Thứ Tư, 05/03/2008 06:23

Nhà đầu tư phải ký lại hợp đồng khi tham gia vàng ACB

Sức nóng của vàng lan tỏa mạnh trong bối cảnh chứng khoán và bất động sản Việt Nam đang rơi vào thời kỳ sụt giảm, đóng băng đã nhanh chóng thu hút nhiều nhà đầu tư đến sàn vàng Sài Gòn. Trong đó, sàn vàng Ngân hàng ACB là một trong 9 thành viên của sàn giao dịch vàng Sài Gòn cũng được đông đảo nhà đầu tư tham gia mua - bán.

Nhu cầu mua bán vàng càng tăng mạnh trong những ngày gần đây khi giá vàng thế giới liên tục phi mã, vượt 985 USD/ounce và đang tiến sát về ngưỡng 1.000 USD/ounce, đã thôi thúc nhiều nhà đầu tư đến sàn giao dịch vàng. Để tham gia sàn giao dịch vàng, nhà đầu tư chỉ cần ký quỹ 7% giá trị giao dịch (bằng tiền hoặc vàng), phần còn lại ACB sẽ cho vay. Chính điều này càng làm hấp dẫn nhà đầu tư trong kinh doanh vàng. Chỉ tính riêng sàn vàng ACB, số nhà đầu tư tham gia giao dịch đến nay đã lên đến 2.000 người. Khối lượng giao dịch có ngày đạt mức kỷ lục 270.000 lượng. Dẫn đến, sàn vàng ACB gặp phải tình trạng nghẽn lệnh và ách tắc gần đây.

Trước sức nóng của vàng đang thôi thúc nhiều nhà đầu tư bỏ vốn kinh doanh đầu tư và cả đầu cơ ăn chênh lệch khiến nhu cầu rút vàng vật chất tăng cao trong các phiên giao dịch gần đây nên chiều ngày 3/3, ACB đã ra thông báo về hạn mức thanh toán tối đa trong ngày của khách hàng, tức số tiền và vàng tối đa mà ACB có thể đáp ứng nhu cầu rút hoặc chuyển khoản từ các tài khoản đầu tư vàng sang các tài khoản khác của khách hàng trong cùng một ngày. Theo đó, hạn mức thanh toán vàng và tiền đồng của một khách hàng lần lượt là 10 lượng/khách hàng/ngày; 10 tỷ đồng/khách hàng/ngày.

Thông báo này đưa ra đã gây bức xúc đối với nhiều nhà đầu tư, vì quy định này trái với nội dung trong hợp đồng mà ACB đã ký với nhà đầu tư trước đây. Theo nội dung quy định trong hợp đồng mà nhà đầu tư đã ký với ACB thì nhà đầu tư nộp tiền vào tài khoản không kỳ hạn, khi tất toán tài khoản vay có quyền được rút vàng hoặc tiền của mình trong tài khoản về một phần hoặc toàn bộ. Chính điều này đang làm nhiều nhà đầu tư giao dịch tại sàn vàng ACB lo ngại, vì giá vàng liên tục biến động. Nếu không được rút vàng về trong cùng ngày với số lượng vượt 10 lượng/khách hàng/ngày hoặc 10 tỷ đồng/khách hàng/ngày thì nhà đầu tư sẽ bị thiệt kể cả khi vàng tăng hay giảm giá. Chẳng hạn tại thời điểm nhà đầu tư tất toán tiền mua vàng với ACB cũng là lúc họ chốt giá bán vàng với một khách hàng bên ngoài ở mức 1,913 triệu đồng/chỉ, nhưng nếu không rút được vàng để bán sang ngày hôm sau giá giảm sẽ bị thiệt. Thường nhà đầu tư mua được vàng tại sàn ACB giá rẻ (1,912 triệu đồng/chỉ), nhưng sau đó vàng tăng giá nhà đầu tư có thể rút vàng đem ra ngoài bán để ăn chênh lệch khi đã tất toán với ACB, nếu không rút được vàng sang ngày sau giá giảm cũng bị thiệt.

Ngày 4/3, ACB đã có thông báo đến các nhà đầu tư tham gia kinh doanh tại sàn vàng của Ngân hàng “sàn vàng ACB” về việc ký lại hợp đồng giao dịch. Theo đó, những khách hàng có tham gia sàn vàng ACB trước ngày 27/2/2008 phải ký lại hợp đồng và nhận các văn bản khuyến cáo rủi ro có thể xảy ra khi tham gia sản phẩm “Đầu tư vàng”. Theo ông Lý Xuân Hải, Tổng giám đốc ACB, hoạt động đầu tư vàng vừa là công cụ quản lý rủi ro vừa là công cụ đầu tư nên hàm chứa bên trong nhiều rủi ro khác nhau. Do đó, để tạo sự minh bạch hơn trong giao dịch sản phẩm “Đầu tư vàng” và để khách hàng hiểu rõ các rủi ro liên quan đến sản phẩm này, ACB đã soạn bộ mẫu hợp đồng về giao dịch vàng theo thông lê quốc tế. Trong đó, có văn bản khuyến cáo các rủi ro có thể xảy ra cho khách hàng khi tham gia sản phẩm “đầu tư vàng”, giúp khách hàng hiểu rõ hơn các rủi ro và thách thức có thể gặp phải trong quá trình kinh doanh vàng. Do đó, các hợp đồng khách hàng ký với ACB trước ngày 27/2/2008 phải ký lại.

Riêng đối với việc hạn chế thanh toán tối đa trong ngày, ông Hải cho biết, thị trường đang thiếu vàng miếng SJC, do công suất của SJC không thể đáp ứng cùng lúc số lượng lớn của doanh nghiệp có nhu cầu. Trong khi, sàn vàng Sài Gòn nói chung và ACB nói riêng chủ yếu được giao dịch bằng vàng miếng nhãn hiệu SJC. Do đó, khó tránh khỏi trường hợp thiếu hụt vàng vật chất để đáp ứng nhu cầu rút ra cùng lúc, với số lượng lớn của nhà đầu tư. ACB thừa nhận, đáng ra việc làm này phải được đưa vào nội dung quy định trong hợp đồng đã ký trước đây với nhà đầu tư. Tuy nhiên, do đây là mô hình kinh doanh vàng đầu tiên nên còn nhiều vấn đề chưa thể dự đoán được.

ACB cho biết, sẽ áp dụng một hạn mức thanh toán mới đối với vàng của một khách hàng trong ngày là 50 lượng/khách hàng/ngày, thay vì 10 lượng/khách hàng/ngày như đã thông báo trong ngày 3/3. Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa khách hàng sẽ được rút ngay vàng sau khi đã tất toán trong ngày mà còn tùy thuộc vào số lượng vàng vật chất của ACB trong kho cũng như tiến độ gia công vàng miếng của SJC dành cho yêu cầu của Ngân hàng. Trường hợp, nếu nhà đầu tư không đồng ý, theo ông Hải chỉ còn cách là tham gia giao dịch qua sàn buộc nhà đầu tư phải nộp đủ số tiền hoặc vàng cần mua - bán, vì ACB không đủ vàng vật chất để nhà đầu tư rút cùng lúc số lượng lớn. Thế nhưng, nếu áp dụng theo phương thức này sàn vàng sẽ không còn hấp dẫn đối với nhà đầu tư.

đtck

Các tin tức khác

>   Cuộc đua lãi suất chưa dừng lại (05/03/2008)

>   Standard Chartered mua lại Ngân hàng American Express (04/03/2008)

>   Duy trì tăng trưởng và cải cách cho "Con hổ tương lai" của Châu Á  (04/03/2008)

>   Công ty nhà nước đầu tư tài chính: Hết thời tràn lan (04/03/2008)

>   Thấy gì sau khó khăn của thị trường tiền tệ (04/03/2008)

>   Ách tắc ngoại tệ, vẫn chưa xong (04/03/2008)

>   Giao dịch USD tại NH thương mại: Thấp hơn giá sàn (04/03/2008)

>   Tiểu xảo… lách lãi suất  (04/03/2008)

>   Khởi động thị trường trái phiếu chuyên biệt (04/03/2008)

>   Người dân khó bán USD do ngân hàng hạn chế mua vào (04/03/2008)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật