Thứ Năm, 05/05/2022 13:20

Trung Quốc có thể tốn gần 260 tỷ USD/năm để xét nghiệm Covid hàng loạt

Con số này tương đương 1,5% tổng sản phẩm nội địa (GDP) của Trung Quốc năm 2021 và khoảng 8,7% tổng thu ngân sách năm ngoái của Chính phủ nước này...

Xếp hàng xét nghiệm tại thành phố Đại Liên, tỉnh Liêu Ninh, Trung Quốc - Ảnh: Getty Images

Chính quyền thành phố Đại Liên, tỉnh Liêu Ninh, Trung Quốc hôm 3/5 thông báo sẽ triển khai xét nghiệm hàng loạt toàn bộ dân số và thực hiện hàng tuần, bắt đầu từ ngày 5/5. Cùng ngày, thành phố Trịnh Châu, tỉnh Hà Nam, cũng thông báo sẽ triển khai 3 vòng xét nghiệm tại các khu vực trung tâm, thực hiện tới ngày 6/5 tuần này.

Đây là 2 trong số ngày càng nhiều thành phố tại Trung Quốc triển khai xét nghiệm hàng loạt nhằm kiểm soát làn sóng dịch Covid đang tái bùng phát tại nước này, sau thủ đô Bắc Kinh, Thẩm Quyến và Hàng Châu.

Xét nghiệm hàng loạt thường xuyên

“Chiến dịch xét nghiệm hàng loạt thường xuyên có thể sẽ được mở rộng trên toàn quốc sau kỳ nghỉ lễ 5 ngày, kết thúc vào ngày 4/5, nhằm kiểm soát dịch bệnh tốt hơn”, ông Tao Chuan, nhà phân tích vĩ mô trưởng tại Soochow Securities, nhận định.

Theo tính toán của nhà phân tích này, nếu tất cả các thành phố cấp 1 và cấp 2 của Trung Quốc – với tổng dân số gần 505 triệu người – thực hiện xét nghiệm hàng loạt trong 1 năm, tổng chi phí có thể lên tới 1.700 tỷ Nhân dân tệ (tương đương 257 tỷ USD) – tương đương 1,5% tổng sản phẩm nội địa (GDP) của Trung Quốc năm 2021 và khoảng 8,7% tổng thu tài khóa năm ngoái của Chính phủ nước này.

Ông Tao cảnh báo rằng chi phí này sẽ tạo thêm gánh nặng cho chính quyền các địa phương khi mà họ vốn đã chịu áp lực do phải cắt giảm thuế và tăng chi cho cơ sở hạ tầng để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

“Chi phí hơn 100 tỷ Nhân dân tệ mỗi tháng để mua bộ xét nghiệm Covid không phải là nhỏ. Ngoài cách để người dân chịu chi phí này, việc phát hành trái phiếu chính phủ đặc biệt cũng là một lựa chọn quan trọng và khả thi để bù đắp cho chi phí này”, ông nói.

"Ít nhất về mặt chi phí, xét nghiệm hàng loạt thường xuyên là một lựa chọn tốt hơn so với việc phong tỏa nghiêm ngặt và nhắm mục tiêu cụ thể".

Tao Chuan, Soochow Securities

Bắc Kinh hiện vẫn kiên định thực hiện chính sách Zero Covid (không Covid) năng động trong bối cảnh nước này đối mặt làn sóng dịch bệnh tồi tệ nhất kể từ khi virus được phát hiện ở Vũ Hán hơn 2 năm trước. Nguyên nhân chính của làn sóng dịch này được cho là biến thể Omicron với khả năng lây lan cao.

Tuy nhiên, nhiều nhà kinh tế cảnh báo rằng các biện pháp chống dịch hà khắc đang cản trở con đường thực hiện mục tiêu tham vọng là tăng trưởng kinh tế khoảng 5,5% trong năm 2022 của Chính phủ Trung Quốc.

Tổ chức xếp hạng tín nhiệm Fitch Ratings hôm 3/5 đã hạ dự báo tăng trưởng kinh tế Trung Quốc năm nay từ 4,8% xuống còn 4,3%. Tổ chức này dự báo Trung Quốc sẽ tiếp tục duy trì chính sách zero Covid tới năm 2023.

Tiếp tục chính sách Zero COVID năng động

Trong cuộc họp hàng quý hôm 29/4, Bộ Chính trị Trung Quốc, cơ quan ra quyết định chính của Đảng Cộng sản Trung Quốc, cho biết nước này sẽ tiếp tục gắn bó với chính sách zero Covid năng động.

Tuy nhiên, các nhà lãnh đạo Trung Quốc cũng nhấn mạnh rằng các nỗ lực kiểm soát dịch bệnh “nên phù hợp với đặc tính mới của biến thể và khả năng lây lan của virus để giảm thiểu tác động của các đợt bùng phát dịch đối với sự phát triển kinh tế - xã hội”.

“Dù không phải là giải pháp tốt nhất, xét nghiệm hàng loạt thường xuyên vẫn là một lựa chọn đỡ tốn kém hơn so với việc thực hiện phong tỏa”, ông Tao nói.

Vị chuyên gia ước tính, Trung Quốc có thể thiệt hại 156,8 tỷ Nhân dân tệ (gần 23,7 tỷ USD) mỗi tháng nếu các thành phố lớn nhất, như Thượng Hải, phong tỏa trong 2 tuần. Hiện tại, các khu vực đang áp dụng phong tỏa một phần đóng góp tổng cộng 20% GDP Trung Quốc.

Trong khi đó, nếu thực hiện xét nghiệm hàng loạt trong một năm, nước này tốn khoảng 1.700 tỷ Nhân dân tệ (khoảng 257 tỷ USD), tức 143,6 tỷ Nhân dân tệ (tức 21,7 tỷ USD) mỗi tháng.

“Ít nhất về mặt chi phí, xét nghiệm hàng loạt thường xuyên là một lựa chọn tốt hơn so với việc phong tỏa nghiêm ngặt và nhắm mục tiêu cụ thể”, ông Tao nói.

Trong một báo cáo mới công bố của Founder Securities, các nhà phân tích cho biết lĩnh vực xét nghiệm tại Trung Quốc đang phát triển bùng nổ nhờ chính sách zero Covid năng động, đặc biệt trong năm nay.

“Xét nghiệm trở thành việc làm thiết yếu hàng ngày với mọi người để được ra ngoài”, báo cáo viết.

Tính tới giữa tháng 4, Trung Quốc có khoảng 13.100 cơ sở xét nghiệm Covid và có khả năng xét nghiệm 51,65 triệu mẫu bệnh phẩm mỗi ngày, theo Hội đồng Y tế Quốc gia của nước này.

Tháng trước, khi doanh nghiệp Trung Quốc bước vào mùa công bố kết quả kinh doanh, nhiều công ty lớn về xét nghiệm Covid báo cáo lợi nhuận "khủng" trong quý 1, tăng từ 58-190% so với cùng kỳ năm trước.

Ngọc Trang

VnEconomy

Các tin tức khác

>   Các nước đua nhau bảo vệ nguồn lương thực dự trữ bằng cách hạn chế xuất khẩu (05/05/2022)

>   Vết thương kinh tế lan rộng ở Trung Quốc (05/05/2022)

>   Điều gì xảy ra nếu Trung Quốc chịu lệnh trừng phạt giống Nga? (05/05/2022)

>   Fed nâng lãi suất 50 điểm cơ bản, giảm quy mô nắm giữ trái phiếu từ tháng 6 (05/05/2022)

>   Mỹ xem xét gia hạn thuế quan đối với hàng nhập khẩu Trung Quốc (04/05/2022)

>   Kinh tế thế giới có sẵn sàng đối mặt 'lạm phát đình trệ' trong 2022? (04/05/2022)

>   Các ông lớn tiếp tục đau đầu vì thiếu hụt nguồn cung chip (04/05/2022)

>   Nga chạy đua ngăn chặn vụ vỡ nợ lịch sử kể từ năm 1917 (04/05/2022)

>   Lạm phát tại Hàn Quốc tăng lên mức cao nhất trong hơn 13 năm (03/05/2022)

>   Ông Putin tung thêm biện pháp trả đũa phương Tây (03/05/2022)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật