Trung Quốc đang ứng phó với khủng hoảng bất động sản ra sao?
Giới lãnh đạo Trung Quốc đang đưa ra những bước đi táo bạo nhất để chấm dứt khủng hoảng bất động sản vốn đã đeo bám nền kinh tế trong thời gian qua. Họ gây áp lực để các ngân hàng đáp ứng nhu cầu vốn có thể lên đến 446 tỷ USD để ổn định ngành bất động sản và đảm bảo hoàn tất các dự án còn dang dở.
Các nhà hoạch định chính sách đang gấp rút hoàn thiện danh sách 50 doanh nghiệp bất động sản đủ điều kiện để được hỗ trợ tài chính, bao gồm Country Garden và Sino-Ocen Group. Động thái này cho thấy Bắc Kinh sẵn lòng hỗ trợ một số doanh nghiệp khủng hoảng trầm trọng nhất.
Trong khi đó, cơ quan làm luật hàng đầu Trung Quốc kêu gọi các ngân hàng tăng tài trợ cho các doanh nghiệp bất động sản để giảm thiểu nguy cơ vỡ nợ, đồng thời đảm bảo các dự án được hoàn tất.
“Hoàn tất các dự án dang dở là vấn đề quan trọng nhằm khôi phục niềm tin của người dân vào Chính phủ và ngân hàng”, Lu Ting, Chuyên gia kinh tế tại Nomura Holdings, chia sẻ.
Trong bối cảnh Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đẩy mạnh hỗ trợ nền kinh tế, các động thái tuần này cho thấy Trung Quốc đang nỗ lực ngăn chặn khủng hoảng bất động sản lan rộng. Dù cổ phiếu bất động sản leo dốc trong vài ngày gần đây, nhiều nhà đầu tư vẫn lo ngại các cơ quan chức trách chưa đưa ra chính sách đủ mạnh để vực dậy tăng trưởng ở một lĩnh vực quan trọng với nền kinh tế chung và các động thái này cũng sẽ bóp nghẹt lợi nhuận ở các ngân hàng lớn nhất Trung Quốc.
Bên cạnh khó khăn của bất động sản, ngành ngân hàng cũng đang chật vật với biên lợi nhuận ngày càng co hẹp, trong khi nợ xấu ngày càng tăng vì họ được Chính phủ chỉ đạo hỗ trợ cho nền kinh tế và ngăn chặn rủi ro lan truyền từ lĩnh vực bất động sản. Trong năm qua, các cơ quan chức trách đã kêu gọi ngân hàng giảm lãi suất tiền gửi 3 lần để giảm áp lực biên lợi nhuận, đồng thời giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc 2 lần để tăng khả năng cho vay của các ngân hàng.
Biên lãi ròng của các ngân hàng quốc doanh lớn đã giảm xuống mức thấp kỷ lục 1.74% vào cuối tháng 6/2023, thấp hơn ngưỡng được cho là mức biên lợi nhuận cần thiết để duy trì khả năng sinh lãi hợp lý của ngành (1.8%).
Trong bối cảnh khó khăn, nhóm ngân hàng cũng “bầm dập” trên thị trường chứng khoán. Chỉ số theo dõi các cổ phiếu ngân hàng Trung Quốc niêm yết ở Hồng Kông giảm tới 18% so với mức đỉnh tháng 5, trong khi 4 ngân hàng quốc doanh lớn có định giá thấp lịch sử với P/B 0.4 lần.
Theo các thành viên Ủy ban Thường vụ của Quốc hội Trung Quốc, việc tăng nguồn tài trợ cho các dự án sẽ xoa dị nỗi lo của các hộ gia đình.
“Cũng như morphine giúp giảm đau, nhưng vẫn cần thời gian để phục hồi. Đây là động thái để đảm bảo hoàn tất các dự án còn dang dở và để ngăn chặn kỳ vọng ngày càng xấu đi về triển vọng kinh tế Trung Quốc”, Steven Leung, Giám đốc điều hành tại UOB Kay Hian ở Hồng Kông, chia sẻ.
Chặng đường ổn định lĩnh vực bất động sản của Trung Quốc vẫn còn lắm gian nan. Trong báo cáo công bố gần đây, Nomura ước tính tổng lượng vốn cần thiết để hoàn tất các dự án còn dang dở ở mức 3.2 ngàn tỷ Nhân dân tệ (446 tỷ USD).
Vũ Hạo (Theo Bloomberg)
FILI
|