Thứ Năm, 16/11/2023 17:00

Nhà đầu tư có thể thất vọng nếu mong Fed giảm mạnh lãi suất

Thị trường dường như rất vui mừng với các dữ liệu kinh tế trong tuần này, xem đây là các tín hiệu cho thấy Fed sẽ bắt đầu giảm mạnh lãi suất từ năm 2024.

Dữ liệu gần đây cho thấy chỉ số giá tiêu dùng (CPI)giá sản xuất (PPI) đều đã hạ nhiệt đáng kể so với mức đỉnh giữa năm 2022. Sau thông tin này, các trader dự báo Fed đã ngừng nâng lãi suất và có thể giảm 1 điểm phần trăm trong năm 2024, theo dữ liệu từ CME Group.

Tuy vậy, đây có thể là quan điểm quá lạc quan, nhất là trong bối cảnh quan chức Fed luôn tỏ ra thận trọng trong quá trình thắt chặt.

"Chúng ta đang có tiến triển trong quá trình chống lạm phát”, nhưng Fed vẫn chưa tới đích, Lou Crandall, Chuyên gia kinh tế trưởng tại Wrightson ICAP, cho biết.

Tuần này, báo cáo từ Bộ Lao động Mỹ cho thấy lạm phát đang dần hạ nhiệt, trong đó CPI đi ngang so với tháng trước, trong khi PPI giảm 0.5% so với tháng trước.

Nếu so với cùng kỳ, PPI tăng trưởng 1.3%, trong khi CPI tăng trưởng 3.2%. CPI lõi ở mức 4% so với cùng kỳ. Bên cạnh đó, một chỉ số của Fed Atlanta theo dõi giá các sản phẩm không biến động thường xuyên, như khí đốt, xe hơi và hàng tạp hóa, cho thấy lạm phát vẫn 4.9%.

“Chúng ta đang đến gần hơn tới đích”, ông Crandall chia sẻ. “Dữ liệu tuần này phù hợp với mong muốn của Fed. Tuy nhiên, chúng ta vẫn chưa tới đích đâu”.

Điểm đến của Fed không nhất thiết phải là lạm phát về đúng 2%, mà là các tín hiệu "đủ thuyết phục" cho thấy lạm phát đang hướng tới mốc đó. "Fed đang duy trì lãi suất và đợi thêm số liệu. Chúng tôi muốn thấy các bằng chứng đáng tin cậy, rằng mình đã chạm mốc hợp lý", Chủ tịch Fed Jerome Powell cho biết trong cuộc họp báo hồi tháng 9.

Dù các quan chức Fed không nói rõ họ cần bao nhiêu tháng dữ liệu lạm phát hạ nhiệt liên tiếp để cảm thấy tự tin, nhưng CPI lõi đã trong xu hướng hạ nhiệt kể từ tháng 4/2023. Fed thường xem lạm phát lõi như một chỉ báo tốt hơn về xu hướng dài hạn của lạm phát,

Các trader còn tỏ ra chắc chắn hơn về xu hướng lãi suất hơn cả các quan chức Fed.

Theo dữ liệu của CME Group, họ dự báo không có khả năng Fed tiếp tục nâng lãi suất trong chu kỳ này và đợt giảm lãi suất đầu tiên có thể đến vào tháng 5/2024, kế đó là tháng 7 và thêm 2 đợt nữa trước khi kết thúc năm 2024.

Nếu đúng như thế, lãi suất chuẩn của Fed sẽ giảm xuống phạm vi 4.25%-4.5% và nhanh gấp đôi so với nhịp độ mà Fed dự báo hồi tháng 9/2023.

Trước phiên họp tháng 12, Mỹ còn đón nhận thêm 1 tháng báo cáo lạm phát nữa. Bên cạnh quyết định lãi suất, Fed cũng sẽ cung cấp dự báo về lãi suất, GDP, tỷ lệ thất nghiệp và lạm phát trong tương lai tại cuộc họp tháng tới.

Nhà đầu tư vì thế có thể thất vọng với quan điểm của Fed về chính sách trong ngắn hạn.

"Họ sẽ không muốn ra tín hiệu rằng hiện tại đã có thể bắt đầu nói về giảm lãi suất đâu", cựu Chủ tịch Fed Boston Eric Rosengren cho biết hôm 15/11.

Phe “hạ cánh mềm” chiếm ưu thế

Tâm lý phởn phơ trên thị trường tuần qua dựa trên 2 quan điểm chủ chốt: Niềm tin Fed sẽ sớm giảm lãi suất và tín hiệu kinh tế Mỹ sẽ “hạ cánh mềm”.

Tuy vậy, không có gì chắc chắn niềm tin sẽ được hiện thực hóa, khi xét tới lịch sử của nước Mỹ. Thông thường, quá trình nới lỏng chính sách tiền tệ quyết liệt chỉ diễn ra trong giai đoạn kinh tế suy thoái. Các quan chức Fed cũng không muốn tỏ ra quá “bồ câu”. Gần đây nhất, Chủ tịch Fed Chicago Austan Goolsbee cho biết “vẫn còn chặng đường rất xa trước khi đến đích” và nhận thấy có “con đường hoàng kim” để tiến tới kịch bản không suy thoái.

“Kinh tế giảm tốc thay vì suy thoái là kịch bản khả dĩ nhất”, Rosengren cho biết. “Tuy nhiên, tôi cho rằng sẽ có một vài rủi ro nhất định”.

Việc thị trường chứng khoán Mỹ tăng mạnh và lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ giảm gần đây sẽ là thách thức với quá trình thắt chặt của Fed. "Môi trường tài chính đã dễ thở hơn đáng kể sau khi thị trường dự báo Fed ngừng nâng lãi. Vì thế, đây có thể không phải thời điểm lý tưởng để Fed tiếp tục duy trì lãi suất ở mức cao trong thời gian dài", Quincy Krosby - chiến lược gia trưởng tại LPL Financial cho biết.

Câu thần chú “cao hơn trong thời gian dài hơn” là trọng tâm trong các phát biểu gần đây của Fed, ngay cả khi một số thành viên không cho rằng Fed cần nâng lãi suất thêm.

Các quan chức Fed hiện không muốn lặp lại sai lầm trong quá khứ. Họ từng dừng cuộc chiến chống lạm phát quá sớm ngay khi kinh tế có dấu hiệu lung lay. Tháng trước, doanh số bán lẻ tại Mỹ đã giảm lần đầu tiên kể từ tháng 3.

Với quan chức Fed, họ cần tránh thể hiện sự tự tin quá mức rằng đích đến đã trong tầm mắt.

"Một vấn đề Fed luôn phải đối mặt là sự lầm tưởng họ đã kiểm soát được tình hình. Họ có thể gây ảnh hưởng lên mọi thứ, nhưng không kiểm soát được chúng. Có quá nhiều yếu tố bên ngoài tác động đến kinh tế toàn cầu hiện nay. Vì thế, tôi chỉ lạc quan một cách thận trọng rằng Fed có thể đạt mục tiêu lạm phát. Điều này khác với việc tôi tự tin rằng họ sẽ làm được", ông Crandall cho biết.

Vũ Hạo (Theo CNBC)

FILI

Các tin tức khác

>   Phố Wall nối dài đà tăng, Dow Jones tiến 160 điểm (16/11/2023)

>   Chứng khoán châu Á bứt phá, Hang Seng tăng gần 4% (15/11/2023)

>   Gã khổng lồ ngành đồng Trung Quốc phá sản (15/11/2023)

>   Dow Jones tăng gần 500 điểm, S&P 500 có phiên tốt nhất kể từ tháng 4/2023 (15/11/2023)

>   Dow Jones tương lai tăng hơn 300 điểm, lợi suất trái phiếu giảm mạnh sau báo cáo lạm phát (14/11/2023)

>   Chứng khoán Trung Quốc: Dư nợ vay margin lên cao nhất trong 21 tháng (14/11/2023)

>   Chứng khoán Mỹ đi ngang sau khi Moody’s hạ triển vọng tín nhiệm Mỹ (14/11/2023)

>   Country Garden: Doanh số giảm mạnh nhất trong nhiều năm, lún sâu vào khủng hoảng thanh khoản (11/11/2023)

>   Dow Jones vọt gần 400 điểm, chứng khoán Mỹ tăng tuần thứ 2 liên tiếp (11/11/2023)

>   Công ty sở hữu thương hiệu Hoa hậu Hoàn vũ nộp đơn phá sản (10/11/2023)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật