Trung Quốc cân nhắc cho các công ty bất động sản vay không cần thế chấp
Trong một nỗ lực giải quyết khủng hoảng bất động sản, Trung Quốc có thể cho phép các ngân hàng cung cấp những khoản vay không cần tài sản thế chấp đối với các nhà phát triển bất động sản đạt chuẩn, hãng tin Bloomberg dẫn các nguồn thạo tin cho biết vào tuần trước.
Giới chức trách Trung Quốc đang xem xét một loạt biện pháp hỗ trợ mới dành cho lĩnh vực bất động sản, bao gồm cho phép các ngân hàng cung cấp cho các nhà phát triển những khoản vay không đòi hỏi tài sản thế chấp để giúp họ hoàn thiện các dự án dang dở. Ảnh: Bloomberg
|
Theo các nguồn tin, các cơ quan quản lý ở Trung Quốc đang xem xét cho phép các ngân hàng cung cấp khoản vay vốn lưu động cho một số nhà phát triển. Họ cho biết, không giống như các loại khoản vay khác dành cho các công ty xây dựng thường yêu cầu thế chấp đất hoặc bất động sản, cơ chế cho vay mới không đòi hỏi tài sản đảm bảo và chỉ cung cấp để hỗ trợ hoạt động hàng ngày, có khả năng giúp các nhà phát triển giải phóng nguồn vốn để trả nợ.
Các nguồn tin cũng tiết lộ giới chức trách đang cân nhắc một cơ chế cho phép một ngân hàng điều phối hỗ trợ một nhà phát triển khó khăn tài chính cụ thể bằng cách làm việc với các ngân hàng khác.
Tuy nhiên, để cơ chế cho vay mới thực sự có hiệu quả, các cơ quan quản lý cần miễn trách nhiệm cho các ngân hàng đối với các khoản nợ xấu tiềm ẩn do rủi ro liên quan.
Giới chức trách cũng đang hoàn thiện danh sách dự thảo gồm 50 nhà phát triển đủ điều kiện nhận hỗ trợ tài chính, bao gồm Country Garden và Sino-Ocean Group.
Nếu các biện pháp hỗ trợ mới trên được phê duyệt, đó sẽ là nỗ lực mạnh mẽ nhất của Trung Quốc cho đến nay nhằm lấp khoảng trống nguồn vốn ước tính 446 tỉ đô la mà các nhà phát triển đang cần để hoàn tiền hàng triệu căn hộ trên khắp cả nước.
Các khoản vay dành cho vốn lưu động có thể giúp lĩnh vực bất động sản bớt khó khăn về nguồn vốn trong ngắn hạn, nhưng vẫn chưa rõ cuối cùng chúng sẽ tác động như thế nào đến khả năng và sự sẵn sàng trả nợ của các nhà phát triển, đặc biệt là khi các chủ nợ nước ngoài của họ đã chịu tổn thất hàng tỉ đô la.
Việc yêu cầu các ngân hàng tăng cường hỗ trợ ngành bất động sản cũng đi kèm với rủi ro. Ngành ngân hàng trị giá 57 nghìn tỉ đô la của Trung Quốc đang chật vật kinh doanh với tỷ suất lợi nhuận sụt giảm. Biên lãi ròng tại các ngân hàng thương mại của trung Quốc giảm xuống mức thấp kỷ lục 1,73% vào cuối tháng 9, dưới ngưỡng 1,8% được coi là cần thiết để duy trì mức sinh lời hợp lý.
Dư nợ cho vay bất động sản ở Trung Quốc vào cuối tháng 9 lần đầu tiên đã giảm so với cùng kỳ năm trước, cho thấy các ngân hàng đang thận trọng.
Tại cuộc họp gần đây với các cơ quan quản lý tài chính hàng đầu của Trung Quốc, các ngân hàng và công ty quản lý tài sản lớn nhất được yêu cầu đáp ứng mọi nhu cầu vay vốn “hợp lý” từ các công ty bất động sản.
Theo các nhà phân tích của ngân hàng JPMorgan Chase, nếu giới chức trách yêu cầu cung cấp các khoản vay không đòi hỏi tài sản bảo đảm cho “các nhà phát triển đủ điều kiện”, điều này sẽ gây rủi ro cho các ngân hàng.
Họ cho rằng biện pháp như vậy “sẽ là tiêu cực đối với các ngân hàng vì sẽ làm tăng mối lo ngại về rủi ro nghĩa vụ quốc gia và rủi ro tín dụng trong trung hạn”. Họ cũng dự báo việc thực hiện biện pháp mới sẽ gặp nhiều thách thức vì các ngân hàng có thể né chỉ thị này do lo ngại rủi ro tín dụng.
Leonard Law, nhà phân tích tín dụng cấp cao của Lucror Analytics, nhận định động thái chính sách mới nhất của Bắc Kinh là một bước tiến lớn để hỗ trợ các nhà phát triển, nhưng có thể vẫn không phải là “yếu tố thay đổi cuộc chơi” để ngăn chặn các vụ vỡ nợ tiếp theo trong lĩnh vực bất động sản. Ông cho biết, sự thành công của chính sách cho vay không thế chấp sẽ phụ thuộc vào quy mô tài trợ và mức độ sẵn sàng thực hiện của các ngân hàng.
Việc tăng lượng vốn lưu động sẽ giúp các nhà phát triển nhanh chóng hoàn thiện các dự án. Theo Zerlina Zeng, nhà phân tích cấp cao của CreditSights, các nhà phát triển chất lượng cao bao gồm các công ty tư nhân chưa vỡ nợ có thể sẽ được hưởng lợi từ biện pháp cho vay mới. Tuy nhiên, bà cho rằng vẫn chưa rõ điều này có giúp các trái chủ nước ngoài cải thiện tỷ lệ thu hồi nợ từ các công ty bất động sản Trung Quốc hay không.
Tracy Wang, nhà phân tích tín dụng cấp cao tại Robeco, nhận định, nếu chính sách mới giúp thị trường bất động sản tìm thấy đáy và cải thiện tính thanh khoản, những người sở hữu trái phiếu đồng đô la của các nhà phát triển Trung Quốc có thể được hưởng lợi.
Lê Linh (Theo Bloomberg)
TBKTSG
|