Giá hàng hóa tăng vọt, các gã khổng lồ dầu khí lãi đậm
Các tập đoàn dầu khí thế giới ghi nhận lợi nhuận tăng vọt trong quý I/2022. Điều này gây ra tranh cãi khi nhiều hộ gia đình đang lao đao vì giá nhiên liệu tăng cao.
CNBC đưa tin hôm 5/5, tập đoàn dầu khí đa quốc gia Shell của Anh báo cáo lợi nhuận hàng quý cao nhất kể từ năm 2008 nhờ giá hàng hóa tăng vọt.
Trong 3 tháng đầu năm 2022, thu nhập đã điều chỉnh của Shell đạt 9,1 tỷ USD, gần với dự báo của các nhà phân tích được Refinitiv khảo sát. Con số này là 3,2 tỷ USD vào cùng kỳ năm 2021 và 6,4 tỷ USD trong quý IV/2021.
Công ty cũng công bố kế hoạch tăng cổ tức khoảng 4% lên 0,25 USD/cổ phiếu trong quý đầu tiên.
Tập đoàn dầu khí đa quốc gia Shell là một trong những gã khổng lồ năng lượng thu lời lớn nhờ giá dầu khí tăng vọt. Ảnh: Reuters.
|
Lãi lớn nhờ giá dầu khí tăng vọt
Shell cho biết đến nay, công ty đã hoàn thành mua lại 4 tỷ USD cổ phần, 4,5 tỷ USD còn lại dự kiến được hoàn tất trước khi hãng công bố thu nhập quý II. Trong phiên giao dịch sáng 5/5, giá cổ phiếu của gã khổng lồ dầu khí tăng 3%.
Ngành công nghiệp dầu khí thu lời lớn nhờ giá hàng hóa tăng cao, ngay cả khi nhiều công ty năng lượng phải gánh chịu chi phí khi rời khỏi Nga.
Công ty dầu khí BP (Anh) cũng vừa công bố kế hoạch đẩy mạnh chương trình mua lại cổ phiếu, sau khi lợi nhuận ròng trong quý I của hãng tăng lên mức cao kỷ lục trong vòng hơn một thập kỷ.
TotalEnergies (Pháp), Equinor (Na Uy) và các tập đoàn dầu khí khổng lồ của Mỹ Chevron và Exxon Mobil cũng báo cáo lợi nhuận quý đầu tiên tăng vọt.
Lợi nhuận kỷ lục của các công ty dầu khí gây tranh cãi, bởi nhiều hộ gia đình đang chật vật vì giá năng lượng tăng cao. Ảnh: Reuters.
|
Shell xác nhận chịu 3,9 tỷ USD thiệt hại sau thuế trong quý I do rời khỏi Nga. Trước đó, hãng cảnh báo rằng 4-5 tỷ USD giá trị tài sản có thể bốc hơi sau khi công ty rút hoạt động khỏi đất nước. Shell cho biết khoản tiền này sẽ không ảnh hưởng tới thu nhập đã điều chỉnh.
“Cuộc chiến ở Ukraine trước tiên là một thảm kịch của nhân loại, nhưng nó cũng gây ra sự gián đoạn đáng kể đối với thị trường năng lượng toàn cầu, và cho thấy rằng năng lượng an toàn, đáng tin cậy và giá cả phải chăng không thể được coi là điều đương nhiên”, Giám đốc điều hành Ben van Beurden khẳng định.
"Tác động của tình trạng không chắc chắn và chi phí gia tăng đang lan rộng. Chúng tôi đang làm việc với các chính phủ, khách hàng và nhà cung cấp để vượt qua những thách thức, mang tới các giải pháp và hỗ trợ ở những nơi có thể", ông nhấn mạnh.
Lợi nhuận trong cả năm 2021 của Shell cũng tăng mạnh nhờ giá dầu và khí đốt phục hồi.
Nhiều tranh cãi
Các tổ chức và nhóm hoạt động vì môi trường chỉ trích khoản lời kỷ lục của những công ty nhiên liệu hóa thạch ở Anh là "xấu xí". Bởi nhiều người tiêu dùng đang lao đao vì chi phí năng lượng tăng cao.
Giá năng lượng tăng cao cũng đẩy lạm phát lên cao. Theo dữ liệu chính thức, lạm phát tháng 3 của Anh đạt 7%, mức cao nhất trong vòng 30 năm. Giá thực phẩm và nhiên liệu tiếp tục đè nặng lên ví tiền của người tiêu dùng.
Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 3 của Mỹ cũng tăng 8,5% so với một năm trước đó (trên cơ sở chưa điều chỉnh). Đây là mức tăng giá chưa từng thấy kể từ thời kỳ lạm phát đình trệ diễn ra vào cuối những năm 1970, đầu thập niên 1980.
Cuộc chiến ở Ukraine trước tiên là một thảm kịch của nhân loại, nhưng nó cũng gây ra sự gián đoạn đáng kể đối với thị trường năng lượng toàn cầu.
Giám đốc điều hành Shell Ben van Beurden
|
Các nhà lập pháp của những đảng đối lập đã nhiều lần kêu gọi chính quyền Thủ tướng Boris Johnson tăng thuế đối với các công ty dầu khí nhằm hỗ trợ những hộ gia đình đang gặp khó khăn.
Bộ trưởng Tài chính Anh Rishi Sunak nhận định chính sách này có thể khả thi, nếu các công ty dầu khí không tái đầu tư lợi nhuận một cách hợp lý.
Nhưng ông Johnson đã từ chối những lời kêu gọi áp thuế bổ sung. Ông lập luận rằng loại thuế này sẽ không khuyến khích đầu tư và giữ giá dầu ở mức cao trong thời gian dài.
Hôm 4/5, Ủy ban châu Âu đã đưa ra các biện pháp trừng phạt mới đối với Điện Kremlin. Một trong số đó là cắt bỏ nhập khẩu dầu thô của Nga trong vòng 6 tháng.
Trong cuộc họp báo, Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen cho biết khối này đang lên kế hoạch cấm nhập khẩu hoàn toàn đối với mọi loại dầu mỏ, bao gồm qua đường biển và ống dẫn, dầu thô và dầu tinh chế của Nga.
Thông tin đẩy giá dầu thế giới tăng vọt. Giá dầu thô Brent giao sau chuẩn quốc tế đạt 110,9 USD/thùng, tăng gần 0,7% trong phiên giao dịch. Còn giá dầu Brent tương lai của Mỹ ở mức 108,4 USD/thùng, cao hơn khoảng 0,5%.
Thêm vào đó, dữ liệu của Viện Xăng dầu Mỹ (API) cho thấy lượng dầu thô dự trữ của nước này đã giảm 3,5 triệu thùng trong tuần kết thúc vào ngày 28/4. Con số này nhiều hơn mức dự báo 800.000 thùng của các chuyên gia được Reuters khảo sát.
Thảo Phương
ZING
|