Nhận diện cơ hội và rủi ro của thị trường chứng khoán Việt Nam 2024
Chuyên gia cho rằng thị trường chứng khoán Việt Nam thời gian tới sẽ có nhiều kỳ vọng nhưng cũng không thiếu rủi ro.
Thông tin trên được ông Trần Hoàng Sơn - Tổng Giám đốc Chiến lược thị trường VPBankS cho hay tại hội thảo VPBankS Talk#3 chủ đề “Chọn danh mục, đón sóng lớn” diễn ra ngày 27/03/2024 do Chứng khoán VPBank tổ chức.
Các chuyên gia tại hội thảo VPBankS Talk#3 - Ảnh: Tử Kính
|
Kỳ vọng điều gì?
Chia sẻ tại hội thảo, ông Sơn cho biết triển vọng thị trường chứng khoán Việt Nam năm nay sẽ dựa vào chu kỳ nới lỏng tiền tệ hỗ trợ thị trường tăng trưởng; dòng vốn dịch chuyển tích cực vào kênh đầu tư chứng khoán; lợi nhuận tạo đáy trong năm 2023 và phục hồi trong năm 2024; định giá vẫn hợp lý tạo dư địa cho tăng trưởng dài hạn; hiệu ứng tích cực từ câu chuyện nâng hạng; dự báo kịch bản thị trường theo thanh khoản và phân tích kỹ thuật.
Ở góc độ chi tiết, theo ông Sơn, lạm phát trên toàn cầu đang có xu hướng giảm rõ ràng trong hai năm trở lại đây và căng thẳng leo thang tại Biển Đỏ có thể là một trong những nguyên nhân khiến lạm phát kéo dài hơn.
“Đặc biệt là lạm phát lõi giảm với tốc độ khá chậm, đồng nghĩa tốc độ hạ lãi suất của các ngân hàng trung ương chậm hơn kỳ vọng của giới đầu tư”, ông Sơn nói. Tuy nhiên, vị chuyên gia cho rằng với tốc độ giảm như vậy sẽ không đáng lo ngại trong năm 2024.
VPBankS kỳ vọng khả quan đối với các hoạt động xuất nhập khẩu của những quốc gia như Việt Nam khi tổng cầu trên toàn cầu đã có sự phục hồi. Hoạt động sản xuất tại Mỹ và châu Âu có tín hiệu tạo đáy rất rõ ràng trong năm 2023 qua chỉ số đo lường PMI và đang dần trở lại vào cuối năm 2023, nửa đầu năm 2024.
Nền kinh tế thế giới đã bước qua nguy cơ suy thoái và đang hướng về kịch bản hạ cánh mềm. Mảng bán lẻ có thể sẽ duy trì tăng trưởng nhẹ trong năm nay và đi ngang so với những diễn biến trong năm 2023. Ông Sơn nhận định đây là yếu tố có thể làm cho kinh tế của nhiều khu vực trên toàn cầu phục hồi nhưng sẽ tương đối chậm.
Trong năm 2024, nhiều khả năng xu hướng lãi suất huy động sẽ tiếp tục giảm và đây là một trong những yếu tố giúp dòng tiền luân chuyển, tạo ra một con sóng tích cực cho thị trường chứng khoán. Bởi khi dòng tiền không có hướng đi rõ ràng, nếu lãi suất tiếp tục hạ, sẽ có thể chuyển sang kênh đầu tư hấp dẫn hơn và chứng khoán là một kênh như vậy.
Tại Việt Nam, sự tích cực trong các hoạt động sản xuất thấy rõ trong hai tháng đầu năm thể hiện qua PMI của Việt Nam trên ngưỡng 50 điểm, nhất là ở hoạt động sản xuất phục vụ xuất khẩu đang phục hồi tốt, đặc biệt đơn hàng đang tăng tốt trở lại.
Lĩnh vực xuất nhập khẩu đã tạo đáy năm 2023 và cũng đang dần tích cực trong nửa đầu 2024. Có thể thấy chỉ trong 2 tháng đầu năm, tăng trưởng xuất khẩu đạt hơn 18.6%. Đây là giai đoạn hoạt động xuất khẩu tăng tốc khá nhanh trở lại so với đầu năm 2023. Ngoài ra, tăng trưởng bán lẻ cũng đã có tín hiệu tạo đáy trong năm ngoái và xu hướng phục hồi trong năm 2024 mặc dù với tốc độ khá chậm.
“Chúng tôi kỳ vọng rằng với động lực này khả năng hoạt động bán lẻ sẽ tiếp tục phục hồi, đặc biệt là lượng khách du lịch đến Việt Nam đang tăng nhanh trong những tháng đầu năm nay”, vị chuyên gia nói.
Thặng dư thương mại trong năm 2023 lên mức cao kỷ lục cùng dòng vốn FDI có xu hướng dịch chuyển dần ra khỏi Trung Quốc và hướng vào Việt Nam. Đặc biệt các “bạn hàng” FDI như Singapore, Hàn Quốc tiếp tục đẩy mạnh đầu tư cuối năm 2023 và đầu năm 2024 và kỳ vọng sẽ có thể tác động tích cực đến kinh tế Việt Nam trong thời gian tới.
Một yếu tố quan trọng khác là hoạt động đầu tư công. Trong năm nay, lượng vốn “mồi” 650 ngàn tỷ đồng sẽ tiếp tục được bơm ra nền kinh tế, kích thích dòng vốn của các nhà đầu tư tư nhân trở lại, tạo đà tăng trưởng trong 2 quý đầu năm 2024.
VPBankS dự báo năm 2024 chỉ số tăng trưởng GDP Việt Nam có thể đạt ở khoảng 5.8 – 6.3%. Khả năng mục tiêu này có thể đạt được trong năm nay khi mà các ngân hàng trung ương lớn sẽ hạ lãi suất, qua đó làm tổng cầu quốc tế phục hồi, và tổng cầu trong nước đã có tín hiệu khởi sắc.
Đồng quan điểm, theo ông Đào Hồng Dương – Giám đốc Phân tích ngành và cổ phiếu VPBankS, các chính sách tài khóa như gia hạn giảm thuế VAT, giảm 50% phí trước bạ trong ngành ô tô rất có thể được tiếp tục, gia hạn trong năm 2024. Bên cạnh đó sự hỗ trợ về mặt tài chính, đặc biệt về tín dụng và tài chính tiêu dùng cũng là một trong những yếu tố sẽ thúc đẩy tăng trưởng tiêu dùng trong nước.
Mảng đầu tư công cũng đang được kỳ vọng sẽ thúc đẩy tăng trưởng rất tốt. Các dự án vành đai 3 của TPHCM, vành đai 4 của Hà Nội đã đặt nền móng từ năm 2023, đến năm 2024 chỉ tập trung vào việc giải ngân và kiểm soát tiến độ, nghĩa là sẽ được thúc đẩy rất mạnh.
Về tình hình sắp tới, các chuyên gia VPBankS dự đoán một số yếu tố có thể tác động tích cực đến thị trường chứng khoán Việt Nam, chẳng hạn nhiều khả năng Fed sẽ đưa ra quyết định về việc làm chậm tốc độ thu hẹp bảng cân đối kế toán; chỉ số điều kiện tài chính sẽ nới lỏng dần khi lạm phát tại Mỹ hạ nhiệt và diễn biến này sẽ có lợi cho thị trường chứng khoán; lợi nhuận tạo đáy năm 2023 và kỳ vọng phục hồi trong năm 2024; Fed giảm lãi suất thường giúp thị trường chứng khoán phục hồi trong 6 đến 12 tháng sau đó. Năm bầu cử Tổng thống có khả năng tác động tích cực đến S&P500; năm 2024 chỉ số S&P500 được dự báo sẽ tăng trưởng ở mức vừa phải do định giá đang ở vùng đắt so với lịch sử.
Nhà đầu tư cần quan tâm đến rủi ro nào?
Ông Sơn cho rằng, nếu kinh tế toàn cầu có những biến động thì có lẽ sẽ khó đạt được kịch bản lạc quan mà Chính phủ đưa ra, bởi tổng cầu trên toàn cầu đang diễn biến phục hồi nhưng tốc độ còn khá chậm. Đặc biệt, tăng trưởng kinh tế Trung Quốc dự kiến sẽ tiếp tục giảm tốc năm nay do đây là một trong những nền kinh tế có khả năng ảnh hưởng đến các nước trong khu vực, trong đó có Việt Nam.
“Chính vì vậy, nếu ở một kịch bản thận trọng hơn thì tăng trưởng của Việt Nam sẽ khó đạt được mục tiêu”, ông Sơn nói nhưng đồng thời cho biết vẫn nghiên về kịch bản lạc quan hơn do những yếu tố khó khăn đang dần qua đi. Dễ thấy là giai đoạn vừa qua Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc liên tục hạ lãi suất, bơm tiền vào nền kinh tế để hỗ trợ tăng trưởng. Đấy chính là lý do để có thể kỳ vọng mặc dù năm 2024, kinh tế Trung Quốc có thể giảm tốc nhưng tốc độ giảm sẽ chậm lại.
Dù vậy, theo ông Sơn, việc lạm phát tại Việt Nam trong hai tháng đầu năm có tín hiệu tăng trở lại liên quan đến vật liệu xây dựng, giá cả hàng hóa, thực phẩm và cả giáo dục có thể sẽ là thách thức trong năm 2024.
Bên cạnh đó, tỷ giá thời gian qua của liên ngân hàng, thị trường tự do đang tăng cao so với cùng kỳ năm ngoái. Theo thống kê của VPBankS, khi tỷ giá biến động quá 3% thông thường sẽ tác động ngược chiều đối với thị trường chứng khoán, có thể dẫn tới bán ròng của nhà đầu tư.
Tuy nhiên, vị Giám đốc Chiến lược thị trường của VPBankS cho rằng các rủi ro về tỷ giá, lạm phát hay không đạt được tăng trưởng GDP như kỳ vọng chỉ là các rủi ro ngắn hạn. Do thời gian qua Chính phủ đã có những chỉ đạo liên quan đến rà soát lại thị trường vàng và Ngân hàng Nhà nước đã “hút” ròng qua tín phiếu nên ông Sơn cho biết đang kỳ vọng nửa cuối năm 2024, khi mà FED và Ngân hàng châu Âu cùng giảm lãi suất thì khi đó thị trường vàng sẽ ổn định, tỷ giá từ đó không đáng lo ngại.
Ông Trần Hoàng Sơn, Giám đốc Chiến lược thị trường VPBankS
|
Đánh giá về rủi ro, ông Dương cho rằng nhà đầu tư cần quan tâm nhiều yếu tố nội tại của nền kinh tế Việt Nam, chẳng hạn như tỷ giá là một trong những rào cản lớn các chính sách tài khóa và tiền tệ để hỗ trợ cho xuất khẩu, tiêu dùng.
Điểm thứ hai cần theo dõi là các biến cố địa chính trị có thể ảnh hưởng đến vận tải, logistics như căng thẳng Biển Đỏ trong năm ngoái; hoặc những biến động đối với giá năng lượng như giá dầu, giá khí.
“Đấy là những yếu tố rủi ro mang tính chất ngắn hạn, chúng ta nên quan sát để có những hành động nhằm hạn chế những rủi ro này”, ông Dương chia sẻ.
Để nền kinh tế phục hồi, ông Dương cho rằng các yếu tố đầu vào bao gồm chi phí vận tải, chi phí vật liệu xây dựng và khu vực nhà ở sẽ là những chi phí quan trọng có tác động lớn đến lạm phát. Ngoài ra, vấn đề về đứt gãy nguồn cung dù khả năng xảy ra thấp, dẫn đến xáo trộn về mặt giá cả hàng hóa thiết yếu phục vụ cho phục hồi công nghiệp, vẫn sẽ là một yếu tố cần được quản trị rủi ro.
Tử Kính
FILI
|