Thứ Năm, 05/05/2022 01:39

Fed nâng lãi suất 50 điểm cơ bản, giảm quy mô nắm giữ trái phiếu từ tháng 6

Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) nâng lãi suất 50 điểm cơ bản trong ngày 05/05 (giờ Việt Nam), đánh dấu bước nâng lãi suất mạnh nhất trong hơn 20 năm.

Cùng với động thái nâng lãi suất, Fed còn báo hiệu sẽ giảm bớt quy mô của bảng cân đối kế toán (hiện ở mức 9,000 tỷ USD).

Để hỗ trợ nền kinh tế, Fed mua trái phiếu để giữ lãi suất ở mức thấp và bơm tiền vào nền kinh tế. Tuy nhiên, đà tăng mạnh của lạm phát khiến họ phải thay đổi quan điểm về chính sách tiền tệ.

Kế hoạch đưa ra trong ngày 05/05 (giờ Việt Nam) cho thấy quá trình giảm quy mô của bảng cân đối kế toán sẽ diễn ra qua nhiều giai đoạn, theo đó mỗi tháng, Fed sẽ cho phép một lượng trái phiếu đến hạn mà không tái đầu tư.

Kể từ ngày 01/06, Fed sẽ giảm 30 tỷ USD trái phiếu Chính phủ Mỹ và 17.5 tỷ USD chứng khoán đảm bảo bằng khoản thế chấp (MBS) mỗi tháng. Sau 3 tháng, nhịp độ sẽ nâng lên tương ứng thành 60 tỷ USD và 35 tỷ USD.

Chủ tịch Fed Jerome Powell

Các con số này cũng khớp với những gì đã bàn luận trong biên bản họp Fed tháng 3/2022. Do đó, thị trường không bị bất ngờ trước các động thái này. Sau khi Fed đưa ra tuyên bố, chỉ số Dow Jones bật tăng hơn 200 điểm trước khi hạ nhiệt trở lại.

Thị trường hiện dự báo Fed sẽ tiếp tục nâng lãi suất quyết liệt trong những tháng tới, với khả năng nâng 75 điểm cơ bản trong tháng 6/2022. Đợt nâng lãi suất ngày 05/05 sẽ đẩy lãi suất quỹ liên bang (Fed fund rate) lên phạm vi 0.75-1%. Theo dữ liệu từ CME Group, thị trường đang kỳ vọng Fed sẽ nâng lên 3-3.25% vào cuối năm 2022.

Trong tuyên bố đưa ra sau cuộc họp, Fed lưu ý hoạt động kinh tế “đã suy giảm trong quý 1/2022, nhưng chi tiêu của hộ gia đình và đầu tư cho tài sản cố định tại các doanh nghiệp vẫn còn mạnh”. Lạm phát “vẫn còn rất cao”, theo tuyên bố của Fed.

Trong phiên họp báo sau cuộc họp, Chủ tịch Fed Jerome Powell nhận định: “Lạm phát đang quá cao và chúng tôi hiểu những khó khăn mà lạm phát gây ra. Do đó, chúng tôi đang hành động khẩn trương để kìm hãm lạm phát”.

Ông Powell nói thêm “quan điểm chung của Ủy ban là có thể tiếp tục nâng lãi suất 50 điểm cơ bản tại các cuộc họp kế tiếp”, đồng thời cho biết hiện Fed chưa cân nhắc nâng lãi suất 75 điểm cơ bản.

Đáng chú ý, tuyên bố cũng có nhấn mạnh tới sự bùng phát Covid-19 tại Trung Quốc và các nỗ lực của Chính phủ nước này trong việc kiểm soát dịch bệnh. “Các đợt phong tỏa ở Trung Quốc có khả năng làm trầm trọng thêm sự gián đoạn chuỗi cung ứng. Ủy ban đang rất quan tâm tới rủi ro về lạm phát”, trích từ tuyên bố của Fed.

Động thái ngày 05/05 đánh dấu đợt nâng lãi suất lớn nhất của Fed kể từ tháng 5/2000. Tại thời điểm đó, Fed đang đối mặt với kỷ nguyên bong bóng dotcom và tình hình cũng khác so với hiện nay.

Khi đại dịch Covid-19 ập đến vào đầu năm 20202, Fed đã hạ lãi suất xuống gần 0%, đồng thời thực hiện chương trình mua trái phiếu để bơm tiền vào nền kinh tế. Kết quả là bảng cân đối kế toán bị “thổi phồng” lên gần 9,000 tỷ USD. Cùng lúc đó, Quốc hội Mỹ cũng thông qua hàng loạt dự luật tài khóa để bơm thêm hơn 5,000 tỷ USD vào nền kinh tế.

Các động thái chính sách này diễn ra ngay khi chuỗi cung ứng bị gián đoạn và nhu cầu bùng nổ sau khi phong tỏa được gỡ bỏ. Trong tháng 3/2022, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng 8.5%, là mức cao nhất trong 40 năm.

Trong nhiều tháng trước đó, các quan chức Fed cho rằng lạm phát chỉ tăng mạnh “tạm thời”, nhưng sau đó phải thay đổi quan điểm khi áp lực giá cả không thuyên giảm sau một khoảng thời gian dài.

Do đó, vào tháng 3/2022, Fed thực hiện đợt nâng lãi suất đầu tiên trong hơn 3 năm, đồng thời báo hiệu sẽ còn có thêm nhiều đợt nâng lãi suất trong thời gian tới.

Thị trường chứng khoán Mỹ lao đao trong năm nay, với Dow Jones giảm gần 9% và giá trái phiếu rớt mạnh. Lợi suất trái phiếu Chính phủ Mỹ kỳ hạn 10 năm (vốn dịch chuyển nghịch chiều với giá trái phiếu) tăng lên gần 3% trong ngày 05/05, mức cao chưa từng thây kể từ cuối năm 2018.

Lần gần nhất mà Fed quyết liệt nâng lãi suất như thế này diễn ra vào năm 2000-2001. Tại thời điểm đó, họ đã nâng lãi suất lên mức 6.5%, nhưng buộc phải hạ trở lại trong 7 tháng sau đó. Suy thoái cộng với đợt tấn công khủng bố vào ngày 11/09/2001 đã buộc Fed phải nhanh chóng hạ lãi suất về mức 1% vào giữa năm 2003.

Vũ Hạo (Theo CNBC)

FILI

Các tin tức khác

>   Mỹ xem xét gia hạn thuế quan đối với hàng nhập khẩu Trung Quốc (04/05/2022)

>   Kinh tế thế giới có sẵn sàng đối mặt 'lạm phát đình trệ' trong 2022? (04/05/2022)

>   Các ông lớn tiếp tục đau đầu vì thiếu hụt nguồn cung chip (04/05/2022)

>   Nga chạy đua ngăn chặn vụ vỡ nợ lịch sử kể từ năm 1917 (04/05/2022)

>   Lạm phát tại Hàn Quốc tăng lên mức cao nhất trong hơn 13 năm (03/05/2022)

>   Ông Putin tung thêm biện pháp trả đũa phương Tây (03/05/2022)

>   Nga tung gói cứu trợ kinh tế hàng chục tỷ USD để hóa giải lệnh cấm vận (03/05/2022)

>   Lạm phát đình trệ đang hình thành (07/05/2022)

>   Australia nâng lãi suất lần đầu tiên trong hơn 10 năm qua (03/05/2022)

>   Thế giới đang đương đầu với khủng hoảng 'người tị nạn khí hậu' (03/05/2022)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật