Thứ Hai, 10/03/2008 06:17

Kiềm chế lạm phát: Tránh “vừa đạp thắng vừa nhấn ga”

Cuối năm 2007, Doanh nhân Sài Gòn Cuối tuần tổ chức một cuộc tọa đàm bàn về lạm phát, các khách mời tham dự đã bày tỏ sự quan ngại lạm phát hai con số sẽ tác động không tốt đến nền kinh tế Việt Nam trong năm 2008. Lo ngại đó đã trở thành hiện thực.

Theo công bố của Tổng Cục Thống kê ngày 27-2, chỉ số giá tiêu dùng CPI (thước đo lạm phát) hai tháng đầu năm đã tăng 6,02% so với tháng 12-2007. Con số này hiện chỉ còn cách mốc chỉ tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2008 (8,5% - 9%) mà Quốc hội giao chừng 1/3 chặng đường. Rõ ràng, chống lạm phát trở thành một nhiệm vụ vô cùng cấp bách.

Vì cho rằng các biện pháp mà Ngân hàng Nhà nước (NHNN) áp dụng không hiệu quả, Bộ Tài chính đã nhảy vào cuộc. Tại buổi họp báo của Văn phòng Chính phủ ngày 28-2, ông Vũ Văn Ninh - Bộ trưởng Bộ Tài chính - cho biết nhiều kịch bản đã được tính đến, trong đó có cả phương án ứng phó với tình hình lạm phát cao hơn mức tăng trưởng GDP.

Đó cũng chính là lý do Doanh nhân Sài Gòn Cuối tuần trở lại chủ đề lạm phát trong buổi tọa đàm đầu tiên của năm mới Mậu Tý.

Hút bớt tiền đồng khỏi lưu thông: Chủ trương đúng, thực hiện trật

Là tác giả bài viết Thuốc đắng - liệu có dã tật? - bàn về bộ giải pháp cả gói mà NHNN áp dụng để kiềm chế lạm phát - trên Doanh nhân Sài Gòn Cuối tuần số mới nhất (ngày 27-2), ông Huỳnh Bửu Sơn, Giám đốc Đối ngoại Công ty PepsiCo Việt Nam, được các khách mời thống nhất “nhường” quyền “phát pháo” cho buổi tọa đàm. Vẫn rất căn cơ trong từng câu chữ như mọi khi, nhưng khác với cách nói nhấn nhá, khơi gợi trong cuộc tọa đàm về lạm phát lần trước, ông nói liền một hơi, dài mà thần sắc không hề đổi:

Nhìn chung, gói giải pháp hút tiền trong lưu thông mà NHNN đưa ra không phải là sai. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện có những chi tiết kỹ thuật không phù hợp. Mặt khác, liều lượng cách dùng chưa phù hợp, hoặc không cần thiết và chưa chính quy, chẳng hạn như việc bắt buộc các ngân hàng thương mại (NHTM) mua 20.300 tỉ đồng tín phiếu từ NHNN. Việc NHNN phát hành tín phiếu, trở thành con nợ của các NHTM không tương thích với chức năng phát hành tiền và vai trò người cho vay ở giai đoạn cuối của một ngân hàng trung ương.

Để đạt mục tiêu rút tiền về, NHNN có thể yêu cầu các NHTM tăng tỷ lệ dự trữ tối thiểu bắt buộc, và có thể trả lãi cho khoản tăng thêm này. Mặt khác, việc khống chế lãi suất huy động của các NHTM dưới 12% trong khi cho NHTM vay lại với lãi suất 15% (có lúc lên đến trên 30%) là không ổn. Ở góc độ chống lạm phát, hút tiền từ trong lưu thông (huy động của các NHTM) vẫn tốt hơn là vay từ NHNN.

Mục đích của việc tăng tỷ lệ dự trữ tối thiểu bắt buộc, tăng lãi suất là làm giảm tín dụng, khiến khối tiền tệ bị thu hẹp lại, để từ đó giảm áp lực lạm phát. Tuy nhiên, phải cân nhắc liều lượng để không làm ảnh hưởng đến tính thanh khoản (khả năng thanh toán) của các NHTM. Các NHTM cần có thời gian để rút vốn về, đồng thời hạn chế cho vay ra thì chuyện tăng dự trữ bắt buộc sẽ không làm ảnh hưởng đến thanh khoản của họ, chỉ có thể ảnh hưởng đến mức lợi nhuận và do đó mặt bằng lãi suất nếu có thay đổi cũng chỉ thay đổi đôi chút…

Hiện nay, để duy trì thanh khoản, các NHTM phải vay tiền từ thị trường liên ngân hàng với lãi suất rất cao, đồng thời tăng lãi suất huy động từ 8%/năm lên 12%/năm (tăng 50%). Doanh nghiệp trong tình hình này sẽ chịu ảnh hưởng rất nhiều.

Bên cạnh đó, tôi cho rằng cũng cần phải xem lại một số chỉ tiêu, ví dụ như không được để lãi suất âm (lãi suất thấp hơn lạm phát) sẽ gây khó khăn trong việc áp dụng chính sách lãi suất và dẫn đến nguy cơ tạo một loại lạm phát giá phí, vì lạm phát chỉ được biết vào cuối kỳ. Thí dụ, CPI tháng 2 tăng 3,56% không lẽ lãi suất phải trên con số này. Trong điều kiện nền kinh tế trên đà tăng trưởng, lãi suất âm có nghĩa là người dân đang tài trợ cho doanh nghiệp phát triển và ngược lại được hưởng lợi do công ăn việc làm và lương bổng tăng lên.

Một vấn đề nữa cũng rất đáng lưu tâm: mua ngoại tệ là trách nhiệm của NHNN nhằm xác lập chủ quyền tiền tệ quốc gia, để người nước ngoài đến Việt Nam phải sử dụng tiền đồng trong giao dịch. Tôi thấy việc thực hiện mua ngoại tệ bằng tiền đồng song song với việc hút lượng tiền đồng về hệ thống ngân hàng sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư nước ngoài nhưng đồng thời thu hẹp tín dụng đối với các doanh nghiệp sản xuất trong nước. Nếu e ngại lạm phát xuất phát từ việc gia tăng đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) hoặc đầu tư gián tiếp nước ngoài (FII) thì nên kiểm soát các dòng tiền này trước khi nó vào Việt Nam thay vì để nó vào rồi thì không cho nó chuyển đổi thành đồng nội tệ hoặc chấp nhận mua nhưng với lượng tiền của đầu tư và tín dụng trong nước.

Thực ra các giải pháp đều đã có trong sách vở, chỉ có điều trong quá trình thực hiện cần căn cứ trên tình hình thực tế. Chính sách tiền tệ là một trong hai công cụ điều hành vĩ mô cần áp dụng để giúp nền kinh tế tăng trưởng trong ổn định. Muốn trị dứt bệnh thì phải tìm được nguồn gốc của bệnh. Theo tôi, một trong những nguyên nhân sâu xa của tình trạng lạm phát hiện nay là sự phí phạm trong đầu tư công. Ước tính năm 2007, Nhà nước bị thất thoát từ 30% đến 40% trong 80 ngàn tỉ đồng được rót từ ngân sách cho xây dựng hạ tầng cơ sở. Nguyên nhân thứ hai là các khoản đầu tư không hiệu quả của nhiều công ty quốc doanh lớn hoạt động trên nhiều lĩnh vực.

Ngồi kế bên trái ông Huỳnh Bửu Sơn là ông Trần Sĩ Chương - Phó Chủ tịch HĐQT phụ trách tư vấn chiến lược phát triển doanh nghiệp Công ty Le & Associates. Tỏ ra tâm đắc với phần trình bày của ông Huỳnh Bửu Sơn, ông Trần Sĩ Chương bổ sung:

- Đấy là chưa kể có những khoản đầu tư nước ngoài được rót vào những dự án mà hiệu suất kinh tế khá thấp. Tôi cảm thấy có gì đó không bình thường bởi các nhà đầu tư nước ngoài vẫn thường được xem là những người thận trọng và tính toán rất kỹ lưỡng…

“Người ngồi bên trái” chưa dứt lời thì người ngồi bên tay phải ông Huỳnh Bửu Sơn, ông Trần Văn Thọ, giáo sư đại học Waseda, nhận lời mời của báo đến tham dự tọa đàm dù tối ấy ông phải lên đường trở về Nhật, đang gõ laptop, đột nhiên ông ngẩng lên, hỏi: Lĩnh vực đầu tư nước ngoài nào theo anh Chương là hiệu suất thấp?

Trả lời câu hỏi của giáo sư Trần Văn Thọ, ông Trần Sĩ Chương cho rằng thị trường địa ốc là một trường hợp điển hình. Theo ông, thị trường bất động sản đã hút khoảng 40% tổng số vốn đầu tư nước ngoài. Hiện nay một số nhà đầu tư nước ngoài đang hoạt động như những “nhà buôn tiền”. Các quỹ đầu tư này đầu tư khá thoải mái vì họ được hưởng phần trăm trên tổng vốn vay. Nhận định của ông Trần Sĩ Chương khiến các khách mời lao xao. (Thực tế thì khoảng 85% trong 2,5 tỉ USD tổng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài mà TP.HCM thu hút được trong năm 2007 đã đổ vào thị trường địa ốc - LTS).

Chờ không khí lắng xuống, ông Trần Sĩ Chương tiếp: Trong lịch sử phát triển kinh tế thế giới, có ít nước đạt được thành tích kinh tế như Việt Nam, vừa duy trì được tăng trưởng khá cao mà vẫn giữ được lạm phát ở mức tương đối trong hơn một thập niên qua. Còn nay thì tại sao mức lạm phát lại bắt đầu có khuynh hướng tăng nhanh?

Cách đặt vấn đề của ông Trần Sĩ Chương khiến không khí tranh luận bắt đầu nóng lên. Có ý kiến cho rằng Trung Quốc trong thập niên vừa qua cũng duy trì được tốc độ tăng trưởng kinh tế cao nhưng lạm phát của họ cũng rất thấp. Vẻ băn khoăn, ông Huỳnh Bửu Sơn nói:

- Thực tế cho thấy nền kinh tế của chúng ta có cả tăng trưởng lẫn lạm phát, nhưng mức tăng trưởng chưa tương xứng với kỳ vọng trong khi chỉ số lạm phát lại cao hơn kỳ vọng. Chưa kể giai đoạn 1997-2000, nền kinh tế của chúng ta bị suy thoái do tác động của cuộc khủng hoảng tài chính châu Á. Có năm kiều hối chuyển về nước 4 tỉ USD, tương đương 10% GDP trong khi tốc độ tăng trưởng kinh tế của chúng ta chưa khi nào đạt đến 10%.

Đến đây, các khách mời chuyển sang so sánh Việt Nam với Trung Quốc và Nhật Bản - hai nước kiềm chế lạm phát khá tốt trong khi vẫn duy trì được tốc độ phát triển kinh tế trong những giai đoạn nhất định. Nhiều năm sống và làm việc tại Nhật Bản, giáo sư Trần Văn Thọ có điều kiện nghiên cứu sâu về Trung Quốc và đặc biệt là Nhật Bản, nên khi ông lên tiếng, các khách mời đều tập trung lắng nghe. Ông nói:

- Đúng là kinh tế Trung Quốc tăng trưởng cao trong thời gian dài nhưng nhìn chung họ kiềm chế được lạm phát, trừ hai giai đoạn ngắn, trong đó lạm phát lên tới trên dưới 20%/năm. Một là những năm cuối thập niên 1980 khi giá cả được tự do hóa trong điều kiện sản xuất hàng hóa chưa cung ứng kịp nhu cầu. Lần thứ hai là những năm giữa thập niên 1990 khi các tỉnh ven biển ồ ạt đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng sau khi Đặng Tiểu Bình tuyên bố (năm 1992) tiếp tục cải cách, mở cửa. Trừ hai giai đoạn ngắn đó, mức tăng vật giá ở Trung Quốc thường dưới 10%, phần lớn ở mức trên dưới 5%.

Về Nhật Bản, giai đoạn 1955-1973 là thời kỳ nền kinh tế nước này phát triển thần kỳ, nhịp độ tăng trưởng trung bình tới 10%/năm trong thời gian dài như vậy nhưng chỉ số lạm phát cũng chỉ dao động trong khoảng 4% - 5%. Để kinh tế tăng truởng ở mức cao thì tỷ lệ đầu tư (trong GDP) phải cao. Đầu tư có hai tác dụng, một là làm tăng tổng nhu và do đó nếu đầu tư ồ ạt thì dễ gây lạm phát, hai là đầu tư cũng tạo ra tư bản mới nên lại tăng khả năng sản xuất, tăng tổng cung trong tương lai. Do đó, nếu đầu tư có hiệu quả thì lạm phát chỉ xảy ra có tính cách chu kỳ và ngắn hạn, có thể đối phó bằng chính sách giảm khối lượng tiền tệ.

Vấn đề của Việt Nam hiện nay là đầu tư công cộng diễn ra ồ ạt và không hiệu quả. Chỉ đối phó bằng chính sách tiền tệ thì chẳng những không giải quyết tận căn bản vấn đề mà còn làm ảnh hưởng xấu đến khả năng đầu tư của khu vực dân doanh và hệ thống tín dụng.

Ông Trần Sĩ Chương tiếp tục đặt vấn đề:

- Lạm phát một con số, chẳng hạn ở mức 4% nhích lên 5% hay 6%... thì dễ có thể kiềm chế; nhưng khi đã vượt quá hai con số thì tốc độ tuột dốc sẽ rất mau. Và nếu đã tuột dốc thì phải thắng gấp, mặc dù như vậy sẽ có ảnh hưởng lan rộng và lâu dài, nhưng còn hơn là để con virus lạm phát lan tràn thành một bệnh dịch nguy hiểm chết người…

Suốt từ đầu buổi tọa đàm, chuyên viên ngân hàng Lê Trọng Nhi tỏ ra khá bồn chồn, vẻ như đang trông ngóng ai đó. Một vài lần ông đã dợm lời nhưng việc các khách mời phát biểu quá hăng hái khiến ông ngừng lại, lấy giấy viết ra ghi chép. Có vẻ như lần này cũng vậy khi ông chỉ kịp buột ra một câu hỏi:

Tuột dốc là do đâu?

Thay vì trả lời thẳng vào câu hỏi này, ông Huỳnh Bửu Sơn phân tích:

- Thường thường, lạm phát phi mã chỉ xảy ra trong những hoàn cảnh khá đặc biệt, như khi đất nước có chiến tranh, bất ổn chính trị, kinh tế suy thoái, Nhà nước không thu được thuế. Những yếu tố bất thường này đều không hề có ở nước ta hiện nay, nền kinh tế nước ta vẫn đang tăng trưởng khá ổn định, tâm lý các nhà đầu tư trong và ngoài nước đều hưng phấn. Như vậy lạm phát ở nước ta về cơ bản vẫn là cơn sốt nhẹ của tăng trưởng chứ không phải là cơn sốt nghiêm trọng của lạm phát phi mã.

Để kiểm soát lạm phát hiện nay, Nhà nước cần xem xét vấn đề trên phạm vi tổng thể, hài hòa với những biện pháp vĩ mô đồng bộ, có cân nhắc để không làm ảnh hưởng đến sự tăng trưởng và tính ổn định của nền kinh tế. Giống như chiếc ôtô đang chạy nhanh, muốn dừng lại thì phải giảm tốc, rà thắng từ từ chứ không nên thắng gấp.

Chống lạm phát: Chống thất thoát trong đầu tư công

Tâm đắc với ý kiến của các khách mời nhưng đến lúc này, ông Lê Trọng Nhi mới thực sự nhập cuộc. Có vẻ như ông đã chuẩn bị khá kỹ trước khi đến với buổi tọa đàm. Mở một bản in từ báo điện tử VnExpress, ông trích đọc rành rọt ý kiến của Giám đốc NHNN TP.HCM Hồ Hữu Hạnh (phần in nghiêng phía dưới):

- Nguyên nhân tình trạng “nóng” và “thủng” thị trường tiền tệ là bắt đầu từ ba, bốn năm trước, bội chi ngân sách, đầu tư kém hiệu quả, xảy ra thời gian qua. Mỗi năm các chuyên gia ngành đều có khuyến cáo nhưng các nhà làm chính sách lại vô tâm bỏ qua. Điều này hàm ý nói đến một trong những vần đề gây ra lạm phát.

Giả định rằng một phần lớn của 30% trong tổng số ngân sách đầu tư cho hạ tầng cơ sở của năm hoặc 10 năm vừa qua hiện đang ách lại đâu đó ngoài thị trường không được quay vòng lại trong hệ thống tín dụng như vậy tổng lưu lượng tiền trong nền kinh tế đã bị méo mó và cũng đã góp phần vào cơn bệnh lạm phát. Tôi mong muốn Chính phủ phải bình tâm nhìn lại kế hoạch và chương trình đầu tư của mình (các công ty quốc doanh…). Đây là con bệnh lớn nhưng ít ai dám nói.

Vốn là người khá lãng mạn trong đời thường nhưng cách đặt vấn đề của chuyên viên ngân hàng này lại không hề lãng mạn. Các khách mời tranh nhau “lật qua lật lại” khoản thất thoát, ồn ào, chẳng ai chịu nghe ai. Chờ không khí lắng xuống, ông Lê Trọng Nhi kể lại một câu chuyện khá thú vị trong chuyến “thị sát” Hà Nội trước đó một ngày:

- Hôm qua (26-2), còn ở Hà Nội, khi đi lang thang qua ba chi nhánh NHTM, tôi gặp một cặp vợ chồng già mang tiền ra ngân hàng gửi. Họ đứng tần ngần ngoài vỉa hè trước một dãy chi nhánh của các NHTM khác nhau. Bà vợ vừa chỉ cái bảng thông báo lãi suất huy động hơn 11%/năm thì ông chồng la lên, chỉ sang chi nhánh bên cạnh có mức lãi suất huy động cao hơn khoảng 1%. Thông thường, khi hệ thống NHTM có vấn đề về tính thanh khoản, người dân sẽ đi rút tiền ra và giữ lại. Nhưng trong câu chuyện này, người dân lại chuyển tiền vô ngân hàng, chỉ có điều là họ lựa chọn ngân hàng có mức huy động lãi suất cao nhất. Lãi suất và lãi suất chứ không cần biết gì khác, đó là cái tệ hại trong hoạt động ngân hàng - tín dụng.

Tôi nghĩ nếu các nhà hoạch định chính sách thận trọng hơn và nắm vững những cái lõi của vấn đề thì đã không xảy ra việc bất ổn hệ thống ngân hàng (hệ thống tín dụng) cũng như bất ổn tâm lý như đã xảy ra trong suốt tuần trước và nay còn âm ỉ. Một vấn đề nữa khiến tôi băn khoăn là sau những gì đã xảy ra, tại sao Bộ Tài chính khẳng định tăng trưởng vẫn là mục tiêu quan trọng nhất?

Các khách mời lại có dịp bàn tán sau câu hỏi lửng lơ của ông Lê Trọng Nhi. Nhưng dường như không ai đưa ra một câu trả lời chính thức. Có một ý kiến đáng chú ý: Việt Nam là nền kinh tế tiền mặt, thanh toán qua hệ thống ngân hàng chỉ chiếm 30% - 40%. Nếu như các giao dịch đều thanh toán qua ngân hàng thì có lẽ NHNN chưa chắc phải ra quyết định buộc các NHTM tăng dự trữ bắt buộc.

Trong khi các khách mời sôi nổi tranh luận thì chuyên viên kinh tế Phan Chánh Dưỡng - một người bạn đồng hành nhiệt tình cùng Doanh nhân Sài Gòn Cuối tuần trong nhiều hoạt động cả trên trang báo và sau trang báo - vẫn tỏ ra khá điềm tĩnh. Trong nhiều lần dự tọa đàm, hiếm khi nào thấy ông nói trước. Có lẽ đó là do thói quen. Nhưng đến lúc này, khi cuộc tọa đàm đã đi được hơn phân nửa thời gian, ông không thể im lặng lâu hơn được nữa. Ông mở đầu phần phát biểu của mình bằng một câu hỏi:

- Khi bàn về lạm phát, các anh có suy nghĩ đến vấn đề tiền lương? Trước Tết Nguyên đán, đã có một làn sóng tăng lương diễn ra tại rất nhiều nhà máy và xí nghiệp trên cả nước, nhất là các khu công nghiệp. Điều đó là hợp lý vì giá cả đã tăng đến mức mà người công nhân không thể sống nổi với mức lương cũ, bằng không, người công nhân sẽ đình công, lương tăng không đủ thì đình công tiếp.

Tôi muốn nói hai chuyện. Thứ nhất, tăng giá đẩy đến mức độ tăng lương, nhưng lương tăng thì giá cũng tăng, vòng luẩn quẩn này xem ra chưa có một lối ra thỏa đáng. Giá lao động không tăng thì công nhân không sống nổi, nhưng tăng lương sẽ khiến tăng giá thành, ảnh hưởng đến sức cạnh tranh của doanh nghiệp, nhất là ở các thị trường xuất khẩu.

Nghĩa là chúng ta có hai cái vòng luẩn quẩn đang rối với nhau. Vì vậy, để giải quyết lạm phát, thiết nghĩ Chính phủ phải tính đến cả yếu tố xã hội - lượng công nhân rất lớn đang đóng góp đáng kể vào quá trình phát triển kinh tế.

Tỏ ý ủng hộ ý kiến của ông Phan Chánh Dưỡng, ông Trần Sĩ Chương dẫn chứng thêm:

- Trong mấy năm gần đây đã có tình trạng “lạm phát” lương bổng trong các ngành dịch vụ mới, đặc biệt là hai ngành tài chính ngân hàng và chứng khoán. Lương năm bảy chục triệu đồng một tháng đã trở thành chuyện khá bình thường đối với khá nhiều người trẻ chỉ mới vài năm kinh nghiệm.

Mặc dù thừa nhận lương cũng là một yếu tố khiến lạm phát gia tăng nhưng ông Huỳnh Bửu Sơn cho rằng đó không phải là tác nhân chính.

Từ đầu buổi tọa đàm, có lẽ ông Nguyễn Hữu Nam - Phó Chủ tịch HĐQT phụ trách Chiến lược Công ty Cổ phần Chứng khoán Gia Quyền - là người cười rộn rã nhất và nhiều nhất. Dường như đó là cách ông bày tỏ thái độ đồng tình với những kiến giải mà mình tâm đắc. Ông là người trẻ nhất buổi tọa đàm và cũng là vị khách mời cuối cùng lên tiếng. Phải chăng vì thế mà đoạn đầu ông tỏ ra hơi dè dặt, nhưng càng nói càng hùng hồn:

- Làm việc trong ngành tài chính chứng khoán, thường xuyên theo dõi những quy luật kinh tế của các nước phát triển, điều thứ nhất tôi thấy rằng đồ thị lạm phát luôn luôn đi ngược với đồ thị chứng khoán và đó trở thành quy luật. Vì thế rất khó hồi phục TTCK nếu không kiềm chế lạm phát một cách hiệu quả.

Thứ hai là sân chơi cho nhà đầu tư của ta nhỏ hơn sân chơi cho nhà đầu cơ, như Đức chẳng hạn, nền kinh tế lớn thứ ba thế giới có một sân chơi cho nhà đầu tư trên “thị trường chứng khoán NỢ” cực lớn, trong khi đó TTCK thông thường hoạt động mang tính tượng trưng, nếu chúng ta tập trung vào TTCK NỢ mạnh hơn, thì ta cũng sẽ có kháng thể mạnh hơn chống lại những dạng lạm phát du nhập như hiện nay. Thứ ba, khi so sánh với các nền kinh tế khác ở góc độ thị trường chứng khoán, tôi thấy nhịp đập nền kinh tế chúng ta khá sát sườn với Trung Quốc.

Sau khi ban hành Chỉ thị 03, quy định 3% cho vay chứng khoán trên tổng dư nợ ngân hàng, Nhà nước tiếp tục đưa ra Quyết định 03 và quyết định này khiến nhà đầu tư chứng khoán thiếu đi 20.000 tỉ đồng, hay nói một cách khác NHNN đã siết chặt hơn hoạt động cho vay chứng khoán, theo cách rút bớt tiền từ lưu thông.

Tôi thoáng rùng mình khi nghĩ đến chính sách siết chặt tiền tệ của ta sao giống Trung Quốc? Vào hai thời điểm tháng 8-2007 và tháng 12-2007, đây là hai thời kỳ trọng điểm, Trung Quốc quyết định liên tục tăng lãi suất huy động để hút bớt đồng NDT khỏi lưu thông, kết quả là đồng NDT tăng giá, chi phí nhập khẩu tăng, Trung Quốc đã không thể kiềm chế lạm phát.

Nhìn lại mình, tôi thấy chúng ta đang thực hiện chính sách tương tự Trung Quốc, chúng ta cũng đang nhập khẩu lạm phát. Theo công bố của Asia Economics & Strategy và Merill Lynch, chính sách siết chặt tiền tệ của Trung Quốc là không hiệu quả.

Gần cuối buổi tọa đàm, giáo sư Trần Văn Thọ đã trình bày một đẳng thức kinh tế lên chiếc bảng trắng được đặt sẵn trong phòng để mọi người cùng mổ xẻ. Ông vận dụng lý thuyết của nhà kinh tế lỗi lạc John M. Keynes để phân tích nguyên nhân gây ra lạm phát. Hai ông Huỳnh Bửu Sơn và Lê Trọng Nhi cùng tham gia phân tích các yếu tố trong đẳng thức này và tất cả đều cho rằng đầu tư công không hiệu quả và lãng phí là tác nhân chính dẫn đến tình trạng lạm phát hiện nay. Các khách mời thống nhất quan điểm Chính phủ cần xem lại vấn đề đầu tư công trong quá trình triển khai các biện pháp chống lạm phát.

Mấy tiếng đồng hồ thảo luận, tranh cãi các chuyên gia cũng chỉ có thể làm sáng tỏ thêm một số “ngõ ngách” trong biện pháp kiềm chế lạm phát của Chính phủ. Không ai có tham vọng tháo gỡ được những vướng mắc trong chính sách tiền tệ khi chưa có một sự nghiên cứu thấu đáo.

Thế nhưng, suy cho cùng, nền kinh tế vận hành chung quanh ba yếu tố sản xuất chính. Đó là tiền đầu tư (vốn), đất đai và nhân lực. Nếu đầu tư tăng đều đều và hài hòa với mức tăng trưởng của nguồn đất đai và nhân lực thì kinh tế phát triển tốt và lạm phát không tăng. Nếu đầu tư tăng nhanh trong khi đất đai và nhân lực không tăng kịp với mức đầu tư thì lạm phát tăng. Đó là trường hợp của chúng ta hiện nay.

Trước mắt với chuyện “đã rồi”, Nhà nước cần sử dụng cả giải pháp tiền tệ (thu bớt lượng tiền đang lưu hành) lẫn chính sách tài khóa bằng cách giới hạn đầu tư để giảm “sốt”, đặc biệt ở lĩnh vực công nơi mà hiệu quả đầu tư rất thấp và độ thất thoát cao. Nhà nước cũng cần có chính sách sàng lọc những đầu tư nước ngoài và chỉ chấp nhận những đầu tư có hiệu suất tăng trưởng cao và phù hợp với mục tiêu tăng trưởng của đất nước.

Cuối cùng các cơ quan quản lý kinh tế Nhà nước cần phối hợp xuyên suốt và nhuần nhuyễn hơn để tránh tình trạng “vừa đạp thắng vừa nhấn ga” như đã thường thấy. Đây là một vấn đề lớn trong cấu trúc tổ chức Nhà nước cần phải được khắc phục để chúng ta có khả năng kế hoạch tốt và phản ứng có hiệu quả đối với những biến động đột biến từ thị trường quốc tế cũng như từ những điều kiện nội tại.

DNSGCT

Các tin tức khác

>   Giải pháp ngăn chặn lạm phát của VN sẽ đạt hiệu quả (10/03/2008)

>   ADB: Biện pháp ngăn lạm phát của VN đạt hiệu quả (09/03/2008)

>   8/3: Giá vàng tiếp tục giảm (08/03/2008)

>   Sức nóng lãi suất vẫn tỏa mạnh (09/03/2008)

>   Thách thức bắt đầu cho ngân hàng nội (09/03/2008)

>   Khó khăn chồng chất: Ngân hàng điều chỉnh lợi nhuận (09/03/2008)

>   Giảm tác động lạm phát từ nhập khẩu (09/03/2008)

>   Bảo hiểm phi nhân thọ ngậm ngùi (09/03/2008)

>   Cuộc chiến chống lạm phát: Lửa thử vàng... (09/03/2008)

>   Rút ngay các dự án chậm triển khai khỏi kế hoạch (08/03/2008)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật