Lại phải nói về tư duy điều hành giá cả!
Lạm phát cao trong năm 2007 và đầu năm 2008 đặt ra nhiều vấn đề, trong đó có vấn đề quan trọng là tư duy. Những vấn đề xuất hiện trong việc dự báo, đánh giá, xác định nguyên nhân đến giải pháp... chung quy cũng bắt nguồn từ tư duy: đó là vẫn còn chủ quan duy ý chí - một tư duy in đậm nét của thời kế hoạch hóa tập trung bao cấp, nay còn rớt lại!
Việc dự báo của một số cơ quan chức năng còn hết sức chủ quan. Tổ điều hành thị trường của Liên bộ, giúp việc các Bộ, giúp việc Chính phủ, gần như hằng tháng, hằng quý đều có dự báo về tốc độ tăng giá tiêu dùng, nhưng diễn biến thực tế đều cao gấp đôi, gấp ba, thậm chí còn gấp nhiều lần các con số mà Tổ đưa ra. Nguyên nhân chính cũng là do chủ quan duy ý chí, cứ nghĩ rằng giá cả (là một phạm trù, biến động theo quy luật khách quan, quy luật cung cầu) sẽ biến động theo ý chí con người, theo các biện pháp chủ yếu bằng mệnh lệnh hành chính mà mình tham mưu. Có đồng chí lãnh đạo một cơ quan có trách nhiệm chính trong việc chống lạm phát cho đến quý III năm 2007 khi đã có những cảnh báo của các chuyên gia và một số phương tiện thông tin đại chúng về khả năng cả năm tốc độ tăng giá tiêu dùng có thể lên tới hai chữ số, nhưng đã gần như quả quyết nếu ai bảo rằng giá tiêu dùng tăng hai chữ số thì sẽ mang giấy bút đến học!
Ngay năm 2008 này, khi mục tiêu của Quốc hội đề ra là tốc độ tăng giá sẽ thấp hơn tốc độ tăng trưởng GDP (8,5 - 9%), có nhiều cơ quan chức năng cũng đã dự báo tốc độ tăng giá cả năm cũng chỉ 7 - 8%, trong khi mới qua tháng 1 giá đã tăng 2,38% (nếu tính bằng cách lấy giá tháng 1.2008 so với giá tháng 1.2007, tức là tính theo năm, thì đã tăng 14,11%), có khả năng tháng 2 còn tăng cao hơn tháng 1; nếu đúng như vậy, thì 2 tháng đã tăng trên 5%, chẳng lẽ 10 tháng còn lại chỉ tăng có 2-3%, tức là phải có nhiều tháng không tăng, thậm chí còn giảm.
Về đánh giá, một câu gần như "cửa miệng" của một số nhà quản lý, điều hành là "tốc độ tăng giá vẫn trong tầm kiểm soát"? Khi giá đã tăng không những vượt mục tiêu (tức là cao hơn tốc độ tăng GDP), thì điều đầu tiên nghĩ đến là nghi ngờ về nội dung và phương pháp tính toán của ngành thống kê - cơ quan có thẩm quyền và chịu trách nhiệm về công bố thông tin thống kê. Nào là "rổ" hàng hóa, dịch vụ để tính chỉ số giá tiêu dùng không đầy đủ (mặc dù đã có tới trên 400 mặt hàng). Nào là tỷ trọng của từng nhóm hàng hóa, dịch vụ, đặc biệt là nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống (gồm lương thực, thực phẩm và ăn uống ngoài gia đình) sao cao thế (trong khi có gần ba phần tư dân số sống ở nông thôn, còn trên một phần sáu hộ nghèo); hơn nữa tỷ trọng này lại được cập nhật từ cuộc điều tra mức sống dân cư gần nhất - còn gần hơn hầu hết các nước trên thế giới? Nào là sao không tính bình quân năm mà lại tính tháng 12 năm 2007 so với tháng 12 năm 2006 (năm ngoái bình quân năm so với năm trước tăng 8,3%, còn tháng 12 so với tháng 12 tăng 12,63%); năm nay gần như chắc chắn tốc độ tăng giá bình quân năm so với năm trước sẽ cao hơn nhiều tốc độ tăng giá tháng 12 năm nay so với tháng 12 năm trước, vì tốc độ tăng so với cùng kỳ năm trước đang có xu hướng cao lên (tháng 10.2007 so với tháng 10.2006 tăng 9,34%, tháng 11 tương ứng tăng 10,01%, tháng 12 tăng 12,63%, tháng 1.2008 tăng 14,11%). Việc đánh giá như vậy chưa dám nói là có tư tưởng thành tích hay không, nhưng không thể không có ý xen tư tưởng chủ quan của mình, trong khi để tính toán các chỉ tiêu trên, ngành thống kê đã phải điều tra giá cả hàng hóa, dịch vụ theo các phiên của hàng nghìn chợ trên các địa bàn ở tất cả 64 tỉnh, thành phố; việc truyền đưa, tính toán phải thông qua hệ thống máy tính và có phương pháp chuyên môn được đào tạo từ dưới lên và quan trọng hơn, ngành thống kê đo lường tốc độ tăng giá không vì lợi ích chủ quan gì.
Về nguyên nhân của tốc độ tăng giá cao, có nhiều ý kiến lại nghiêng về nguyên nhân khách quan, ít đề cập đến nguyên nhân chủ quan; có nói đến nguyên nhân chủ quan thì cũng nghiêng về tại hiệu quả và sức cạnh tranh còn yếu (tức là tại người sản xuất), tại nhu cầu tăng cao (tức là tại người tiêu dùng), mà ít nói về nguyên nhân quản lý điều hành (như dự báo kém, lúng túng trong việc đề ra và thực hiện chính sách tiền tệ, trong việc kiểm tra, thanh tra giá...).
Về giải pháp, trong khi giá cả tăng cao, nhưng lượng tiền đưa ra lưu thông lớn (tốc độ tăng cung tiền lớn gấp trên 4 lần tốc độ tăng GDP, cao gấp đôi hệ số 2 - 2,5 lần của các nước trong khu vực), trong khi việc hút tiền từ lưu thông về chậm. Cuối năm ngoái, đầu năm nay, khi bị khống chế tỷ lệ cho vay chứng khoán (là cần thiết trong điều kiện lạm phát cao), nhưng các ngân hàng thương mại lại không đồng thuận, trái lại còn tăng cho vay tiêu dùng, tăng cho vay bất động sản (có thông tin đến nay đã có vài trăm nghìn tỉ đồng đầu tư vào bất động sản, trong đó có một lượng không nhỏ từ ngân hàng thương mại); thậm chí lãi suất thực tiết kiệm đã mang dấu âm, nhưng đã có vài ba tháng giảm lãi suất tiết kiệm, từ mấy tháng nay đã tăng lên, nhưng vẫn còn thấp xa so với tốc độ tăng giá (tháng 1.2008 so với tháng 10.2007, giá tiêu dùng tăng 6,6%, nhưng lãi suất tiết kiệm kỳ hạn 3 tháng chỉ vào khoảng 1,8% tùy theo ngân hàng thương mại). Mới đây, khi giá trong dịp Tết tăng cao, có quan chức Bộ Công thương cho rằng "các mặt hàng vật tư như xăng dầu, sắt thép, xi măng, mía đường, phân bón, thuốc chữa bệnh... Bộ còn can thiệp được, còn những mặt hàng thịt, cá, rau, hoa quả... rất khó chi phối để mà điều tiết được giá cả. Bởi việc kinh doanh những mặt hàng này chúng ta chưa hình thành được nhiều những doanh nghiệp mạnh..." và ông cho rằng "giá như Nhà nước có khoảng 10 - 15 doanh nghiệp phân phối lớn trong lĩnh vực này và hoạt động mạnh mẽ... thì tình hình thị trường mặt hàng tươi sống có thể kiểm soát được". Tức là muốn quay trở lại cơ chế phân phối cũ chăng? Hơn nữa, theo quan điểm này, thì giá thép xây dựng sao đã lên đến 16 triệu đồng/tấn, giá xăng dầu, xi măng, mía đường, phân bón, thuốc chữa bệnh... tới đây sẽ không tăng để kéo tốc độ tăng giá xuống chăng?
Vấn đề là phải có biện pháp tăng cung (sản xuất, bảo vệ sản xuất nhất là công nghiệp phụ trợ, nhập khẩu...), giảm tiền ra lưu thông, hút mạnh tiền từ lưu thông về.
tn
|