9 tháng năm 2023, tỉ lệ thất nghiệp khu vực thành thị là 2.55%
Trong 9 tháng năm 2023, thị trường lao động tiếp tục được phục hồi. Lực lượng lao động, số người có việc làm quý 3/2023 tiếp tục tăng so với quý trước và so với cùng kỳ năm trước.
Thứ trưởng Bộ LĐTB&XH Nguyễn Thị Hà thông tin về kết quả thực hiện chính sách lao động, người có công và xã hội 9 tháng năm 2023 - Ảnh: VGP/Thu Cúc
|
Thông tin trên được đưa ra tại cuộc họp báo thông tin về kết quả thực hiện chính sách lao động, người có công và xã hội 9 tháng năm 2023 do Bộ LĐTB&XH tổ chức chiều 17/10.
Số người có việc làm tăng trong quý 3
Tính chung 9 tháng năm 2023, tỉ lệ thất nghiệp khu vực thành thị là 2.55%. Ước thực hiện năm 2023, tỉ lệ thất nghiệp khu vực thành thị là 2.76%.
Tỉ lệ lao động qua đào tạo khoảng 67.7%; tỉ lệ lao động qua đào tạo có bằng, chứng chỉ đạt 26.8%. Ước thực hiện năm 2023, tỉ lệ lao động qua đào tạo đạt khoảng 68%; trong đó, tỉ lệ lao động qua đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ đạt khoảng 27-27.5%.
Ước tỉ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều cuối năm 2023 giảm khoảng 1,1% so với cuối năm 2022, đạt mục tiêu đề ra.
Trong 9 tháng năm 2023, tổng số lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài là 111,507 lao động (38,816 lao động nữ) đạt 101.37% kế hoạch năm 2023 và bằng 108.23% so với cùng kỳ năm ngoái.
Theo Thứ trưởng Bộ LĐTB&XH Nguyễn Thị Hà, đáng chú ý, trong 9 tháng năm 2023, thị trường lao động tiếp tục được phục hồi. Lực lượng lao động, số người có việc làm quý 3/2023 tiếp tục tăng so với quý trước và so với cùng kỳ năm trước. Tình trạng hàng trăm ngàn lao động buộc nghỉ giãn việc, thôi việc, mất việc ở các doanh nghiệp diễn ra từ quý 4 năm 2022 đã "giảm nhiệt" trong quý này. Tuy nhiên, lao động phi chính thức chiếm tỉ trọng lớn (khoảng 3/5 tổng số lao động có việc làm của cả nước).
Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ LĐTB&XH đã chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương tiếp tục thực hiện Chương trình hỗ trợ phát triển thị trường lao động đến năm 2030; triển khai thực hiện Nghị quyết 06/NQ-CP ngày 10/1/2023 của Chính phủ về phát triển thị trường lao động linh hoạt, hiện đại, hiệu quả, bền vững và hội nhập quốc tế và các giải pháp, chương trình đề án về lao động - việc làm.
Các giải pháp kết nối cung - cầu lao động, nhất là kết nối thông tin về lao động - việc làm giữa các tỉnh có nguồn nhân lực dồi dào với các tỉnh, thành phố kinh tế trọng điểm, được tăng cường. Hệ thống thông tin thị trường lao động tiếp tục được quan tâm đầu tư, nhất là ứng dụng chuyển đổi số và công nghệ thông tin trong kết nối cung - cầu lao động; hiệu quả hoạt động của các trung tâm giới thiệu việc làm tiếp tục được nâng cao.
Có thể không kịp điều chỉnh lương tối thiểu vùng từ 1/1/2024
Thông tin về vấn đề lương tối thiểu, ông Tống Văn Lai, Phó Cục trưởng Cục Quan hệ lao động và Tiền lương cho biết, Bộ LĐTB&XH đã báo cáo Chính phủ lùi thời gian trình phương án tăng lương tối thiểu tới cuối năm nay.
"Bộ LĐTB&XH đã báo cáo Chính phủ lùi thời gian trình phương án tăng lương tối thiểu tới cuối năm nay. Dự kiến cuối tháng 11, phiên thương lượng thứ hai mới diễn ra. Sau phiên họp bàn này, Hội đồng Tiền lương quốc gia mới thống nhất và trình đề xuất lên Chính phủ. Quy trình như vậy khó có thể kịp điều chỉnh lương tối thiểu vào đầu năm sau", ông Tống Văn Lai thông tin.
Hội đồng Tiền lương quốc gia dự kiến sẽ bàn bạc về thời điểm và mức tăng lương tối thiểu vùng năm 2024 vào cuối quý 4/2023.
Điểm lại 10 năm qua, lương tối thiểu thường điều chỉnh vào ngày 1/1 hằng năm nhưng riêng năm 2022 lại điều chỉnh vào ngày 1/7, do ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19. Vì vậy, ông Tống Văn Lai cho biết năm 2024 có thể cũng sẽ không điều chỉnh tiền lương tối thiểu vùng vào ngày 1/1/2024.
Ông Tống Văn Lai cho biết thêm, Hội đồng Tiền lương quốc gia hiện nay có 17 thành viên gồm 5 thành viên thuộc Bộ LĐTB&XH, 5 thành viên đại diện doanh nghiệp, 5 thành viên đại diện người lao động và 2 chuyên gia độc lập. Từ khi thành lập đến nay, trong 10 năm qua, Chính phủ đều điều chỉnh tiền lương tối thiểu vùng theo đề xuất của Hội đồng Tiền lương quốc gia.
Trước đó, tại phiên họp đầu tiên vào đầu tháng 8/2023, Hội đồng Tiền lương quốc gia thống nhất hoãn thương lượng tăng lương tối thiểu đến cuối năm nay mới bàn thảo tiếp về mức điều chỉnh và thời điểm điều chỉnh. Nguyên nhân là do suy thoái kinh tế thế giới đã ảnh hưởng đến các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp trong các ngành sử dụng nhiều lao động như dệt may, da giày, gỗ... khiến hơn nửa triệu lao động mất việc, giảm giờ làm. Việc điều chỉnh mức tăng và thời điểm tăng sẽ cần phải được xem xét kỹ lưỡng hơn.
Lương tối thiểu vùng là mức thấp nhất làm cơ sở để doanh nghiệp thỏa thuận, trả lương cho người lao động. Mức này áp dụng với người làm việc theo chế độ hợp đồng của Bộ luật Lao động; làm việc trong doanh nghiệp; hợp tác xã, trang trại, hộ gia đình, cá nhân và tổ chức khác của Việt Nam có thuê mướn lao động theo hợp đồng; cơ quan, tổ chức nước ngoài, tổ chức quốc tế và cá nhân người nước ngoài tại Việt Nam có thuê lao động.
Từ ngày 1/7/2022 đến nay, lương tối thiểu vùng 1 là 4.68 triệu đồng; vùng 2 là 4.16 triệu đồng, vùng 3 là 3.64 triệu đồng và vùng 4 là 3.25 triệu đồng.
Nhật Quang
FILI
|