"Vua hàng hiệu" Johnathan Hạnh Nguyễn động viên các doanh nghiệp đừng hoang mang
Doanh nhân Johnathan Hạnh Nguyễn cho biết việc nhanh nhạy ứng dụng công nghệ thông tin vào quản lý, tiếp thị, bán hàng đã mang về doanh thu "khủng" cho công ty trong lẫn sau COVID-19.
Ngày 25-2, Hiệp hội Doanh nghiệp (DN) TP HCM - HUBA tổ chức chương trình Cà phê doanh nhân lần thứ 67 chủ đề "Gặp mặt đầu năm - Dự báo kinh tế Việt Nam và TP HCM năm 2023".
Chia sẻ tại chương trình, ông Johnathan Hạnh Nguyễn, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Liên Thái Bình Dương (IPPG), động viên các DN đừng hoang mang trước tình hình kinh tế thế giới lẫn trong nước năm 2023 dự báo sẽ khó khăn hơn năm 2022.
"Trong cái khó ló cái khôn, trong cái rủi có cái may. Chẳng hạn công ty tôi, dịch COVID-19 khiến việc đi lại khó khăn, kinh tế kiệt quệ... nhiều người nghĩ ngành hàng thời trang cao cấp sẽ không sống nổi nhưng thực tế 3 năm qua, doanh thu của chúng tôi liên tục tăng trưởng.
Giới mê hàng hiệu Việt Nam không được đi Singapore, Hồng Kông, Milan... săn đồ hiệu, chúng tôi tiếp cận tệp khách hàng này bằng cách gửi hình ảnh sản phẩm cho họ xem, gửi mẫu trực tiếp đến cho họ thử... Kết quả là doanh số bán hàng tăng vọt so với trước đây" - "vua hàng hiệu" chia sẻ cách làm.
Theo thông tin được công bố trước đây, chỉ riêng năm 2022, IPPG Fashion đạt doanh thu và lợi nhuận kỷ lục: doanh thu tăng gần 2.000 tỉ đồng, từ 3.139 tỉ đồng năm 2021 lên 5.132 tỉ đồng. Mức tăng trưởng đạt 64%, trong khi lợi nhuận trước thuế tăng 11 lần (từ 39 tỉ đồng lên 432 tỉ đồng).
Ông Johnathan Hạnh Nguyễn, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Liên Thái Bình Dương (IPPG) phát biểu tại chương trình Cà phê doanh nhân HUBA ngày 24-2
|
Ông cho biết thêm việc kinh doanh của IPPG đã được ông giao cho thế hệ kế thừa. Thế hệ này thông minh hơn, nhanh nhạy hơn, nắm bắt và ứng dụng các xu hướng kinh doanh hiện đại tốt hơn nên việc kinh doanh hiệu quả hơn.
Bàn về giải pháp hỗ trợ DN phát triển trong năm 2023, tỉ phú hàng hiệu Việt Nam cho rằng khách hàng lớn nhất, tiêu thụ nhiều nhất thế giới chính là các tập đoàn phân phối bán lẻ. Vẫn còn rất nhiều tập đoàn chưa vào Việt Nam. Vì vậy, trong kế hoạch tổ chức hội chợ triển lãm sắp tới, HUBA cần có cách làm đột phá và chuẩn bị kỹ để mời các tập đoàn phân phối lớn đến tham quan, tìm hiểu hàng hoá của nhiều ngành nghề, nhiều lĩnh vực. Từ đó, kết nối cơ hội làm ăn quốc tế với những nhà kinh doanh lớn cho các nhà sản xuất trong nước.
"Quan trọng là có thị trường, có khách hàng thì chúng ta sẽ sản xuất để đáp ứng nhu cầu thị trường. HUBA phải hỗ trợ tìm thị trường cho DN" - ông Johnathan Hạnh Nguyễn nhấn mạnh.
Cũng nói về đầu ra tiêu thụ sản phẩm cho DN nhưng ở thị trường trong nước, ông Nguyễn Anh Đức, Tổng giám đốc Liên hiệp HTX Thương mại TP HCM (Saigon Co.op), cho biết đang có sự dịch chuyển kênh phân phối từ hiện đại sang truyền thống, thị phần bán lẻ hiện đại từ mức 24% trong dịch COVID-19 đã giảm còn 18% trong năm 2022.
"Thực tế này buộc DN phải cân nhắc kênh bán hàng tối ưu, tập trung vào lĩnh vực thế mạnh để gia tăng hiệu quả hoạt động trong bối cảnh kinh tế khó khăn, cạnh tranh thị trường gay gắt hơn" - ông Đức nêu.
Theo ông Đức, thị trường đang chứng kiến sự "đổ bộ" của hàng hóa xuất khẩu quay về nội địa bà hàng hoá ngoại nhập từ các quốc gia có hiệp định thương mại với Việt Nam. Ngoài ra, xu hướng kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn đang là xu thế tất yếu mà DN cần phải chuẩn bị.
Thanh Nhân
Người lao động
|