Thứ Ba, 12/06/2007 17:17

Cho phép lập ngân hàng mới

Quy chế thành lập ngân hàng cổ phần do Ngân hàng Nhà nước vừa ban hành theo ủy quyền của Chính phủ đã mở đường cho việc ra đời thêm ngân hàng mới, sau một thập kỷ không có trường hợp nào được cấp phép.

Với quan điểm tạo sự cạnh tranh lành mạnh trên thị trường, đồng thời không dễ dãi với phong trào nhà nhà đua nhau lập ngân hàng, Ngân hàng Nhà nước đưa ra những yêu cầu khắt khe về năng lực tài chính, bộ máy quản trị, điều hành đối với các ứng viên.

Theo quy chế mới ban hành, để được cấp phép thành lập, ngân hàng phải tuân thủ nghiêm ngặt yêu cầu của Thủ tướng về vốn điều lệ trong từng thời kỳ. Từ nay tới cuối 2008, quy định tối thiểu là 1.000 tỷ đồng, sau ngày 31/12/2008, tất cả các ứng viên phải có vốn điều lệ từ 3.000 tỷ đồng. Bên cạnh đó, nguồn vốn góp thành lập ngân hàng phải là nguồn thuộc sở hữu của cổ đông, không được sử dụng tiền vay dưới mọi hình thức và các tổ chức, cá nhân góp vốn phải cam kết trước pháp luật về nguồn tài chính này.

Các nhà đầu tư nước ngoài sẽ không được phép góp vốn thành lập ngân hàng mới, mà chỉ được mua cổ phần của các ngân hàng nội địa đã hoạt động tối thiểu là 2 năm, với một hạn mức nhất định, không quá 30%.

Một ngân hàng muốn thành lập phải có tối thiểu 100 cổ đông tham gia, trong đó ít nhất 3 cổ đông sáng lập là tổ chức có quy mô tài sản từ 2.000 tỷ đồng và vốn điều lệ 500 tỷ đồng trở lên. Trong trường hợp cổ đông sáng lập là ngân hàng thương mại, phải đảm bảo tổng tài sản tối thiểu 10.000 tỷ đồng, vốn điều lệ 1.000 tỷ đồng, tỷ lệ nợ xấu dưới 2%. Các cổ đông không được chuyển nhượng cổ phần trong thời gian 3 năm kết từ khi được cấp phép thành lập. Riêng các cổ đông sáng lập, chỉ được phép chuyển nhượng lẫn nhau trong thời gian 5 năm kể từ khi ngân hàng được cấp phép.

Để đảm bảo tính đại chúng của ngân hàng, mỗi cổ đông pháp nhân (tổ chức) và người có liên quan chỉ được phép sở hữu tối đa 20% vốn điều lệ. Nếu là cổ đông cá nhân, tỷ lệ sở hữu của cá nhân đó và những người có liên quan không quá 10% vốn điều lệ của ngân hàng. Trong trường hợp sở hữu vượt tỷ lệ cho phép, phải được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt trên cơ sở lợi ích quốc gia.

Quy chế cấp phép thành lập ngân hàng được Ngân hàng Nhà nước ban hành hôm 7/6, kèm theo Quyết định số 24, và có hiệu lực 15 ngày sau khi đăng Công báo. Vụ trưởng Vụ Các ngân hàng Kiều Hữu Dũng cho biết sau khi quy chế có hiệu lực, Ngân hàng Nhà nước sẽ ra thông báo bắt đầu tiếp nhận hồ sơ của các tổ chức, cá nhân muốn tham gia kinh doanh ngân hàng.

Hiện tại, đã có trên dưới 25 hồ sơ xin cấp phép ngân hàng thương mại cổ phần nội địa được gửi tới Ngân hàng Nhà nước, tất cả đều có quy mô vốn từ 1.000 tỷ đồng, cá biệt có trường hợp vượt 3.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, Ngân hàng Nhà nước chưa xem xét bất cứ hồ sơ nào cho tới khi quy chế có hiệu lực.

Trong cuộc trao đổi với báo giới hồi tháng 3 vừa qua, Thống đốc Lê Đức Thúy tuyên bố không dễ dãi với chuyện cấp phép thành lập mới ngân hàng. Lo ngại của Ngân hàng Nhà nước bắt nguồn từ nguy cơ mua bán giấy phép ngân hàng cũng như hiện tượng đầu cơ cổ phần của những ngân hàng chưa được cấp phép thành lập.

"Việc người ta đua nhau xin thành lập ngân hàng cho thấy đây là một lĩnh vực hấp dẫn các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Song qua đó có thể nhìn thấy một động cơ lợi ích nhiều khi chưa được tính toán thật nghiêm túc. Bởi vì người ta thấy cổ phiếu ngân hàng nóng quá, cả cổ phiếu chính thức cũng như cổ phiếu OTC', ông Thúy lo ngại.

VNE

Các tin tức khác

>   Cạnh tranh chuyển tiền nhanh (12/06/2007)

>   Cho doanh nghiệp trả góp thuế nợ đọng (12/06/2007)

>   Sẽ có Luật Quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước (12/06/2007)

>   Chi ngân sách Nhà nước: Tác động và chuyển biến từ quá trình hội nhập WTO (12/06/2007)

>   Giá vàng thế giới giảm mạnh (12/06/2007)

>   Lo ngại giải ngân vốn trái phiếu thấp (11/06/2007)

>   Bảo Việt cung cấp dịch vụ bảo hiểm qua ngân hàng (11/06/2007)

>   Đồng ý giãn nợ thuế cho doanh nghiệp gặp khó khăn (11/06/2007)

>   Dịch vụ ngân hàng: Gồng mình chờ “làn sóng ngoại” (11/06/2007)

>   Tự do hóa tài chính phải đi đôi với kiểm soát rủi ro (11/06/2007)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật