Thứ Hai, 09/10/2023 10:41

Cước vận chuyển hàng trong nước đắt hơn quốc tế, doanh nghiệp lo

Cước vận chuyển hàng trong nước hiện đắt hơn từ nước ngoài về, doanh nghiệp lo lắng vì lượng khách đang vơi dần.

Thời gian qua, chi phí vận chuyển trong nước cao hơn cước vận chuyển hàng hóa từ nước ngoài về. Điều này khiến các doanh nghiệp (DN) bán hàng trên sàn thương mại điện tử (TMĐT) lẫn truyền thống gặp khó khăn trong bối cảnh thị trường chưa khởi sắc.

Cước vận chuyển liên tỉnh cao, đơn hàng giảm

Bà Lê Thị Phượng Diễm, Phó Giám đốc Công ty TNHH MTV TD (bán hàng gia dụng trên sàn TMĐT), cho biết từ đầu năm đến nay có sàn TMĐT tăng chi phí từ 2,5% lên đến 4%. Đáng chú ý, giá cước vận chuyển liên tỉnh còn cao hơn cước mua hàng từ Trung Quốc về Việt Nam (VN).

Bà Diễm dẫn chứng khi đặt bộ sản phẩm lau nhà trực tiếp từ Trung Quốc về TP.HCM phí vận chuyển khoảng 17.000 đồng, trong khi cùng bộ sản phẩm này đặt từ Hà Nội về TP.HCM thì phí vận chuyển tiêu chuẩn khoảng 36.500 đồng.

Các doanh nghiệp cho biết hiện chi phí vận chuyển hàng hóa từ Trung Quốc về Việt Nam rẻ hơn chi phí vận chuyển trong nước. Ảnh: T.UYÊN ảnh 1
Các doanh nghiệp cho biết hiện chi phí vận chuyển hàng hóa từ Trung Quốc về Việt Nam rẻ hơn chi phí vận chuyển trong nước. Ảnh: T.UYÊN

 

Bà Diễm cho rằng do giá cước vận chuyển liên tỉnh trong nước cao đã khiến đơn hàng sức mua giảm rõ. “Ngay khách hàng quen ở Hà Nội đã mua 8-10 quạt máy của shop chúng tôi, sau khi hỏi về phí vận chuyển mới, khách hàng không mua nữa” - bà Diễm thông tin thêm.

Bà Diễm cho biết thêm trước đây phí ship chỉ khoảng 55.000 đồng nhưng hiện tại đã tăng lên 125.000 đồng cho cùng sản phẩm khiến khách hàng e dè khi mua.

Liên quan đến logistics, mới đây trong công văn trả lời chất vấn đại biểu Quốc hội tỉnh Cà Mau, Bộ GTVT cho biết thời gian tới tiếp tục phối hợp với các bộ, ngành… tập trung phát triển cơ sở hạ tầng giao thông hiện đại. Đồng thời phân cấp, phân quyền cho địa phương trong hoạt động đầu tư, khai thác hạ tầng nhằm tiếp tục kéo giảm tỉ lệ chi phí logistics.

Cùng nhìn nhận trên, ông Phạm Quang Anh, Giám đốc Công ty TNHH May mặc Dony, cho biết trong bối cảnh khó khăn các DN một mặt chấp nhận giảm lợi nhuận để có được đơn hàng duy trì sản xuất. Mặt khác, công ty đối mặt với những vấn đề tuy nhỏ nhưng khiến sức cạnh tranh giảm, đó chính là chi phí logistics.

“Chi phí vận chuyển nội địa cao, chưa kể giá xăng dầu tăng 1%-2% thì giá thành sản phẩm đã tăng 5%-7%” - ông Quang Anh chia sẻ.

Lý do phí vận chuyển quốc tế rẻ hơn trong nước

Lý giải về vấn đề trên, ông Nguyễn Minh Đức, Phó Tổng Thư ký Hiệp hội TMĐT VN, cho biết phí vận chuyển từ quốc tế như Trung Quốc về VN rất rẻ, phần lớn là rẻ hơn cả từ Hà Nội về TP.HCM.

Nguyên nhân là khối lượng đơn hàng (đi một lần) từ Trung Quốc về VN nhiều hơn các khối lượng đơn hàng vận chuyển trong nước. Bên cạnh đó, Trung Quốc có thêm một số lợi thế như nhân công rẻ, hệ thống kho vận hoạt động bằng robot nhiều, hệ thống tàu cao tốc và hàng không rẻ. Ngoài ra, họ còn có trợ giá từ một số bên thứ ba có lợi ích liên quan như DN mua hàng từ Trung Quốc, việc được hưởng chênh lệch thông qua mua hộ hoặc đổi ngoại tệ…

Ông Trương Văn Quý, chuyên gia tư vấn và đào tạo digital marketing, Giám đốc điều hành EQVN, cũng cho biết Trung Quốc có một nền TMĐT phát triển mạnh với hạ tầng logistics quy mô và ứng dụng nhiều công nghệ hiện đại.

Theo các doanh nghiệp, chi phí vận chuyển cao cũng khiến giá cả sản phẩm tăng lên. Ảnh: T.UYÊN

Chi phí logistics của Trung Quốc được tối ưu bằng công nghệ và sự hợp tác giữa các công ty vận chuyển và sàn TMĐT, công ty vận chuyển và các nhà bán hàng. Ngoài ra, Trung Quốc và các địa phương có chính sách hỗ trợ mạnh mẽ đối với ngành logistics và hỗ trợ chi phí giao hàng cho các nhà bán hàng của họ.

“Với sản lượng lớn, ứng dụng công nghệ cao và sự hợp tác tốt của các bên, chi phí logistics của Trung Quốc rất cạnh tranh. Vì vậy, không chỉ trên các sàn TMĐT VN mà ngay tại Mỹ, chi phí giao hàng từ Trung Quốc đến khách lẻ ở Mỹ qua các sàn TMĐT như Amazon cũng có thể rẻ hơn chi phí giao hàng nội địa của Mỹ” - ông Quý nói.

Ông Quý cũng cho rằng với các mô hình kinh doanh TMĐT đơn giản bằng cách nhập hàng Trung Quốc về VN rồi đưa lên các sàn TMĐT VN để bán chắc chắn nhà bán hàng sẽ rất khó để cạnh tranh trực tiếp với các nhà bán hàng Trung Quốc.

Cần tận dụng lợi thế

Để cải thiện tình hình nói trên, theo ông Quý, DN nên điều chỉnh mô hình kinh doanh, lựa chọn sản phẩm khác biệt mới có thể cạnh tranh được trong bối cảnh hiện nay.

Ông Lương Trung Tình, Giám đốc kinh doanh miền Nam Best Express, cho biết các nhà bán hàng tận dụng lợi thế sân nhà để tối ưu tốc độ giao tức thì. Ví dụ lưu kho các sản phẩm bán chạy ở các TP lớn, xử lý giao nhanh trong ngày hoặc trong 24 giờ tối ưu tùy chỉnh theo nhu cầu cá nhân của khách hàng và tối ưu dịch vụ bảo hành, đổi trả.

“Đây là lợi thế DN có thể chủ động để cạnh tranh. Riêng chi phí giao hàng cần sự hợp tác của các đơn vị vận chuyển với nhau vì vẫn là vấn đề tối ưu dung lượng, quy trình…” - ông Tình nói.

Theo các chuyên gia, hiện nay giá xăng dầu của VN không thấp hơn so với các nước, chủ yếu vận chuyển bằng đường bộ đồng thời việc tổ chức của các đơn vị vận chuyển vẫn chưa tự động hóa cao… Vì vậy, ngành logistics VN đầu tư mạnh mẽ hơn, nhanh chóng chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin… từ đó giúp giảm chi phí, nâng cao khả năng cạnh tranh cho DN.

Phí vận chuyển container từ Việt Nam sang Mỹ chỉ hết 1.000 USD

Về thông tin phí vận chuyển một container từ Bắc vào Nam khoảng 2.000 USD trong khi từ VN sang Mỹ chỉ hết 1.000 USD, Bộ GTVT cho biết: Các số liệu khảo sát hiện nay cho thấy chi phí vận chuyển container 20 feet từ Bắc vào Nam như đại biểu đưa ra (2.000 USD) tương ứng vận chuyển bằng đường bộ. Tuy nhiên, tùy mặt hàng, nhu cầu về thời gian DN có thể lựa chọn đường sắt, đường biển chi phí 50%-70% so với đường bộ.

Hiện nay, cước vận tải đường biển một container 40 feet đi Mỹ giá khoảng 2.000-2.500 USD trong khi giai đoạn dịch COVID-19 có thể lên đến 20.000 USD.

Qua đó, cho thấy việc so sánh chi phí vận tải giữa các cung - chặng, phương thức vận tải khác nhau rất khó chính xác để quy đổi về cùng một mặt bằng tương ứng.

TÚ UYÊN

Pháp luật TPHCM

Các tin tức khác

>   Món ngon từ… mít (07/10/2023)

>   Yêu cầu các hãng hàng không báo cáo việc ‘sốt ảo’ vé Tết (05/10/2023)

>   40% ngành hàng tiêu dùng nhanh không thể giữ chân khách hàng (05/10/2023)

>   Bánh mì Phượng (Hội An) bị phạt 96 triệu đồng, đình chỉ hoạt động 3 tháng (03/10/2023)

>   Giá vé máy bay cao ngất: Hàng không có ‘tận thu’? (03/10/2023)

>   Vì sao tiền điện tháng 9 ở TP HCM tăng vọt? (02/10/2023)

>   Vì sao không lập một phương án nghỉ Tết Nguyên đán cố định cho các năm để áp dụng chung? (02/10/2023)

>   Đói lòng ăn nửa trái sim… (30/09/2023)

>   Giả mạo website bán vé concert ban nhạc Westlife để lừa đảo (30/09/2023)

>   Bộ Nội vụ thống nhất nghỉ 7 ngày Tết Nguyên đán 2024 (27/09/2023)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật