Thứ Năm, 05/05/2022 08:58

Vết thương kinh tế lan rộng ở Trung Quốc

Ngay cả những khu vực không ghi nhận ca nhiễm Covid-19 mới nào tại Trung Quốc cũng chịu ảnh hưởng vì chuỗi cung ứng bị tê liệt, người tiêu dùng không dám chi tiêu.

Theo CNBC, 2 tháng kể từ đợt bùng phát dịch Covid-19 mới nhất tại Trung Quốc, nhiều doanh nghiệp ở 2 thành phố lớn nhất đất nước (tính theo GDP) đã phải hạn chế hoạt động.

Cuối tuần trước, Bắc Kinh đã đóng cửa các công viên giải trí và cấm ăn uống tại nhà hàng để kiểm soát Covid-19. Đây cũng là thời điểm diễn ra kỳ nghỉ lễ kéo dài 5 ngày của nước này.

Trong khi đó, Thượng Hải vẫn duy trì những lệnh cấm nghiêm ngặt, ngay cả sau khi đã nới lỏng một số hạn chế.

Kinh tế Trung Quốc ảnh 1

Bắc Kinh vừa yêu cầu đóng cửa các công viên giải trí và cấm ăn uống tại nhà hàng để kiểm soát Covid-19. Ảnh: Reuters.

Tác động lan tỏa

Wall Street Journal đưa tin theo dữ liệu mới được Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc công bố, chỉ số quản lý thu mua (PMI) trong lĩnh vực sản xuất của nước này đã lao dốc từ 49,5 trong tháng 3 xuống còn 47,4 vào tháng 4. Đây là mức thấp nhất kể từ tháng 2/2020.

Con số này thấp hơn mức dự báo trung bình 48 trước đó của các nhà kinh tế được Wall Street Journal khảo sát.

Chỉ số phụ đo lường hoạt động sản xuất tại nhà máy đã giảm mạnh từ 48,8 vào tháng 3 xuống còn 44,4 trong tháng 4. Theo ông Zhao Qinghe - quan chức cấp cao của Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc, chỉ số lao dốc mạnh do các nhà máy tạm dừng sản xuất để ngăn ngừa virus lây lan.

Hoạt động sản xuất sụt giảm mạnh đã phơi bày cái giá mà Trung Quốc phải trả khi theo đuổi chiến lược Zero-Covid, tức đưa số ca nhiễm mới về 0.

Kinh tế Trung Quốc ảnh 2

Vào tháng 4, PMI trong lĩnh vực sản xuất của Trung Quốc đã lao dốc xuống mức thấp nhất kể từ tháng 2/2020. Ảnh: Zuma Press.

Thượng Hải - trung tâm tài chính với 25 triệu dân - là nơi bị ảnh hưởng nặng nề nhất. Lo ngại về biến chủng mới dễ lây lan hơn và để tránh tình trạng phong tỏa kéo dài như ở Thượng Hải, một số địa phương khác cũng chủ động hạn chế hoạt động di chuyển sau khi phát hiện một vài ca nhiễm mới. Điều này làm gián đoạn các hoạt động kinh tế.

Ngay cả những khu vực không ghi nhận ca nhiễm Covid-19 mới nào cũng chịu ảnh hưởng nghiêm trọng bởi làn sóng dịch bệnh. Các nhà máy ở những khu vực bị phong tỏa phải đóng cửa, các xe tải mắc kẹt trên đường, làm tê liệt mạng lưới hậu cần.

Ngay cả khi được cho phép sản xuất, một số nhà máy vẫn phải dừng hoạt động vì thiếu nguyên liệu. Hàng hóa bị mắc kẹt trong kho cũng không thể tới tay người mua.

"Các doanh nghiệp gặp khó khăn từ hậu cần, vận chuyển, nguồn cung nguyên vật liệu thô, cho đến thành phẩm không thể bán ra, tồn kho quá nhiều", ông Zhao chia sẻ.

Điều đó khiến hoạt động sản xuất và vận hành của doanh nghiệp bị ảnh hưởng nhiều.

Khó đạt mục tiêu tăng trưởng

Nền kinh tế hạ nhiệt nhanh chóng tạo thêm áp lực cho các nhà hoạch định chính sách. Bắc Kinh đặt mục tiêu tăng trưởng GDP 5,5% trong năm nay. Tuy nhiên, giới quan sát cho rằng nền kinh tế thứ 2 thế giới khó đạt được mục tiêu này.

Nguyên nhân là các đợt bùng phát Covid-19 mới, ảnh hưởng từ xung đột Nga - Ukraine, sự suy thoái trong lĩnh vực bất động sản và sức mạnh chi tiêu lao dốc.

Sản lượng của các nhà máy đã suy yếu trong tháng 3 do những biện pháp chống dịch gắt gao. Trong khi đó, doanh số bán lẻ cũng sụt giảm vì người tiêu dùng không dám ra ngoài và chi tiêu.

Theo khảo sát của Credit Suisse Group AG với các hộ gia đình ở 56 thành phố, tăng trưởng thu nhập trung bình chỉ đạt 1% trong giai đoạn này.

Các doanh nghiệp gặp khó khăn từ hậu cần, vận chuyển, nguồn cung nguyên vật liệu thô, cho đến thành phẩm không thể bán ra, tồn kho quá nhiều.

Ông Zhao Qinghe, quan chức cấp cao của Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc

Hãng nghiên cứu SpaceKnow Inc. (có trụ sở ở New York) đã sử dụng vệ tinh để theo dõi số lượng phương tiện trong các bãi đỗ xe bên ngoài những trung tâm mua sắm ở Trung Quốc. Các kết quả chỉ ra sự sụt giảm trong hoạt động bán lẻ tháng 3.

Theo ông Julian Evans-Pritchard - chuyên gia kinh tế cấp cao tại Capital Economics, tốc độ phục hồi kinh tế từ làn sóng Covid-19 hiện tại của Trung Quốc có thể chậm hơn so với hồi năm 2020.

Ông chỉ ra hỗ trợ chính sách hạn chế và những thách thức của lĩnh vực xuất khẩu. Cách đây 2 năm, xuất khẩu từng là động lực chính cho đà phục hồi của Trung Quốc.

Các hoạt động xuất khẩu dễ bị tổn thương bởi những xáo trộn về năng lực sản xuất và vận chuyển trong nước.

Chỉ số phụ theo dõi các đơn hàng xuất khẩu đã giảm từ mức 47,2 hồi tháng 3 xuống 41,6 vào tháng 4. Còn chỉ số đo lường đơn đặt hàng mới lao dốc mạnh từ 49,5 trong tháng 3 còn 42,6 vào tháng trước.

Trung Quốc cho biết nền kinh tế tăng trưởng 4,8% trong quý I/2022 so với một năm trước đó. Một số nhà kinh tế cho rằng nền kinh tế sẽ lao dốc trong quý II.

Nhưng trong những năm qua, Bắc Kinh hiếm khi không đạt được mục tiêu tăng trưởng GDP đã đề ra. Những ngày qua, chính phủ nước này phát tín hiệu sẽ đưa ra nhiều biện pháp tài khóa hơn để hỗ trợ nền kinh tế và ngăn chặn tình trạng suy thoái.

Thảo Phương

ZING

Các tin tức khác

>   Điều gì xảy ra nếu Trung Quốc chịu lệnh trừng phạt giống Nga? (05/05/2022)

>   Fed nâng lãi suất 50 điểm cơ bản, giảm quy mô nắm giữ trái phiếu từ tháng 6 (05/05/2022)

>   Mỹ xem xét gia hạn thuế quan đối với hàng nhập khẩu Trung Quốc (04/05/2022)

>   Kinh tế thế giới có sẵn sàng đối mặt 'lạm phát đình trệ' trong 2022? (04/05/2022)

>   Các ông lớn tiếp tục đau đầu vì thiếu hụt nguồn cung chip (04/05/2022)

>   Nga chạy đua ngăn chặn vụ vỡ nợ lịch sử kể từ năm 1917 (04/05/2022)

>   Lạm phát tại Hàn Quốc tăng lên mức cao nhất trong hơn 13 năm (03/05/2022)

>   Ông Putin tung thêm biện pháp trả đũa phương Tây (03/05/2022)

>   Nga tung gói cứu trợ kinh tế hàng chục tỷ USD để hóa giải lệnh cấm vận (03/05/2022)

>   Lạm phát đình trệ đang hình thành (07/05/2022)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật