Thứ Bảy, 16/02/2008 15:38

Khan tiền đồng, ngân hàng chạy đua nâng lãi suất

Mở đầu năm mới Âm lịch, một loạt nhà băng nâng lãi suất huy động tiền đồng, đưa mặt bằng lãi suất tại các ngân hàng thương mại lên gần 10%. Đây là việc "cực chẳng đã" khi các nhà băng trở nên thiếu tính thanh khoản, thậm chí có nơi đã phải dừng cho vay.

Ngân hàng An Bình (ABBank) là nhà băng đầu tiên "nổ pháo" cho đợt tăng lãi suất huy động VND trong năm mới 2008. Đầu tháng 1 vừa qua, ngân hàng này điều chỉnh mức tăng cao nhất 0,48% mỗi năm với lãi hàng quý cho tất cả kỳ hạn. Với kỳ hạn 24 tháng, lãi suất 9,12%, cộng thêm lãi suất cuối kỳ khi gửi 2 tỷ đồng trở lên, người gửi tiền có thể hưởng tối đa 10,34% mỗi năm. Dự kiến cuối tháng này, ABBank lại tiếp tục đẩy lãi suất lên thêm 0,3-0,78% mỗi năm.

Ngân hàng Sài Gòn - Hà Nội (SHB) cũng thông báo nâng lãi suất huy động tiền đồng lên 0,78% cho kỳ hạn 6 tháng cho miền bắc và miền nam, 0,795% cho khu vực đồng bằng sông Cửu Long.

Hôm qua, Dong A Bank thông báo tăng lãi suất tiền gửi tiết kiệm VND dành cho khách hàng cá nhân với mức tăng bình quân 0,06% mỗi tháng. Đây là lần thứ hai kể từ đầu năm 2008 Dong A Bank tăng lãi suất tiết kiệm VND, hai lần chỉ cách nhau 35 ngày.

Ngay trong ngày 15/2, Eximbank cũng nhập cuộc đua tăng lãi suất gửi VND với mức điều chỉnh 0,07% mỗi tháng, ở tất cả kỳ hạn. Góp mặt trong danh sách đua tăng lãi suất này còn có Techcombank với mức tăng 0,2-0,35% mỗi năm, trong đó mạnh nhất ở kỳ hạn 12 tháng lên 9,6%. Biểu lãi suất mới của Ngân hàng Phương Đông (OCBank) cũng được điều chỉnh tăng thấp nhất 0,01% mỗi tháng.

Ông Trần Phương Bình, Tổng giám đốc Ngân hàng Đông Á (Dong A Bank) cho biết, cung tiền đồng trên thị trường cạn kiệt trong khi nhu cầu vốn của nền kinh tế cũng như vay cá nhân tăng cao là nguyên nhân các ngân hàng bước vào cuộc đua lãi suất.

"Nâng lãi suất đồng nghĩa với chi phí đầu vào tăng, đặc biệt khi tỷ lệ dự trữ bắt buộc tăng thêm 1%. Nhưng nếu không tăng thì khách hàng sẽ rút tiền để chuyển sang nơi khác có lãi suất cao hơn", ông Bình nói. Đó là chưa kể đến thực tế người gửi tiền đang chịu lãi suất thực âm do lạm phát cao, trong khi những kênh đầu tư khác như vàng, địa ốc đang sốt nóng.

Bà Lê Thanh Cẩm, Giám đốc khối kinh doanh tiền tệ và ngoại hối ABBank, cũng cho hay, vào cuối năm trước, nguồn vốn trên thị trường khan hiếm do nhu cầu chi trả tăng cao. Nhiều ngân hàng không đáp ứng kịp nên trì hoãn sang đầu năm mới. Yêu cầu thanh toán còn "khất" lại từ năm trước cộng với nhu cầu của khách hàng sau Tết vẫn cao khiến nguồn cung trên thị trường liên ngân hàng càng thêm khan hiếm. "Các ngân hàng thương mại buộc phải tăng lãi suất để đẩy mạnh huy động nhằm đảm bảo thanh khoản và dự trữ bắt buộc tại Ngân hàng Nhà nước", bà Cẩm nói.

Nguồn vốn trên thị trường căng thẳng từ tháng 11/2007, thể hiện rõ nhất khi lãi suất trúng thầu trên thị trường mở có lúc đội lên tới 17% mỗi năm. Sau Tết Âm lịch, tình hình không khả quan hơn và diễn ra ở hầu hết ngân hàng thương mại. Hiện VP Bank đã dừng cho vay tiền đồng vì chưa tìm được nguồn cung.

Tình trạng khan hiếm tiền đồng đẩy lãi suất cho vay qua đêm trên thị trường liên ngân hàng hôm 15/2 vọt lên mức kỷ lục 30% mỗi năm, cao nhất trong lịch sử ngành ngân hàng Việt Nam, trong khi hôm trước chỉ ở mức 25%. Giám đốc một ngân hàng thương mại dự đoán, trong thời gian tới, lãi suất cho vay qua đêm sẽ lên cao vì căn bệnh thiếu tiền đồng chưa thể khắc phục. Theo các chuyên gia, tình hình này còn kéo dài ít nhất đến hết tháng 2.

Trong lúc này, Ngân hàng Nhà nước tiếp tục thực hiện các biện pháp siết chặt tiền đồng trong lưu thông nhằm triệt để kiểm soát lạm phát ngay từ đầu năm. Mới đây cơ quan này thông báo, các ngân hàng thương mại sẽ mua tín phiếu bắt buộc bằng tiền đồng với kỳ hạn 364 ngày.

Một chuyên gia trong ngành ngân hàng đánh giá, việc các ngân hàng thương mại mua tín phiếu với lãi suất thấp hơn trên thị trường rất nhiều (7,8%), trong khi loại tín phiếu này không được sử dụng cho các giao dịch tái cấp vốn của Ngân hàng Nhà nước, đã ít nhiều gây khó khăn cho các nhà băng trong điều tiết lãi suất đầu vào, đầu ra.

Sau việc các ngân hàng thương mại mới đây nâng tỷ lệ dự trữ bắt buộc thêm 1%, việc mua tín phiếu bắt buộc lần này được coi như một khoản dự trữ bắt buộc mới cho các nhà băng. "Các ngân hàng thương mại đang đau đầu khi lãi suất huy động vẫn phải tăng do cạnh tranh giữa các nhà băng", chuyên gia này nhận xét. 

Cũng theo chuyên gia này, trong bối cảnh cần kiểm soát lạm phát hiện nay, việc siết chặt tiền đồng là khó tránh khỏi, song việc này cũng khiến cuộc đua nâng lãi suất của các ngân hàng thêm nóng. "Chi phí sản xuất trong nền kinh tế cũng vì thế sẽ tăng cao hơn", chuyên gia này nhận định. 

Tỷ giá giữa đôla và tiền đồng trong những ngày gần đây liên tục giảm mạnh. Trong tháng 1, trung bình mỗi ngày VND tăng một đồng (1 VND) so với USD, song từ đầu tháng 2 đến nay, tốc độ trượt giá của đôla trở nên nhanh hơn, có ngày tiền đồng tăng gần 10 VND. Sáng nay tỷ giá tại các ngân hàng thương mại ở mức mỗi USD "ăn" 15.957 VND.

vne

Các tin tức khác

>   TPHCM thành lập Công ty Đầu tư tài chính (16/02/2008)

>   Lãi suất bước vào cuộc đua khốc liệt (16/02/2008)

>   Lãi suất VND vào đường đua (16/02/2008)

>   Lại phải nói về tư duy điều hành giá cả! (16/02/2008)

>   Thông báo về việc phát hành tín phiếu Ngân hàng Nhà nước dưới hình thức bắt buộc (15/02/2008)

>   Sacombank khai trương chi nhánh Đông Đô (15/02/2008)

>   Rút hơn 20.000 tỷ đồng vốn, thị trường có biến động? (15/02/2008)

>   Tuyên bố của FED đang "nhấn chìm" USD (15/02/2008)

>   Ngân hàng Nhà nước tiếp tục thắt chặt chính sách tiền tệ (15/02/2008)

>   Trái phiếu Chính phủ chính thức giao dịch tại sàn Hà Nội (15/02/2008)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật