Có gì không ổn trong việc ban hành chính sách?
Cuối cùng thì Bộ Y tế cũng tạm dừng cái quyết định mà người dân gọi là “người thấp bé, nhẹ cân, ngực lép không được lái xe”.
Đằng sau cái quyết định mà người dân phản ánh trên báo chí những ngày gần đây thể hiện phần nào cách ban hành chính sách hiện nay, không chỉ Bộ Y tế mà còn nhiều bộ ngành khác đang có vấn đề.
Sẽ không một ai phản đối nếu Bộ Y tế ban hành quyết định về tiêu chuẩn liên quan tới sức khỏe của người điều khiển các phương tiện giao thông mà kèm theo những minh chứng thuyết phục cho việc ban bố tiêu chuẩn của mình.
Nếu Bộ Y tế chứng minh với công chúng bằng những con số thống kê trong nhiều năm hay những luận cứ khoa học thuyết phục, rằng bình quân mỗi năm Việt Nam có 20.000 người chết (giả định như vậy) do tai nạn giao thông thì có tới 80 hay 90% trong số này là “người thấp bé nhẹ cân ngực lép” tham gia điều khiển phương tiện giao thông.
Đó là con số thống kê trong nhiều năm, ngoài ra, bộ này cũng phải có những nghiên cứu, luận cứ khoa học thuyết phục rằng cùng điều khiển phương tiện giao thông nhưng xác suất “người thấp bé, nhẹ cân, ngực lép” gây ra tai nạn giao thông cao hơn 50% hay 100% so với người bình thường. Chưa kể bộ này cũng phải thống kê và phân tích nếu tiêu chuẩn của mình được thực thi thì có bao nhiêu phầm trăm người dân (kể cả số tuyệt đối) không đủ tiêu chuẩn, không được phép tham gia giao thông, tác động tới xã hội ra sao?
Đó là những ví dụ mà Bộ Y tế cần phải có trước khi ban hành tiêu chuẩn “người thấp bé, nhẹ cân, ngực lép” không được điều khiển phương tiện giao thông. Còn trên thực tế, Bộ Y tế đã không hề nghiên cứu định tính và định lượng trước khi ban hành chính sách, mà chỉ dựa trên ý chí chủ quan theo kiểu suy đoán.
Nhưng đâu chỉ Bộ Y tế, mà nhiều bộ ngành khác lâu nay vẫn có thói quen ban hành chính sách dựa theo ý chí chủ quan của nhà quản lý mà không cân, đong, đo đếm trước và sau khi chính sách được ban hành để xem tác động của chính sách mình ban hành đi vào cuộc sống ra sao, mà khi sơ kết hay tổng kết một chính sách, thường được ghi chung chung là có hiệu quả tích cực.
Cuối năm ngoái, giá nhiều loại thực phẩm lên cơn sốt đã tác động không nhỏ tới chỉ số giá tiêu dùng (CPI), thấy vậy Bộ Tài chính bất ngờ giảm hàng loạt thuế suất nhập khẩu thịt heo, thịt gà, thịt bò, giảm tới mức thấp hơn cả cam kết của Việt Nam với Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) vào năm 2012.
Chính sách giảm thuế nhập khẩu thịt các loại của Bộ Tài chính với hy vọng sẽ bổ sung thêm nguồn thịt cho thị trường trong nước, giảm áp lực tăng giá vì ai cũng biết giá cả thực phẩm chiếm tỷ trọng khá cao trong rổ hàng hóa tính chỉ số giá CPI. Ngay lập tức, trong vòng chưa đầy một năm, giá thịt heo, thịt gia cầm trên thị trường trong nước giảm tới mức nông dân bỏ trống chuồng, trang trại thì cầm cự vì lượng thịt giá rẻ nước ngoài ào ạt tràn vào thị trường Việt Nam, có loại tăng tới hàng chục lần nếu so với trước khi giảm thuế.
Bây giờ thì Bộ Tài chính lại điều chỉnh tăng thuế nhập khẩu thịt heo, thịt gà trở lại nhưng nhiều công ty, chủ trang trại chăn nuôi trong nước vẫn ấm ức. Họ cho rằng, giá như trước khi giảm thuế nhập khẩu, Bộ Tài chính nên khảo sát, thăm dò thị trường, sẽ biết được rằng lúc ấy giá thịt heo lên cơn sốt dữ dội chưa hẳn do nguồn cung thiếu hụt, mà là do một vài công ty đang nắm giữ sản lượng đàn heo lớn có tính chi phối giá trên thị trường đã “làm giá”.
Đầu năm nay lúa gạo có biểu hiện sốt, cùng với nhiều ý kiến của các chuyên gia, tổ chức quốc tế cho rằng Việt Nam nên áp dụng chính sách thuế xuất khẩu gạo thay cho áp dụng hạn ngạch làm triệt tiêu động lực cạnh tranh của nhà xuất khẩu. Lúc đó, ngay chính các doanh nghiệp xuất khẩu gạo cũng nghĩ ít ra là tới đầu năm 2009, chính sách thuế xuất khẩu gạo mới áp dụng nhưng đùng một cái, vào tháng 7 năm nay nó đã được ban hành.
Nếu loại trừ yếu tố giá gạo trên thị trường thế giới giảm quá nhanh, buộc chính sách thuế suất khẩu gạo phải điều chỉnh một lần và hiện đang có cơ quan chức năng còn đề nghị bỏ hẳn thuế xuất khẩu gạo, cũng phần nào nói lên công nghệ ban hành chính sách này cũng có vấn đề khi chính sách trên chỉ ban hành chưa đầy ba tháng qua.
Một chính sách tác động trực tiếp tới nhà xuất khẩu gạo nhưng ngay chính cả Hiệp hội Lương thực Việt Nam cũng bất ngờ về thời gian áp dụng. Lẽ ra, theo hiệp hội này, nếu áp dụng thì phải sang năm 2009, vì kế hoạch kinh doanh của doanh nghiệp, rồi hợp đồng đã ký dài hạn với khách hàng nước ngoài đã có từ đầu tới giữa năm.
tbktsg
|