Thứ Bảy, 16/02/2008 08:41

Lãi suất VND vào đường đua

Sau tết, nhiều ngân hàng (NH) cổ phần đã "phát pháo" tăng lãi suất huy động VND với mức điều chỉnh được xem là cao nhất từ trước đến nay. Nhiều NH phải chạy ngược chạy xuôi để có đủ tiền đồng đảm bảo thanh toán và chuẩn bị đợt rút bớt tiền đồng trong lưu thông của NH Nhà nước.

Ngày 15-2, lãi suất cho vay qua đêm tiền đồng trên thị trường liên NH đã tăng lên mức kỷ lục 30%/năm, tương đương 2,5%/tháng. Cả chục NH thương mại tham gia đấu giá khoản vay ngắn hạn (1-2 tuần) từ NH Nhà nước, và các NH chào mức 30%/năm đã giành được khoản vay này.

Chỉ một ngày trước đó, lãi suất qua đêm còn ở mức 25%. Có NH dự đoán con số này sẽ tăng lên 35-40%/năm trong những ngày tới, nhưng cũng có NH nói không ai có thể biết sẽ tăng đến đâu, vì "căn bệnh" căng thẳng tiền đồng trong các NH gần như không có thuốc chữa.

Bị cuốn vào cuộc đua tăng lãi suất

Ngày 15-2, NH TMCP Đông Á công bố chính thức tăng lãi suất tiền gửi tiết kiệm VND dành cho khách hàng cá nhân với mức tăng bình quân tới 0,06%/tháng. Đây là lần thứ hai trong vòng một tháng qua, NH Đông Á tăng lãi suất tiết kiệm, đợt tăng trước đó vào ngày 10-1. Trước đó, ngay sau kỳ nghỉ tết, hàng loạt NH cổ phần đã công bố việc tăng lãi suất tiết kiệm VND. NH Techcombank điều chỉnh tăng 0,2-0,35%/năm, trong đó tăng mạnh nhất ở kỳ hạn 12 tháng lên 9,6%/năm. NH TMCP Sài Gòn (SCB) cũng tăng lãi suất tiền gửi VNĐ ở hầu hết kỳ hạn và loại hình huy động, trong đó kỳ hạn 12 tháng lên 9,72%/năm.

Một số NH thừa nhận mặc dù không thiếu tiền VND nhưng buộc phải tham gia "cuộc đua" tăng lãi suất để cạnh tranh thu hút khách hàng. "Các NH bạn tăng lãi suất huy động VND, chúng tôi cũng phải điều chỉnh tăng theo nếu không muốn mất khách hàng..." - ông Lý Xuân Hải, tổng giám đốc ACB, nói. Theo ông Hải, dự kiến trong tháng này ACB cũng sẽ điều chỉnh tăng lãi suất tiền gửi tiết kiệm VND. Tương tự, NH Eximbank cũng cho biết sẽ tăng lãi suất từ 18-2 với mức tăng cao nhất lên đến 0,84%/năm. Theo đó, mức lãi suất cho kỳ hạn sáu tháng là 9%/năm, 12 tháng là 9,48%/năm...

Hạn chế cho vay bất động sản

Theo các chuyên gia NH, trước các giải pháp thắt chặt tiền tệ quyết liệt của NH Nhà nước, chắc chắn các NH thương mại sẽ không có cách nào khác ngoài việc siết chặt cho vay. "Các khoản vay tiêu dùng, mua bất động sản, ôtô...chắc chắn sẽ được các NH thẩm định chặt chẽ hơn và những lời từ chối cũng sẽ được đưa ra thường xuyên hơn trong thời gian tới. Đây cũng nằm trong dự tính của NH Nhà nước để số tiền lưu thông trong dân không còn quá dồi dào như hiện nay - nguyên nhân chính khiến mặt bằng giá sau tết không những không hạ xuống mà còn không ngừng tăng lên" - một chuyên gia phân tích.

Song song với việc tăng lãi suất tiền gửi tiết kiệm, nhiều NH cũng khẳng định đang hạn chế cho vay. Theo tổng giám đốc một NH cổ phần, NH của ông sẽ không hạn chế cho vay khách hàng thông thường mà sẽ hạn chế cho vay đối với các tổ chức tài chính khác. "Bình thường chúng tôi cho các tổ chức tài chính khác vay mỗi đơn vị vài trăm tỉ đồng, nhưng nay chắc là phải xem xét lại" - ông nói.

Ông Trần Phương Bình - tổng giám đốc NH Đông Á - cho biết NH chỉ tập trung giải quyết đối với những khách hàng cũ đã có quan hệ làm ăn lâu năm, đồng thời hạn chế cho vay mới. Tương tự, ông Lê Đắc Sơn - tổng giám đốc VP Bank - cho biết hiện nay NH không những không xem xét cho vay đối với những đầu tư vào bất động sản do lo ngại rủi ro cao của thị trường này, mà cũng rất hạn chế cho vay đối với những khách hàng mới.

"Hầu hết NH cổ phần đều rất thận trọng trong việc cho vay để nghe ngóng mặt bằng lãi suất mới. Dự báo trong vòng mười ngày tới, mặt bằng lãi suất cho vay mới sẽ được thiết lập..." - ông Sơn khẳng định.

 

Phát hành tín phiếu để chống lạm phát:

Rút hơn 20.000 tỉ đồng từ lưu thông

NH Nhà nước vừa quyết định phát hành 20.300 tỉ đồng tín phiếu VND dưới hình thức bắt buộc đối với các tổ chức tín dụng. Có 41 tổ chức tín dụng phải mua tín phiếu, tùy theo qui mô và tỉ trọng huy động vốn bằng VND của từng tổ chức tín dụng. Tín phiếu bắt buộc này không được sử dụng trong các giao dịch tái cấp phát vốn với NH Nhà nước.

Theo NH Nhà nước, trong những tháng đầu năm 2008, tăng trưởng kinh tế khá thuận lợi nhưng chỉ số giá tiêu dùng được dự báo có nguy cơ tăng ở mức cao (riêng tháng 1-2008 tăng 2,38%), do đó việc phát hành tín phiếu bắt buộc đợt này nhằm mục tiêu rút bớt tiền từ lưu thông về, chủ động kiểm soát chặt chẽ tiền tệ ngay từ đầu năm, góp phần kiềm chế lạm phát. Trước đó, NH Nhà nước đã tăng dự trữ bắt buộc và một số lãi suất chủ đạo.

* Tình hình tiền đồng sẽ thêm căng thẳng sau khi NH Nhà nước bán tín phiếu bắt buộc. Một nguồn tin cho biết các NH Đầu tư và phát triển, NH Công thương và NH Ngoại thương phải mua 3.000 tỉ đồng mỗi đơn vị. Kế đến là ACB với 1.500 tỉ đồng và Sacombank 1.200 tỉ đồng. Các NH khác gồm Techcombank, Eximbank, Đông Á... mỗi đơn vị được phân bổ mua 500 tỉ đồng.

tt

Các tin tức khác

>   Lại phải nói về tư duy điều hành giá cả! (16/02/2008)

>   Thông báo về việc phát hành tín phiếu Ngân hàng Nhà nước dưới hình thức bắt buộc (15/02/2008)

>   Sacombank khai trương chi nhánh Đông Đô (15/02/2008)

>   Rút hơn 20.000 tỷ đồng vốn, thị trường có biến động? (15/02/2008)

>   Tuyên bố của FED đang "nhấn chìm" USD (15/02/2008)

>   Ngân hàng Nhà nước tiếp tục thắt chặt chính sách tiền tệ (15/02/2008)

>   Trái phiếu Chính phủ chính thức giao dịch tại sàn Hà Nội (15/02/2008)

>   Khan hiếm tiền lẻ, người tiêu dùng hứng chịu (15/02/2008)

>   FDI có bước đột phá về lượng và chất (15/02/2008)

>   Vốn tự có của các ngân hàng TPHCM tăng hơn 90% (15/02/2008)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật