Thứ Hai, 18/02/2008 09:18

Thắt chặt tiền tệ, liệu có khả thi?

Ngay từ đầu năm, Ngân hàng Nhà nước đồng loạt triển khai các biện pháp thắt chặt tiền tệ. Với những biện pháp này, liệu mục tiêu kiềm chế lạm phát thấp hơn tốc độ tăng trưởng có khả thi?

Dự trữ bắt buộc lên tới 15%?

Ngày 16/1, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước quyết định tăng tỷ lệ dự trữ bắt buộc đối với các loại tiền gửi VND không kỳ hạn và có kỳ hạn dưới 12 tháng từ 10% lên 11%.

Đây là mức tăng nhẹ, đi cùng với tín hiệu mua vào ngoại tệ trước áp lực nguồn cung lớn trên thị trường và được các ngân hàng thương mại “thông cảm”, bình ổn lãi suất.

Tuy nhiên, với kế hoạch phát hành 20.300 tỷ đồng tín phiếu vào ngày 17/3 tới, mọi chuyện đã khác, bởi từ đây có thể xem tỷ lệ dự trữ bắt buộc đã lên đến 15%.

Theo nhà phân tích kinh tế Huỳnh Thế Du, Chương trình Giảng dạy Kinh tế Fulbright (Mỹ), việc rút 20.300 tỷ đồng vốn nói trên của các ngân hàng thương mại tương ứng với mức tăng khoảng 3 – 4% tỷ lệ dự trữ bắt buộc đối với tiền đồng, cộng với tỷ lệ quy định hiện hành có thể lên tới 15%.

“Có thể xem việc phát hành tín phiếu đó giống như tăng dự trữ bắt buộc. Chỉ có điều là lượng tiền đó được trả lãi suất, có thời hạn. Tính chung khoảng 15% như vậy là một mức quá cao và lại đúng vào thời điểm nền kinh tế cần tiền nhất”, ông Du nhận định.

Trước đó, tháng 6/2007, Ngân hàng Nhà nước cũng quyết định tăng mạnh tỷ lệ dự trữ bắt buộc từ 5% lên 10%. Quyết định này lập tức gặp phản ứng gay gắt từ các ngân hàng thương mại, bởi ước tính sau đó chi phí hoạt động của họ bị đội lên khoảng 0,25%.

Và lần này, Ngân hàng Nhà nước tiếp tục mạnh tay để kiềm chế lạm phát; phản ứng của thị trường dự báo sẽ là những đợt tăng lãi suất nóng sốt và xảy ra tình trạng mất thanh khoản cục bộ.

Trên thực tế, ngay sau loạt biện pháp thắt chặt tiền tệ của Ngân hàng Nhà nước, một số ngân hàng buộc phải tiếp tục tạm ngừng các khoản cho vay; lãi suất qua đêm trên thị trường liên ngân hàng có thời điểm tái lập mốc lo ngại tới 25%.

Nên xem xét giãn tiến độ các dự án công

Về một loạt biện pháp mà Ngân hàng Nhà nước vừa và chuẩn bị triển khai, chuyên gia Huỳnh Thế Du lo ngại:

“Tôi cũng không hiểu sao Ngân hàng Nhà nước lại mạnh tay như thế? Đây là thời điểm nhạy cảm. Để kiềm chế lạm phát, rút tiền về là đúng. Nhưng với cách làm trên e là có vấn đề đối với cả hệ thống tiền tệ”.

Theo nhận định của ông, hiện tại các ngân hàng hạn chế cho vay là bình thường. Nhưng qua đó cho thấy thanh khoản của hệ thống đang có vấn đề. Việc rút mạnh vốn thời điểm này có thể dẫn tới mất thanh khoản cục bộ và ảnh hưởng xấu đến cả hệ thống.

“Thắt chặt tiền tệ có khả năng kiềm chế lạm phát, nhưng nếu làm quá mạnh, hiệu quả chưa thấy mà đã dẫn đến nguy cơ sụp đổ hệ thống ngân hàng. Tôi cho rằng Ngân hàng Nhà nước đang quyết liệt với mục tiêu kiềm chế lạm phát, nhưng có vẻ hơi cứng nhắc.

Về lý thuyết thuần túy, trên một thị trường tiền tệ hoàn hảo thì việc mạnh tay như vậy sẽ phát huy hiệu quả. Nhưng với thị trường Việt Nam hiện nay chưa thể đạt được mong muốn đó”, ông Du nói.

Cùng quan điểm cho rằng những biện pháp mạnh tay nêu trên của NHNN có thể dẫn đến việc “chưa được vạ, má đã sưng”, lãnh đạo một ngân hàng thương mại lo ngại rằng tình trạng thanh khoản thấp sẽ ảnh hưởng tới tâm lý khách hàng, cả người gửi tiền lẫn người rút tiền và đây là điều “kiêng kỵ” trong hoạt động tài chính vốn rất nhạy cảm.

Vị lãnh đạo này cũng bày tỏ lo ngại về “đợt sát hạch” năng lực vốn này sẽ thanh lọc các ngân hàng yếu. Điều đó có thể đến trước khi hiệu quả của các biện pháp kiềm chế lạm phát mà Ngân hàng Nhà nước triển khai thể hiện.

Bản thân ngân hàng ông có thể hoạt động bình thường trong đợt sóng gió này, nhưng khi “kiểm tra chéo” nhân viên phòng vốn thì chính ngân hàng này cũng đang trong tình trạng giải ngân nhỏ giọt, lãi suất chuẩn bị một bước tăng mới, dù vừa điều chỉnh chưa đầy một tháng trước đó.

Ở một hướng khác, một khuyến nghị được ông Huỳnh Thế Du đề cập đến, thay vì thắt chặt tiền tệ quá mạnh tay là có thể xem xét giãn tiến độ các dự án công, bởi hiện nay việc cung tiền cho những dự án này lớn nhưng lại không tạo ra giá trị gia tăng ngay lập tức càng tạo thêm áp lực lớn đối với lạm phát.

Và với mục tiêu kiềm chế lạm phát thấp hơn tốc độ tăng trưởng kinh tế năm nay, chuyên gia này dự báo sẽ khó hiện thực. Bởi trước mắt, bên cạnh những bất ổn trong chính sách tiền tệ, hiện tượng thời tiết bất thường đầu năm tại các tỉnh phía Bắc và bệnh rầy nâu xuất hiện tại miền Nam…, cùng với diễn biến khó lường trên thị trường thế giới dự báo sẽ còn đẩy giá cả leo thang.

tp

Các tin tức khác

>   ATM Vietcombank vẫn 'chết' sau Tết (18/02/2008)

>   ADB sẽ đẩy mạnh hỗ trợ Việt Nam phát triển kinh tế-xã hội (17/02/2008)

>   Ngân hàng đầu tiên tung ra sản phẩm “Tiền gửi bù lạm phát” (17/02/2008)

>   Seabank sẽ tham gia thị trường thẻ thanh toán vào cuối quý 1/08 (17/02/2008)

>   Phối hợp chặt chẽ để triển khai tốt việc trả lương qua tài khoản (17/02/2008)

>   Khan tiền đồng, ngân hàng chạy đua nâng lãi suất (16/02/2008)

>   TPHCM thành lập Công ty Đầu tư tài chính (16/02/2008)

>   Lãi suất bước vào cuộc đua khốc liệt (16/02/2008)

>   Lãi suất VND vào đường đua (16/02/2008)

>   Lại phải nói về tư duy điều hành giá cả! (16/02/2008)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật