Thứ Năm, 05/05/2022 20:40

Kinh tế giảm tốc, Trung Quốc phải nương tay với đại gia công nghệ

Sau quãng thời gian liên tục gia tăng sức ép, Chính phủ Trung Quốc giờ đây đang tính tới việc nới lỏng kiểm soát đối với các đại gia công nghệ và trao cho họ vai trò lớn hơn trong việc thúc đẩy nền kinh tế đang có dấu hiệu giảm tốc.

Tín hiệu nới lỏng kiểm soát

SCMP trích dẫn các nguồn tin thân cận cho biết, vào đầu tháng 5, Trung Quốc dự kiến sẽ tổ chức một hội nghị chuyên đề với các công ty công nghệ lớn của nước này, dự kiến sẽ do đích thân Chủ tịch Tập Cận Bình chủ trì. Kế hoạch này đã làm dấy lên hy vọng về việc Bắc Kinh sẽ dừng thắt chặt kiểm soát lĩnh vực công nghệ và trao cho các nền tảng Internet những vai trò lớn hơn để hỗ trợ nền kinh tế.

Tại hội nghị chuyên đề dự kiến diễn ra sau kỳ nghỉ lễ Quốc tế Lao động, giới chức Trung Quốc sẽ đảm bảo với các nhà điều hành doanh nghiệp công nghệ rằng, cơ quan quản lý sẽ không còn đưa ra các quyết định hoặc án phạt tiền bất ngờ.

Trước đó, hôm 29-4, cuộc họp Bộ Chính trị do Chủ tịch Tập Cận Bình chủ trì đã nhất trí rằng Trung Quốc sẽ thúc đẩy “sự phát triển lành mạnh” của nền kinh tế Internet. Chính quyền trung ương cho biết sẽ bình thường hóa việc kiểm soát đối với lĩnh vực công nghệ và thiết kế các biện pháp cụ thể để hỗ trợ ngành này.

Ngoài ra, một số nguồn tin cho biết các nhà quản lý Trung Quốc và Mỹ đang thảo luận về chi tiết của một thỏa thuận kiểm toán mà Trung Quốc hy vọng sẽ được ký kết trong năm nay. Đây là động thái mới nhất nhằm cố gắng giữ các công ty Trung Quốc khỏi bị loại khỏi các sàn giao dịch chứng khoán của Mỹ.

Justin Tang – người đứng đầu bộ phận nghiên cứu của United First Partners cho biết, Trung Quốc dường như đang “thỏa hiệp” với các quy định của Chính phủ Mỹ nhằm đảm bảo cho việc niêm yết tại nước ngoài của các công ty Trung Quốc. “Cổ phiếu đang bị bán tháo quá mức, và có nhiều suy đoán về khả năng chấm dứt các biện pháp thắt chặt kiểm soát nhằm vào các doanh nghiệp này”.

Hy vọng vực dậy nền kinh tế

Theo các nguồn tin, thông điệp chính mà Trung Quốc muốn đưa ra với các công ty công nghệ là nhà nước muốn họ phát triển và đóng vai trò quan trọng trong nỗ lực thúc đẩy nền kinh tế, vốn đang chịu nhiều ảnh hưởng tiêu cực từ các biện pháp phòng dịch Covid-19 nghiêm ngặt.

Các số liệu được Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc (NBS) công bố hôm 18-4 cho thấy nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới trong quí 1 đã đạt mức tăng trưởng 4,8% so với cùng kỳ năm ngoái. Tuy nhiên, đà tăng trưởng này chủ yếu được thúc đẩy bởi hoạt động kinh tế khả quan trong hai tháng đầu năm.

Trong bối cảnh đó, Trung Quốc đang chờ đợi nhiều hơn những tác động kinh tế tích cực từ các nền tảng lớn. Chẳng hạn như, các nền tảng có thể tham gia phân phối các phiếu mua hàng (voucher) đến người tiêu dùng. Trên thực tế, trong thời gian qua, một số chính quyền địa phương đã bắt đầu tặng phiếu mua hàng giảm giá cho người dân thông qua các nền tảng Internet.

Động thái trên được đánh giá là tín hiệu chính sách mạnh mẽ nhất đến từ trung ương, kể từ khi Trung Quốc tổ chức chiến dịch siết chặt hoạt động đối với các đại gia công nghệ trong nước nhằm kiềm chế “sự bành trướng phi lý về vốn” vào cuối năm 2020. Các biện pháp siết chặt trong khoảng 18 tháng qua là một trong những rủi ro lớn nhất đối với các nhà đầu tư nắm giữ cổ phiếu công nghệ của Trung Quốc, xóa sổ hàng ngàn tỉ đô la giá trị thị trường trên khắp các sàn chứng khoán từ New York cho tới Hồng Kông. Đồng thời, việc này cũng đã ngăn cản nguồn vốn đầu tư mạo hiểm đổ vào các công ty khởi nghiệp công nghệ Trung Quốc.

Giới chức Bắc Kinh kỳ vọng, những sự thay đổi về mặt chính sách sẽ góp phần thúc đẩy đà tăng trưởng của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới. Trung Quốc đã đặt mục tiêu tăng trưởng 5,5% trong cả năm 2022, song các chuyên gia cho rằng sẽ rất khó để đạt được mục tiêu trên nếu không có sự hỗ trợ đáng kể cho nền kinh tế. Trước đó, Ngân hàng Thế giới (WB) đã hạ dự báo tăng trưởng của Trung Quốc trong cả năm 2022 từ 5,4% xuống còn 5%. Còn theo Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc sẽ giảm tốc từ mức 8,1% trong năm ngoái, xuống còn 4,9% trong năm nay, thấp hơn nhiều so với mục tiêu Chính phủ Trung Quốc đặt ra.

Những kỳ vọng của giới đầu tư

Sau khi tuyên bố của Bộ Chính trị Trung Quốc được đưa ra, nhóm cổ phiếu công nghệ của nước này đã tăng mạnh tại sàn giao dịch Hồng Kông, trong đó cổ phiếu Alibaba tăng 15,69%, Tencent tăng 11,07% và Meituan tăng 15,51%. Chỉ số Hang Seng của Hồng Kông, cũng ghi nhận mức tăng 4% trong khi chỉ số CSI 300 của Trung Quốc đại lục bật tăng 2,4%.

Những thông điệp mới từ giới chức Trung Quốc đang khiến giới đầu tư hy vọng rằng giai đoạn tồi tệ nhất đối với lĩnh vực công nghệ của nước này, khởi đầu bằng một loạt cuộc điều tra dồn dập từ hồi cuối năm 2020, có thể sẽ sớm chấm dứt. Các chuyên gia phân tích tại Macquarie Capital nhận định “cuộc họp của Bộ Chính trị Trung Quốc muốn đảm bảo với thị trường rằng, chiến dịch thắt chặt kiểm soát từ cuối năm 2020 đã kết thúc”.

Ông Gary Ng, nhà kinh tế cấp cao tại công ty quản lý tài sản Natixis, đánh giá cuộc họp của Bộ Chính trị Trung Quốc “là một dấu hiệu tích cực, cho thấy chính phủ nước này trong ngắn hạn đang ưu tiên tăng trưởng kinh tế hơn so với nhiều mục tiêu khác, như giảm đòn bẩy nợ hoặc sửa đổi quy định”.

“Trong nhiều năm qua, các cơ quan quản lý Trung Quốc đã cố gắng cân bằng giữa tăng trưởng và thắt chặt quản lý”, ông Ming Liao, đối tác sáng lập của công ty quản lý tài sản Prospect Avenue Capital nhận định. “Hiện thời, chúng ta có thể thấy, các đợt siết chặt quản lý nhằm vào lĩnh vực công nghệ đang được dừng lại trong bối cảnh nền kinh tế đang tìm kiếm động lực tăng trưởng”. Ông Ming Liao cũng cho biết thêm rằng các nhà đầu tư đang chờ đợi các chính sách quản lý để ổn định triển vọng đầu tư vào Trung Quốc, đặc biệt là một bộ luật rõ ràng về niêm yết chứng khoán tại nước ngoài.

Thị trường thận trọng chờ đợi

Tuy nhiên, một số chuyên gia vẫn tỏ ra thận trọng trước những động thái từ Bắc Kinh và cho biết, mặc dù những tín hiệu ban đầu là khá tích cực, thị trường vẫn cần chờ đợi để xem xét những chính sách cụ thể sẽ được ban hành.

“Nền kinh tế Trung Quốc đang gặp khó khăn, với GDP quí 2 có khả năng ghi nhận mức tăng trưởng âm so với cùng kỳ năm ngoái. Một sự thay đổi đáng kể trong chính sách vĩ mô là điều cần thiết”, Zhang Zhiwei, Chủ tịch kiêm chuyên gia kinh tế trưởng tại Pinpoint Asset Management nhận định. “Chúng tôi sẽ quan sát các hành động của chính phủ trong vài tuần tới và cập nhật quan điểm của mình cho phù hợp”.

Trên thực tế, sau đợt bán tháo ồ ạt hồi giữa tháng 3, cổ phiếu công nghệ Trung Quốc cũng từng tăng mạnh trở lại khi Phó thủ tướng Lưu Hạc đưa ra một loạt các cam kết về chính sách, trong đó yêu cầu thiết lập những quy định “minh bạch và có thể dự đoán” được đối với lĩnh vực công nghệ. Tuy nhiên, sau đó, sự bùng nổ của đại dịch Covid-19 và sự thiếu vắng các bước đi chính sách cụ thể đã tiếp tục đè nặng lên thị trường chứng khoán.

Wu Xianfeng, Giám đốc quỹ tại công ty Shenzhen Longteng Assets Management, cho biết “các cam kết mới về cơ bản giống với những gì ông Lưu Hạc đã tuyên bố, nhưng trong những tuần qua, vẫn có nhiều người nghĩ rằng đây chỉ là những tuyên bố không thực chất. Hiện chúng tôi vẫn đang trong quá trình chứng kiến việc thực thi chính sách”.

Trong khi đó, chuyên gia Prashant Bhayani, giám đốc đầu tư khu vực châu Á của BNP Paribas Wealth Management, lại so sánh giữa hai giai đoạn và cho rằng tác động kinh tế từ đại dịch Covid-19 đang khiến mọi thứ trở nên cấp bách hơn, từ đó thúc đẩy Chính phủ Trung Quốc phải đẩy mạnh điều chỉnh chính sách. “Thời điểm hiện tại có nhiều điều kiện lý tưởng cho sự thay đổi hơn so với những gì đã diễn ra hồi tháng 3”, ông khẳng định.

Do vậy, ông Louis Lau, Giám đốc đầu tư của Công ty Brandes Investment Partners ở San Diego (Mỹ) nhận định, nếu các nhà hoạch định chính sách Trung Quốc sẵn sàng thay đổi, triển vọng hỗ trợ tăng trưởng kinh tế vẫn còn rất lớn. “Có rất nhiều khả năng để chứng khoán Trung Quốc phục hồi, nếu các nhà đầu tư lấy lại niềm tin và các nền tảng kinh tế thực sự được cải thiện”.

Ở chiều ngược lại, ông Kenny Wen – chiến lược gia tại Công ty Everbright Sun Hung Kai lại cho rằng, mặc dù Chính phủ Trung Quốc đang nỗ lực “câu giờ” để hỗ trợ nền kinh tế, nhưng các biện pháp này là chưa đủ mạnh để đảm bảo cho một sự phục hồi vững chắc. Lý do là bởi các điều kiện môi trường bên ngoài chưa đủ tốt. “Chúng ta vẫn đang phải đối mặt với chiến tranh, lãi suất tăng và dịch Covid-19. Đó là những yếu tố mà Bắc Kinh không thể kiểm soát”.

Song Thanh

TBKTSG

Các tin tức khác

>   Chuyện gì xảy ra khi EU chấm dứt nhập khẩu dầu Nga? (05/05/2022)

>   Lạm phát tại Anh cao nhất trong hơn 10 năm (05/05/2022)

>   Trung Quốc có thể tốn gần 260 tỷ USD/năm để xét nghiệm Covid hàng loạt (05/05/2022)

>   Các nước đua nhau bảo vệ nguồn lương thực dự trữ bằng cách hạn chế xuất khẩu (05/05/2022)

>   Vết thương kinh tế lan rộng ở Trung Quốc (05/05/2022)

>   Điều gì xảy ra nếu Trung Quốc chịu lệnh trừng phạt giống Nga? (05/05/2022)

>   Fed nâng lãi suất 50 điểm cơ bản, giảm quy mô nắm giữ trái phiếu từ tháng 6 (05/05/2022)

>   Mỹ xem xét gia hạn thuế quan đối với hàng nhập khẩu Trung Quốc (04/05/2022)

>   Kinh tế thế giới có sẵn sàng đối mặt 'lạm phát đình trệ' trong 2022? (04/05/2022)

>   Các ông lớn tiếp tục đau đầu vì thiếu hụt nguồn cung chip (04/05/2022)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật