Thứ Năm, 05/05/2022 16:04

Chuyện gì xảy ra khi EU chấm dứt nhập khẩu dầu Nga?

Nếu Liên minh châu Âu (EU) thống nhất cấm hoàn toàn nhập khẩu dầu từ Nga, động thái này có thể gây ra những tác động mạnh với chính khối và cả thị trường toàn cầu.

eu đề xuất cấm dầu của nga ảnh 1

Ủy ban điều hành của Liên minh châu Âu (EU) đã đề xuất loại bỏ dần việc nhập khẩu dầu của Nga trong vòng 6 tháng. Đây được coi là một phần nỗ lực của châu Âu nhằm dừng chi trả 850 triệu USD/ngày tiền năng lượng cho Nga sau chiến dịch quân sự của nước này tại Ukraine.

Tuy nhiên, việc đảo ngược sự phụ thuộc vào dầu mỏ và khí đốt tự nhiên của Nga kéo dài hàng thập niên không phải là vấn đề đơn giản với khối 27 quốc gia.

Hungary, Slovakia, Bulgaria và Cộng hòa Czech cho biết sẽ nhất trí với lệnh trừng phạt của EU cấm vận dầu mỏ nhập từ Nga, nếu khối đưa ra các biện pháp miễn trừ cụ thể. Tất cả đều là những nước phụ thuộc rất nhiều nguồn cung dầu mỏ của Nga, theo AP.

Châu Âu phụ thuộc thế nào vào dầu của Nga?

Kể từ khi giao tranh diễn ra ở Ukraine, dòng khí đốt và dầu từ Nga vẫn tiếp tục chảy vào châu Âu. Theo tính toán của các nhà phân tích tại cơ quan Bruegel ở Brussels, mỗi ngày EU tốn 450 triệu USD cho dầu và 400 triệu USD cho khí đốt tự nhiên.

Châu Âu là khách hàng mua dầu thô lớn nhất của Nga khi nhận 138 triệu tấn vào năm 2020 trong tổng số 260 triệu tấn xuất khẩu của Nga - tương đương 53%. Châu Âu sử dụng dầu để tinh chế thành nhiên liệu sưởi ấm và lái xe, cũng như làm nguyên liệu thô cho ngành công nghiệp.

Tại sao lại cấm dầu mà không phải là khí đốt?

EU khó tìm được các nguồn cung thay thế bởi khí đốt tự nhiên được vận chuyển chủ yếu bằng đường ống. Trong khi đó, nguồn dầu có thể vận chuyển bằng tàu và được giao dịch trên toàn cầu.

Vì vậy, tẩy chay khí đốt tự nhiên là điều gần như không thể vào lúc này. Những nước phụ thuộc nhiều vào khí đốt của Nga như Đức nói rằng việc cấm vận ngay lập tức có thể gây ra tình trạng thất nghiệp, khi hiệp hội công nghiệp cảnh báo các cơ sở kinh doanh thủy tinh và kim loại phải đóng cửa.

Giới kinh tế học nói rằng châu Âu có thể chứng kiến cảnh suy thoái khi cắt giảm cả khí đốt tự nhiên và dầu mỏ.

Điều gì xảy ra với châu Âu nếu dừng nhận dầu từ Nga?

Châu Âu đã nhập khẩu 3,8 triệu thùng/ngày từ Nga trước ngày 24/2. Về lý thuyết, các khách hàng châu Âu có thể thay thế những thùng dầu đó từ những nhà cung cấp ở Trung Đông - hiện chủ yếu xuất khẩu sang châu Á - cũng như từ Mỹ, Mỹ Latinh và châu Phi. Trong khi đó, dầu giá rẻ hơn của Nga có thể thay thế cho các chuyến hàng từ Trung Đông sang châu Á.

Tuy nhiên, vẫn sẽ mất thời gian để thực hiện kế hoạch này. Một số nhà máy lọc dầu lớn ở Trung và Đông Âu phụ thuộc vào dầu từ một đường ống thời Liên Xô. Họ sẽ phải tìm cách khác để lấy dầu nhằm sản xuất xăng và các sản phẩm khác.

Theo một số phân tích từ Bruegel, cắt dầu từ Nga đồng nghĩa với việc các nước châu Âu nên sẵn sàng áp dụng các biện pháp nhằm giảm thiểu sử dụng nhiên liệu, chẳng hạn như miễn phí vé giao thông công cộng và khuyến khích dùng chung xe cá nhân.

Nếu những biện pháp đó không hiệu quả, khối này thậm chí sẽ cần đến những biện pháp chặt hơn, như lệnh cấm lái xe chẵn lẻ dựa trên biển số xe. Những biện pháp tương tự từng được thực hiện trong lệnh cấm vận dầu mỏ năm 1973 của OPEC, khi Đức cấm ôtô vào các ngày chủ nhật.

Nga là nhà cung cấp diesel lớn cho châu Âu. Đây là nhiên liệu cho xe tải và thiết bị nông nghiệp. Do đó, giá của diesel tác động tới giá của nhiều loại thực phẩm và hàng hóa.

Chính phủ các nước EU cũng đang đánh cược khi cho rằng Nga sẽ không đáp trả bằng cách cắt nguồn cung khí đốt tự nhiên. Nga đã dừng cung cấp dòng năng lượng này cho Bulgaria và Ba Lan khi hai nước này từ chối thanh toán bằng đồng ruble.

Thị trường dầu toàn cầu chịu ảnh hưởng thế nào?

Vì dầu mỏ là hàng hóa toàn cầu, quyết định của EU sẽ ảnh hưởng tới mọi đối tượng khi giá dầu có thể tăng. Giá xăng, giá sưởi sẽ cao hơn, trong khi thu nhập không tăng hoặc tăng ít. Đây chính là lực cản đối với sự phục hồi kinh tế sau đại dịch Covid-19.

Nga có thể sẽ sản xuất và xuất khẩu ít dầu hơn sau khi mất khách hàng lớn nhất là châu Âu. Đó là vì Nga không thể ngay lập tức chuyển hướng tất cả mặt hàng xuất khẩu từ châu Âu ngay cạnh cửa nhà sang sang châu Á xa xôi do các hạn chế về vận chuyển và hậu cần.

Khách hàng ở Ấn Độ và Trung Quốc có thể tránh mua dầu của Nga nếu họ bị ảnh hưởng bởi các lệnh trừng phạt từ phương Tây. Và các khách hàng phương Tây tránh giao dịch với Nga vì họ không muốn liên quan tới nước này hoặc không thể tìm thấy các công ty bảo hiểm hay ngân hàng sẵn sàng xử lý các giao dịch với Moscow.

Mặt khác, một số khách hàng châu Á có thể chớp lấy cơ hội mua dầu giá rẻ của Nga.

Tổ chức OPEC do Saudi Arabia dẫn đầu nói rõ rằng họ sẽ không tăng sản lượng để bù đắp cho chỗ trống trong nguồn cung từ Nga. Rystad Energy dự kiến ​​lỗ từ 1,5-2 triệu thùng/ngày và dầu đạt 120-130 USD/thùng vào cuối năm.

Một kịch bản lạc quan hơn là mất 1 triệu thùng/ngày. Khi đó, lượng dầu của Nga bị châu Âu cấm vận sẽ chảy vào những nước không tham gia lệnh trừng phạt và rất cần nguồn cung này. Giá dầu sẽ giảm xuống dưới 100 USD vào tháng 6 và tiếp tục giảm xuống 60 USD vào cuối năm.

Ảnh hưởng tới Nga như thế nào?

Năng lượng là trụ cột chính trong ngân sách của Điện Kremlin. Chính phủ Nga nhận trung bình 43% doanh thu từ dầu và khí đốt tự nhiên trong giai đoạn 2011-2020.

Giá dầu thô Urals tiêu chuẩn - loại Nga xuất khẩu chính sang châu Âu - đã bị hạ giá 35 USD/thùng so với giá dầu Brent chuẩn quốc tế. Tuy nhiên, thiệt hại về doanh thu của Nga cho đến nay không đáng kể do giá dầu nói chung vẫn cao.

Doanh thu từ năng lượng đang hỗ trợ ngân sách cho Điện Kremlin, bổ sung vào dự trữ ngoại tệ có thể giúp Nga hỗ trợ đồng ruble, bù đắp một phần tác động từ lệnh trừng phạt đóng băng dự trữ ngoại tệ ở nước ngoài.

Các biện pháp trừng phạt mới nhất có thể sẽ có "tác động đáng kể" đến khả năng hỗ trợ cho chiến dịch của Nga ở Ukraine do nước này phụ thuộc vào thị trường dầu mỏ châu Âu, theo John Lough - chuyên gia tại chương trình Nga và Á-Âu tại Viện Vấn đề Quốc tế Hoàng gia London.

“Việc cắt giảm hơn nữa nguồn thu thuế liên bang cùng với dự đoán sụt giảm 5-10% GDP do các biện pháp trừng phạt sẽ gây ra những hậu quả to lớn đối với chi tiêu của chính phủ và có thể tạo ra bất bình trong xã hội", ông nói.

Tuy nhiên, ông cảnh báo lệnh cấm vận cũng đi kèm rủi ro. “Giá dầu tăng mạnh có thể giảm thiểu tác động lên nền kinh tế nếu Nga chuyển hướng dầu thô sang các thị trường ngoài châu Âu”, ông nhận định.

Phương Linh

ZING

Các tin tức khác

>   Dầu tăng hơn 5 USD khi EU đề xuất cấm vận dầu Nga (05/05/2022)

>   EU đề xuất kế hoạch cấm nhập khẩu dầu từ Nga (04/05/2022)

>   Nga phải giảm giá nếu muốn Trung Quốc, Ấn Độ mua năng lượng (04/05/2022)

>   Dầu sụt hơn 2% khi Trung Quốc đẩy mạnh các biện pháp phong toả (04/05/2022)

>   Châu Âu đau đầu tìm cách chặn nguồn thu từ dầu của Nga (03/05/2022)

>   Dầu khởi sắc do lo ngại về nguồn cung (03/05/2022)

>   EU có thể phải để Hungary và Slovakia hưởng ngoại lệ về dầu mỏ Nga (03/05/2022)

>   Các lựa chọn thay thế giúp châu Âu thoát lệ thuộc khí đốt Nga (01/05/2022)

>   Giá xăng sẽ tiếp tục tăng sau nghỉ lễ? (30/04/2022)

>   Tác động quốc tế của việc Nga ngừng cung cấp khí đốt cho Ba Lan và Bulgaria (30/04/2022)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật