Thứ Năm, 23/11/2023 09:26

Alibaba quay lưng với kế hoạch tái cơ cấu lịch sử

Nhiều tháng sau khi tuyên bố kế hoạch tái cơ cấu lịch sử, tập đoàn công nghệ Trung Quốc Alibaba lại đang đảo ngược hướng đi và tham gia một “canh bạc” khác nhằm đặt cược rằng trí tuệ nhân tạo sẽ thúc đẩy tăng trưởng, mặc dù khả năng tiếp cận các bộ xử lý AI thiết yếu của họ đang bị đe dọa bởi loạt biện pháp kiểm soát từ Washington.

Động lực quan trọng cho sự phát triển của Alibaba là gì? 

Tuần trước, tân giám đốc điều hành Eddie Yongming Wu đã từ bỏ kế hoạch tái cơ cấu chiến lược do người tiền nhiệm Daniel Zhang đưa ra hồi tháng 3, đồng thời nói rằng tập đoàn dẫn đầu về thương mại điện tử này sẽ không phá vỡ đế chế của mình cũng như chia tách mảng kinh doanh đám mây.

Ông Wu nói trong cuộc gặp đầu tiên của mình với giới phân tích rằng trong kỷ nguyên AI, đầu tư vào công nghệ thông tin sẽ tăng theo cấp số nhân và nhu cầu về điện toán đám mây cũng sẽ tăng theo cấp số nhân. “Sự kết hợp sâu rộng của AI với điện toán đám mây sẽ là động lực quan trọng cho sự phát triển trong tương lai của chúng tôi”.

Trước thay đổi 180 độ này, giới đầu tư bắt đầu nhận thấy rủi ro. Họ bán tháo cổ phiếu Alibaba ở New York, khiến giá trị thị trường của công ty giảm khoảng 20 tỷ USD vào cuối ngày 16/11, với khối lượng giao dịch gấp 5 lần bình thường và giá cổ phiếu giảm 9%.

Việc ông Wu hủy bỏ kế hoạch chia tách mảng đám mây cũng như trì hoãn việc niêm yết của chuỗi siêu thị Freshippo đã đảo ngược các hướng đi chính trong kế hoạch tái cơ cấu lịch sử của Alibaba nhằm chia tách tập đoàn thành 6 công ty riêng biệt.

Nhà lãnh đạo mới của Alibaba cũng đánh tín hiệu về một giai đoạn đầu tư khác với mục tiêu xây dựng cơ sở hạ tầng đám mây AI của mình. Chiến lược này được đưa ra trong bối cảnh Mỹ thắt chặt các biện pháp kiểm soát chip, một diễn biến mà Alibaba từng cảnh báo có thể ảnh hưởng bất lợi và nghiêm trọng đến khả năng cung cấp sản phẩm, dịch vụ cũng như thực hiện các hợp đồng hiện có.

Duy trì mảng đám mây sẽ cho phép Alibaba nắm giữ kho chip Nvidia quý giá của mình, thứ vốn không thể nhập vào nước này được nữa. Bằng cách đó, ông Wu có thể cung cấp sức mạnh tính toán quan trọng cần thiết cho AI cũng như các dịch vụ trung tâm dữ liệu của họ.

Hai nguồn thạo tin với mảng đám mây của Alibaba cho biết công ty này đã ngừng tiếp nhận hầu hết khách hàng mới muốn sử dụng các dịch vụ đám mây được cung cấp bởi bộ xử lý tiên tiến của Nvidia. Họ cho biết thêm rằng sự khan hiếm chip Nvidia đang tạo ra căng thẳng trong nội bộ, khi các bộ phận khác cũng đang phải tranh giành thứ này.

Theo một nguồn tin, đối với những khách hàng hiện tại, Alibaba có kế hoạch tăng giá thuê GPU (bộ xử lý đồ họa) thêm 30 - 50%.

Điện toán đám mây vẫn gắn bó với thương mại điện tử

Bị các nhà phân tích Phố Wall ép tiết lộ cách Alibaba lên kế hoạch xây dựng mảng đám mây xung quanh AI với nguồn cung cấp chip hạn chế, ông Wu tuyên bố đây là một vấn đề ảnh hưởng đến toàn bộ thị trường Trung Quốc, song Alibaba đang có vị thế tốt nhất để giải quyết vấn đề này cho khách hàng.

Theo ông, các biện pháp kiểm soát xuất khẩu của Mỹ sẽ khiến các tập đoàn Trung Quốc phải dựa vào nhiều loại chip khác nhau để có được sức mạnh AI.

Ông nói thêm: “Điều này làm tăng tầm quan trọng của điện toán đám mây AI. Trong tình huống hiện nay, khách hàng của chúng tôi có nhu cầu rất lớn về một nền tảng điện toán đám mây có thể giải quyết “tất cả trong một” với hiệu quả cao, nhằm đơn giản hóa việc phát triển và sử dụng cũng như giúp họ loại bỏ được các vấn đề xung quanh chip AI.

Charlie Chai, chuyên gia phân tích tại 86Research, cho biết việc Alibaba để mảng điện toán đám mây vẫn gắn bó với mảng thương mại điện tử sẽ giúp đơn vị này có thời gian xây dựng nền tảng điện toán đám mây AI chạy trên chip “cây nhà lá vườn”.

“Sẽ không có áp lực từ các nhà đầu tư bên ngoài mặc dù quá trình chuyển đổi như vậy sẽ mất một khoảng thời gian đáng kể, đòi hỏi sự đầu tư đáng kể và không mang lại nhiều doanh thu trong thời gian tới”, ông Chai nói.

Nhiều năm trước khi Alibaba thông báo về kế hoạch cải tổ lịch sử, cựu giám đốc Zhang luôn coi đám mây là trọng tâm phát triển trong tương lai của Alibaba, nhưng sau đó, ông lại gặp khó khăn trong việc thực hiện.

Theo hai nguồn thạo tin, ông Zhang được cho là sẽ tiếp tục nắm quyền lãnh đạo mảng đám mây, nhưng vào tháng 9 vừa qua, ông đã đột ngột bị buộc thôi việc khi ông Wu lên nắm quyền giám đốc điều hành. Robin Zhu, chuyên gia phân tích tại Bernstein, cho biết những thông điệp rời rạc xung quanh sự ra đi của ông Zhang đã khiến các nhà đầu tư bối rối.

Quyền lực tối thượng của Jack Ma tại Alibaba

Kim Dung (Theo FT)

FILI

Các tin tức khác

>   Fitch Ratings: Argentina đối mặt tình trạng vỡ nợ do nền kinh tế tồi tệ (23/11/2023)

>   Fed chưa nghĩ về việc cắt giảm lãi suất (22/11/2023)

>   Giá cả hàng hóa Mỹ hạ nhiệt, nhưng nguy cơ giảm phát cũng bắt đầu xuất hiện (21/11/2023)

>   Fed hạ lãi suất có thể báo hiệu kinh tế tăng trưởng chậm lại (20/11/2023)

>   Eurozone: Tỷ lệ lạm phát giảm xuống mức thấp nhất kể từ năm 2021 (18/11/2023)

>   Nợ công toàn cầu cao kỷ lục trong quý 3, lên mức 307.400 tỷ USD (17/11/2023)

>   Trung Quốc ra thêm động thái để xoa dịu nỗi sợ thiếu thanh khoản (17/11/2023)

>   Nhà đầu tư có thể thất vọng nếu mong Fed giảm mạnh lãi suất (16/11/2023)

>   Doanh số bán lẻ của Mỹ giảm lần đầu tiên trong 7 tháng qua (16/11/2023)

>   Trung Quốc: Giá nhà giảm mạnh nhất trong 8 năm, khủng hoảng bất động sản chưa có lối thoát (16/11/2023)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật