Thứ Tư, 04/12/2024 09:02

Ngân hàng nào đang có công ty chứng khoán trong tay?

Công ty chứng khoán (CTCK) có thể cung cấp nhiều nghiệp vụ như bảo lãnh phát hành, tư vấn đầu tư hay cho vay, repo… Không chỉ vậy, CTCK cũng có thể lo các nghiệp vụ như tư vấn tài chính doanh nghiệp, tư vấn niêm yết. Việc sở hữu CTCK mang lại lợi thế tiếp cận lớn tới thị trường vốn.

CTCK trong hệ sinh thái ngân hàng

Trước kia, khi thị trường vốn chưa sôi động, CTCK được biết đến chủ yếu với vai trò nhà môi giới. Giai đoạn gần đây, thị trường vốn phát triển, chứng khoán trở thành kênh huy động vốn hiệu quả. CTCK đang đảm nhiệm nhiều vai trò thay cho các định chế như ngân hàng đầu tư.

Tầm quan trọng của CTCK càng được nâng cao, dẫn tới nhiều ngân hàng đã chi mạnh để sở hữu CTCK. Theo thống kê của Ngân hàng Nhà nước, hiện cả nước có 31 ngân hàng thương mại cổ phần trong nước. Trong đó, có khoảng 20 ngân hàng có sở hữu hoặc chi phối trực tiếp hay gián tiếp một công ty chứng khoán. Vốn điều lệ tương đương 1/3 tổng vốn điều lệ của toàn khối CTCK.

Sở hữu CTCK trở thành một trong những nước đi chiến lược của một số ngân hàng. VPBank từng bán CTCK, sau đó phải mua lại ACSC để lập VPBankS, rồi rót thêm vốn lên mức 15,000 tỷ đồng vốn điều lệ.

Hay như ACBS vốn là một trong 6 CTCK đầu tiên trên thị trường chứng khoán được Ngân hàng ACB sở hữu 100% vốn và duy trì mức vốn 1,500 tỷ đồng trong 11 năm (từ 2009-2021). 2 năm trở lại đây, ACB cho thấy quyết tâm đầu tư cho CTCK khi liên tiếp tăng vốn cho ACBS với lộ trình lên 10 ngàn tỷ đồng.

Trong số này có CTCK do ngân hàng sở hữu trực tiếp và có tên thương hiệu gắn liền với ngân hàng như: VPBankS, ACBS, MBS, VCBS, TCBS, Agriseco, Shinhan Securities, VietinBank Securities, Dong A Securities, Chứng khoán Public Bank Việt Nam.

Nhóm khác là các CTCK có cổ đông là ngân hàng hoặc người có liên quan tới ngân hàng. Chẳng hạn như Chứng khoán LPBank có cổ đông lớn là LPBank. Chứng khoán Tiên Phong (TPS) có cổ đông lớn là TPBank, HDS có cổ đông lớn là HDBank, sở hữu gần 30%. SHS có cổ đông lớn là Tập đoàn T&T, cổ đông có liên quan tới SHB. Trong khi đó, Kafi có cổ đông lớn là Uniben - cổ đông nắm 2.62% vốn của VIB.

Gần đây, SeaBank cũng đã lên kế hoạch sở hữu 100% vốn của Chứng khoán Asean.

Một số CTCK dù không được ngân hàng sở hữu trực tiếp, nhưng cũng nằm trong hệ sinh thái liên quan.

Chứng khoán SMARTMIND (trước là KS) nằm trong hệ sinh thái của Tập đoàn Sunshine (HNX: KSF) và KienlongBank. KSF và bà Trần Thị Thu Hằng là cổ đông lớn tại SMARTMIND; đồng thời, bà Hằng cũng là cổ đông tại KienlongBank, nắm 4.77% vốn.

Chứng khoán Việt có nhiều mối liên hệ với hệ sinh thái TH True Milk và Bac A Bank (BAB). Trong quá khứ, bà Thái Hương - Phó Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Bắc Á từng là Phó Chủ tịch Chứng khoán Việt. Thời điểm cuối năm 2022, bà Hương cũng nắm 10.67% vốn tại đây.

Chủ tịch Chứng khoán Việt (VISECO) là bà Thái Thị Nga - em ruột bà Thái Hương, hiện đang là Phó Tổng giám đốc Bac A Bank. Còn Phó Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc VISECO là ông Đặng Thái Nguyên, hiện cũng là Thành viên HĐQT Bac A Bank.

Chứng khoán BISC (trước là Kenanga) mới đổi chủ gần đây. Chủ mới của Công ty có nhiều liên quan tới Vietbank.

Các CTCK nằm trong hệ sinh thái ngân hàng

CTCK giúp gì cho ngân hàng?

Một trong những lý do quan trọng khiến ngân hàng thương mại muốn thâu tóm công ty chứng khoán là nhằm tận dụng mạng lưới khách hàng khổng lồ để bán chéo dịch vụ chứng khoán. Thông qua hệ thống khách hàng sẵn có, công ty chứng khoán có thể tiếp cận để giới thiệu các sản phẩm đầu tư và cho vay đầu tư chứng khoán.

Bên cạnh đó, ngân hàng có nhiều hạn chế khi cho vay đầu tư chứng khoán. Theo Thông tư 19/2017/TT-NHNN, ngân hàng không được cho vay để đầu tư, kinh doanh cổ phiếu vượt quá 5% vốn điều lệ, vốn được cấp của mình. CTCK lại có hạn mức cho vay cao hơn - dư nợ cho vay ký quỹ không vượt quá 2 lần vốn chủ sở hữu và dư nợ cho vay giao dịch ký quỹ của một CTCK đối với một loại chứng khoán không được vượt quá 10% vốn chủ sở hữu. Nhờ vậy, sở hữu CTCK sẽ giúp ngân hàng mở rộng khả năng cho vay ở mảng này.

Các công ty chứng khoán cũng là mảnh ghép quan trọng trong chiến lược phát triển ngân hàng số của các ngân hàng thương mại, với mục tiêu tích hợp dịch vụ chứng khoán để đáp ứng đa dạng nhu cầu tài chính của tập khách hàng cá nhân khổng lồ.

Hệ sinh thái ngân hàng - CTCK tỏ ra cộng hưởng khi nhu cầu đầu tư ngày càng tăng lên.

Về phía CTCK, một số lợi thế cạnh tranh của CTCK trực thuộc ngân hàng gồm tính toàn diện trong hoạt động, trong dịch vụ tài chính, đa dạng hóa sản phẩm, đội ngũ nhân sự chuyên môn tốt, bảo mật và an toàn tài sản…

CTCK thuộc sở hữu của ngân hàng có thể cung cấp đa dạng các dịch vụ tài chính như tư vấn, cung cấp cho khách hàng nhiều loại hình đầu tư khác nhau ngoài chứng khoán, tùy theo nhu cầu, gồm: các sản phẩm tài chính của ngân hàng, các sản phẩm quỹ đầu tư, các sản phẩm tài chính phái sinh… Do đó, khách hàng có thể tận dụng các cơ hội đầu tư khác nhau để đa dạng hóa tài sản và tăng cơ hội sinh lời.

Xu hướng “shadow banking”

Xu hướng “shadow banking” (ngân hàng ngầm) có dấu hiệu ngày càng mạnh mẽ ở nhóm CTCK. Dư nợ cho vay ở khối CTCK có xu hướng tăng trong giai đoạn gần đây, đi ngược xu hướng thanh khoản thị trường. Thanh khoản bình quân quý 3 (ở HOSEHNX) giảm 24% so với quý 1, ở mức 17.7 ngàn tỷ đồng/phiên. Ngược lại, tổng dư nợ cho vay cuối quý 3 tăng 13.5% so với cuối quý 1, đạt 236.7 ngàn tỷ đồng.

Điều này cho thấy, động lực tăng trưởng cho vay của CTCK giai đoạn này nằm ở bên ngoài các khoản cấp margin cho cá nhân.

Nói về hoạt động cho vay, CTCK cũng có thể cho vay gián tiếp qua hoạt động đầu tư trái phiếu doanh nghiệp. Theo quy định, tổng giá trị đầu tư trái phiếu doanh nghiệp không được vượt quá 70% vốn chủ sở hữu của CTCK.

Bằng cách sở hữu trái phiếu doanh nghiệp thông qua nghiệp vụ đầu tư, các CTCK không chỉ giới hạn ở cho vay ký quỹ đối với các nhà đầu tư mà còn có thể mở rộng cho vay đến các doanh nghiệp. Việc nắm giữ các khoản nợ của doanh nghiệp ở trường hợp này là hoạt động đầu tư của CTCK mang dáng dấp cấp tín dụng.

Rủi ro hiện hữu ở CTCK là các khoản cho vay dù có thể kiểm soát rủi ro thông qua bán tài sản thế chấp là chứng khoán, nhưng tiềm ẩn làn sóng bán tháo khi bong bóng nợ phình to và vỡ tung.

Chí Kiên

FILI

Các tin tức khác

>   ILC: Nghị quyết Hội đồng quản trị thông qua việc ký kết hợp đồng cho thuê tài sản với CTCP Cung ứng nhân lực Inlaco (03/12/2024)

>   SSH: Nghị quyết Hội đồng quản trị thông qua việc triển khai phương án nhận chuyển nhượng cổ phần tại CTCP Đầu tư Xây dựng Long Biên (03/12/2024)

>   TNW: Nghị quyết Đại hội đồng cổ đông bất thường lần 1 năm 2024 (03/12/2024)

>   CMM: Nghị quyết Hội đồng quản trị (03/12/2024)

>   FUCTVGF4: Thông báo thay đổi giá trị tài sản ròng tuần từ 22/11/2024 đến 28/11/2024 (03/12/2024)

>   SBT: Nghị quyết HĐQT về việc triển khai thực hiện phương án phát hành cổ phiếu để trả cổ tức (03/12/2024)

>   MCC: Ngày đăng ký cuối cùng trả cổ tức bằng tiền mặt (03/12/2024)

>   CX8: Ngày đăng ký cuối cùng trả cổ tức bằng tiền mặt (03/12/2024)

>   Thủy điện Sê San 4A sắp tạm ứng cổ tức hơn 50 tỷ  (03/12/2024)

>   Taseco Land ra mắt dòng sản phẩm nhà phố quảng trường độc đáo tại Phổ Yên (03/12/2024)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật