Thứ Tư, 22/10/2008 06:28

Muốn tăng giá điện, phải minh bạch giá thành !

Nên có một cuộc đối thoại giữa ngành điện, người tiêu dùng và cơ quan chuyên môn để đưa ra được phương án tăng giá tối ưu, cả người bán và người mua đều chấp nhận

TS Nguyễn Quang A, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển (IDS), nhận xét: Lâu nay, do không có cơ quan giám sát độc lập nên khi đề xuất tăng giá, ngành điện muốn “vẽ thế nào thì vẽ”!

Thiếu căn cứ khoa học

Theo TS Nguyễn Quang A, do không ai có đủ thời gian và chuyên môn xem xét, Tập đoàn Điện lực VN (EVN) trình phương án tăng giá điện thế nào thì nương theo đó mà quyết định chứ không có đủ căn cứ khoa học. Gần đây, Chính phủ đã cho thành lập Cục Điều tiết điện lực thuộc Bộ Công Thương, có trách nhiệm “soi” giá điện, song hiệu quả hoạt động thế nào chưa có cơ sở để nhận xét.

TS Nguyễn Quang A cho rằng muốn tăng giá điện phải xem xét lại tận gốc rễ của vấn đề, bắt đầu từ việc hạch toán, kế toán của EVN xem lỗ lãi ra sao, thất thoát điện thế nào. Việc EVN kêu thiếu vốn đầu tư, liên tục đề nghị tăng giá điện và phải bỏ 13 dự án, trong khi đòi trích lập quỹ phúc lợi khen thưởng 1.002 tỉ đồng từ khoản 2.763 tỉ đồng chênh lệch giá điện năm 2007 là không bình thường. Theo Luật Doanh nghiệp, các doanh nghiệp chỉ được trích quỹ thưởng 5%, trong khi ngành điện kêu lỗ mà lại đòi trích đến 36%!

Không phản đối quan điểm để giá điện theo sát giá thị trường, có sự điều tiết của Nhà nước, song các chuyên gia kinh tế lên tiếng mạnh mẽ về việc trước khi tăng giá điện phải công khai, minh bạch giá thành. Theo TS Lê Đăng Doanh, chuyên gia kinh tế cao cấp, nên có cuộc điều tra độc lập về tình trạng quản lý chi phí, tổn thất điện năng của EVN để có cơ sở tính toán tăng giá bao nhiêu là hợp lý. Vấn đề này càng trở nên cấp thiết trong hoàn cảnh không thể có quyết định vừa làm hài lòng cả ngành điện và người tiêu dùng. Ngành điện hiện chưa thoát khỏi cơ chế độc quyền, trong khi Nhà nước chưa có cơ chế giám sát độc quyền hiệu quả thì việc điều tra để công khai, minh bạch giá thành là rất cần thiết.

Khách hàng cần được góp ý kiến

TS Nguyễn Quang A cho biết theo kinh nghiệm quốc tế, giá điện bao giờ cũng bị điều tiết thay vì để giá thị trường tự do hoặc theo mệnh lệnh hành chính. Chính phủ các nước thường có một cơ quan độc lập - không nằm trong bộ máy hành pháp mà hoạt động theo chức trách chuyên gia - có vai trò làm trọng tài giữa người bán và mua, có trình độ chuyên môn, khả năng phân tích, đánh giá để nghe bên bán điện điều trần về giá bán và bên mua phản ánh lại để thống nhất mức giá hợp lý.

Trường hợp không thống nhất được quyền lợi, họ tự quyết định giá năng lượng trong thẩm quyền được giao và phải bảo đảm vô tư. “Tôi cho rằng tại VN, các hộ tiêu dùng lớn (than, xi măng, giấy) nên lập hội người tiêu dùng điện để phối hợp với Hiệp hội Bảo vệ người tiêu dùng lên tiếng góp ý về giá điện. Như thế mới có động lực thúc đẩy ngành điện công khai, minh bạch giá thành và có cơ sở để quyết giá điện”- TS A nhìn nhận.

Đồng tình với quan điểm này, TS Lê Đăng Doanh cho rằng không có ngành nghề nào tăng giá ngay một lúc gần 20%. Vì vậy, nên có một cuộc đối thoại giữa ngành điện, người tiêu dùng và cơ quan chuyên môn để đưa ra được phương án tăng giá tối ưu, cả người bán và người mua đều chấp nhận. Ông Trần Viết Ngãi, Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng VN, cho biết theo lộ trình đã được Chính phủ phê duyệt, giá điện sẽ có biên độ tăng 20%-30%. Hiệp hội này đã đề nghị EVN khi xây dựng phương án chỉ nên tăng từ từ, tối đa 15% để không gây sốc, đồng thời phù hợp với bối cảnh Chính phủ đang nỗ lực kiềm chế lạm phát.

Một vấn đề rất quan trọng là cùng với việc tăng giá, EVN phải bằng mọi cách bảo đảm chất lượng điện cho khách hàng. Theo Luật Điện lực, bên A trong hợp đồng mua bán điện (EVN) phải bảo đảm cung cấp điện đủ và chất lượng ổn định, song thực tế không như vậy.

Ngành điện phải suy nghĩ lại

Theo ông Hà Văn Hiền, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, EVN cần nhìn lại mình khi trả lại 13 dự án điện mà Chính phủ đã giao đầu tư. Việc tập trung mọi nguồn lực, nguồn vốn đầu tư dự án điện để đáp ứng nhu cầu cho sản xuất và đời sống là nhiệm vụ chứ không đơn thuần là đầu tư kinh doanh. “Có một vấn đề cần xem xét là tại sao trong những năm qua, điện liên tục thiếu. Năm rồi, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội đã có chương trình thẩm tra, giám sát nhưng chưa thực hiện được, năm nay sẽ tiếp tục. Cụ thể, phải xem xét các dự án đầu tư của ngành điện như thế nào, từ khâu quy hoạch đến khâu tổ chức thực hiện”- ông Hiền cho biết.

Về đề nghị tăng giá điện và tăng quỹ phúc lợi của EVN, ông Hiền nhận xét: “Tôi có nghe thông tin này. Thời điểm này mà ngành điện đề nghị tăng giá điện và tăng quỹ phúc lợi sẽ dễ gây ra phản ứng ở người tiêu dùng. Ngành điện phải suy nghĩ lại việc này, nói thực là không nên... Phần chăm lo cho đời sống của nhân viên cũng cần, nhưng phải dựa trên mặt bằng chung của các ngành kinh tế khác. Lúc này, ngành điện phải tập trung dành nguồn vốn cho đầu tư nguồn điện vì đang thiếu và nhu cầu ngày một tăng”.

nlđ

Các tin tức khác

>   Giá xăng dầu sẽ bám sát thị trường hơn (22/10/2008)

>   Cứu ngành thép: Cách nào? (22/10/2008)

>   Phân bón giảm giá nhanh (22/10/2008)

>   Xuất giỏ xách sang châu Âu (22/10/2008)

>   Đầu tư vào ngành điện: “Miệng” nói dễ, nhưng “tay” làm khó (22/10/2008)

>   Công ty Cảng Hải Phòng quản lý khai thác cầu cảng số 4, 5 Chùa Vẽ (21/10/2008)

>   Hơn 80% nguyên liệu gỗ phải nhập khẩu (21/10/2008)

>   Năm 2009: Tăng giá điện, nước tuỳ thuộc vào tình hình cụ thể (21/10/2008)

>   Cần từng bước điều chỉnh giá than bán cho 3 hộ tiêu thụ lớn (21/10/2008)

>   Người dân phải trả tiền cho sự quản lý yếu kém (21/10/2008)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật