Chủ Nhật, 31/03/2024 20:56

Chuyên gia VDSC quan tâm nhóm ngành nào trong quý 2/2024?

Chiều 29/03, Hội quán Chứng khoán sinh hoạt định kỳ tháng 3/2024 với chủ đề “Cơ hội đầu tư quý 2 qua góc nhìn FA và Fn”.

Tại đây, ông Nguyễn Đại Hiệp – Phó phòng Tư vấn đầu tư khách hàng cá nhân CTCK Rồng Việt (VDSC) đã chỉ ra danh sách các nhóm ngành quan tâm và câu chuyện riêng của từng nhóm ngành. Bên cạnh đó, ông Bùi Thuỵ - môi giới chứng khoán có hơn 17 năm gắn bó với thị trường chứng khoán cũng có những chia sẻ về góc nhìn đầu tư.

Ông Nguyễn Đại Hiệp – Phó phòng Tư vấn đầu tư khách hàng cá nhân CTCK Rồng Việt (VDSC)

Ngành ngân hàng là nhóm đầu tiên được ông Nguyễn Đại Hiệp phân tích. Triển vọng thứ nhất là lãi suất vay thấp sẽ kích thích nhu cầu vay. Thứ hai, việc Thông tư 02 có thể được giãn thêm cũng là tin vui đối với ngành này. Thứ ba, nhờ vào các chính sách hỗ trợ thị trường bất động sản; trong đó, Luật Đất đai cũng có văn bản trình để có hiệu lực sớm từ ngày 01/07/2024; bên cạnh đó là thí điểm cho phép các dự án bất động sản nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất khác để thực hiện dự án, được đánh giá sẽ mở khóa cho khả năng tiếp cận quỹ đất, khả năng tiếp cận dự án và rất nhiều dự án đang vướng thời gian qua.

Ông nói thêm, việc nền lãi suất thấp sẽ tạo cho các ngân hàng quốc doanh lợi thế về mặt chi phí lớn hơn, lãi suất cung cấp cho khách hàng cá nhân tốt hơn. Ở nhóm ngân hàng tư nhân vẫn là câu chuyện kiểm soát chi phí tốt, tiếp tục duy trì sự tăng trưởng an toàn hoặc hưởng lợi từ sự phục hồi của thị trường bất động sản.

Tuy nhiên, vẫn có những rủi ro liên quan đến việc hấp thụ vốn còn hạn chế khi kinh tế thế giới còn khó khăn và kinh tế Việt Nam không thể phục hồi quá nhanh; áp lực về mặt đáo hạn trái phiếu là rủi ro khác, đặc biệt liên quan các trái phiếu bất động sản, năm nay đáo hạn hơn 95 ngàn tỷ, chủ yếu rơi vào tháng 6 và tháng 9.

Đối với ngành bất động sản dân dụng, đã chứng kiến sự hồi phục tại TP HCM và TP Hà Nội về lượng giao dịch, số lượng dự án được cấp phép cũng như số lượng dự án đang triển khai,... trong 6 tháng cuối 2023, dựa trên số liệu của Bộ Xây dựng.

Trừ Vinhomes thì có thể thấy lợi nhuận sau thuế nhóm doanh nghiệp bất động sản đang trên đà phục hồi, có sự cải thiện về dòng tiền, vấn đề pháp lý dần được khắc phục theo hướng chính sách mới khi đi vào thực tế sẽ gỡ được một số khó khăn nhất định (tùy mỗi trường hợp) của doanh nghiệp bất động sản.

Nhóm này cũng nhạy cảm với lãi suất, khi lãi suất thấp sẽ kích thích nhu cầu người đi vay.

Song, áp lực thanh khoản đối với các doanh nghiệp vẫn rất cao, nhất là các doanh nghiệp không niêm yết về áp lực trái phiếu, huy động các nguồn khác không từ vay ngân hàng. Thách thức về mặt pháp lý về mặt thực hiện dự án vẫn hiện hữu. Đầu năm đến nay không thấy tung ra nhiều dự án, chủ yếu ở Hà Nội nhiều hơn, có thể nhà đầu tư muốn giữ lại thêm một thời gian nữa.

Về ngành bất động sản khu công nghiệp, xu hướng thu hút FDI được ông Hiệp đánh giá vẫn còn rất tốt. Chủ yếu tập trung ở Đồng bằng Sông Hồng từ sau dịch, khi khu vực này hấp thụ lượng vốn FDI dịch chuyển ra khỏi Trung Quốc. Ở miền Nam đang gặp khó khăn về phê duyệt dự án mới, tỷ lệ lấp đầy ở những tỉnh trọng điểm như Bình Dương, Đồng Nai… rất cao.

Bên cạnh đó, vừa qua Thủ tướng đã phê duyệt Quyết định 227, nâng chỉ tiêu sử dụng đất ở một số địa phương. Chẳng hạn, Bình Phước được tăng 650ha so với chỉ tiêu cũ. Một số tỉnh tăng ở khu vực phía Bắc như: Bắc Ninh, Quảng Ninh, Hải Dương, Hưng Yên.

Về mặt thách thức, ngoài quỹ đất, thì phê duyệt lựa chọn chủ đầu tư cho dự án sau Nghị định 35 ngày càng khó, dẫn đến rào cảng gia nhập ngành cao. Những doanh nghiệp sở hữu quỹ đất sạch, sẵn sàn cho thuê sẽ có lợi thế.

Đối với nhóm bán lẻ, ông Hiệp cho biết thông qua trò chuyện với các doanh nghiệp đầu ngành bán lẻ như MWG, FRT, PNJ, MSN thì các doanh nghiệp này thận trọng khi đánh giá về sức cầu năm 2024.

Một số tín hiệu có thể kỳ vọng, nhà bán lẻ lớn nhất là MWG trong mảng ICT và thực phẩm có tín hiệu ngưng cuộc chiến về giá. Năm qua, dù có lấy được thị phần, nhưng lợi nhuận đã bị ảnh hưởng nặng. Đến năm nay, các doanh nghiệp đánh giá sức cầu phục hồi và họ tập trung tiêu chuẩn hóa và tối ưu mô hình của Bách Hóa Xanh. Còn bán lẻ dược phẩm, là câu chuyện của Long Châu và FRT.

Rủi ro là cạnh tranh về giá có thể kéo dài, thu nhập người dân tăng trưởng chậm.

Ở nhóm xuất khẩu, các dữ liệu từ đầu năm đến nay với 39/45 mặt hàng tăng trưởng so với nền thấp của cùng kỳ năm trước như gỗ, dép, điện thoại, linh kiện điện tử và dệt may. Đối với nhóm cá tra, trong tháng 2 vừa qua, thị trường Trung Quốc có dấu hiệu giảm mạnh, trong khi lợi nhuận kỳ vọng lại lớn.

Một tin tốt là việc xuất khẩu gỗ nội thất sang Mỹ là tăng trưởng tốt trong những tháng đầu năm, số lượng cấp phép xây dựng nhà ở của Mỹ cũng tăng.

Ngành cảng biển cũng chứng kiến sự tăng trưởng về mặt xuất nhập khẩu sang các thị trường chủ lực. Giá trị xuất khẩu thông qua container đường biển qua các thị trường này có sự phục hồi. Lũy kế thông lượng container qua khu vực Hải Phòng tăng 30% so với cùng kỳ; khu vực Vũng Tàu với nền thấp của năm ngoái (chủ yếu sang Mỹ và EU), năm nay có sự phục hồi tốt.

Nhóm vật liệu xây dựng cũng kỳ vọng sự phục hồi của bất động sản và đầu tư công. Kỳ vọng chi tiêu tài sản cố định của các doanh nghiệp tư nhân tăng trở lại khi kinh tế phục hồi.

Ngành thép kỳ vọng nhu cầu trong năm nay cũng phục hồi theo sự ấm lại của ngành bất động sản cũng như cơ sở hạ tầng. Giá nguyên vật liệu đầu vào kỳ vọng sẽ biến động trong biên độ hẹp. Nguồn cung than từ Úc thấp, từ Nga không ổn định. Tồn kho quặng sắt Trung Quốc ở mức cao.

Vị chuyên gia nhận định thép xây dựng sẽ bị ảnh hưởng nặng hơn bởi thị trường Trung Quốc. Năm 2023 là năm xuất khẩu rất cao của Trung Quốc. Trong khi, Mỹ và EU là thị trường trọng điểm của các doanh nghiệp xuất khẩu HRC – có ứng dụng rộng rãi hơn.

Ông Bùi Thụy cũng có những chia sẻ về nguyên tắc đầu tư. Đầu tiên phải nhìn vào yếu tố vĩ mô, một chính sách vĩ mô không bao giờ thay đổi trong ngắn hạn, phải có quá trình từ 3 đến 6 tháng hoặc 1 năm. Sau đó, nhìn vào các danh mục ngành được hưởng lợi trong năm, rồi chọn ra danh nghiệp tốt nhất mà nhà đầu tư tìm kiếm. Bước kế tiếp là dấn thân vào doanh nghiệp xung quanh các vấn đề về ngành nghề, tài sản như thế nào, tình hình kinh doanh, xem chi tiết sản phẩm.

Ông Bùi Thuỵ - môi giới chứng khoán có hơn 17 năm gắn bó với thị trường chứng khoán

Đối với doanh nghiệp đã chọn lọc, thứ nhất, phải có được nền tảng thật vững chắc, các doanh nghiệp đã chứng minh được trong một quá trình dài 5, 10 – 15 năm. Thứ hai, doanh nghiệp phải có lợi thế cạnh tranh. Thứ 3, quan trọng nhất vẫn là định giá, nếu tốt và giá cao thì đã phản ánh.

Nhận định về thị trường trong thời gian tới, ông cho rằng, sẽ không có gì tăng mãi, sẽ đến lúc xuống. Bên cạnh đó, vẫn còn câu chuyện ĐHĐCĐ, kế hoạch kinh doanh,… Nếu như mùa ĐHĐCĐ kết thúc, rơi vào vùng trũng thông tin nhưng vĩ mô có vấn đề, thì cảm xúc bị lung lay lớn. Nếu không kiểm soát tốt cảm xúc có thể ảnh hưởng đến kết quả đầu tư.

Theo ông Thụy, nếu chưa thay đổi chính sách, đầu tư trực tiếp và gián tiếp vẫn tốt, tỷ giá không bị áp lực nhiều, lãi suất thấp, bất động sản chưa có vấn đề, thì chứng khoán vẫn hấp dẫn.

Hội quán Chứng khoán ra đời ngày 28/09/2023. Ý tưởng thành lập hội quán đến từ việc xây dựng không gian cho nhà đầu tư chứng khoán gặp gỡ chia sẻ. Định kỳ vào Thứ 6 cuối cùng hàng tháng, Hội quán Chứng khoán sẽ tổ chức các chuyên đề thiết thực liên quan đến các sự kiện quan trọng, nổi bật của thị trường chứng khoán.

Hội quán là nơi để tất cả thành viên tham gia thị trường gặp gỡ, giao lưu, chia sẻ kinh nghiệm đầu tư. Đây cũng là nơi để các nhà đầu tư tìm đến nhau để trải lòng sau những phút giây đầu tư chứng khoán đầy căng thẳng. Hội quán được đặt tại địa chỉ Nhà hàng Hoa Phố, 19 Tú Xương, Quận 3, TPHCM.

Duy Khánh

FILI


Các tin tức khác

>   Góc nhìn tuần 01-05/04: Mốc 1,260 sẽ là hỗ trợ ngắn hạn? (31/03/2024)

>   VN-Index 2024: Sóng bắt đầu từ đâu? (02/04/2024)

>   Giám đốc Phân tích TPS: Áp lực tỷ giá không quá đáng ngại (30/03/2024)

>   Giải tỏa “cơn khát” cho nhà đầu tư ngoại khi thị trường được nâng hạng (31/03/2024)

>   MBS rút ra được điều gì từ vụ công ty chứng khoán bị hacker tấn công? (29/03/2024)

>   Góc nhìn 29/03: Hạn chế mua mới? (28/03/2024)

>   Nhận diện cơ hội và rủi ro của thị trường chứng khoán Việt Nam 2024 (28/03/2024)

>   Chứng khoán Vietcap: Ngành điện kỳ vọng hồi phục khi kế hoạch triển khai QHĐ8 được ban hành (28/03/2024)

>   Góc nhìn 28/03: Dừng mua, cân nhắc chốt lời cổ phiếu? (27/03/2024)

>   SSI Research: Đường Quảng Ngãi có thể tăng cổ tức tiền mặt lên 45-50% trong 2025 (27/03/2024)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật