Thứ Ba, 04/03/2008 17:43

Công ty nhà nước đầu tư tài chính: Hết thời tràn lan

Công ty nhà nước không có chức năng đầu tư tài chính (ngoại trừ ngân hàng hoặc công ty tài chính) hoặc kinh doanh bất động sản, sẽ không được phát hành trái phiếu ra công chúng để đầu tư chứng khoán; kinh doanh bất động sản. Công ty nhà nước được quyền chủ động huy động vốn phục vụ sản xuất - kinh doanh trong phạm vi hệ số nợ phải trả/vốn điều lệ của công ty không được vượt quá 3 lần; nếu vượt quá thì phải báo cáo đại diện chủ sở hữu xem xét quyết định các dự án huy động vốn. Sau khi quyết định, đại diện chủ sở hữu có trách nhiệm thông báo cho Bộ Tài chính để theo dõi và giám sát...

Đây là những nét mới được bổ sung trong dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Quy chế quản lý tài chính của công ty nhà nước và quản lý vốn nhà nước đầu tư ra doanh nghiệp khác vừa được Bộ Tài chính trình Chính phủ, và dự kiến xem xét, ban hành trong tháng 3/2008. Quy định này nhằm hạn chế việc huy động vốn đầu tư tràn lan, kém hiệu quả, nâng cao trách nhiệm của công ty nhà nước trong quản lý sử dụng vốn vay, đảm bảo khả năng thanh toán, đảm bảo độ an toàn cho nền kinh tế trên cơ sở tăng cường sự kiểm soát của cơ quan đại diện chủ sở hữu.

Trước đây, về nguyên tắc, các công ty có quyền huy động vốn dưới các phương thức khác nhau (vay, phát hành trái phiếu...) để đáp ứng yêu cầu phát triển sản xuất - kinh doanh. Tuy nhiên, do không xác định về điều kiện và mức khống chế nên có nhiều công ty nhà nước có nợ phải trả lớn gấp nhiều lần vốn chủ sở hữu, dẫn đến khả năng thanh toán không đảm bảo, ảnh hưởng đến hiệu quả hoạt động sản xuất-kinh doanh. Điển hình, trong thời gian qua đã có một số tổng công ty, công ty nhà nước lâm vào tình trạng này như: Tổng công ty Xây dựng Công trình giao thông I gấp 36,7 lần, Tổng công ty Xây dựng Miền Trung gấp 35 lần, Tổng công ty Xây dựng Công trình giao thông 5 gấp 32,7 lần, Tập đoàn Công nghiệp tàu thuỷ Việt Nam gấp 17,2 lần...

Bên cạnh đó, cũng sẽ có quy định công ty nhà nước không được tham gia góp vốn mua cổ phần của các quỹ đầu tư chứng khoán (kể cả các quỹ đầu tư mạo hiểm), công ty đầu tư chứng khoán. Tổng mức đầu tư tài chính (không bao gồm vốn nhà nước góp tại công ty thành viên, đơn vị phụ thuộc thực hiện chuyển đổi) không được vượt quá 30% giá trị tổng tài sản của công ty nhà nước; mức vốn đầu tư tối đa bằng 20% vốn điều lệ của doanh nghiệp khác đối với lĩnh vực không thuộc ngành nghề sản xuất chính của công ty (ngoại trừ doanh nghiệp trực thuộc).

Mặt khác, mức đầu tư, ngành nghề đầu tư và cấp quyết định các vấn đề này cũng được quy định cụ thể. Theo đó, đại diện chủ sở hữu công ty nhà nước sẽ là đơn vị quyết định việc góp vốn liên doanh với nhà đầu tư nước ngoài; đầu tư hoặc góp vốn đầu tư thành lập công ty ở nước ngoài; quyết định việc mua công ty thuộc thành phần kinh tế khác; quyết định các dự án đầu tư tài chính có tổng mức đầu tư từ trên 20% đến 30% giá trị tổng tài sản của công ty nhà nước. Hội đồng quản trị hoặc tổng giám đốc công ty nhà nước được quyết định các dự án đầu tư ra ngoài trong phạm vi dưới 20% giá trị tổng tài sản của công ty nhà nước và theo phân cấp tại Điều lệ công ty.

Giải thích về những điều khoản mới này, một chuyên gia thuộc Bộ Tài chính trong nhóm soạn thảo Nghị định cho rằng, những quy định trên có vai trò hết sức quan trọng trong việc bảo vệ, quản lý phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp. Đồng thời, tăng cường  công tác giám sát nợ, xây dựng hệ số nợ... Với việc thực thi các quy định trên, tới đây việc huy động vốn sẽ phải đảm bảo hiệu quả hơn theo nguyên tắc: dự án đầu tư phải được cấp có thẩm quyền phê duyệt, thanh toán được nợ; hạn chế tình trạng đầu tư tài chính tràn lan của công ty nhà nước, giảm thiểu rủi ro trong việc huy động vốn vay để đầu tư tài chính, hướng các công ty nhà nước tập trung nguồn lực vào các hoạt động kinh doanh chính.

Tuy nhiên, theo ý kiến của một số lãnh đạo doanh nghiệp nhà nước, bên cạnh những điều khoản hợp lý (mà họ rất đồng tình) để bảo toàn và phát triển vốn nhà nước, có một số  quy định còn gây băn khoăn, như việc khống chế mức đầu tư của một công ty nhà nước không được vượt quá 20% vốn điều lệ của doanh nghiệp được đầu tư, sẽ ảnh hưởng đến việc cơ cấu và tổ chức lại công ty nhà nước cũng như nâng cao sức cạnh tranh và mở rộng thị phần của các công ty này, đặc biệt là các trường hợp mua đứt doanh nghiệp và góp vốn chi phối để hình thành công ty con.                    

đtck

Các tin tức khác

>   Thấy gì sau khó khăn của thị trường tiền tệ (04/03/2008)

>   Ách tắc ngoại tệ, vẫn chưa xong (04/03/2008)

>   Giao dịch USD tại NH thương mại: Thấp hơn giá sàn (04/03/2008)

>   Tiểu xảo… lách lãi suất  (04/03/2008)

>   Khởi động thị trường trái phiếu chuyên biệt (04/03/2008)

>   Người dân khó bán USD do ngân hàng hạn chế mua vào (04/03/2008)

>   Những tác động từ giá vàng tăng cao (04/03/2008)

>   Ngân hàng quốc doanh vào cuộc đua lãi suất (04/03/2008)

>   Bảo hiểm Bưu điện hợp tác với Tái Bảo hiểm Thụy Sỹ (04/03/2008)

>   Chống lạm phát đòi hỏi sự đánh đổi (03/03/2008)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật