người tiêu dùng sẽ được hưởng mức giá khác. Ví dụ, một khối nước có giá 1.000 đồng/m3 mà thất thoát 40% thì giá bán nâng lên 1.500 đồng/m3 (đội giá). Đương nhiên là thất thoát được cộng vào giá thành để tính giá bán, người dân trả chứ không có doanh nghiệp nào gánh phần này cả. Một điều vô lý là Nhà nước và người dân lại phải trả tiền cho việc quản lý yếu kém của doanh nghiệp.
TS Hồ Ngọc Hải cho rằng: “Cần phải có cơ chế giám sát chặt chẽ hơn chứ không thể để doanh nghiệp làm ẩu để thất thoát rồi kêu nhà nước bù lỗ, để người dân chịu mua giá nước cao hơn thực tế”.
Nếu tăng giá thì cần phải thông tin hai chiều. Nhà nước, doanh nghiệp phải nói cho dân biết tại sao tăng, sản xuất ra một khối nước thì giá thành là bao nhiêu, Nhà nước phải bù như thế nào và cần sự chia sẻ của Nhà nước- doanh nghiệp - người dân ra sao. Chắc chắn người dân sẵn sàng chia sẻ khi giá nước tăng lên một chút mà được hưởng dịch vụ tốt hơn. Khi giá nước tăng lên thì ý thức sử dụng nước sạch của người dân sẽ tốt hơn, tiết kiệm hơn.
Về điều này, TS Vũ Đình Ánh cũng cho rằng, tăng hay giảm giá là việc của ngành nước nhưng phải thuyết phục được người tiêu dùng tăng, giảm bao nhiêu là xứng đáng, hợp lý. Sâu xa nhất trong mọi câu chuyện kinh doanh là doanh nghiệp phải tính lãi, phải có lời, nhưng ngành nước chưa phải là doanh nghiệp hoạt động vì lợi nhuận mà là doanh nghiệp công ích hoạt động phi lợi nhuận, việc thu phí chỉ là để bù được phần vốn. Vì thế, “nhất cử, nhất động” của ngành này phải xét đến trách nhiệm của mình đối với xã hội.
Một người bán vạn người mua
TS Hồ Ngọc Hải cho rằng, dịch vụ của ngành nước như thời gian vừa qua là chưa ổn. Bởi hầu hết ở các nhà cao tầng, nước đều không lên được, người dân phải dùng máy bơm.
Giá tăng thì dịch vụ phải khác. Nếu giá vẫn tăng mà dịch vụ vẫn không được cải thiện thì sẽ thiệt cho người tiêu dùng. Thực tế hiện nay, nhiều gia đình ở Hà Nội, ngoài việc phải bơm nước lên bể chứa còn phải dùng bình lọc. Như vậy vừa tốn kém lại mất nhiều thời gian. “Nước sinh hoạt ở Hà Nội, ngoài những tạp chất còn có cả chất độc nữa cần phải lọc bỏ đi. Vì thế, nếu chất lượng dịch vụ và chất lượng nước được cải thiện thì thực chất giá không tăng vì người tiêu dùng không mất tiền điện bơm nước lên bể chứa, không mất tiền mua bình lọc…”-TS Hồ Ngọc Hải nói.
“Tôi vẫn khẳng định nước là một hàng hoá, cần phải tính giá đúng, đủ theo thị trường. Tuỳ theo chất lượng nước mà đưa ra các mức giá cụ thể chứ không thể đánh đồng giá nước sạch với giá nước chỉ ở mức hợp vệ sinh, nước có thể dùng ngay tại vòi phải khác với nước phải bơm, lọc mới có thể dùng được. Có nghĩa là chất lượng dịch vụ khác nhau thì giá cả khác nhau”-TS Hải nói.
Chuẩn mực tối thiểu của cuộc sống là phải có điện, nước. Một người có thể giảm bớt nhu cầu tiêu thụ điện hoặc có thể không dùng điện nhưng không thể không cần nước. “Bây giờ có tăng giá lên đến 10 ngàn/m3 thì người dân vẫn phải dùng nước” – TS Vũ Đình Ánh nói.
Theo TS Hồ Ngọc Hải thì: Chúng ta phải coi nước sạch là hàng hoá đặc biệt. Cho nên, giá cả phải được tính theo thị trường. Tuy nhiên, việc tăng giá phải hợp lý. Giá có liên quan rất nhiều đến chất lượng và dịch vụ. Ở nhiều nước trên thế giới, người dân có thể uống nước trực tiếp ở vòi.
TS Hải khẳng định: “Nước ở ta hiện nay vẫn là hàng độc quyền, bởi chỉ có một số doanh nghiệp cung cấp”.
Hạn chế mục tiêu quốc gia về nước sạch?
Theo Hiệp hội nước sạch và môi trường Việt Nam, Chương trình quốc gia nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn phấn đấu đến năm 2010, có 85% dân ở nông thôn được sử dụng nước hợp vệ sinh, trong đó 50% sử dụng nước sạch. Trong thực tế, hiện nay mới chỉ có 30% người dân nông thôn được dùng nước sạch.
TS Hồ Ngọc Hải cho biết: “Ở nông thôn, nhiều nơi đã xây xong trạm nước sạch nhưng người dân lại không mua nước. Đơn giản là từ trước đến nay họ sử dụng nước mưa, nước giếng… mà không mất tiền mua nước. Nay bỏ ra một khoản tiền hàng tháng thì đối với đời sống của người nông dân cũng là một vấn đề”.
Chia sẻ với ý kiến này của ông Hải, TS Vũ Đình Ánh cũng khẳng định, cần tính toán kỹ, phần tăng thêm là bao nhiêu phần trăm thu nhập của người dân. Đối với người thành phố số tiền này là không lớn (chỉ bằng hơn một lần đổ xăng xe máy), nhưng với người nông dân, lo cho con 500-1 triệu đồng/tháng để đi học, nhiều gia đình còn khốn đốn, giờ cộng thêm những khoản như thế sẽ ra sao?
Ở thành phố, người dân không có lựa chọn nào khác để tìm nguồn nước (ở nhà tầng, nhà chung cư, không thể tích nước mưa…), nhưng ở nông thôn việc này rất dễ. Nếu nước sạch đắt quá thì người ta đào giếng, lấy nước mưa. “Mục tiêu của chúng ta có phải sang thế kỷ 21 rồi người nông dân vẫn phải đào giếng, hay lấy nước mưa không?”- ông Vũ Đình Ánh nói.
Do vậy, theo TS Hồ Ngọc Hải, đối với nông thôn thì Nhà nước vẫn phải trợ giá nước sạch đến khi nào người dân ý thức được đầy đủ, nếu không sẽ chỉ vì giá cao mà ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống, sức khoẻ, kinh tế của gia đình người dân. Khi người dân nông thôn đã dùng quen nước sạch rồi thì mới tính giá theo thị trường được.
Còn ở nội thị, thì cần phải có chất lượng nước tốt, dịch vụ tốt hơn chứ không phải như hiện nay. Mức tăng này đối với khu vực thành thị cũng không có vấn đề gì lớn lắm, nhìn chung người dân có thể chấp nhận được.
Một đối tượng tiêu dùng nước nữa được TS Vũ Đình Ánh đề cập là sinh viên, những người phải đi thuê nhà. TS Vũ Đình Ánh cho rằng, cần phải đẩy giá nước sạch và điện cho đối tượng thuê nhà về mặt bằng như bình thường chứ không thể để phải chịu giá 5.000 đồng/số nước, 2.000 đồng/số điện. Ai là người thuê nhà? Toàn người nghèo, sinh viên…
Theo các chuyên gia kinh tế, nếu bỏ luỹ tiến việc tính giá nước, điện thì không khuyến khích tiết kiệm. Vì thế phương án là tách công tơ, đồng hồ. Nếu bản thân người thuê nhà dùng nhiều quá thì cũng phải tính luỹ tiến. “Nói cho cùng, giảm gánh nặng cho những người đáng giảm, còn ai có nhu cầu dùng quá thì tự chịu” – ông Vũ Đình Ánh khẳng định.
vov
|