Nguy cơ vỡ nợ tại công ty quản lý tài sản hàng đầu Trung Quốc
Zhongzhi Enterprise Group – công ty quản lý tài sản hàng đầu Trung Quốc – nói với nhà đầu tư rằng họ mất khả năng thanh toán với khoản nợ 64 tỷ USD. Điều này làm dấy lên lo ngại cuộc khủng hoảng bất động sản đang lan rộng sang lĩnh vực tài chính.
Tập đoàn này là “tay chơi” lớn trong lĩnh vực ngân hàng ngầm trị giá 3,000 tỷ USD của Trung Quốc (tương đương quy mô của kinh tế Pháp) và có tỷ trọng khá lớn trong lĩnh vực bất động sản Trung Quốc.
Trong lá thư gửi tới nhà đầu tư trong ngày 22/11, Zhongzhi xin lỗi và cho biết tổng nợ phải trả khoảng 420-460 tỷ Nhân dân tệ (tương đương 58-64 tỷ USD). Trong khi đó, tổng tài sản ước tính của Zhongzhi chỉ ở mức 200 tỷ Nhân dân tệ.
* Sau bất động sản, đến lượt ngành quỹ tín thác 2,900 tỷ USD của Trung Quốc gặp rắc rối
Tình cảnh bi đát ở Zhongzhi có thể gây lo ngại về khả năng lan truyền rủi ro ra các lĩnh vực khác của nền kinh tế. Một số chuyên viên phân tích kỳ vọng các cơ quan điều hành sẽ ra tay để ngăn chặn khủng hoảng lây lan.
Lĩnh vực bất động sản nặng nợ của Trung Quốc lâm vào cảnh khủng hoảng thanh khoản kể từ năm 2020. Các vụ vỡ nợ trong lĩnh vực bất động sản kể từ cuối năm 2021 đã kìm hãm đà tăng trưởng của nền kinh tế số 2 thế giới và gây lo ngại trên toàn cầu.
Là một phần của ngân hàng ngầm, ngành quỹ tín thác được quản lý khá lỏng lẻo. Thông thường, họ huy động tiền tiết kiệm từ các hộ gia đình giàu có và các khách hàng doanh nghiệp và sau đó dùng tiền để cho vay hoặc đầu tư vào nhiều loại tài sản khác nhau.
Lỗ hổng khổng lồ trong sổ sách
Các dấu hiệu rắc rối của Zhongzhi lần đầu xuất hiện vào tháng 7/2023, khi Zhongrong International Trust – công ty tín thác hàng đầu có liên quan với Zhongzhi – trễ hạn thanh toán đối với hàng chục sản phẩm đầu tư do họ phát hành ra.
“Có lỗ hổng khổng lồ trong sổ sách của họ”, Xu – người đã đầu tư vào sản phẩm tín thác của Zhongrong – cho biết. “Công ty này đang gặp rắc rối lớn”.
Trong lá thư, Zhongzhi – vốn có lợi ích kinh doanh ở nhiều lĩnh vực khác nhau, từ khai khoáng cho tới quản lý tài sản – cho biết tài sản của họ tập trung vào nợ dài hạn và các khoản đầu tư cổ phiếu. Trong thị trường khó khăn hiện tại, rất khó để họ thanh lý các khoản đầu tư.
"Các cuộc kiểm tra ban đầu cho thấy tập đoàn đang mất khả năng thanh toán nghiêm trọng và tiếp tục gặp rủi ro hoạt động đáng kể. Trong ngắn hạn, nguồn lực sẵn có để trả nợ thấp hơn nhiều so với tổng nợ của tập đoàn", Zhongzhi cho biết.
“Zhongzhi gửi lời xin lỗi sâu sắc về những tổn thất đã gây ra cho các nhà đầu tư. Chúng tôi hoàn toàn hiểu được tính cấp bách, tầm quan trọng và mức độ nghiêm trọng của việc giải quyết rủi ro tổng thể này”, tập đoàn viết trong thư.
Đứng trước bờ vực vỡ nợ
Trong cuộc họp tháng 8/2023, ban quản lý Zhongzhi nói với các nhà đầu tư rằng họ đã thuê một trong những công ty kiểm toán Big4 để tiến hành rà soát công ty và đang tìm kiếm các nhà đầu tư chiến lược.
Xing Zhaopeng, Chiến lược gia cấp cao về Trung Quốc, chia sẻ các tài sản cốt lõi của Zhongrong phần lớn đều có liên quan tới bất động sản – vốn co rủi ro vỡ nợ cao.
“Zhongrong không thể thu hồi vốn trong bối cảnh bất động sản khủng hoảng. Vì vậy, họ phải bán tài sản với giá chiết khấu lớn”.
Khởi đầu trong hoạt động giao dịch gỗ và bất động sản trong thập niên 90, Zhongzhi nhanh chóng mở rộng sang các mảng kinh doanh khác nhau, từ sản xuất chip, y tế, xe dùng năng lượng mới và tài chính. Mảng tài chính của họ bao gồm hoạt động tín thác, quản lý tài sản, bảo hiểm, hợp đồng tương lai và quản lý gia sản.
Vài năm qua, Zhongzhi ra sức bán cổ phần ở một số công ty niêm yết mà họ nắm quyền kiểm soát, đồng thời giảm bớt quy mô kinh doanh trong bối cảnh Trung Quốc siết kiểm soát với lĩnh vực ngân hàng ngầm và thực hiện chiến dịch kiểm soát nợ của lĩnh vực bất động sản.
“Các cơ quan điều hành tài chính chắc chắn sẽ can thiệp quyết liệt nếu có dấu hiệu sự vụ của Zhongzhi gây tác động lan truyền sang các lĩnh vực khác”, Christopher Beddor, Phó Giám đốc bộ phận nghiên cứu về Trung Quốc tại Gavekal Dragonomics, chia sẻ.
Ông nói thêm ngành quỹ tín thác chỉ chiếm 5% trong hệ thống tài chính tổng thể, nên vấn đề ở ngành này không nhất thiết đe dọa đến số phận của Trung Quốc.
Vũ Hạo (Theo Bloomberg)
FILI
|