Thứ Ba, 12/06/2007 15:44

Chi ngân sách Nhà nước: Tác động và chuyển biến từ quá trình hội nhập WTO

Việc đổi mới chi tiêu ngân sách Nhà nước (NSNN) là yêu cầu luôn được đặt ra, cho dù có tham gia WTO hay không.

Tuy nhiên, tiến trình gia nhập WTO có tác động mạnh mẽ đến việc đổi mới chính sách chi NSNN. Ths. Nguyễn Văn Phụng - Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách thuế đã nói như vậy trong các trình bày của mình về đổi mới chính sách thu chi ngân sách trong điều kiện hội nhập WTO. Hiện tại, các chính sách về chi NSNN hiện đã đang được thực hiện và bước đầu đã tạo ra một sự chuyển động tích cực.

Thúc đẩy hiệu quả bộ máy quản lý bằng cơ chế "khoán"

Theo ông Nguyễn Văn Phụng, chi cho lĩnh vực quản lý Nhà nước chiếm một tỷ trọng không nhỏ trong chi thường xuyên. Hiện tại, bộ máy quản lý cồng kềnh, chức năng quản lý vừa chồng chéo, vừa bỏ sót, hoạt động kém hiệu quả. Nhiều mâu thuẫn nảy sinh như, trách nhiệm công chức thấp kém do đời sống thấp, nhưng chi tiêu của bộ máy lại lãng phí... Trên cơ sở Luật Ngân sách Nhà nước (sửa đổi 2002) và Chương trình tổng thể cải cách hành chính Nhà nước của Chính phủ, các chính sách lớn về chi NSNN của Việt Nam đã được điều chỉnh, theo tư tưởng đổi mới ngay từ khi đàm phán gia nhập WTO bước vào giai đoạn sâu hơn. Đối với lĩnh vực chi quản lý nhà nước, cuối năm 2005, Chính phủ đã ban hành Nghị định 130/2005/NĐ - CP, quy định chế độ tự chủ, tự chịu trách nhiệm về sử dụng biên chế và kinh phí quản lý hành chính đối với các cơ quan nhà nước (mà chúng ta quen gọi là khoán biên chế và kinh phí).

Chính sách này nhằm khắc phục cơ bản những tồn tại, bất hợp lý đã nêu trên. Tự chủ, tự chịu trách nhiệm sẽ tạo điều kiện cho các cơ quan chủ động trong việc sử dụng biên chế và kinh phí (quản lý hành chính) một cách hợp lý. Cơ chế này thúc đẩy việc sắp xếp, tổ chức bộ máy tinh gọn, thực hiện tiết kiệm, chống lãng phí trong sử dụng lao động, kinh phí quản lý. Hiệu quả, hiệu suất lao động được nâng cao làm tăng thu nhập cho cán bộ, công chức. Quan trọng hơn cả là cơ chế tự chủ cũng đồng thời gắn được trách nhiệm của thủ trưởng cơ quan và cán bộ, công chức.

Chế độ tự chủ, tự chụ trách nhiệm về sử dụng biên chế và kinh phí quản lý hành chính dựa trên một số các nguyên tắc cơ bản: đảm bảo hoàn thành tốt nhiệm vụ; không tăng biên chế và kinh phí (trừ trường hợp đặc biệt); thực hiện công khai, dân chủ, đảm bảo quyền lợi hợp pháp của cán bộ, công chức.

Khuyến khích xã hội hóa  các hoạt động sự nghiệp

Thời gian qua, Nhà nước đã ban hành nhiều cơ chế chính sách tạo điều kiện phát triển, đa dạng hóa hoạt động sự nghiệp. Định hướng của Nhà nước đối với lĩnh vực này là một mặt thu hút thêm nguồn lực của xã hội; mặt khác tạo điều kiện để các đơn vị sự nghiệp của Nhà nước nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động. Một số chính sách đã ban hành tạo chuyển biến như: Nghị định số 73/1999/NĐ- CP  về chính sách khuyến khích xã hội hóa đối với các hoạt động trong lĩnh vực giáo dục, văn hóa, y tế, thể thao và Nghị định số 10/2002/NĐ- CP về chế độ tài chính áp dụng cho đơn vị sự nghiệp có thu. Theo ông Phụng, trong bối cảnh gia nhập WTO thúc đẩy Nhà nước chuyển giao nhiều hơn nữa cho khu vực tư nhân thực hiện, nhất là hoạt động dịch vụ thuộc các lĩnh vực chuyên ngành theo định hướng trên. Chính sách của Nhà nước có hai bước cụ thể là tăng cường hiệu quả hoạt động của các đơn vị công lập và đẩy mạnh xã hội hóa các lĩnh vực này.

Nhằm nâng cao hiệu quả đối với đơn vị sự nghiệp công lập, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 43/2006/NĐ- CP. Các quy định này đã trao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm, tổ chức bộ máy và tài chính cho các đơn vị sự nghiệp công lập (bao gồm cả phát thanh, truyền hình, các đơn vị sự nghiệp thuộc Bộ Quốc phòng, Công an, tổ chức chính trị, chính trị - xã hội. Riêng lĩnh vực khoa học, công nghệ thực hiện theo Nghị định 115/2005/NĐ- CP).

Ngoài những mục tiêu tăng cường hiệu quả, tương tự như chế độ "khoán" ở khu vực quản lý nhà nước, cơ chế này còn nhằm thực hiện chủ trương xã hội hóa việc cung cấp dịch vụ chất lượng cao; huy động sự đóng góp của cộng đồng xã hội phát triển hoạt động sự nghiệp, giảm dần bao cấp từ NSNN; tạo điều kiện để Nhà nước tập trung vào khu vực đối tượng chính sách, đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, xa, khó khăn; phân biệt rõ cơ chế quản lý nhà nước đối với đơn vị sự nghiệp với cơ chế quản lý nhà nước đối với cơ quan hành chính nhà nước.

Theo ông Nguyễn Văn Phụng, qua việc ban hành Nghị định số 53/2006/NĐ- CP (ngày 25/5/2006), Chính phủ tiếp tục các chính sách ưu đãi nhằm khuyến khích phát triển các cơ sở dịch vụ ngoài công lập. Các chính sách này tỏ ra cởi mở, thông thoáng hơn và rõ ràng, minh bạch hơn so với trước (Nghị định 73/1999/NĐ- CP). Ngoài các lĩnh vực đã được khuyến khích như giáo dục - đào tạo, y tế, văn hóa, thể thao, còn mở rộng thêm sang lĩnh vực khoa học và công nghệ, môi trường, xã hội, dân số, gia đình, bảo vệ chăm sóc trẻ em. Nhà nước khuyến khích các cơ sở ngoài công lập, đồng thời tạo điều kiện cho các tổ chức, cá nhân đầu tư vốn và huy động các nguồn lực để xây dựng và phát triển các cơ sở ngoài công lập (CSNCL).

Các nguyên tắc cơ bản được đề ra khi thực hiện: Nhà nước, xã hội đối xử bình đẳng đối với các sản phẩm và dịch vụ của các CSNCL như cơ sở công lập; Ưu đãi thuế TNDN cho các CSNCL, để khuyến khích đầu tư tăng cường cơ sở vật chất, nâng cao chất lượng dịch vụ; Nhà nước có chính sách hỗ trợ cho các đối tượng chính sách xã hội khi thụ hưởng các dịch vụ do CSNCL lập cung cấp; CSNCL được liên doanh, liên kết với các tổ chức trong và ngoài nước phù hợp với chức năng, nhiệm vụ hoạt động, nhằm huy động vốn, nhân lực và công nghệ, nâng cao chất lượng dịch vụ; Tài sản được hiến, tặng hoặc viện trợ không hoàn lại, trong quá trình hoạt động của CSNCL không được chia cho cá nhân, chỉ sử dụng chung cho lợi ích của cơ sở và cộng đồng.

Chi NSNN đối với DNNN

Cùng theo ông Nguyễn Văn Phụng, trong các cam kết về DNNN, WTO không hạn chế hoạt động của DNNN mà chỉ yêu cầu DNNN hoạt động theo tiêu chí thương mại để đảm bảo quyền kinh doanh bình đẳng. Nhà nước không được can thiệp trực tiếp hoặc gián tiếp vào hoạt động của DNNN, mà chỉ được can thiệp bình đẳng với tư cách là một cổ đông hoặc thành viên góp vốn.

Với các cam kết này, những chính sách chi tiêu của ngân sách đối với khu vực này đã được sửa đổi căn bản cho phù hợp. Cụ thể: Nhà nước chấm dứt hoàn toàn việc cấp vốn đầu tư, vốn lưu động cho DNNN; Bỏ quy định về ghi thu, ghi chi NSNN đối với các DN này; Bãi bỏ Quỹ Hỗ trợ xuất khẩu; Thu hẹp danh mục ngành nghề, lĩnh vực kinh doanh được hưởng ưu đãi qua kênh tín dụng Nhà nước là Ngân hàng phát triển Việt Nam (trước đây là Quỹ Hỗ trợ phát triển). Hoạt động bù lỗ qua giá đối với những DN thuộc lĩnh vực kinh doanh quan trọng đối với nền kinh tế, như xăng dầu, cũng sẽ được chấm dứt theo lộ trình đổi mới phương thức quản lý.

TBTC

Các tin tức khác

>   Giá vàng thế giới giảm mạnh (12/06/2007)

>   Lo ngại giải ngân vốn trái phiếu thấp (11/06/2007)

>   Bảo Việt cung cấp dịch vụ bảo hiểm qua ngân hàng (11/06/2007)

>   Đồng ý giãn nợ thuế cho doanh nghiệp gặp khó khăn (11/06/2007)

>   Dịch vụ ngân hàng: Gồng mình chờ “làn sóng ngoại” (11/06/2007)

>   Tự do hóa tài chính phải đi đôi với kiểm soát rủi ro (11/06/2007)

>   Techcombank đạt 262,7 tỷ đồng của lợi nhuận trước thuế 5 tháng đầu năm (11/06/2007)

>   Ngân hàng Nam Á sẽ mở thêm một loạt chi nhánh và phòng giao dịch (11/06/2007)

>   Vinaconex chuẩn bị thành lập Công ty Tài chính Vinaconex (11/06/2007)

>   DN chính thức được định giá bán lẻ xăng (11/06/2007)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật