Thứ Hai, 11/06/2007 18:26

Dịch vụ ngân hàng: Gồng mình chờ “làn sóng ngoại”

Bà Nguyễn Thị Bích Hà, Phó tổng Giám đốc Ngân hàng Đông Á “tha thiết” đề nghị báo chí “làm sao để người dân hiểu và sử dụng dịch vụ ngân hàng (DVNH) nhiều hơn nữa”.

Không chỉ Đông Á mà hàng loạt các ngân hàng thương mại, quốc doanh đang nhận ra dịch vụ bán lẻ của mình chưa được khách hàng “tin dùng” như mong đợi. Trong khi đó làn sóng cạnh tranh từ các ngân hàng ngoại đang đến gần...

Tổng giám đốc một ngân hàng lớn cho biết một trong những nguyên nhân chính khiến việc đàm phán với đối tác chiến lược đổ vỡ là do đối tác này quá “quan tâm” đến lĩnh vực bán lẻ. 

Theo cam kết giữa Việt Nam và các nước thành viên, từ nay đến năm 2010, các ngân hàng nước ngoài sẽ được phép thực hiện hầu hết các dịch vụ ngân hàng như một ngân hàng trong nước (trừ dịch vụ tư vấn và cung cấp thông tin ngân hàng).

Càng gần đến mốc này, các ngân hàng nội càng phải “tự cứu mình” bởi họ hiểu rõ sẽ gặp nhiều bất lợi trong cạnh tranh. Kết quả một cuộc điều tra của Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc cho biết:

Có 45% khách hàng (là doanh nghiệp và cá nhân) sẽ chuyển sang vay vốn của ngân hàng nước ngoài; 50% chọn dịch vụ ngân hàng nước ngoài thay thế, và 50% còn lại chọn ngân hàng nước ngoài để gửi tiền, đặc biệt là ngoại tệ...

Chỉ cần điểm qua vài động thái của các ngân hàng ngoại trong thời gian qua đã đủ để chứng minh lo ngại trên là có cơ sở

Vừa qua HSBC đã đưa ra chính sách cho vay tiêu dùng cá nhân hấp dẫn hơn. Mức lương tối thiểu để được vay từ 8 - 10 triệu đồng hạ xuống còn 3 triệu đồng.

Họ không còn “kén”  khách hàng trong các Cty liên doanh, nước ngoài, mà đã tìm đến các doanh nghiệp trong nước, cơ quan hành chính…  Chỉ vài tháng, số lượng khách hàng cá nhân của HSBC tăng 581%, và lượng tín dụng cho vay tăng 482% so với 6 tháng trước đó.

Ngân hàng ANZ đã cung cấp dịch vụ cho nhiều đối tượng khách hàng cá nhân. Có các sản phẩm như: chứng chỉ tiền gửi bằng nhiều loại ngoại tệ khác nhau như đô la Mỹ, đô la Úc, euro, bảng Anh.

ANZ đã đưa ra một cam kết về dịch vụ tài trợ mua ô tô là “cho vay mua ô tô trong vòng 48 giờ”. Các sản phẩm tiết kiệm (dành cho phụ huynh), trợ giúp thủ tục xin visa, chứng minh tài chính, tài khoản sinh viên với thẻ ANZ Visa Debit, Internet banking.

Ông Ashok Sud, Tổng giám đốc Ngân hàng Standard Chartered (SC) tại Việt Nam, Lào, Campuchia cho biết: “Năm 2007, SC Việt Nam sẽ đẩy mạnh mảng dịch vụ ngân hàng tiêu dùng và chú trọng đến khách hàng cá nhân”.

Trước đây, thông thường khách hàng của  ANZ, HSBC, SC, UOB... là các đại sứ quán, tổ chức phi chính phủ, tập đoàn lớn… thì bây giờ, họ đang dần mở rộng phạm vi khách hàng dần dần thông qua hợp tác với ngân hàng trong nước trong lĩnh vực bán lẻ, cùng phối hợp phát triển mạng lưới...

Ra ngõ gặp ngân hàng thì mới cạnh tranh được

Đến nay hệ thống ngân hàng Việt Nam có 5 ngân hàng thương mại nhà nước, 1 ngân hàng chính sách, 1 ngân hàng phát triển 37 ngân hàng thương mại cổ phần... nắm giữ khoảng gần 90% thị phần (cả tiền gửi và cho vay), trong đó riêng các ngân hàng thương mại nhà nước chiếm 70%.

Phần các ngân hàng nước ngoài (hiện có 4 ngân hàng liên doanh, 28 chi nhánh ngân hàng nước ngoài, 43 văn phòng đại diện) chỉ chiếm khoảng dưới 10% thị phần.

Tuy nhiên ông Phạm Văn Thiệt, Tổng giám đốc Eximbanhk cho rằng những con số đẹp đẽ đó chỉ duy trì khi các ngân hàng nước ngoài chưa vào cuộc.

Ông Thiệt nhận xét: “Các dịch vụ ngân hàng trong nước còn rất đơn điệu, chất lượng chưa cao, còn nặng về các dịch vụ ngân hàng truyền thống mà chưa có định hướng theo nhu cầu của khách hàng.

Huy động vốn chủ yếu dưới dạng tiền gửi (chiếm 94% tổng nguồn vốn huy động), và cấp tín dụng là hoạt động chủ yếu (chiếm trên 80% tổng thu nhập)...”.

Ngay cả việc các ngân hàng trong nước có lợi thế “hiểu người Việt Nam” cũng khó xem là yếu tố quyết định vì các ngân hàng nước ngoài cũng thực hiện chính sách “địa phương hóa” như thừa nhận của bà Bích Hà.

Tuy nhiên tình hình cũng chưa hẳn là quá bi quan nếu các ngân hàng nội biết khai thác và phát triển những lợi thế, tiềm năng sẵn có.

Từ năm 2006 đến nay, các ngân hàng thương mại cổ phần chạy đua “nâng cấp” liên tục để thu hút khách hàng cá nhân và chọn mảng dịch vụ này.

Đáng chú ý nhất là các chi nhánh mở khắp nơi trên các thành phố, tỉnh thành vì nói như ông Lý Xuân Hải, Tổng giám đốc Ngân hàng ACB “khi người dân ra ngõ là gặp ngân hàng và thấy ngay các dịch vụ họ cần thì lúc đó chúng tôi mới thành công”.

Mạng lưới máy ATM cũng tăng đáng kể, mạng liên kết VNBC nâng lên 466 máy, ACB 39 máy, Sacombank 70 máy...; con số này dự kiến sẽ tăng lên ít nhất 1.000 máy vào năm 2007.

Nhiều ngân hàng đa dạng hóa các sản phẩm tín dụng và chú trọng đến chất lượng dịch vụ, như ngân hàng điện tử, trung tâm dịch vụ 24g, sản phẩm cho vay nhanh 24g của ACB; các sản phẩm cho vay tiêu dùng cá nhân đa dạng trải từ mua nhà, xe, đám cưới, sản xuất kinh doanh, cho vay mua chứng từ...

Hơn nữa,  từ nay đến năm 2010, Ngân hàng Nhà nước sẽ còn sử dụng những “biện pháp nghiệp vụ” để các ngân hàng nội không quá lép vế trong cuộc cạnh tranh dịch vụ bán lẻ.

Sau năm 2010 các ngân hàng ngoại mới được nhận tiền gửi ngoại tệ cá nhân là một dẫn chứng mà theo ông  Kiều Hữu Dũng, Vụ trưởng Vụ Các ngân hàng - Ngân hàng Nhà nước vì “chúng ta không thể không bảo hộ hệ thống ngân hàng Việt Nam còn quá non trẻ, chưa đủ mạnh về tài chính, công nghệ”.

Thông tư hướng dẫn việc thành lập ngân hàng con 100% vốn nước ngoài đã được Ngân hàng Nhà nước ban hành ngày 6/6/2007 và nhanh nhất là 6 tháng nữa, loại hình ngân hàng này sẽ xuất hiện.

Hiện tại, 6 tổ chức tín dụng nước ngoài đã đặt vấn đề với Ngân hàng Nhà nước về vấn đề lập ngân hàng con 100% vốn ngoại. Trong đó có HSBC của Hồng Kông; ANZ của Australia và New Zealand; Standard Standard Chartered của Anh.

3 trường hợp còn lại có 2 ngân hàng đến từ Đài Loan, 1 của Hàn Quốc. Hiện Ngân hàng Nhà nước Việt Nam mới ký thỏa thuận với Đài Loan và đang lên kế hoạch ký thỏa thuận với Australia và Hồng Kông.

Các ngân hàng nước ngoài đang hiện diện ở Việt Nam dưới các hình thức liên doanh, mở văn phòng đại diện, chi nhánh...

Sức ép rất lớn đang cận kề và dịch vụ bán lẻ chỉ là một trong những liều “thuốc thử” với các ngân hàng nội vốn đang nắm nhiều lợi thế. Liệu họ sẽ xoay sở ra sao trong thương trường khốc liệt này?

TP

Các tin tức khác

>   Tự do hóa tài chính phải đi đôi với kiểm soát rủi ro (11/06/2007)

>   Techcombank đạt 262,7 tỷ đồng của lợi nhuận trước thuế 5 tháng đầu năm (11/06/2007)

>   Ngân hàng Nam Á sẽ mở thêm một loạt chi nhánh và phòng giao dịch (11/06/2007)

>   Vinaconex chuẩn bị thành lập Công ty Tài chính Vinaconex (11/06/2007)

>   DN chính thức được định giá bán lẻ xăng (11/06/2007)

>   Sacombank giới thiệu dịch vụ mới (11/06/2007)

>   Giá USD tăng mạnh so với đồng euro (11/06/2007)

>   Hướng dẫn về việc lập ngân hàng 100% vốn nước ngoài (11/06/2007)

>   Hàng loạt doanh nghiệp bảo hiểm xin tăng vốn (11/06/2007)

>   Nhà đầu tư không cư trú được giữ tối đa 50% số dư giấy tờ có giá (09/06/2007)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật