Kỳ vọng đa chiều cho ngành ngân hàng trong năm 2024
Năm 2024, một số chuyên gia vẫn kỳ vọng lợi nhuận ngành ngân hàng trở mình cùng với sự phục hồi của nền kinh tế. Tuy nhiên, có quan điểm khác lại nhận định vấn đề nợ xấu sẽ làm lợi nhuận ngân hàng giảm đi đáng kể.
Tăng trưởng lợi nhuận ngân hàng khả quan trong năm 2024
CTCK MB (MBS) cho rằng, năm 2023, ngành ngân hàng đạt mục tiêu tăng trưởng thấp hơn kỳ vọng. Theo đó, lợi nhuận sau thuế toàn ngành giảm 2.5% so với năm trước, trong khi chi phí hoạt động và chi phí trích lập tăng lần lượt 7.7% và 5.4%.
Kết quả kinh doanh kém khả quan của ngành ngân hàng trong năm 2023 sẽ tạo ra một nền so sánh thấp cho tăng trưởng trong năm 2024. Bên cạnh đó, MBS kỳ vọng tăng trưởng tín dụng sẽ khả quan cùng với NIM cải thiện nhờ môi trường lãi suất thấp được duy trì, lợi nhuận sau thuế của hầu hết các ngân hàng đều được kỳ vọng khả quan.
Dù nợ xấu được dự báo tạo đỉnh trong quý 4/2023, áp lực trích lập dự phòng trong năm 2024 vẫn đáng kể. Nguyên nhân, theo MBS, do dư địa trích lập của các ngân hàng sẽ không còn nhiều, khi kết quả kinh doanh cả năm 2023 được cho là sẽ kém khả quan. Do đó, khi hiệu lực của Thông tư 02 hết hạn vào 30/06/2024 (đang được NHNN cân nhắc gia hạn), áp lực trích lập cho các khoản nợ tái cơ cấu hoặc các khoản nợ xấu không được tái cơ cấu sẽ gia tăng. Tuy nhiên, áp lực này sẽ có sự phân hóa rõ nét giữa các ngân hàng. Những ngân hàng đã gia tăng trích lập lớn trong năm 2023 và nâng chất lượng tài sản lên mức cao có thể sẽ có nhiều dư địa để xử lý hơn và từ đó có được lợi thế tăng trưởng lợi nhuận cao hơn.
CTCK Shinhan Việt Nam (SSV) cũng cho rằng nền kinh tế có nhiều tín hiệu đảo chiều, hỗ trợ ngành ngân hàng trong năm 2024.
Dự phóng kinh tế Việt Nam sẽ chỉ đạt tăng trưởng khoảng 5% trong năm 2023, nhưng sẽ khởi sắc vào năm 2024 với mức tăng trưởng 6%. CPI được kiểm soát ở mức 3-3.5% trong bối cảnh năm 2024 có nhiều NHTW trên thế giới đã đến cuối chu kỳ tăng lãi suất.
Dựa vào mức tăng trưởng dự phóng GDP của năm 2024, SSV kỳ vọng mức tăng trưởng tín dụng toàn nền kinh tế Việt Nam vào khoảng 13-14%.
Lãi suất cho vay bình quân vẫn ở mức cao. Thông thường, lãi suất sẽ có độ trễ nhất định, vì các ngân hàng sẽ cần hạ chi phí vốn trước khi có thể điều chỉnh lãi suất đầu ra, nhằm duy trì biên lãi ròng NIM. Do đó, SSV kỳ vọng chi phí vốn của ngân hàng sẽ tiếp tục xu hướng giảm (tuy không còn nhiều dư địa) và qua đó tạo cơ hội cho ngân hàng giảm thêm khoảng 50 điểm cơ bản trong thời gian tới.
SSV cũng cho rằng, các ngân hàng thương mại niêm yết trên sàn HOSE thường sẽ có mức tăng trưởng tín dụng cao hơn trung bình của hệ thống khoảng 1.5%.
Dự báo NIM cho cả năm 2023 có thể chỉ đạt 3.75% trước khi cải thiện nhẹ lên mức 3.9% trong năm 2024. Cùng với giả định tăng trưởng tín dụng, tăng trưởng thu nhập lãi thuần của ngân hàng cho hai năm 2023 và 2024 có thể đạt lần lượt 6.5% và 17.3%.
Trong năm 2023, vì nhiều khó khăn từ mảng bảo hiểm, tư vấn phát hành và các hoạt động xử lý, thanh lý tài sản, SSV dự phóng mảng thu nhập ngoài lãi của ngành ngân hàng có thể chỉ tăng 9% so với cùng kỳ. Với nền tảng tăng trưởng thấp, cùng với kỳ vọng phục hồi từ các mảng kinh doanh bị ảnh hưởng, thu nhập ngoài lãi của ngân hàng niêm yết trên sàn HOSE trong năm 2024 có thể tăng trưởng 22% so với cùng kỳ.
Tổng thu nhập hoạt động của nhóm ngân hàng niêm yết có thể đạt tăng trưởng lần lượt trong năm 2023 và 2024 là 9% và 18% so với cùng kỳ.
Giả định CIR của nhóm ngân hàng duy trì ở mức 35% cho cả năm 2023 và giảm nhẹ về mức 34.5% trong năm 2024 nhờ vào sự tăng trưởng trở lại của mảng kinh doanh chính. Chi phí tín dụng trên dư nợ cho vay bình quân cho cả năm 2024 được SSV kỳ vọng tăng 15%.
Theo đó, lợi nhuận trước thuế của nhóm ngân hàng sẽ tăng khoảng 17% cho cả năm 2024. Nhóm cổ phiếu ngân hàng có vốn hóa chiếm hơn 36% vốn hóa toàn thị trường, với mức tăng trưởng dự phóng năm 2024 khoảng gần 20%, định giá của không chỉ nhóm cổ phiếu ngân hàng mà toàn VN-Index được kỳ vọng tiếp tục cải thiện.
Nợ xấu gia tăng, ảnh hưởng lên lợi nhuận ngân hàng
TS. Nguyễn Trí Hiếu - Chuyên gia tài chính ngân hàng đánh giá nợ xấu ngày càng tăng, do đó các ngân hàng cũng sẽ chịu ảnh hưởng. Lợi nhuận của ngân hàng năm 2024 có lẽ không khả quan lắm, do nợ xấu gia tăng, lãi suất giảm, có thể làm giảm biên độ lợi nhuận.
Tuy nhiên, bù lại mức rủi ro của ngành ngân hàng sang năm 2024 sẽ ở mức tốt hơn năm 2023, do lợi nhuận giảm thấp thì rủi ro cũng sẽ thấp tương ứng.
PGS.TS. Nguyễn Hữu Huân - Giảng viên Đại học Kinh tế TPHCM (UEH) chia sẻ, kết quả kinh doanh của ngân hàng sẽ phụ thuộc vào nền kinh tế. Khi kinh tế hồi phục, nợ xấu ngân hàng mới giảm đi.
“Năm 2023, kết quả kinh doanh của các ngân hàng nhiều khả năng sẽ xấu hơn năm 2022 và đây gần như là điều chắc chắn. Tăng trưởng kinh tế không đạt được, nợ xấu lại tăng cao, đòi hỏi các ngân hàng phải gia tăng trích lập dự phòng, do đó lợi nhuận chắc chắn sẽ giảm”, PGS.TS. Nguyễn Hữu Huân đánh giá.
Một số ngân hàng còn “của để dành” như Big 4, lợi nhuận vẫn được duy trì, không tăng trưởng hoặc chỉ tăng trưởng thấp. Những ngân hàng nhỏ phải chấp nhận tăng trưởng âm trong năm 2023.
Sang năm 2024, khó có thể dự báo về ngành ngân hàng, vì tình hình nợ xấu hiện đang rất khó khăn, có thể cần đến sự can thiệp của Công ty quản lý tài sản (VAMC).
Ông Ngô Đăng Khoa - Giám đốc Khối ngoại hối, thị trường vốn và Dịch vụ chứng khoán, HSBC Việt Nam cho rằng, nợ xấu có xu hướng gia tăng thời gian gần đây. Ngoài ra, có sự phân hóa về kết quả hoạt động giữa các ngân hàng.
HSBC nhận thấy tỷ lệ nợ xấu vẫn rất ổn định tại các ngân hàng có mối quan hệ với các tập đoàn lớn, nhưng có sự suy giảm rõ rệt ở những ngân hàng có mức độ rủi ro tập trung ở lĩnh vực bán lẻ và SME, cũng như những ngân hàng có mức độ rủi ro bất động sản cao. Tuy nhiên, thanh khoản dồi dào hơn và chi phí đi vay giảm có thể sẽ hạn chế mức độ suy giảm của chất lượng tín dụng trong năm sau. Ngay cả khi tỷ lệ nợ xấu tiếp tục tăng trong tương lai, bộ đệm dự phòng cao có thể hạn chế tác động đối với kết quả kinh doanh và bảng cân đối kế toán của các ngân hàng.
Dữ liệu từ VietstockFinance cho thấy, tổng dư nợ cho vay tại 28 ngân hàng là gần 9.34 triệu tỷ đồng, tăng 9.3% so với đầu năm. Trong khi đó, tổng nợ xấu tại 28 ngân hàng tính đến 30/09/2023 là gần 210,238 tỷ đồng, tăng 52% so với đầu năm. Điều đáng chú ý là nợ xấu tại tất cả ngân hàng trong hệ thống đều “phình to” so với đầu năm, nhiều ngân hàng tăng bằng lần.
Tính đến 30/09/2023, có đến 9/28 ngân hàng có tỷ lệ nợ xấu/dư nợ vượt ngưỡng 3%. Đáng chú ý, có ngân hàng nâng tỷ lệ này vượt mức 26%. Tất cả ngân hàng trong hệ thống đều có tỷ lệ nợ xấu/dư nợ vay tăng so với đầu năm.
Nguồn: VietstockFinance
|
Mới đây, Sacombank (STB) là ngân hàng đầu tiên công bố con số lợi nhuận khả quan cho năm 2023. Tính đến cuối năm 2023, tổng tài sản ước đạt gần 664,000 tỷ đồng; trong đó, tài sản có sinh lời chiếm 90.3%. Tổng huy động ước đạt hơn 574,000 tỷ đồng; cho vay ước đạt hơn 487,000 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế hợp nhất năm 2023 của Sacombank ước đạt hơn 9,500 tỷ đồng, tăng 50% so năm trước và hoàn thành 100% kế hoạch ĐHĐCĐ giao. Tỷ lệ nợ xấu được kiểm soát ở mức 2%.
Công tác thu hồi và xử lý nợ được đẩy mạnh, ước gần 7,000 tỷ đồng nợ xấu và tài sản tồn đọng được xử lý thành công, nâng tổng mức thu hồi lũy kế lên gần 95,000 tỷ đồng. Tỷ lệ CAR ước đạt 9.45%, tỷ lệ LDR ước đạt 83%, tỷ lệ NIM ước đạt 3.88%; các chỉ số ROA, ROE lần lượt ước đạt 1.21% và 18.03%, tăng 0.3 và 4.2%.
Sacombank đã trích lập 100% dự phòng cho toàn bộ danh mục nợ tài sản tồn đọng còn lại chưa xử lý, qua đó tiệm cận hoàn thành nghĩa vụ tài chính tại Đề án tái cơ cấu.
|
Cát Lam
FILI
|