Thứ Năm, 08/08/2024 10:57

Biến động “ghế nóng” tại nhiều ông lớn bất động sản

Không còn phù hợp, khác biệt về quan điểm quản trị hay không đáp ứng được tiêu chí Công ty, thậm chí dính líu tới pháp luật… là những nguyên do khiến nhiều CEO doanh nghiệp bất động sản xin từ nhiệm. Trong khi đó, nhiều Chủ tịch HĐQT lại xin lui về phía sau với vai trò mới sau nhiều năm gắn bó.

Bông hoa nở rồi cũng sẽ tàn, doanh nghiệp có lúc thịnh có lúc suy, không có gì là trường tồn mãi mãi được. Với ban lãnh đạo doanh nghiệp cũng vậy, việc thay thế chỉ là thời gian, chuyện sớm hay muộn. Nhưng khác biệt là họ “rời bỏ” với vị thế nào.

Nhiều lãnh đạo lui lại phía sau, đảm nhận vị trí mới

Gần đây nhất, vào ngày 26/7, HĐQT Tổng CTCP Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam (Vinaconex, HOSE: VCG) miễn nhiệm chức vụ Chủ tịch HĐQT của ông Đào Ngọc Thanh theo nguyện vọng cá nhân vì tuổi cao, sau hơn 5.5 năm nắm quyền (từ đầu năm 2019).

Rút khỏi HĐQT ở tuổi 78, ông Thanh sẽ chuyển sang vị trí mới khi cùng ngày, Vinaconex ban hành nghị quyết thông qua việc thành lập Hội đồng chiến lược, do ông Thanh làm Chủ tịch Hội đồng.

Người kế nhiệm vị trí Chủ tịch HĐQT VCG là ông Nguyễn Hữu Tới (sinh năm 1959). Ông Tới hiện là Thành viên HĐQT kiêm Phó Tổng giám đốc VCG.

Sau hơn 30 năm gắn bó, ông Nguyễn Trọng Thông - người sáng lập, lãnh đạo Tập đoàn Hà Đô (HOSE: HDG) từ thập niên 1990 đến mới đây, có đơn xin từ nhiệm chức Chủ tịch HĐQT vào ngày 24/7 vì lý do tuổi tác, sức khỏe.

Ở tuổi 71, ông Thông vẫn sẽ tiếp tục hỗ trợ và tư vấn cho HĐQT sau khi chuyển giao với vai trò là “Chủ tịch sáng lập” để giúp đỡ Công ty.

“Tôi đã chuẩn bị chu đáo cho việc từ nhiệm, bàn giao chức vụ và rút khỏi HĐQT và tiếp tục cống hiến cho Công ty dù ở trong bất kỳ hoàn cảnh nào”, vị lãnh đạo nhấn mạnh.

Ông Nguyễn Trọng Thông tại lễ kỷ niệm 33 năm Hà Đô ra đời. Ảnh: HDG

Một ông lớn địa ốc khác là Tập đoàn Đất Xanh (HOSE: DXG) cũng thay đổi “ghế nóng”. Theo đó, ông Lương Trí Thìn rời khỏi ghế Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Đất Xanh để đảm nhiệm chức vụ Chủ tịch Hội đồng chiến lược kể từ ngày 3/7/2024.

Thay thế ông Thìn là ông Lương Ngọc Huy - Thành viên HĐQT vừa được bầu tại ĐHĐCĐ thường niên 2024. Ông Huy từng đảm nhiệm các chức vụ liên quan đến hoạt động kinh doanh cốt lõi của DXG, bao gồm xúc tiến đầu tư và pháp lý đầu tư - xây dựng.

Ông Lương Trí Thìn rời khỏi ghế Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Đất Xanh từ đầu tháng 7

Cũng trong hệ sinh thái Đất Xanh, ông Phạm Anh Khôi có đơn xin từ nhiệm chức Thành viên HĐQT kiêm Thành viên Ủy ban Kiểm toán CTCP Dịch vụ Bất động sản Đất Xanh (HOSE: DXS) và Viện trưởng Viện nghiên cứu Kinh tế - Tài chính - Bất động sản Dat Xanh Services (DXS-FERI) kể từ ngày 19/7 với lý do cá nhân.

Ngoài ra, vào nửa cuối tháng 4, lãnh đạo của 2 doanh nghiệp bất động sản khác cũng rời ghế Chủ tịch HĐQT.

Cụ thể, ngày 23/4, CTCP Địa ốc Sài Gòn Thương Tín (TTC Land, HOSE: SCR) miễn nhiệm chức Chủ tịch HĐQT đối với bà Huỳnh Bích Ngọc, do trước đó bà có đơn xin từ nhiệm vì lý do cá nhân. 2 thành viên HĐQT khác là ông Hoàng Mạnh Tiến và bà Trần Diệp Phượng Nhi cũng được TTC Land miễn nhiệm.

Thay thế bà Ngọc là ông Nguyễn Thành Chương, còn ông Lê Quang Vũ và phạm Trung Kiên được bổ nhiệm vào Thành viên HĐQT. Chưa hết, ông Võ Thanh Lâm sẽ đảm nhận chức vụ Tổng Giám đốc SCR thay cho ông Võ Quốc Khánh. Tất cả có hiệu lực từ ngày 23/4.

Bà Ngọc được bổ nhiệm làm Chủ tịch HĐQT TTC Land từ ngày 25/4/2022. Bà cũng mới được thông qua chức Chủ tịch HĐQT CTCP Thành Thành Công - Biên Hòa (HOSE: SBT) và hiện còn giữ chức Phó Chủ tịch Thường trực kiêm Tổng Giám đốc Tập đoàn TTC.

Huỳnh Bích Ngọc – cựu Chủ tịch HĐQT TTC Land

Ông Nguyễn Tấn Thụ nộp đơn từ nhiệm chức Chủ tịch HĐQT cũng như Thành viên HĐQT CTCP Victory Capital (HOSE: PTL) kể từ ngày 22/4/2024 vì lý do cá nhân. Ông Thụ được bổ nhiệm làm Chủ tịch Victory Capital từ giữa năm 2021. Đến cuối năm 2023, ngoài PTL, ông Thụ đã và đang đảm nhận nhiều vị trí quan trọng tại các công ty khác như Tổng Giám đốc CTCP Dịch vụ và Đầu tư Bất động sản Ngôi sao Phương Nam, Chủ tịch HĐQT Linkgroup, Chủ tịch HĐQT Victoria Capital (quỹ đầu tư Úc) từ tháng 7/2019; Chủ tịch HĐQT Petroland từ tháng 5/2021; Ban Tài chính, Tập đoàn Vingroup giai đoạn 2014-2019…

CEO, Phó Tổng rời “ghế nóng” vì không còn phù hợp

Ngày 27/6, CTCP Sông Đà 11 (HNX: SJE) công bố đơn xin từ nhiệm chức Phó Tổng giám đốc của ông Phạm Quang Tuyền. Trong đơn, ông Tuyền nêu rõ do trình độ, năng lực, khả năng không phù hợp với công việc đang được giao và định hướng phát triển của Công ty.

Đến đầu tháng 7, HĐQT Sông Đà 11 có quyết định miễn nhiệm vị trí của ông Tuyền theo nguyện vọng cá nhân, đồng thời bổ nhiệm ông Nguyễn Ngọc Khuê thay thế, thời hạn 5 năm (2024-2029).

Vào đầu tháng 6, HĐQT CTCP Đầu tư và Phát triển Bất động sản An Gia (HOSE: AGG) thông qua việc miễn nhiệm chức Tổng Giám đốc đối với ông Nguyễn Thanh Sơn kể từ ngày 3/6. Đáng nói, ông Sơn chỉ vừa được HĐQT AGG bổ nhiệm vị trí Tổng Giám đốc nhiệm kỳ 2024-2025 hồi giữa tháng 1 (tức gần 5 tháng) thay cho bà Huỳnh Thị Kim Ánh. Giống ông Sơn, bà Ánh cũng chỉ đảm nhiệm chức vụ này trong vài tháng (từ tháng 5-12/2023).

Đầu tháng 5, CTCP Đầu tư Hải Phát (HOSE: HPX) miễn nhiệm chức Tổng Giám đốc đối với ông Đoàn Hòa Thuận, do ông Thuận có đơn xin từ nhiệm. Theo đơn, ông Thuận cho biết, do có sự khác biệt về quan điểm quản trị và điều hành nên không thể tiếp tục tham gia vào các hoạt động của Công ty. Qua đó, HPX bổ nhiệm ông Nguyễn Văn Phương - Phó Chủ tịch HĐQT kiêm nhiệm thêm vị trí của ông Thuận.

Tương tự, ngày 10/4, ông Đàm Mạnh Cường có thông báo gửi HĐQT CTCP Phát triển Nhà Thủ Đức (Thuduc House, HOSE: TDH), xin từ nhiệm vị trí Tổng Giám đốc. Trong thông báo từ nhiệm, ông Cường nêu rõ, HĐQT Thuduc House đã bổ nhiệm ông vào vị trí Tổng Giám đốc từ 30/11/2021, là khoảng thời gian rất khó khăn của TDH. Đến tháng 8/2023, TDH đã có sự thay đổi về cổ đông lớn và các thành viên HĐQT mới. Qua một khoảng thời gian hợp tác cùng, ông Cường nhận thấy bản thân không đáp ứng được những tiêu chí mà HĐQT mới yêu cầu cho những định hướng, hoạt động mới của Công ty, nên ông xin từ nhiệm chức Tổng Giám đốc nhiệm kỳ 2020-2025 để Công ty tìm kiếm nhân sự khác phù hợp hơn.

CTCP SJ Group (Sudico, HOSE: SJS) cũng mới bổ nhiệm ông Nguyễn Việt Cường giữ chức quyền Tổng Giám đốc kiêm người đại diện pháp luật, thay thế cho ông Đỗ Trọng Quỳnh, hiệu lực từ ngày 15/7.

1 tháng trước (ngày 14/6), ông Cường được Sudico bổ nhiệm vào vị trí Phó Tổng giám đốc SJS. Trước khi vào vị trí này, ông Cường được bầu làm Chủ tịch HĐQT CTCP SJ Dịch vụ (SJS sở hữu 51%) vào ngày 10/5 và Thành viên HĐQT CTCP Sudico Hòa Bình (SJS sở hữu 96.4%).

Rời bỏ ghế nóng vì không còn đường nào khác

Ngày 23/7, CTCP Quốc Cường Gia Lai (HOSE: QCG) thông báo việc ông Nguyễn Quốc Cường (Cường đô la) sẽ đảm nhiệm vai trò người đại diện pháp luật kiêm Tổng Giám đốc Công ty, thay cho mẹ ruột là bà Nguyễn Thị Như Loan vừa mới bị khởi tố.

Đến ngày 30/7, tại ĐHĐCĐ thường niên 2024 lần 2, ông Cường cũng được bầu bổ sung cho vị trí Thành viên HĐQT bị khuyết nhiệm kỳ 2022-2027; đồng thời miễn nhiệm đối với bà Nguyễn Thị Như Loan.

Hà Thị Thu Thủy và ông Nguyễn Quốc Cường (hai người cầm hoa) ngồi vào ghế Thành viên HĐQT QCG nhiệm kỳ 2022 – 2027. Ảnh: Tử Kính

Động thái thay đổi nhân sự cấp cao của QCG diễn ra sau vài ngày Cơ quan Cảnh sát Điều tra, Bộ Công an thực hiện lệnh khởi tố bị can, bắt tạm giam bà Loan. Đây là diễn biến mới trong quá trình mở rộng điều tra vụ án xảy ra tại Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam và các đơn vị liên quan đến việc quản lý, sử dụng khu đất số 39-39B Bến Vân Đồn, quận 4, TPHCM.

* Quốc Cường Gia Lai nói gì về việc bà Nguyễn Thị Như Loan bị khởi tố?

Vào cuối tháng 5/2024, ông Nguyễn Khánh Toàn có đơn xin từ nhiệm chức Chủ tịch HĐQT CTCP Đầu tư tài sản Koji (HOSE: KPF) nhiệm kỳ 2023-2028, vì lý do bận công việc cá nhân nên không thể tiếp tục tham gia các hoạt động của HĐQT.

Đến ngày 26/6, ĐHĐCĐ thường niên 2024 của KPF thông qua đơn từ nhiệm của ông Toàn. Thay vào đó, ông Lê Như Phong được bầu vào vị trí trên. Việc đổi lãnh đạo là chuyện “như cơm bữa” của KPF. Chỉ tính từ đầu năm 2023, KPF đã có đến 3 đời Chủ tịch HĐQT và 3 đời Tổng Giám đốc. Bên cạnh đó, còn nhiều biến động tại các vị trí lãnh đạo khác và cơ cấu cổ đông.

* KPF liên tục thay lãnh đạo

Theo thông tin từ báo Công an Nhân dân, ngày 2/5, Cơ quan Cảnh sát Điều tra, Công an quận Long Biên đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can và bắt tạm giam ông Nguyễn Khánh Toàn về hành vi "Thao túng thị trường chứng khoán". Thông qua hành vi phạm tội, tính đến thời điểm này, ông Toàn cùng đồng bọn đã thu lợi bất chính gần 10 tỷ đồng.

* Phá đường dây thao túng thị trường chứng khoán, thu lợi bất chính gần 10 tỷ đồng

* Lợi nhuận cả một thập kỷ không bằng một quý thua lỗ, điều gì đang xảy ra tại KPF?

Thanh Tú

FILI

Các tin tức khác

>   VLG: Thay đổi nhân sự (02/08/2024)

>   Sau hơn 6 năm, Xi Măng Hà Tiên có Tổng Giám đốc mới (02/08/2024)

>   THB: Thay đổi nhân sự (02/08/2024)

>   SMB: Thông báo đơn xin từ nhiệm của Thành viên HĐQT (02/08/2024)

>   ACC: Thông báo thay đổi nhân sự công ty (02/08/2024)

>   KHP: Thông báo thay đổi nhân sự công ty (02/08/2024)

>   HT1: Nhắc nhở chậm CBTT thông báo thay đổi nhân sự (02/08/2024)

>   Vụ trưởng Ủy ban Chứng khoán được bổ nhiệm làm Tổng Giám đốc VSDC  (02/08/2024)

>   QCC: Thay đổi nhân sự (02/08/2024)

>   TL4: Thay đổi nhân sự (01/08/2024)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật