Thứ Tư, 22/10/2008 09:09

Giá thuốc lại nhảy múa

Trong khi một vài doanh nghiệp dược nội công bố điều chỉnh giá 10 mặt hàng thuốc giảm đến… 34% thì ngay lập tức một số doanh nghiệp nội khác lại ra thông báo tăng giá, khiến các Cty dược nước ngoài cũng “té nước theo mưa”.

Tăng đến… 50%

Nhiều khách hàng rất bất ngờ khi ngày 14/10 vừa qua, ông Cáp Hữu Ánh - Giám đốc Cty dược Roussel Việt Nam ở số 6 Nguyễn Huệ, Q.1, TPHCM ra thông báo gửi khách hàng về việc điều chỉnh giá thuốc của Cty.

Từ ngày 24/10, Cty Roussel sẽ áp dụng giá mới cho 8 mặt hàng thuốc với mức tăng từ 5 - 10%, đặc biệt có mặt hàng tăng đến…50%.

Theo đó, thuốc Claforan 1g trước đây có giá 45.000 đồng/lọ nay điều chỉnh tăng lên 49.000 đồng; Coltramyl 4 mg hộp 12 viên từ giá 21.000 đồng tăng lên 31.500 đồng/hộp; Di-Antal vic hộp 20 viên có giá 24.000 đồng tăng 3.000 đồng/hộp so với trước đó hay Idrarac 200mg hộp 20 viên từ 23.600 đồng nay tăng lên với giá gần 34.000 đồng.

Các mặt hàng khác như Cortibion Cream lọ 8.2g cũng tăng giá lên 3.334 đồng; Moriamin Forte hộp 100 viên có giá 160.000 đồng và hộp 30 viên có giá 48.000 đồng; Rulid 150mg có giá 45.000 đồng.

Cùng với các mặt hàng của Roussel, một số loại thuốc của Cty dược phẩm Servier, Roche… cũng đã tăng giá chóng mặt.

Thuốc điều trị viêm gan siêu vi Pegasys của Cty Roche có văn phòng đại diện tại TPHCM trước đây có giá 3,7 triệu đồng/lọ, nay đã tăng lên 4,2 triệu/lọ, tăng gần 10%/lọ.

Một số sản phẩm khác của Cty này như Xenical có giá 13.500 đồng, bán ra với giá 14.500 đồng hay Roferon- A giá cũ 350.000 đồng tăng lên 400.000 đồng.

Tìm hiểu giá cả tại các nhà thuốc ở khu vực đường Hòa Hảo cạnh Trung tâm Medic Q.10 và các nhà phân phối thuốc ở chợ Dược phẩm TPHCM cho thấy, nhiều sản phẩm khác như Vastarel, Coversul hay Natrilix SK, Duxil…của Cty dược Servier cũng tăng giá khoảng 3-5%.

Người bệnh lại khổ!

Ngày 21/10, nhiều bệnh nhân bị bệnh viêm gan siêu vi đang điều trị ở bệnh viện ĐH Y Dược TPHCM cho Tiền phong biết, gần một tháng nay họ lao đao vì giá thuốc đặc trị siêu vi Pegasys của Cty Roche tăng gần 400.000 đồng/lọ.

Theo tính toán của các bác sĩ chuyên khoa của bệnh viện này thì mỗi bệnh nhân điều trị phải dùng 4 lọ/tháng, như vậy với giá thuốc tăng như hiện nay mỗi tháng họ mất thêm khoảng 1,5 triệu đồng.

Bệnh nhân Nguyễn Thị Bông, 58 tuổi, ở H. Lai Vung, Đồng Tháp, mắc bệnh siêu vi cho biết: “Mới tháng trước giá 3,7 triệu/lọ nhưng ngày 20/10 lên tái khám tại Bệnh viện ĐH Y dược TPHCM và ra nhà thuốc mua thuốc trên mới giật mình vì giá tăng lên chóng mặt. Vì vậy, tôi đã chuyển sang dùng thuốc Pegintron của Cty Schering Plough với giá chỉ 3,9 triệu đồng”.

Theo bà Bông, nhiều người cùng cảnh ngộ nghèo khó như bà cũng đang điêu đứng vì giá thuốc.

Trong khi đó, theo giới kinh doanh dược phẩm ở chợ dược TPHCM thì việc tăng giá thuốc hoặc điều chỉnh giá cho phù hợp với khung giá đã đăng ký ở Cục Quản lý Dược Bộ Y tế tại thời điểm này là điều không phù hợp.

Giới kinh doanh cho rằng, hiện tại giá dầu giảm, đồng USD đang ổn định trong khi đó nguồn nguyên liệu không tăng thì việc tăng giá có gì đó bất thường.

Trao đổi với Tiền phong chiều 21/10, dược sĩ Nguyễn Văn Vĩnh - Trưởng phòng Quản lý dược Sở Y tế TPHCM cho biết, cơ quan này vừa nhận được thông báo về điều chỉnh giá của Cty Roussel Việt Nam với 8 mặt hàng tăng giá.

“Chúng tôi đã làm việc với Cty, được biết việc điều chỉnh này là để phù hợp với giá mà Cty đã đăng ký với Cục Quản lý dược mà thôi. Còn các Cty dược nước ngoài điều chỉnh tăng giá thì Cục Quản lý dược sẽ làm việc với họ về vấn đề này” - Dược sĩ Vĩnh nói.

Theo khảo sát của chúng tôi, hiện đã có 4 Cty dược là Dược Hậu Giang, Vidiphar, Dược phẩm Viễn Đông và Dược phẩm 2/9 có 10 mặt hàng giảm giá từ 14%-34% như: Hapacol, Hamett, Hagisen. Cty Dược Hậu Giang giảm từ 14%-15%; thuốc Liptamin, Notizole của Dược phẩm Viễn Đông giảm từ 20%-34%; Ropexid của Dược phẩm 2/9 giảm 21%.

tp

Các tin tức khác

>   Cấp giấy phép nhập khẩu tự động: DN đỡ phải “lách luật” (22/10/2008)

>   Kinh doanh thua lỗ sao vẫn xin thưởng? (22/10/2008)

>   "Ngán" đề án tăng giá điện  (22/10/2008)

>   Xuất khẩu thủy sản 2008 khó về đích 4,2 tỷ USD (22/10/2008)

>   Ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội (22/10/2008)

>   Giá cước vận tải: Nhiều lý do để... chưa giảm (22/10/2008)

>   Nông sản xuất khẩu giảm giá mạnh: Cần vai trò điều tiết (22/10/2008)

>   Muốn tăng giá điện, phải minh bạch giá thành ! (22/10/2008)

>   Giá xăng dầu sẽ bám sát thị trường hơn (22/10/2008)

>   Cứu ngành thép: Cách nào? (22/10/2008)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật