Sẽ có Luật Quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước
Hiện tại, Bộ Tài chính - đơn vị chủ trì soạn thảo Dự án Luật Quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước đang gấp rút lấy ý kiến của các Bộ, ngành liên quan để hoàn tất Dự thảo trình các cấp có thẩm quyền trong thời gian tới.
Dự kiến Quốc hội thông qua vào năm 2008; và được thực hiện từ tháng 7/2009. Đây được xem là "khung" pháp lý hữu hiệu trong quản lý và sử dụng tài sản Nhà nước, nhằm hạn chế thấp nhất tình trạng lãng phí, thất thoát tài sản công - một yêu cầu cấp bách trong quản lý Nhà nước hiện nay.
Quản lý, sử dụng tài sản nà nước - Còn nhiều bất cập!
Trong những năm qua, mặc dù công tác quản lý tài sản Nhà nước (TSNN) đã đạt được những kết quả bước đầu trong việc ban hành hệ thống văn bản pháp luật, giúp cho việc quản lý, sử dụng từng bước đi vào nề nếp, kỷ cương kỷ luật, công khai minh bạch, góp phần giảm đáng kể tình trạng lạm dụng tài sản công vào việc riêng. Nhà nước đã thực hiện kiểm kê, nắm được tổng quan về số lượng, giá trị và cơ cấu phân bố sử dụng tài sản công trong khu vực hành chính sự nghiệp và trong các DNNN. Các Bộ, ngành, địa phương đã bước đầu kiểm soát được việc sử dụng tài sản công, hạn chế dần việc sử dụng tài sản không đúng mục đích, sử dụng lãng phí, thất thoát. Công tác quản lý TSNN từ chỗ thụ động trong việc lập và chấp hành ngân sách gắn với giá trị hiện vật, đến nay đã chủ động trên cơ sở vẫn đảm bảo tính độc lập, phù hợp với quy trình đầu tư, xây dựng mới, mua sắm sử dụng tài sản. Trách nhiệm quản lý cũng đã được phân cấp giữa Chính phủ, chính quyền địa phương các cấp, các Bộ, ngành, từ đó đã xác định được thẩm quyền, trách nhiệm của từng cấp, từng đơn vị trong quản lý và sử dụng tài sản công. Riêng đối với lĩnh vực tài sản là nhà, đất, Chính phủ đã chỉ đạo thí điểm sắp xếp lại trên địa bàn TP.Hồ Chí Minh, từ đó mở rộng thực hiện trong cả nước. Theo chính sách đó, toàn bộ trụ sở làm việc, cơ sở sự nghiệp đã và sẽ được bố trí lại theo nguyên tắc cơ quan, đơn vị được chủ động sắp xếp lại nhà, đất được giao theo đúng chức năng, nhiệm vụ. Số dôi dư được sử dụng bán, hoặc chuyển nhượng tạo ra nguồn tài chính để đầu tư xây dựng mới, đầu tư chiều sâu, tăng thêm năng lực sản xuất kinh doanh, góp phần chỉnh trang lại quy hoạch đô thị theo hướng hiện đại, giành quỹ đất có lợi thế thương mại cho hoạt động kinh doanh thương mại, dịch vụ, du lịch... Kết quả bước đầu cho thấy chính sách này đã mang lại hiệu quả quan trọng về kinh tế xã hội.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, công tác quản lý sử dụng TSNN còn nhiều tồn tại. Trong đó, pháp luật về quản lý đối với một số lĩnh vực tài sản còn chưa đủ, thiếu đồng bộ, chưa bao quát hết các quan hệ về tài sản trong điều kiện kinh tế thị trường; nhiều lĩnh vực chưa được luật hoá, dẫn đến thiếu môi trường pháp lý minh bạch để quản lý TSNN một cách có hiệu quả. ở một số nơi, lĩnh vực còn xẩy ra tình trạng sử dụng lãng phí, thất thoát TSNN, gây nên bức xúc trong xã hội. Một bộ phận đất đai, trụ sở làm việc của một số cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp ở các đô thị còn bị sử dụng sai mục đích như: bỏ trống, cho thuê để kinh doanh, dịch vụ; một số trường hợp cấp đất, nhà sai thẩm quyền, dẫn đến thất thoát TSNN. Tình trạng đầu tư xây dựng mới, mua sắm tài sản vượt định mức tiêu chuẩn, vượt mức giá cho phép vẫn còn tồn tại... trong khi đó, chế tài xử lý những sai phạm về quản lý, sử dụng tài sản công còn chưa kịp thời và mang tính hình thức, hành chính, thậm chí một số trường hợp sau khi vi phạm các quy định quản lý TSNN còn dùng chính quỹ công của đơn vị mình để đền bù thiệt hại do quản lý, sử dụng tài sản công sai quy định, dẫn đến tác dụng răn đe bị hạn chế. Hơn nữa, hiện tại việc tổ chức thực hiện nhiệm vụ quản lý tài sản công còn nhiều bất cập, thiếu tính chuyên nghiệp, bị động, quy trình quản lý chưa thật sự khoa học... Chính vì vậy, việc gấp rút soạn thảo và ban hành khung pháp lý chuẩn về quản lý, sử dụng TSNN đang là một yêu cầu tất yếu đặt ra.
Khi có Luật, việc quản lý TSNN sẽ rõ ràng, minh bạch hơn
Cục trưởng Cục Quản lý Công sản (Bộ Tài chính), ông Phạm Đình Cường - Thành viên Ban soạn thảo luật cho biết, Dự án Luật Quản lý, sử dụng TSNN có nhiều điểm mới trong hoạt động quản lý TSNN. Theo đó, nguyên tắc quan trọng nhất là, tất cả các TSNN, dù là tài sản hữu hình hay vô hình; dù đã xác định hay chưa xác định giá trị, thì Nhà nước cũng sẽ giao cho tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm quản lý sử dụng - Đó là nguyên tắc có chủ, khác biệt hẳn so với trước đây đã xẩy ra tình trạng tồn tại không ít tài sản vô chủ.
Thứ hai, quản lý TSNN sẽ thống nhất, nhưng có sự phân công, phân cấp trách nhiệm, quyền hạn quản lý cho từng cấp, ngành và từng đơn vị.
Thứ ba, TSNN sẽ được theo dõi, phản ánh đầy đủ cả về hiện vật và giá trị. Riêng về mặt giá trị của tài sản sẽ được xác định cơ bản theo nguyên tắc thị trường, thông qua hình thức đấu thầu, đấu giá, đảm bảo công khai, minh bạch.
Thứ tư, TSNN sẽ được công khai quản lý, sử dụng theo tiêu chuẩn, định mức, chế độ và tính hiệu quả.
Ngoài những chương, điều khoản quy định chung, Dự thảo Luật đã quy định cụ thể trách nhiệm quản lý, sử dụng TSNN của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ khác ở Trung ương, Hội đồng nhân dân, Uỷ ban nhân dân các cấp và Mặt trận tổ quốc Việt Nam.
Luật cũng quy định quyền và nghĩa vụ của đối tượng trực tiếp quản lý, sử dụng TSNN; các quy định về quản lý TSNN tại cơ quan, đơn vị tổ chức; quy định quản lý TSNN thuộc sở hữu Nhà nước; vấn đề quản lý tài chính đối với TSNN là đất đai, tài nguyên, kết cấu hạ tầng; thẩm quyền xác lập quyền sở hữu tài sản của Nhà nước; các quy định về thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo về quản lý, sử dụng TSNN; xử lý vi phạm về quản lý, sử dụng TSNN và các điều khoản thi hành khác...
Với nội dung bao quát khá rộng về các loại hình tài sản, quan hệ sở hữu tài sản Nhà nước, Ban soạn thảo kỳ vọng, sau khi được Chính phủ xem xét, trình Quốc hội thông qua, Luật Quản lý, sử dụng TSNN sẽ là một khuổn khổ pháp lý hữu hiệu, một cơ chế tài chính tốt để quản lý chặt chẽ nguồn TSNN, hạn chế đến mức thấp nhất tình trạng thất thoát, lãng phí TSNN trong thời gian tới.
TBTC
|