Thứ Ba, 02/01/2024 08:46

Thách thức nào cho tỷ giá 2024?

Năm 2022 nhiều áp lực do ảnh hưởng từ chính sách nâng lãi suất liên tiếp của các ngân hàng trung ương lớn; năm 2023 “dễ thở hơn” nhờ nguồn cung ngoại tệ dồi dào; năm 2024 liệu tỷ giá sẽ diễn biến ra sao? Yếu tố thuận lợi hỗ trợ là gì và nếu có thách thức – sẽ đến từ đâu?

Bên cạnh giải pháp hút bớt thanh khoản tiền đồng, nhà điều hành có thể tăng cường mức độ can thiệp vào thị trường bằng cách bán ngoại tệ để ổn định tỷ giá. Ảnh: T.L

Cung ngoại tệ năm 2023 dồi dào

9 tỉ đô la Mỹ là lượng kiều hối đổ về TPHCM trong năm 2023 này, tăng mạnh 35% so với năm 2022, theo ước tính của Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TPHCM. Đây chỉ mới đơn thuần thống kê lượng kiều hối chuyển về qua hệ thống các ngân hàng thương mại, các tổ chức kinh tế trực tiếp nhận và chi trả ngoại tệ, chưa tính đến lượng kiều hối chuyển về qua các kênh phi chính thức khác. Lượng kiều hối của riêng TPHCM những năm trước đây thường chiếm tỷ trọng đến 50% của cả nước. Theo một dự báo của Ngân hàng Thế giới, kiều hối của Việt Nam năm 2023 có thể đạt 14-15 tỉ đô la.

Kiều hối là một trong những bức tranh tiêu biểu phác họa nguồn cung ngoại tệ dồi dào của nước ta trong năm nay, bên cạnh hoạt động thương mại và đầu tư.

Theo số liệu Bộ Công Thương công bố mới đây, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu năm 2023 ước đạt 683 tỉ đô la, trong đó xuất khẩu ước đạt 354,5 tỉ đô la, nhập khẩu ước đạt 328,5 tỉ đô la. Theo đó, cán cân thương mại hàng hóa năm 2023 tiếp tục ghi nhận xuất siêu năm thứ 8 liên tiếp với mức thặng dư ước đạt 26 tỉ đô la, tăng vọt so với mức 11,2 tỉ đô la trong năm 2022. Đây là kết quả đáng khích lệ trong bối cảnh tổng cầu thế giới suy giảm khiến Việt Nam phải đối mặt với tình trạng thiếu hụt đơn hàng từ cuối năm ngoái.

Còn theo Tổng cục Thống kê, trong 11 tháng đầu năm 2023, vốn thực hiện của các dự án có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đạt 20,25 tỉ đô la. Dự kiến năm 2023 sẽ ghi nhận mức vốn FDI giải ngân cao nhất từ trước đến nay. Với việc tham gia hàng loạt hiệp định thương mại tự do, nâng cấp quan hệ đối tác với nhiều nền kinh tế lớn, Việt Nam là điểm đến thu hút của các tập đoàn đa quốc gia.

Với dự báo giá vàng quốc tế còn có thể tiếp tục đi lên trong năm 2024, giá vàng trong nước cũng có thể chịu tác động song hành và mở rộng thêm khoảng cách với giá thế giới quy đổi có lúc lên tới gần 20 triệu đồng/lượng. Khi chênh lệch duy trì ở mức quá cao trong một thời gian dài, tất yếu sẽ dẫn đến nhu cầu ngoại tệ để nhập lậu vàng.

Như vậy, chỉ tính riêng ba hoạt động kiều hối, thương mại và đầu tư, Việt Nam có thể đón nhận nguồn cung ngoại tệ hơn 60 tỉ đô la trong năm 2023, chưa tính đến hoạt động du lịch cũng đang dần phục hồi tích cực. Nguồn cung ngoại tệ dồi dào như vậy đã tạo điều kiện cho nhà điều hành quay lại mua ròng ngoại tệ để gia tăng dự trữ ngoại hối trong năm nay, cũng như có chính sách điều hành tỷ giá “dễ thở” hơn, sau một năm 2022 quá nhiều áp lực.

Tính đến đầu tuần này (25-12), tỷ giá trung tâm đô la Mỹ/tiền đồng của Ngân hàng Nhà nước chỉ mới tăng 1,2% so với đầu năm, còn giá mua bán tại các ngân hàng thương mại cũng chỉ tăng xấp xỉ 2,8%. Đáng lưu ý là giá giao dịch đô la Mỹ tại các ngân hàng thương mại có chiều hướng giảm dần kể từ cuối tháng 10 đến nay, trong khi trước đó có thời điểm ghi nhận mức tăng hơn 4% do áp lực từ diễn biến tăng vọt của đô la Mỹ trên thị trường quốc tế.

Đặc biệt, trong những ngày cuối năm này, giá đô la Mỹ trong nước vẫn có dấu hiệu tiếp tục giảm, trái ngược với những năm trước đây khi tỷ giá về cuối năm thường chịu áp lực lớn do nhu cầu cao điểm thanh toán tiền hàng nhập khẩu. Giá mua bán đô la Mỹ tại Vietcombank trong cuối tuần trước bất ngờ điều chỉnh giảm mạnh đến 100 đồng.

2024 có thuận lợi hơn?

Ngoài nguồn cung ngoại tệ được dự báo tiếp tục dồi dào, việc các ngân hàng trung ương lớn trên thế giới đảo chiều nới lỏng chính sách tiền tệ trở lại sẽ giúp chính sách điều hành tỷ giá tại Việt Nam không còn chịu nhiều áp lực như giai đoạn trước. Đơn cử như Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) có thể bắt đầu cắt giảm lãi suất cơ bản đô la Mỹ ngay từ tháng 3-2024, với tổng số lần cắt giảm trong năm 2024 ít nhất là ba lần.

Cần nhắc lại rằng việc Fed liên tục nâng lãi suất trong hai năm 2021 và 2022 là một trong những ngoại lực mạnh mẽ tác động đến thị trường ngoại hối trong nước và góp phần gây bất ổn tỷ giá. Động thái của Fed hai năm qua không chỉ đẩy đô la Mỹ tăng mạnh trên thị trường quốc tế, mà còn khiến nhiều quốc gia đối mặt với dòng vốn đầu tư nước ngoài bị rút ròng. Do đó, thời gian tới nếu Fed giảm lãi suất, đô la Mỹ sẽ mất đi yếu tố hỗ trợ và được dự báo sẽ đi xuống.

Trong báo cáo mới đây, Công ty Chứng khoán MBS thậm chí cho rằng tiền đồng vẫn duy trì được sức mạnh và có thể mạnh lên trong năm 2024 nhờ thặng dư thương mại, vốn FDI, kiều hối và du lịch quốc tế phục hồi. Trong khi đó, sự suy yếu của đô la Mỹ đến từ việc Fed có khả năng cắt giảm lãi suất sớm hơn dự kiến khi lạm phát tại Mỹ đang cải thiện và ngày càng về gần mục tiêu 2% hơn.

Dù có nhiều yếu tố thuận lợi hỗ trợ, nhưng tỷ giá cũng cần dè chừng với những thách thức khó lường.

Đầu tiên là những ảnh hưởng từ nền kinh tế số 2 thế giới là Trung Quốc. Trong bối cảnh thị trường bất động sản vẫn đang chật vật và tác động tiêu cực lên tăng trưởng, Trung Quốc ngoài các biện pháp nới lỏng đã triển khai trong thời gian qua, có thể gia tăng động lực tăng trưởng ở hoạt động xuất khẩu, bằng cách tìm kiếm lợi thế ở tỷ giá.

Khi đó, Việt Nam nếu muốn giữ được cạnh tranh trong hoạt động thương mại với Trung Quốc, có thể buộc phải điều hành tỷ giá theo hướng hỗ trợ cho xuất khẩu. Cần biết rằng tiền đồng đã tăng giá 1% so với nhân dân tệ tính từ đầu năm đến nay. Quá khứ cho thấy không ít lần Trung Quốc bất ngờ tạo nên những cú sốc phá giá tiền tệ, mà ngay sau đó đã ảnh hưởng trực tiếp lên tiền đồng, khi Trung Quốc hiện là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam.

Thực tế là chỉ riêng các chính sách nới lỏng tiền tệ của Bắc Kinh như giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc, hạ các mức lãi suất điều hành, liên tục bơm tiền vào hệ thống, cũng đã góp phần kéo lùi sức hấp dẫn của nhân dân tệ, dù nước này vẫn đang nỗ lực trong quá trình quốc tế hóa đồng tiền của mình. Các chuyên gia phân tích nhận định Ngân hàng Nhân dân Trung Hoa (PBoC) sẽ tiếp tục hỗ trợ mạnh cho nền kinh tế trong năm tới như giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc, giảm lãi suất cùng các gói kích thích tài khóa lớn hơn.

Yếu tố thứ hai là ẩn số từ giá vàng. Trong sáng 26-12, giá vàng miếng SJC đã vượt mốc 80 triệu đồng/lượng, theo đó chênh lệch giữa giá vàng miếng SJC với giá vàng quốc tế liên tục nới rộng thời gian gần đây, có lúc lên tới gần 20 triệu đồng/lượng. Với dự báo giá vàng quốc tế còn có thể tiếp tục đi lên trong năm 2024, giá vàng trong nước cũng có thể chịu tác động song hành và mở rộng thêm khoảng cách với giá thế giới quy đổi. Khi chênh lệch duy trì ở mức quá cao trong một thời gian dài, tất yếu sẽ dẫn đến nhu cầu ngoại tệ để nhập lậu vàng.

Triệu Minh

TBKTSG

Các tin tức khác

>   Mối quan hệ giữa cung tiền, tăng trưởng kinh tế và lạm phát (31/12/2023)

>   Thủ tướng yêu cầu ngân hàng cung ứng đủ tiền mặt, đáp ứng nhu cầu vốn (29/12/2023)

>   Ông Đỗ Việt Hùng phụ trách hoạt động HĐQT Vietcombank (29/12/2023)

>   SeABankers khơi nguồn sống xanh từ những điều giản đơn (29/12/2023)

>   Thẻ tín dụng SHB VISA Platinum được vinh danh Top 50 sản phẩm dịch vụ tin dùng Việt Nam 2023 (29/12/2023)

>   Xuất ngoại đầu năm mới với loạt ưu đãi đẳng cấp từ thẻ tín dụng VIB (02/01/2024)

>   Eximbank hợp tác công nghệ cùng FPT Smart Cloud ứng dụng AI vào hệ thống tổng đài (29/12/2023)

>   Lãi suất liên ngân hàng bật tăng mạnh những phiên cuối năm 2023 (29/12/2023)

>   Tính đến 21/12, tăng trưởng tín dụng toàn nền kinh tế đạt 11.09%  (29/12/2023)

>   PGBank thay nhận diện thương hiệu sau đổi tên (29/12/2023)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật