Trung Quốc sắp tung biện pháp giải cứu chưa từng có cho thị trường bất động sản?
Trung Quốc có thể cho phép ngân hàng cấp các khoản vay ngắn hạn không cần tài sản đảm bảo cho một số doanh nghiệp bất động sản đủ điều kiện, dựa trên nguồn tin thân cận từ Bloomberg.
Đây là lần đầu tiên Trung Quốc đưa ra biện pháp giải cứu như thế này và là bước đi táo bạo nhất để xoa dịu cuộc khủng hoảng bất động sản đã đeo bám nền kinh tế lớn thứ hai thế giới trong nhiều năm qua.
Là một phần trong các chính sách mới nhằm hỗ trợ ngành địa ốc, các cơ quan quản lý Trung Quốc đang cân nhắc cho phép ngân hàng cấp các khoản vay bổ sung vốn lưu động cho một số doanh nghiệp, theo nguồn tin từ Bloomberg.
Không như với các khoản vay bất động sản khác thường yêu cầu đất hoặc bất động sản làm tài sản thế chấp, hợp đồng cho vay này không cần tài sản đảm bảo và chủ yếu phục vụ nhu cầu hoạt động ngắn hạn của doanh nghiệp.
Các quan chức cũng cân nhắc đưa ra một cơ chế cho phép một ngân hàng dẫn dắt việc hỗ trợ một công ty địa ốc đang gặp khó khăn bằng cách phối hợp với các chủ nợ để vạch ra kế hoạch tài chính cho công ty đó.
Tuy vậy, các cơ quan quản lý cũng cần phải có cơ chế để ngân hàng không phải gánh nợ xấu do khoản vay cấp cho các công ty bất động sản đang mang rủi ro cao. Nguồn tin này cho biết các phương án vẫn đang trong quá trình thảo luận và có thể thay đổi.
Nguồn tin cho biết Bắc Kinh cũng đang cân nhắc cơ chế cho phép một ngân hàng dẫn dắt việc hỗ trợ một công ty địa ốc đang gặp khó khăn bằng cách phối hợp với các chủ nợ để vạch ra kế hoạch tài chính cho công ty đó.
Nếu các biện pháp hỗ trợ này được thông qua, đây sẽ là bước đi táo bạo nhất của chính phủ Trung Quốc nhằm giải cứu thị trường bất động sản. Ngân hàng Nomura ước tính các nhà phát triển sẽ cần khoảng 446 tỷ USD để hoàn thành khoảng 20 triệu dự án đang dang dở.
Trung Quốc cũng đang tăng cường hỗ trợ cho nền kinh tế chung. Các động thái trong tuần này cho thấy Bắc Kinh đang nỗ lực ngăn chặn khủng hoảng bất động sản lan rộng.
“Đây là biện pháp hợp lý để xoa dịu nỗi sợ của người dân về các dự án chưa hoàn tất. Chính nỗi sợ này là yếu tố đã kéo giảm doanh số bán nhà trong thời gian gần đây”, Niu Chunbao, Chuyên gia quản lý quỹ tại Shanghai Wanji Asset Management, cho biết. Vị này nói thêm các biện pháp hỗ trợ này sẽ có hiệu quả hơn nếu được triển khai sớm hơn. “Tôi cho rằng doanh số bán nhà hàng tháng sẽ hồi phục sau 3 tháng triển khai chính sách mới”.
Một chỉ số theo dõi các cổ phiếu bất động sản Trung Quốc của Bloomberg đã vọt 9% trong phiên 23/11, trong khi trái phiếu bằng đồng USD của một số doanh nghiệp nhảy vọt trong tuần này khi nhà đầu tư kỳ vọng Bắc Kinh sẽ ban hành nhiều chính sách hơn.
Các biện pháp trước đây của Trung Quốc phần lớn đều không thể ngăn chặn khủng hoảng bất động sản. Doanh nghiệp vẫn “khát” tiền mặt, trì hoãn việc xây dựng và bàn giao nhà và tước đi động lực tăng trưởng của nền kinh tế. Trước đó, Bắc Kinh đã nới lỏng các điều kiện vay thế chấp mua nhà, giảm khoản yêu cầu trả trước và cam kết cấp khoản vay đặc biệt trị giá 200 tỷ Nhân dân tệ (tương đương 28 tỷ USD) để thúc đẩy việc bàn giao nhà.
Các nhà hoạch định chính sách đang gấp rút hoàn thiện danh sách 50 doanh nghiệp bất động sản đủ điều kiện để được hỗ trợ tài chính, bao gồm Country Garden, Sino-Ocen Group và Cifi Holdings. Động thái này cho thấy Bắc Kinh sẵn lòng hỗ trợ một số doanh nghiệp khủng hoảng trầm trọng nhất.
Trong khi đó, cơ quan làm luật hàng đầu Trung Quốc kêu gọi các ngân hàng tăng tài trợ cho các doanh nghiệp bất động sản để giảm thiểu nguy cơ vỡ nợ, đồng thời đảm bảo các dự án được hoàn tất.
Sau các động thái trên, cổ phiếu Country Garden tăng 24% trong ngày 23/11, còn Sino-Ocean tiến 31% và Cifi Holdings Group vọt 48%.
Bên cạnh khó khăn của bất động sản, ngành ngân hàng cũng đang chật vật với biên lợi nhuận ngày càng co hẹp, trong khi nợ xấu ngày càng tăng vì họ được Chính phủ chỉ đạo hỗ trợ cho nền kinh tế và ngăn chặn rủi ro lan truyền từ lĩnh vực bất động sản.
Biên lãi ròng của các ngân hàng quốc doanh lớn đã giảm xuống mức thấp kỷ lục 1.74% vào cuối tháng 6/2023, thấp hơn ngưỡng được cho là mức biên lợi nhuận cần thiết để duy trì khả năng sinh lãi hợp lý của ngành (1.8%).
Vũ Hạo (Theo Bloomberg)
FILI
|